Phân tích tác phẩm Ánh Trăng (Nguyễn Duy)
Hình ảnh vầng trăng sáng tỏ luôn hiện diện trong bức tranh văn học Việt Nam. Từ vầng trăng của những năm tháng xa xôi “ai người đầu đã trông trăng ấy. Trăng ấy soi người tự thuở nào” đến vầng trăng của hòa bình đêm nào soi sáng tâm hồn người chiến sĩ giữa rừng hoang sương muối. Con người ngắm trăng mà cảm mến trăng ở góc độ khác nhau. Đến lượt mình trăng không bao giờ lặp lại trong từng tác phẩm nghệ thuật, kể cả khi thi nhân có cùng một tâm trạng thì trăng vẫn cứ có những nét vẽ rất riêng. Với Nguyễn Duy, ánh trăng không được cảm nhận bằng vẻ đẹp mà được nhìn ở góc độ triết lý sâu xa. Ánh trăng là một trong những sáng tác nổi bật cho đời thơ Nguyễn Duy, là lời gửi gắm đến mọi người về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính.
Ánh trăng chính là lời tâm tình của một người chiến sĩ bước ra từ cuộc chiến. Khi đã trải qua bao nhiêu cam go, thử thách của chiến trường, chứng kiến bao nhiêu đồng đội đã không thể trở về, Nguyễn Duy càng thấm thía hơn giá trị của những hi sinh, mất mát mà thế hệ đi trước đã trả giá cho nền hòa bình độc lập hôm nay. Có lẽ thế, những vần thơ của Nguyễn Duy giàu cảm xúc và những nỗi trăn trở được mất khi mỗi con người chúng ta đang sống hôm nay. Trong chất thơ giản dị mang chút phong sương của người lính, Nguyễn Duy gợi cho chúng ta về một quá khứ đã bị lãng quên.
Bài thơ gồm sáu khổ thơ năm chữ kết hợp tự sự với trữ tình, là hồi ức mộc mạc, giản dị được kể lại theo trình tự thời gian. Từ một câu chuyện riêng của tác giả, Ánh trăng trở thành lời nhắc nhở sâu xa thấm thía về cảm xúc ân tình với quá khứ gian lao nhưng đầy tình nghĩa đối với thiên nhiên đất nước.
Vầng trăng chính là người bạn thủy chung theo con người từ khi còn bé đến lúc trưởng thành. Dù đến khi bị con người lãng quên bởi những thứ xa hoa thì ánh trăng vẫn trọn vẹn tiếng nói ân tình.
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ”
Chỉ bằng bốn câu thơ súc tích, Nguyễn Duy đã thể hiện được sự gắn kết giữa ánh trăng và con người. Điệp ngữ “với” trong hai dòng thơ đầu, người đọc có thể hình dung ra một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm êm đềm khi được hòa mình vào không khí trong lành của đồng ruộng, được hứng dòng nước mắt rượi của sông của bể. Một tuổi thơ bình dị với đồng ruộng mênh mông, với con sông bát ngát, với những cánh đồng trĩu nặng phù sa. Vầng trăng xuất hiện trong ký ức tuổi thơ là những tháng ngày giăng câu, xúc tép giữa đêm hôm được vầng trăng soi rọi, là những đêm quây quần bên góc sân, cùng nghe kể chuyện ngày xưa, cùng thổi nồi bánh nóng dưới ánh sáng vàng nhạt của ánh trăng. Trăng không chỉ soi tỏ góc sân mà còn tràn ngập cả vườn cây, đồng lúa, không chỉ soi sáng vùng trời mà còn soi rọi cả tuổi thơ. Lớn lên, theo kháng chiến trường kỳ, nhà thơ gắn bó với ánh trăng trong những năm dài chiến đấu. Vầng trăng vì thế cũng trở nên thân quen bởi giữa rừng núi hoang vu cùng đồng đội “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”, cũng trong những đêm ấy, vầng trăng như hòa cùng tinh thần người lính, tạo nên cái nhìn tinh nghịch “đầu súng trăng treo”. Bao lần họ cùng đắm mình dưới trăng, cùng hát ca, quây quần dưới tiếng khèn vi vút trong những đêm liên hoan, cùng ngắm mảnh trăng nhớ về ánh mắt người yêu đang trông đợi ở quê nhà, cùng hành quân trên chặng đường đầy ánh trăng sáng. Anh và trăng vì thế đã trở thành đôi bạn thân, khăng khít, gắn bó ngỡ không thể nào quên. Tình cảm ấy, nghĩa tình ấy chỉ có thể gọi với nhau bằng hai từ “tri kỷ”.
Tri kỷ là biết người như biết mình, bạn tri kỷ là bạn rất thân và hiểu rõ về ta. Thế đấy, trăng và người lớn lên, người cùng trăng trưởng thành. Dù người có ngây thơ cười vang tưởng tượng trên cung trăng là chú cuội hay đã trở thành một người lính kiên trung thì trăng vẫn bên cạnh là nguồn vui, là niềm an ủi. Với người trăng không là trăng nữa mà là người, là bạn, là đồng chí.
Vầng trăng đẹp và ân tình gắn với kỉ niệm thiếu thời và những năm chinh chiến xa nhà. Trăng là quê hương, là nỗi niềm và cũng như một cố nhân. Trăng với người hòa hợp và rộng mở. Để rồi người cứ ngỡ rằng chẳng thể nào quên đi ánh trăng tình nghĩa ấy.
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
từng câu thơ đã mở ra trong tâm tư ta một không gian rộng lớn, khoáng đạt. Con người cùng với thiên nhiên đã tạo ra một mối quan hệ tri kỷ, thủy chung. Nhà thơ đã khéo sử dụng nhiều hình ảnh chân thực, giản dị thông qua từ ngữ hàm xúc “trần trụi”, “hồn nhiên” để nói lên được giữa con người và vầng trăng xưa kia không có chút nào là khoảng cách. Con người sống chan hòa cùng với ánh trăng, mở rộng lòng mình với từng nhành cành, ngọn cỏ. Hồn nhiên là thế, vô tư là thế, nào biết đến toan tính, lọc lừa. Nào nghĩ về một ngày mai mình trở nên thay đổi. Trăng cũng thế, dung dị và mở rộng. Trăng chan hòa ánh sáng khắp vạn vật, trăng chẳng thiên vị ai, cho ai nhiều hơn ai ít hơn. Cho đi tất cả những gì mình có, đong đầy tình thương cho khắp muôn người. “vầng trăng tình nghĩa” ngỡ không bao giờ có thể quên. Một ý thơ lay động tâm hồn, như một sự thức tỉnh lương tâm đối với những kẻ vô tình: “ngỡ không bao giờ quên”. Ngỡ là cảm xúc ngạc nhiên xen lẫn thất vọng mà trước đó người ta không bao giờ nghĩ nó sẽ xảy ra. Phải rồi! Khi người còn say sưa với hiện tại, trăng vẫn còn lung linh và duy nhất trong mắt người thì ai nỡ lòng nào nghĩ đến cảnh chia lìa, nghĩ rằng mình sẽ chóng quên.Từ “ngỡ” như một điểm nhấn, mang tính dự báo là sẽ quên, trong đó như có lời tác giả tự trách mình.
Những cuộc hành quân gian khổ đã mang chiến thắng trở về, hòa bình lập lại, người lính rời chiến trường trở về thành phố sống cuộc sống đô thị với các tòa nhà cao tầng, với cửa gương, ánh điện sáng choang cùng biết bao điều tiện nghi hiện đại khác. Điều kiện bên ngoài vô tình khiến thay đổi tâm trạng con người, người lính nghĩa tình ngày nào giờ xao lãng với ánh trăng thân thương thuở trước, ánh trăng của tuổi thơ, ánh trăng của những ngày xa quê chiến đấu:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
“Ánh điện cửa gương” là phép hoán dụ cho cuộc sống đầy đủ vật chất, cuộc sống mới khi người lính rời rừng về lại thành phố. Con người đắm chìm trong cuộc sống náo nhiệt, đủ đầy mà trước đây chưa từng có. Cũng chính giây phút ấy, người bạn tri kỷ hôm nào đã thật sự bị lãng quên. Khoảng cách từ “tri kỷ” đến “người dưng” sao mong manh, ngắn ngủi đến xót xa. Có phải lý do là “từ hồi về thành phố, quen ánh điện cửa gương”, để rồi từ một người tri kỷ cùng đồng hành từ thuở thiếu thời cho đến lúc sinh tử vào sống ra chết trên trận địa lại trở thành “người dưng qua đường”. Quả thật làm người đọc cảm thấy nhói lòng.
Và mọi thứ có lẽ sẽ tiếp tục như thế nếu như không đặt người vào tình huống.
“Thình lình đèn điện tắt
đèn buyn đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”
nhà thơ đã đặt người lính vào trong một tình huống bất ngờ để rồi từ đó bộc lộ được tâm tư khi bắt gặp ánh trăng hiện diện bên ngoài. Thành phố bị mất điện, sự xa hoa, hào nhoáng, tiện nghi ngày nào bây giờ cũng chìm trong màu đen của đêm tối. Cảm giác ngột ngạt vì thiếu thốn sự hiện diện của những thứ quen thuộc hàng ngày khiến người lính năm nào khó chịu, vội “bật tung cửa sổ. Thật ra nếu người lính không bật tung cửa sổ thì ánh trăng vẫn ở đấy, vẫn cứ hẹn ước với đêm rằm. Vậy thì điều gì “đột ngột”? Trăng chẳng chơi trò trốn tìm để bất ngờ xuất hiện làm con người giật mình. Cái đột ngột ở đây cảm xúc bất chợt khi lâu lắm rồi con người mới bắt gặp ánh trăng. Sự đối diện này không hẹn trước khiến cho người bối rối chẳng biết cất tâm tư ở nơi nào. Điều mà người lính nhìn thấy không phải ánh sáng đèn đường rực rỡ của chốn thị thành mà là gương mặt một tri âm mà từ lâu mình đã cho vào quên lãng.
Hình ảnh vầng trăng tròn” vừa tả thực vừa có ý nghĩa ẩn dụ về sự thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình của thiên nhiên, quá khứ dành cho con người. Mặc cho lòng người thay đổi, trăng muôn đời vẫn thế. Phải chăng chỉ có vầng trăng là duy nhất một đường đi còn con người thì muôn lối rẽ? Chính sự vô tâm, hời hợt của lòng người mới khiến trăng và người xa cách. Trăng vẫn soi bên ngoài cửa sổ, ý thơ thật đẹp! Cửa sổ ấy đâu chỉ là cửa sổ thông thường của một tòa cao ốc mà là cửa sổ lạnh nhạt che khuất tâm hồn người lính, là rào cản đưa con người dần xa ký ức tươi đẹp của quá khứ, tách dần khỏi ánh sáng nghĩa tình. Thế nên khi người lính bật tung cửa sổ, đã phá bỏ lớp rào kia thì không còn điều gì có thể ngăn cản được một cuộc hồi sinh của ký ức.
Trong khoảnh khắc ấy, ánh sáng quá khứ bừng lên thức tỉnh con người về sự thờ ơ, vô cảm của mình. Người lính ngước lên đối diện với vầng trăng để cho những kỷ niệm cứ thế ùa về.
“ngửa mặt lên nhìn mặt
có gì đó rưng rưng”
Hai gương mặt, nhưng lại là hai trạng thái cảm xúc khác nhau: gương mặt người lính thảng thốt, bất ngờ rồi rưng rưng xúc động còn gương mặt của trăng thì im lìm, lặng lẽ. Có lẽ hai gương mặt ấy đang nhìn vào nhau, đang tìm kiếm sự đồng điệu trong tâm hồn và trong những dòng ký ức ùa về như thác lũ, để rồi “cái gì đó rưng rưng” ấy chính là những kỷ niệm chất chứa bấy lâu rồi trào dâng “rưng rưng” nơi khóe mắt theo hồi ức ngày xưa.
“Như là đồng, là bể
như là sông, là rừng”
Cấu trúc sóng đôi, nghệ thuật so sánh hòa quyện cùng với phép liệt kê và điệp cấu trúc khiến người đọc tưởng tượng ra được hình ảnh cả đồng ruộng mênh mông, bể đầy cua tôm, trăng ngàn bát ngát, cả dòng sông trĩu nặng phù sa mỡ màu vun đắp cho vùng đất quê hương và cả những cánh rừng bạt ngàn nơi gắn bó thời kỳ hoa lửa.
“Chợt hiện về, thăm thẳm núi non kia
dưới lá là hầm, là tăng, là võng
là cơn sốt rét rừng vàng bủng
là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn..”
(Nghe tắc kè kêu trong thành phố – Nguyễn Duy)
Hai câu thơ tuy ngắn nhưng mạch thơ lại kéo dài bất tận, như gọi về những kỷ niệm quá khứ và cái tình những tháng năm xưa, như chính giây phút này, tâm hồn con người được đánh thức sau thời gian dài tâm trí lãng quên.
Vật chất bủa vây, tiện nghi đầy đủ, người lính quên đi những tháng ngày gian khó, những trận chiến ác liệt nhưng thấm đẫm tình người bao la, tình đồng đội, đồng chí sát cánh kề vai. Dù bị lãng quên, nhưng vầng trăng trước sau vẫn thủy chung như một, vẫn bình dị và lặng lẽ, độ lượng và khoan dung:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Trăng không nói lời nào, cũng không oán hờn hay trách cứ bất kỳ ai. Giây phút này là thời khắc của sự im lặng để người lính tự vấn lòng mình. Không một tiếng động, không một âm thanh, nhưng chính sự im lặng đó đã khiến người lính bất giác “giật mình”. Giật mình” là sự bất ngờ trước tác động từ ngoại cảnh, thế nhưng trong câu thơ này, “giật mình” chính là sự thức tỉnh của lương tri với biết bao suy tư mà tác giả gửi gắm vào trong đó. Ánh trăng cho ta một bài học đắt giá về lòng người và tình đời. Ta cứ mãi đi lên phía trước, cứ mãi chạy theo những phù phiếm mà quên mất điều đơn giản cận kề. Tương lai ai mà không mong mỏi chạm đến nhưng để có được hôm nay cần phải trải qua bước đệm của quá khứ. Cũng như để có được nền hòa bình đã có bao nhiêu thế hệ ngã xuống. Nhớ về vầng trăng là nhớ về gương mặt đồng đội của mình, những người lính sắp về thành phố nhưng vẫn mãi mãi gửi xương máu lại chiến trường.
“anh nằm lại trước cửa vào thành phố
giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh”
(Nghe tắc kè kêu trong thành phố – Nguyễn Duy)
Với giọng điệu tâm tình như đang kể câu chuyện của chính cuộc đời mình, nhà thơ Nguyễn Duy sử dụng nhiều bút pháp, kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình. Câu thơ khi căng, khi chùng, khi thì hồ hởi như đang hân hoan trước một tình yêu phía trước, khi thì lại trầm lắng suy tư như nhắc nhở mọi người chứ không chỉ riêng mình, lại có chỗ thiết tha, xúc động đau đáu một nỗi niềm… Tất cả đã tạo nên một “Ánh trăng” với hình ảnh nghệ thuật chứa đựng cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về cuộc đời và tình người thời hậu chiến.
“Ánh trăng” như một lời nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính, gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Qua đó, nhắn nhủ đến thế hệ tiếp theo kế thục thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Bài thơ khép lại nhưng ánh trăng vẫn còn đó, vẫn soi sáng tâm hồn con người đang chìm đắm trong cuộc sống vật chất mà quên đi chính nghĩa tình mới làm nên một con người hoàn thiện.