Cảm nhận bài thơ “Bếp Lửa” – Bằng Việt – Lớp 9 HK1 – Phần 2
Cũng giọng kể mộc mạc, ngôn ngữ giản dị nhưng chính lời tâm tình, thủ thỉ của đứa cháu xa quê đã dần vẽ thêm những nét bút để bức chân dung về người bà giàu đức hi sinh hiện lên.
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh :
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên !”
Không nhằm khắc họa chiến tranh nhưng đoạn thơ lại giàu sức gợi tả đã tái hiện lại hiện thực của những năm tháng đau thương mà oanh liệt. Sự tàn phá của chiến tranh đã viết nên bao nhiêu câu chuyện. Mãi sau này chúng ta cũng không thể nào quên hình ảnh cái làng Chợ Dầu cháy rụi, nỗi đau của người dân buộc phải xa quê. Cũng không thể xóa đi hình ảnh chiếc lược ngà trong tay người cha trước lúc hi sinh. Kể sao cho xiết bao nhiêu mất mát, vợ mất chồng, con sớm lìa cha, xóm làng đói nghèo, nhân dân lao đao theo từng tiếng súng. Bất chấp mọi sự rào cản, dây thép gai đâm nát trời chiều, thực dân, đế quốc có dùng xiềng xích cũng không khoá được lòng yêu nhà thương nước của nhân dân, không gian giữ được lòng người hướng đến tự do. Để tách dân ra khỏi quân, để tỏ rõ sức mạnh quân sự, chúng bắn phá, đốt làng, bắt người. Tuy vậy, nhân dân vẫn kiên cường đứng lên, vẫn cùng nhau vượt qua tháng ngày gian khổ ấy. Câu thơ với sự lặp lại của động từ “cháy” xen vào từ ghép “tàn lụi”đã nhấn mạnh nỗi mất mát của nhân dân và tội ác của chiến tranh. Cũng từ đó nhà thơ muốn ca ngợi những con người đầy nghị lực, sức sống, bước ra từ trong khói lửa.
“Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”
Từ láy “lầm lụi”gợi tả dáng dấp những kiếp đời lam lũ. Họ bước ra từ trong khói lửa của chiến tranh, từ trong những đau thương, mất mát. Từng nét mặt, từng ánh mắt hằn lên dòng lịch sử một giai đoạn bi thương mà chẳng ai có thể nhẹ nhàng khi nhắc đến.Trong gian khổ, tinh thần tương thân tương ái lên ngôi. Chính sức mạnh đoàn kết xuất phát từ những con người khao khát sống mãnh liệt đã thúc đẩy cuộc chiến tranh vệ quốc đến ngày thắng lợi. Những kiếp người ấy, những nỗi đau ấy gọi tên bà. Bà trong ký ức của cháu không chỉ là một người bà tảo tần mà còn là một người phụ nữ kiên cường, đầy bản lĩnh. Dù cho một thân một mình gồng gánh, tuổi thì già, cháu còn thơ dại nhưng đứng trước biến cố bà vẫn bình tâm để mà dặn cháu “cứ bảo nhà vẫn được bình yên”. Từ láy “đinh ninh” đã bộc lộ được nỗi lòng của người bà người mẹ hậu phương. Bà sẵn lòng ở lại, gom hết vất vả, cơ cực của đời thường để con cháu có thể yên tâm mà lo trọng trách đối với đất nước. Bà hiểu rằng đứa cháu ngây dại của mình rồi sẽ kể lể, tỉ tê những chuyện ở nhà. Bà không muốn cháu kể cho bố mẹ nghe cũng vì không muốn để những chuyện phiền toái nhỏ nhặt làm ảnh hưởng đến tâm lý của người ra trận. So với đắng cay đời bà thì chuyện nhà cháy rụi hay dắt dìu đứa cháu đi tránh bom đạn chỉ là những chuyện bình thường. Thế nên không có gì để mà than thở với cháu con. Lòng bà vẫn vững vàng, son sắt với quê hương, thuỷ chung với cách mạng như tre bao đời bám chặt rễ mình giữ đất. Giặc đốt nhà thì di tản, đến khi giặc đi rồi sẽ lại trở về. Căn nhà tuy có quan trọng với con người nhưng tinh thần vẫn là điều cần phải giữ. Đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng tin vào tiền tuyến đang ngày đêm đấu tranh chống kẻ thù.
Đọc những dòng thơ, ta như nhìn thấy gương mặt những bà mẹ anh hùng. Bà mẹ của cán bộ, chiến sĩ và của đất nước Việt Nam. Những người phụ nữ lùi lại phía sau, ôm hết đau khổ, đắng cay, thiệt thòi về bản thân để làm hậu phương vững chắc. Chân dung người bà chu đáo, lo toan của nhà thơ lần duy nhất xuất hiện trực tiếp thông qua lời nói. “mày có viết thư chứ kể này kể nọ”. Cách xưng hô, cách dùng từ ngữ đều đời thường đúng như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không cần trau chuốt, tỉa gọt, không cầu kỳ, bóng bẩy, Bằng Việt làm ta nhớ đến những người bà của riêng ta, bà hay mắng yêu cháu, thậm chí là gọi cháu bằng “mày” nhưng đó là cách gọi của tình thâm, của tấm lòng bà giản dị, bao dung.
Từ hình ảnh bếp lửa, nhà thơ nâng lên thành ngọn lửa, ngọn lửa của lòng bà âm ỉ qua năm tháng.
“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
Bếp lửa của bà sống mãi cùng năm tháng, bên cháu vượt qua những chặng đường dài ở mọi miền đất nước. “Rồi sớm rồi chiều”thời gian đâu dừng lại một ngày mà là cả một đời âm thầm của bà nhóm bếp. Lửa trong lòng bà truyền cho cháu, lửa trong tâm tưởng cháu cháy rực một nỗi nhớ về bà. Không chỉ là bếp lửa mỗi ngày bà nhóm lên khói cay xè mắt cháu. Đâu chỉ là bếp lửa sưởi ấm đôi tay bé nhỏ của cháu trong những mùa gió lạnh mà bếp lửa kia hoá thân thành ngọn lửa sưởi ấm cả tâm hồn ngây dại của cháu. Nhà thơ gọi đó là ngọn lửa “chứa niềm tin dai dẳng”, ngọn lửa của tình bà nồng ấm, tình cảm gia đình thiêng liêng. Với nhà thơ, đó còn là ngọn lửa của niềm tin yêu, hy vọng. Phép điệp “một ngọn lửa” như sức lan tỏa của tình yêu qua từng thế hệ. Tình cảm gia đình đâu chỉ ẩn mình nơi chái bếp, trong ô cửa mà còn âm ỉ cháy trong tim mỗi con người để từ tình yêu bà, cháu yêu cả xóm làng thân thuộc, yêu từng bờ tre, gốc chuối và lớn hơn nữa cháu yêu mảnh đất quê hương mình. Ngọn lửa trong tim bà là cội nguồn của mọi sự yêu thương, đức hi sinh không bao giờ tắt. Từ láy “dai dẳng”chính là sức sống thần kỳ của tình bà cháu. Không chỉ hôm qua, không phải khi cháu còn bé dại, hôm nay và mãi sau này ngọn lửa bà nhen luôn là điều tuyệt vời nhất mà cháu mang theo từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Ngọn lửa trong tay bà nhóm như một hạt mầm gieo vào miền đất cháu một tình cảm lớn để từ ngọn lửa cháu có thêm vô vàn những bài học quý về cuộc sống. Thế nên cháu đâu thể nào dùng lời để diễn tả hết lòng mình. Dấu chấm lửng như muốn nói rằng có những điều thiêng liêng vượt qua giới hạn của ngôn từ. Bà trong lòng cháu cũng thế, ngoài là nhịp cầu kết nối thế hệ, bà còn là người giữ lửa, truyền lửa cho con cháu mai sau.
Với lòng yêu thương, kính trọng, nhà thơ mở ra những suy ngẫm về cuộc đời bà.
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”
Chỉ bằng một từ láy “lận đận” kết hợp với phép ẩn dụ “nắng mưa” nhà thơ đã có cái nhìn xuyên suốt về quãng đời nhiều lo toan, vất vả của bà. Không lận đận làm sao được khi bao năm thay con nuôi cháu, một mình đồng sâu ruộng cạn lại còn bảo vệ cháu trước mưa bom. Cuộc đời bà trải qua bao nắng mưa, nhiều thăng trầm nhưng chẳng bao giờ lùi bước. Bà như gốc cổ thụ vững vàng trong giông bão, càng già càng rắn rỏi, bám rễ sâu chắt nước cho đời. “Mấy chục năm rồi” mà vẫn như hôm nào bà vẫn không thể tách rời bếp lửa, vẫn giữ cho mình thói quen dậy sớm để nhóm bếp hồng. Tuy bên ngoài lời thơ là lời kể về cuộc đời bình dị của bà nhưng thật ra bên trong vẫn chan chứa nỗi xúc động của cháu và đặc biệt là chất nghị luận thấm đẫm từng câu chữ. Thói quen dậy sớm của bà dù những tháng ngày vất vả đã qua, dù cháu không còn bé, nó đã trở thành tính cách, nếp sống của bà. Cuộc đời có đổi thay nhưng sự tảo tần, đức hi sinh trong bà vẫn vẹn nguyên. Bà vẫn tiếp tục “nhóm” bếp lửa, tiếp tục dùng đôi tay cần mẫn để chăm chút yêu thương. Điệp ngữ “nhóm” vang lên như từng sợi dây đàn rung cảm trong lòng cháu, nhắc nhở cháu đừng quên những tháng ngày thiếu thốn cùng nồi xôi, củ sắn. Chính thời gian khó nhọc ấy mới tạo nên chiếc rễ khoẻ mạnh, bám chặt, ăn sâu vào đời sống. Trên hết, câu thơ ấm áp tình làng nghĩa xóm, tình cảm giữa con người với nhau không phải được đo bằng vật chất mà quý nhau ở tấm chân tình. Sống phải biết san sẻ, gắn bó, cho đi để thấy lòng thanh thản.
Một bếp lửa, một ngọn lửa bình dị thế kia nhưng lại là nguồn cảm hứng bất tận của nhà thơ. Hơn mười lần hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa xuất hiện cũng là từng ấy lần nhà thơ bồi hồi nhớ về bà để rồi phải bật lên thành câu cảm thán.
“Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa”
Với cháu, bếp lửa đâu chỉ có lửa và khói mà còn có hình ảnh thân yêu của bà, còn có bao nhiêu điều hay lẽ phải. Thế nên sức mạnh kỳ diệu mà cháu nói là sức mạnh nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ để khi nơi đất khách cháu vẫn trân trọng giá trị bình dị của quê nhà yêu quý những điều rất riêng của tuổi thơ. Câu thơ đặc biệt hơn bởi dấu gạch ngang đứng trước hai từ “bếp lửa”như một dấu lặng nghệ thuật, phía sau ấy là những điều khó mà giải bày bằng ngôn ngữ như thanh âm không cần lời vẫn khiến lòng xao xuyến. Càng đến cuối bài thơ, chúng ta càng cảm nhận được hết vẻ đẹp “thiêng liêng” của bếp lửa.
Sự kết hợp giữa chất trữ tình và suy ngẫm đã làm nền để cuối bài thơ Bằng Việt khép lại hình tượng bếp lửa bằng những chiêm nghiệm về bà khi cháu đã trưởng thành.
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở :
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?”
Hôm nay cháu không còn là đứa trẻ lên bốn mắt mũi lấm lem khói bếp, bà cũng không còn phải lặn lội đồng xa nhưng ngọn lửa, bếp lửa kết nối giữa bà và cháu không bao giờ nguội lạnh. Ở nơi đất khách, có “khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” cũng không sao thay thế được bếp lửa nồng hậu bà nhen. Phép liệt kê này như mở ra trước mắt người đọc những chân trời cháu đi qua đi, cuộc sống rộng mở phía trước, đời đã đi lên và còn nhiều điều hy vọng đang chờ đón. Tuy vậy cháu vẫn nhớ đến quá khứ, nhớ về bếp lửa như một thói quen để tự nhắc nhở bản thân ghi khắc những lời bà dạy bảo. Những vui buồn ngày hôm nay, những thành công hiện tại cháu có được cũng đều ươm mầm từ bàn tay bà chăm chút. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng bộc bạch động lực để cháu trở nên can đảm, kiên cường hôm nay cũng xuất phát từ tình yêu thương của bà.
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà!”
Có những người phụ nữ tuyệt vời như thế mỗi gia đình mới có thể bình yên. Người bà, người mẹ Việt Nam với dáng vẻ chân quê, lam lũ bên trong họ là sự cần mẫn, tấm lòng rộng mở, nhân hậu bao dung. Họ là hiện thân cho quê hương, đất nước cho những con người sống trong cơ cực mà vẫn chắt lọc trái ngọt cho đời.
Đọc thơ Bằng Việt, ta bắt gặp một phong cách rất riêng giàu suy tưởng của trí tuệ và cũng nhiều rung động tinh tế. Lời thơ bình dị nhưng vẫn chan chứa chiều sâu suy tưởng. Bếp lửa đã xây dựng một hình tượng nhiều tầng ý nghĩa thông qua đó nói lên được thái độ biết ơn của nhà thơ đối với người bà của mình và cũng là lời cảm ơn chân thành đối với những bà mẹ quê hương. Nhà thơ đã từng chia sẻ “Trong cả hai cuộc Kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ, có lẽ vai trò của những người bà, người mẹ, người chị… như thế là không có gì thay thế nổi. Và có thể nói không ngoa rằng chính những con người hiền hoà, nhân hậu, khiêm nhường ấy đã cùng nhau gánh cả cuộc kháng chiến lên trên đôi vai gầy guộc, bé nhỏ của mình. Tôi tự hào dù chỉ làm được một chút gì an ủi những năm đằng đẵng vất vả, dài dằng dặc ấy của bà, như tiếng chim tu hú cộng hưởng với nỗi cô đơn lo toan của bà, gắng làm cho bà được nhẹ nhõm hơn, bớt cảm giác cô đơn, lận đận hơn”.
Qua dòng hồi tưởng của người cháu hình tượng người bà và bếp lửa hiện ra chân thật, sống động và chan chứa ân tình. Yêu thương bà, nhà thơ trân trọng cả những giá trị tinh thần mà quê hương đem đến. Bài thơ còn là tiếng nói của thái độ sống ân nghĩa thuỷ chung. Thật may mắn làm sao khi sống trong tình thương mến của gia đình, được là thế hệ sau của một dân tộc giàu lòng nhân ái, trọng tình nghĩa, vẹn thuỷ chung. Có như thế mới thấy được những điều giản đơn nhất bên cạnh chúng ta mỗi ngày đều có sức nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời.