Thuyết minh về con diều và trò chơi thả diều – trò chơi dân gian – Văn mẫu 8
Chiều dần tắt nắng
Gió bồng lên cao
Cánh đồng lúa chín
Hương thơm ngọt ngào
(Thả Diều – Nguyễn Lãm Thắng)
Có những trò chơi không chỉ gắn liền với một lứa tuổi, không chỉ mang màu sắc của ký ức mà nó còn là nơi gửi gắm tâm tình của bao thế hệ. Trên bầu trời trong xanh của những ngày cuối xuân, đầu hạ và trong sự háo hức của đôi mắt hồn nhiên, cánh diều nhẹ nhàng no gió vẽ nên một bức tranh đẹp, thanh bình. Cánh diều, trò chơi thả diều trở thành biểu tượng của kỷ niệm và ký ức tươi đẹp. Và hơn hết, cánh diều còn là một sản phẩm thủ công thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của đôi bàn tay con người.
Diều, thả diều không chỉ là một trò chơi dân gian có từ ngàn đời xưa mà còn là câu chuyện của nét văn hoá truyền thống đậm chất phương Đông. Theo một số sử sách ghi chép, con diều và trò chơi thả diều có nguồn gốc từ nghệ thuật làm mo của người Trung Hoa. Dấu tích của chiếc diều đầu tiên được ghi nhận xuất hiện cách đây hơn 2800 năm từ một người thợ mộc có tên là Lỗ Ban. Ban đầu chiếc diều được làm bằng gỗ, tre và sau khi ngành sản xuất giấy ra đời thì những cánh diều bằng giấy trở nên phổ biến. Thả diều xuất phát từ một phong tục của người dân Trung Quốc muốn mượn cánh diều bay cao, bay xa để xua đi tà khí, mang đến cuộc sống sung túc, bình an.
Tuy vậy câu chuyện sự ra đời của một chiếc diều từ thời xa xưa không đủ bằng chứng thuyết phục chúng ta rằng cánh diều Việt Nam cũng bắt nguồn từ đó. Hãy nhớ rằng những gì thuộc về văn hoá dân gian từ xưa đến nay vẫn có sự giao thoa giữa các dân tộc, đất nước. Cánh diều còn là trò chơi khá phổ biến ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan…Riêng ở đất nước ta, một đất nước ưa chuộng các loại trò chơi dân gian và đặc biệt là sự khéo léo của bàn tay người lao động thì việc làm nên những cánh diều cho riêng mình không phải là điều khó khăn gì. Thế nên có thể nói cánh diều cùng với trò chơi thả diều ra đời trong nhịp sống yên bình của làng quê Việt Nam, trên những cánh đồng trải rộng và khi những vụ mùa đã bội thu song hành với tiếng sáo diều vi vu của đám trẻ chăn trâu.
Ngày xưa, những chiếc diều thủ công có cấu tạo đơn giản. Với sự phát triển của xã hội, tính sáng tạo và yêu cầu thẩm mỹ được đòi hỏi ở con diều ngày càng cao vì vậy mà hình dạng và kết cấu của diều cũng càng đa dạng: diều hộp, diều vuông, diều rồng, diều chim, diều người, diều quạ…Tùy thuộc vào từng loại diều mà cấu tạo của chúng không giống nhau. Tuy nhiên, đối với những con diều truyền thống mà ta đã quen thuộc thì diều có ba bộ phận cơ bản là khung diều, giấy diều và dây diều. Đầu tiên, khung diều thường được làm bằng tre hoặc gỗ mỏng để tạo cho diều một hình dáng chắc chắn, dẻo dai và cần đảm bảo tre hoặc gỗ không quá dày và cứng để con diều không quá nặng nề. Giấy diều là một nguyên liệu không thể thiếu để giúp con diều có nhiều màu sắc sặc sỡ. Giấy diều hay còn được gọi là áo diều, áo diều thường được làm bằng giấy báo, vải mỏng có nhiều màu sắc tươi sáng tùy vào người sở hữu mà khiến cho con diều trở nên bắt mắt. Cuối cùng là dây diều. Dây diều đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển con diều để bay. Dây diều được buộc vào con diều để người chơi có thể điều chỉnh độ cao của con diều trên bầu trời. Nó thường có độ dài khoảng 8-10 mét có khi lên đến vài chục mét. Diều ngày xưa gắn với tuổi nhỏ nên chỉ cần dành chút thời gian là đã có thể có một con diều để chơi, chi phí làm diều thường chẳng đáng bao nhiêu thậm chí là không có. Ngày nay những con diều làm sẵn có giá bán từ vài chục đến vài trăm nghìn, chưa kể đến những người chơi diều nghệ thuật còn bỏ ra chi phí đến vài chục triệu để mua diều. Với trẻ con, để tiết kiệm chi phí, người ta có thể tự làm những con diều truyền thống như diều quạ.
Diều quạ là loại diều phổ biến nhất đối với trẻ em ngày xưa vì cách làm chúng khá đơn giản, chỉ qua vài bước và tận dụng những nguyên liệu sẵn có, chúng ta đã có trên tay cánh diều xinh xắn, nhỏ gọn. Tuy không thể sánh với những con diều hiện đại được máy móc tạo nên, diều quạ làm thủ công có một ưu điểm là tiện lợi, khả năng bắt gió tuyệt vời, thích hợp với nhiều địa hình kể cả những nơi khá hẹp. Chỉ cần một thanh tre cứng, dẻo, giấy làm diều có thể chọn từ giấy màu, giấy kiến gói quà, giấy báo hoặc bao nilon, giấy quảng cáo…tận dụng những loại giấy nhiều màu sắc không sử dụng từ các bó hoa cũng là cách tái chế giảm ô nhiễm môi trường. Nguyên liệu tiếp theo nữa là dao nhọn vót tre, kéo cắt giấy, hồ dán, dây nilon thả diều và một thanh tre để quấn dây.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu bạn chỉ cần dành chút thời gian để hoàn thành nó. Ban đầu hãy gọt dũa hai thanh tre dài 90cm thành hai đoạn mỏng, bóng và nhỏ sao cho đủ độ dẻo để uốn cong tạo thành khung cánh diều. Ta gọt thêm một thanh tre dài 10cm uốn cong buộc hai đầu vào trục khung tạo thành đầu quạ nhọn. Chiếc đuôi diều làm từ thanh tre dài khác có kích thước 25cm được buộc thành hình tam giác. Một đầu nhọn của tam giác này gắn với thanh trục. Khi phần khung hoàn tất, việc tiếp theo là dán giấy lên cho diều. Ta nên cẩn thận dán từng mép giấy thẳng đều. Làm thêm một chiếc đuôi dài và chắc chắn để gió không làm đứt. Bước cuối cùng là đục hai lỗ nhỏ trên thanh tre để cột dây diều. Bước cuối cùng này rất quan trọng bởi nếu không đúng kỹ thuật sẽ cản trở đường bay của diều. Ta nên buộc đầu dây vào hai lỗ vừa đục và lấy một đoạn dây dài 30cm buộc vào trung điểm của đoạn dây trước. Đầu còn lại buộc chặt vào đuôi trục. Hãy kiểm tra lại xem các mối dây có chắc chắn chưa, diều có cân đối chưa trước khi thả diều.
Ở đồng quê, diều được thả ở cánh đồng lúa đã qua mùa gặt hoặc trên những triền đê, bờ ruộng, có khi là một bãi đất trống ít cây cối. Ngày nay thành thị vẫn có những nơi thả diều thường tập trung ở các bãi sông, đất quang xa khu dân cư. Nơi thả diều cần lưu ý tuyệt đối phải là nơi trống trải, không có đường dây điện và cây lớn. Diều có thể chơi quanh năm vì mùa nào nước ta cũng có gió. Tuy nhiên mùa diều đúng nhất vẫn là cuối xuân khi mà tiết trời hãy còn hanh nắng, gió nhẹ, vụ mùa vừa xong hoặc ngày hè sắp đến.
Để diều bắt gió, cần biết cách nâng cánh diều theo phương ngang, đầu diều hơi chếch lên trên rồi chạy một đoạn, sau đó buông cánh diều và nắm chặt dây. Cánh diều được gió nâng lên cao dần, người chơi kéo nhẹ sợi dây để dây căng theo cánh diều. Khi diều cao ở tầm vừa ý thì giật nhẹ dây rồi buộc dây diều vào một cột cố định nếu người chơi muốn nghỉ tay ngắm diều.
Thả diều trước hết là một trò chơi dân gian được ưa chuộng của trẻ em Việt Nam từ xưa đến nay. Chỉ một cánh diều đơn giản thôi trôi nhẹ giữa mây trời mà lại khiến cho bao tâm hồn say sưa đến thế. Sau một buổi học căng thẳng, ghì đôi tay nắn nót từng con chữ, thả diều giúp đầu óc trẻ con sảng khoái, quên đi những áp lực học tập, quên đi mệt mỏi mà thả tâm hồn mình theo những giấc mơ cao. Đối với người lớn, sau những giờ cúi mặt, còng lưng, giọt mồ hôi còn thấm trên vai áo, một buổi chiều lộng gió ngước mắt nhìn lên cánh diều chấp chới lòng bỗng dưng vui quá. Phút chốc bỗng thấy mình cũng trẻ lại, bao ước mơ còn lơ lửng, nỗi nhọc nhằn tạm quên đi.
Không dừng lại ở trò tiêu khiển, thả diều còn mang nét đẹp văn hoá dân gian. Rất nhiều ngày lễ hội của dân tộc ta đều có sự góp mặt của trò chơi này. Không thể quên hai lễ hội diều truyền thống có quy mô lớn đó là lễ hội diều của làng Bá Giang thuộc Đan Phượng, Hà Nội được tổ chức vào ngày rằm tháng ba hằng năm. Lễ hội thứ hai cũng không kém phần quy mô diễn ra ở đền Mẫu Sáo Đền thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào ngày 25 tháng ba âm lịch. Trong các lễ hội này, cuộc thi diều được tổ chức nhằm tạo ra một sân chơi bổ ích đồng thời tôn vinh đôi tay sáng tạo của người thợ thủ công. Rất tự hào khi các lễ hội thả diều của nước hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn ý nghĩa, nét văn hoá cổ truyền mang vẻ đẹp mộc mạc mà tinh tế của một quốc gia đậm sắc văn minh lúa nước. Vì thế mà vượt ra ngoài ý nghĩa của một hội làng, hội diều Việt Nam trở thành tâm điểm du lịch thu hút khách thập phương đến thưởng thức nét đẹp văn hóa vùng miền và nét đẹp trong tính cách, tâm hồn người Việt.
Để làm ra được cánh diều, để chơi được trò thả diều nhìn có vẻ đơn giản nhưng đấy chính là được đúc kết từ quá trình lao động, từ cuộc sống sinh hoạt của cha ông. Bỏ qua những cánh diều được làm bằng máy móc, công nghiệp như hiện nay, những chiếc diều thủ công còn mang tính giáo dục lớn đối với trẻ em. Cũng là bao nhiêu nguyên liệu và cùng chung nguyên lý bay nhưng qua bàn tay của mỗi người thì cánh diều lại mang một diện mạo khác nhau. Nói như thể để thấy để làm được cánh diều, chơi được trò thả diều còn là sự vận dụng những kỹ năng cần thiết của con người: đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ. Vì sao nói như thế? Bài học đạo đức ở chỗ các em rèn cho mình tính kiên nhẫn, chịu khó thông qua việc cẩn thận vuốt từng nan tre, dán từng mảnh giấy. Các em còn phải vận dụng những hiểu biết về sự cân bằng, lực nâng của gió, kết cấu hình học của cánh diều để sao cho cánh diều có thể bay lên. Không chỉ có thế, muốn làm một cánh diều bắt mắt cần phải có khiếu thẩm mỹ trong việc trang trí, bày vẽ. Cuối cùng muốn thả được diều cần phải có một đôi tay rắn chắc, sức dẻo dai để nương theo sức gió. Không có gì quý hơn đối với trẻ em thành thị bằng những hoạt động vui chơi ngoài trời như thả diều. Được hoà hợp với thiên nhiên, được thả mình vào không gian tự do sẽ rèn cho các em niềm cảm mến với thiên nhiên, với quê hương mình chưa kể đến những dịp gặp gỡ bạn bè cùng chơi đùa như thế sẽ là cơ hội nối kết tình bạn, tinh thần đoàn kết, chia sẻ.
Đứng trước thời đại của công nghệ thông tin, những trò chơi dân gian dần bị mai một bởi sức hấp dẫn và tiện lợi của các trò chơi trên thế giới ảo. Sân chơi của trẻ em thu hẹp lại do những công trình, dây điện, khu nhà ở. Dù vậy một tín hiệu đáng mừng là sức sống của trò chơi thả diều vẫn không hề mất đi mà ngày một thêm phong phú. Cùng với thị hiếu của con người đặc biệt là mong muốn để trẻ em có một tuổi thơ trọn vẹn, các bậc cha mẹ đã khuyến khích con trở về với trò chơi dân gian này. Thiết nghĩ để bảo tồn được trò chơi này và giữ vẹn nguyên ý nghĩa của những cánh diều trong tâm thức dân gian, cần tạo sân chơi an toàn để các bạn trẻ cùng nhau giao lưu cánh diều. Hơn thế nữa cần tổ chức nhiều hơn ngày lễ hội dân tộc và đưa vào đấy là những cánh diều mang màu sắc văn hoá quê hương.
Dù là cánh diều giấy đơn giản hay những con diều cầu kỳ, to lớn thì chỉ cần được bay lên bầu trời tự do cũng là tiếng nói của ước mơ tuổi thơ trong sáng. Thế nên có thể khẳng định thêm lần nữa cánh diều và trò chơi thả diều là một trò chơi dân gian đậm đà bản sắc, là tiếng nói của tâm hồn khao khát cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình.