Trình bày suy nghĩ về vấn đề “văn học là tình thương” – Văn mẫu 8
Nhà phê bình Hoài Chân đã từng viết“Cốt lõi của nhân đạo là lòng yêu thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người”. Lòng yêu thương hay nói cách khác là lòng nhân đạo, là chữ tâm đặt trong tim mỗi con người chính là nguồn gốc cốt yếu của văn chương và cũng là điều mỗi nhà văn hướng đến. Văn học chính là tình thương. Đặc biệt với nền văn học của một dân tộc trọng nhân nghĩa, tình người như Việt Nam thì tác phẩm văn học phải là bài ngợi ca “thương người như thể thương thân” và lên án những kẻ đi ngược lại đạo lý tốt đẹp này.
Từ bé mỗi con người chúng ta đã trải mình vào dòng sông mênh mông của văn học bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích đến những bài ca dao mẹ hát ru trên cánh võng đong đưa. Lớn lên ta lại để tâm hồn tắm mát bằng những cảm xúc chân thành đến từ các tác phẩm truyện, thơ được học. Ấy chính là văn học. Vậy có thể hiểu văn học là một bộ phận của nghệ thuật dùng ngôn từ làm chất liệu để làm lớp vỏ ngoài cho tình cảm, tư tưởng của nhà văn được bộc lộ. Một tác phẩm văn học được xây dựng trên năm yếu tố cơ bản: đề tài, chủ đề, tư tưởng, nhân vật, kết cấu và nghệ thuật. Tác phẩm văn học không chỉ tái hiện lại cuộc sống con người mà còn phải truyền đạt vào đấy một suy nghĩ, một tình cảm, một góc nhìn rất riêng qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ.
Sợi dây bền bỉ làm nên sức sống dẻo dai của văn học là sợi dây tình thương. Có lẽ trong những tình cảm đẹp của con người thì tình thương làm cho con người trở nên cao quý, trong sạch nhất và cũng làm cho con người hạnh phúc nhất. Tình thương được hiểu là tình cảm yêu thương, chia sẻ, cảm thông, gắn bó giữa những con người trong xã hội. Tình thương làm nên một xã hội nhân văn, nhân ái, tình thương làm nền cho những điều tuyệt vời trong cuộc sống.
Trái tim một người nghệ sĩ chân chính luôn đập vì cuộc đời thế nên tác phẩm văn học cũng phải là tiếng nói của con người, vì con người. Cốt lõi của đời sống con người là gì nếu không phải là tình thương, lòng nhân ái. Vậy nên chúng ta có thể khẳng định mối quan hệ giữa văn học và tình thương là mối quan hệ bản chất, máu thịt, tạo thành một thể thống nhất không thể tách rời. Tình thương con người là một phạm trù rộng lớn, ở đó ta thấy nổi bật tình thương giữa những người thân trong gia đình, tình vợ chồng, tình cha con, tình anh em. Tình thương giữa con người với nhau trong xã hội ấy là tình cảm hàng xóm láng giềng, tình người cùng cảnh ngộ. Tình thương còn hiểu rộng là tình thương yêu đối với cuộc sống, với thiên nhiên lớn hơn là với đất nước, dân tộc…
Tình thương là chiếc nôi đầu tiên theo giọng hát của mẹ bay vào trong những giấc mơ con qua bài ca dao đầu đời.
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con!”
Dù con chưa hiểu thế giới bên ngoài có những gì. Với trái tim nhỏ bé của đứa con chỉ cần được cảm nhận tình thương của mẹ, của cha qua tác phẩm văn học dân gian cũng đủ tìm thấy nụ cười. Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng được văn học tái hiện bằng những hình tượng đẹp, có sức lay động lòng người. Còn nhớ giọt nước mắt của cậu bé Hồng đã khóc vì thương nhớ mẹ, vì cay đắng khi nhận ra những lời châm chọc, cay nghiệt của người cô dành cho mẹ. Nhà văn Nguyên Hồng đã đi đến tận cùng của tình mẫu tử khi để một cậu bé tuổi đời còn nhỏ đã dành một tình thương vô điều kiện với mẹ mình, một tình thương mà không thế lực nào có thể chia cắt được. Đọc Lão Hạc, ta lại cảm động trước một tấm lòng cao cả của người cha dành cho cậu con trai xấu số. Một người cha sẵn sàng hy sinh tất cả để con được sống trọn vẹn. Một người cha thà chết để dành phần lại cho con. Thật đáng quý làm sao tình phụ tử sáng ngời!
Sự yêu mến, cảm thông, chia sẻ đã làm nên tình làng nghĩa xóm đậm đà trong đời sống nhân dân ta. Thế nên từ bao đời nay ông bà vẫn dạy câu “tắt lửa tối đèn”, “bà con xa không qua láng giềng gần” là để con cháu trân quý tình cảm giữa những người cùng chung một miền quê, chung cây đa, bến nước. Làm sao chúng ta quên hình ảnh một bà cụ láng giềng vì thương cảm cho gia cảnh chị Dậu mà đem cho ít gạo để nấu cháo lại còn ân cần quan tâm thăm hỏi. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” tấm lòng thảo thơm của nhân dân mình dù chỉ thể hiện bằng vài củ khoai, ít gạo, gói xôi nhưng đậm đà lòng nhân hậu. Văn học dân gian là miền đất của tình người. Chẳng đứa trẻ nào lớn lên lại không nằm lòng lời dạy bảo:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống như chung một giàn”
Hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
người trong một nước phải thương nhau cùng”
Lời dạy bảo ấy không gì khác ngoài tình thương giữa con người, giữa những người hoàn toàn xa lạ nhưng vẫn chảy trong mình dòng máu đỏ da vàng.
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ngay trong cuộc sống của chúng ta và bước ra từ những trang văn giàu hình ảnh qua đoạn trích Lao Xao của nhà văn Duy Khán. Trang văn làm chúng ta thêm yêu thế giới đời thường với những bầy chim muôn đời vỗ cánh kể chuyện ruộng đồng. Chúng ta yêu thương những điều bình dị qua câu đồng dao, qua hương thơm ngào ngạt của khóm hoa dại trong vườn và thấy yêu thêm tuổi thơ im lặng.
Tình thương trong văn học còn là tình thương yêu, gắn bó đối với quê hương, xứ sở. Tình thương này dung dị thôi nhưng gợi cho chúng ta cảm giác bình yên biết mấy. Mỗi lần để lòng mình ngân theo từng câu thơ trong bài Quê hương của Đỗ Trung Quân là thấy yêu thêm chiếc cầu tre nhỏ, yêu thêm dòng sông quê mình và yêu cả hoa cau rụng trắng.
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay”
Cũng đề tài về tình yêu quê hương, nhà thơ Giang Nam cho chúng ta thêm một góc nhìn gần gũi mà xúc động khi một mối tình quê được bồi đắp từ mối tình éo le của những con người vì tội ác của chiến tranh mà chia lìa nhau.
“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi!”
Đọc những vần thơ của Nguyễn Bùi Vợi viết về xóm núi Thậm Thình ta nghe cả âm vang của ngàn xưa vọng lại trong tiếng bước chân của vị vua đầu tiên đi mở cõi.
“Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này”
(Qua Thậm Thình)
Bài thơ chính là tiếng nói của lòng biết ơn đến các vị vua Hùng đã có công dựng nước cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Đất nước ta mở ra suốt nghìn năm trước và nghìn năm sau, mỗi thời đại điều được tạc vào thơ ca, văn học bằng những hình tượng đẹp của các vị anh hùng: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…Yêu nước chúng ta còn tìm thấy ở văn học một ngọn lửa sục sôi của thế hệ cha ông truyền lại để niềm tin tưởng vào tương lai đất nước, vào thế hệ mình sẽ làm động lực đưa đất nước đến những vì sao
“Đất nước bốn nghìn năm
vất vả và gian lao
đất nước như vì sao
cứ đi lên phía trước”
(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
Vì văn học là tình thương nên văn học cũng là tiếng nói phê phán, lên án, đả kích đến những người, những thế lực đã chà đạp lên quyền sống, quyền làm người, những kẻ bất lương giả nhân, giả nghĩa. Đọc Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, chúng ta thấy căm tức vợ chồng tên Nghị Quế, cậy tiền, cậy quyền mà coi khinh những người nghèo khổ. Vợ chồng hắn hách dịch kỳ kèo để mua cái Tí với giá rẻ mạt, còn cho cái Tí ăn cơm thừa của chó. Chính những kẻ tàn nhẫn, vô lương tâm như Nghị Quế làm nên bao nỗi thống khổ của dân đen. Tiếng nói phản kháng còn thể hiện rõ nét ở truyện ngắn Sống chết mặc bay. Nhìn thấy cảnh xa hoa của tên quan hộ đê đối lập với tình cảnh khốn cùng đang đối diện giữa sự sống và cái chết của nhân dân lại càng thêm căm tức bọn thống trị lòng lang dạ thú đã đày đọa con người. Bọn chúng chỉ biết vơ vét, tham lam, sống trên máu và nước mắt của bao người mà không một chút xót thương cho phận đời hẩm hiu, số phận thấp bé quanh mình.
Từng trang văn như tiếng khóc của người nghệ sĩ đa cảm với cuộc đời, càng thương cho tình mẫu tử thiêng liêng mà bé Hồng dành cho mẹ mình bao nhiêu thì càng căm ghét những hủ tục đã đày đọa mẹ Hồng, đã bắt mẹ con phải sống xa nhau. Nhà văn đã rất tinh tường khi dùng ngòi bút của mình đả kích thế lực xấu xa, đấu tranh vì sự công bằng, quyền sống của con người. Bọn Thống lý pá tra trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hay cha con Bá Kiến đã đày đọa thân Chí Phèo thành ra bi kịch đều là đại diện cho cái ác, cái xấu và chúng là kẻ thù của tình thương, lòng nhân đạo. Đấu tranh vạch trần bộ mặt của chúng cũng là bảo vệ giá trị của văn học vì tình thương.
Tình thương làm nên giá trị con người mà con người chính là đối tượng của văn học nên tình thương cũng là giá trị văn chương, văn học. Không gì quý hơn những trang văn mang hơi thở con người, ngợi ca tính người, vẻ đẹp con người và phê phán những điều trái với đạo đức, đi ngược lại với nhân đạo, nhân văn. Hãy mở lòng mình với đời sống trong văn chương, nghệ thuật để thấy tâm hồn thanh lọc bởi bao nhiêu tình cảm đẹp và nắm lấy sợi dây đồng cảm từ tác giả truyền sang để chúng ta thấy đời sống mình thêm giàu, không phải giàu về vật chất mà còn cả sự giàu có trong trái tim biết yêu thương.