Thuyết minh chiếc nón lá – Văn mẫu 8 – thuyết minh sản phẩm thủ công
Quê hương tôi chẳng có gì bóng bẩy cầu kỳ, đất nước tôi cũng không có nhiều công trình đồ sộ nhưng chúng tôi vẫn tự hào vẫn nuôi dưỡng ước mơ bay xa từ nụ cười ấp iu sau vành nón lá. Nhân dân chúng tôi góp nhặt văn hoá nước mình bằng chắt chiu từng chiếc lá để qua bàn tay khéo léo và sức sáng tạo, chúng tôi có được chiếc nón lá dù giản dị nhưng vẫn rất độc đáo, dù dân dã mà vẫn đậm đà chất nội cỏ hương đồng. Bước ra vùng an toàn của một vật dụng cần thiết cho đời sống, chiếc nón lá nghiễm nhiên viết nên câu chuyện cuộc đời bằng vẻ đẹp mang tính văn hoá xứ sở, đồng hành cùng áo dài, áo bà ba thành biểu tượng cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Câu chuyện về sự xuất hiện của nón lá dài như nền văn minh của một dân tộc có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá. Một số sách sử có ghi chép lại dấu vết của những chiếc nón lá đầu tiên xuất hiện từ thời nhà Trần tức là thế kỳ XIII. Làng Ma Lôi, thuộc lộ Hồng Châu (Hải Phòng ngày nay) chính là cái nôi đầu tiên của nón lá. Tuỳ thuộc vào từng mục đích sử dụng và cho những tầng lớp khác nhau trong xã hội mà nón lá ban đầu có nhiều hình dạng, kích thước. Mãi đến thế kỷ XIX nón lá mới có hình dạng cố định như ngày nay. Tuy nhiên người ta lại tìm thấy hình ảnh tiền thân của chiếc nón lá được chạm trên trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịnh cách đây khoảng 2500 – 3000 TCN. Như thế để thấy việc tìm ra một cột mốc thời gian nhất định để nói rằng nón lá ra đời từ lúc đó vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Dù vậy có một điều chúng ta có thể khẳng định rằng sự ra đời của chiếc nón lá chính là kết quả của quá trình sáng tạo, tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên để tạo thành vật dụng đội đầu, huy động cả sự sáng tạo vốn có để đem những vật tưởng chừng tầm thường biến thành món đồ không chỉ có giá trị che nắng che mưa mà còn có giá trị văn hoá.
Cũng như bất cứ một sản phẩm văn hoá vật chất khác, nón là trải qua nhiều giai đoạn biến thiên. Ban đầu nón lá có hình tròn được phổ biến ở miền Bắc rồi đến những chiếc nón lá hình tròn dẹt. Sau này là nón quai thao và cuối cùng dừng lại ở nón chóp như hiện nay. So với những hình dạng ban đầu, nón lá hình chóp ngày nay có những ưu việt về cả thẩm mỹ lẫn hiệu quả sử dụng. Khối chóp đều tạo nên sự vững vàng, hài hoà cho chiếc nón vừa đủ khả năng giữ cho phần đầu và nửa thân trên của người đội không bị nắng mưa trực tiếp dội vào.
Nhìn bên ngoài nón lá có cấu cấu tạo khá đơn giản gồm ba phần: khung nón, lá nón và quai đeo. Khung nón lá làm từ những chiếc nan tre nhỏ uốn lại thành hình vòng cung. Những vòng cung này được cố định bằng những sợi dây cước, chỉ hoặc sợi tơ tằm. Một chiếc nón được tạo thành từ 16 nan tre vòng cung lớn nhỏ mà thứ tự được được xếp cố định trên một khuôn hình chóp. Phần lá nón khá đa dạng, tùy thuộc vào nguyên liệu sẵn có của địa phương mà lá nón được chọn từ các loại lá như: lá cọ, lá dừa nước, lá cối, lá tre, lá dừa…Sau khi đã hoàn thành các khâu chọn nguyên liệu và xử lý nguyên liệu, lá nón được xếp đều trên khung vòng cung đã có và người thợ làm nón sẽ cố định lại lá nón và phần khung nón bằng sợi chỉ. Để nón không bị bay khỏi đầu người thợ thêm phần dây quai đeo dưới cằm. Bộ phận thứ ba này của chiếc nón được làm từ vải mềm, vải nhung hoặc voan mỏng.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài chiếc nón để nghĩ rằng chiếc nón được làm ra một cách đơn giản thì quả thật đó là cái nhìn chưa thấu đáo. Sự thật thì công đoạn làm nên chiếc nón lá tưởng chừng dễ dàng thế kia mà lại đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ thủ công. Trước hết phải nói đến là khâu chọn lá. Một chiếc nón lá có bền đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu lá. Ở miền Bắc lá cọ là sự lựa chọn hàng đầu, loại lá này đẹp nhưng đòi hỏi phải qua khâu xử lý công phu. Lá cọ chọn lá phải vừa có gân lá màu xanh, mặt lá màu trắng xanh và bóng nhẵn. Sau khi đem về phải đem lá hong trên than bếp. Khâu này rất quan trọng không thể thay thế bằng phơi ngoài nắng. Tiếp theo là phơi sương khoảng 3 hoặc 4 giờ cho lá mềm đi. Bước cuối cùng trong công đoạn xử lý lá là dùng dụng cụ ủi để ủi từng chiếc lá. Cũng tương tự khâu xử lý như thế với nguyên liệu lá dừa ở miền Nam. Tuy nhiên khi chọn lá dừa cũng cần lưu ý phải chọn lá già, to không bị rách, sau đó xử lý lá bằng lưu huỳnh để đảm bảo độ bền của lá.
Công đoạn tiếp theo của quá trình làm nón lá là chuốc vành, lên khung và xếp nón. Tre nứa được chọn làm khung phải được phơi khô và giữ nguyên độ dẻo để có thể uốn thành vòng cung. 16 vòng cung lớn nhỏ theo thứ tự được đặt vào khung gỗ tạo thành một hình chóp nhọn.Vòng tròn lớn nhất là vòng ngoài cùng của nón có đường kính khoảng 50cm còn vòng nhỏ nhất ở đỉnh nó có kích thước bằng một đồng xu. Bộ khung vành phải cân đối, không méo mó, cứng cáp làm giá đỡ cho phần lá bên ngoài.
Kế tiếp, người thợ sẽ xếp lá lên trên khung. Tuỳ thuộc vào đặc điểm từng loại lá mà có cách sắp xếp thưa hay dày khác nhau. Điều đáng chú ý là xếp sao cho lá dàn trải đều, nón vừa đủ độ kín đáo vừa mỏng nhẹ. Đối với những loại nón lá đặc biệt như nón bài thơ xứ Huế thì thông thường lớp phía trong có 20 lá, lớp ngoài 30 lá, ở giữa sẽ đặt thêm hình ảnh hoặc bài thơ để rọi vào ánh nắng mà có thể ngắm cảnh, đọc thơ.
Để cố định lá trên nón, người thợ dùng kim khâu với chỉ nilon hoặc dây cước trong suốt để giữ lá trên vành. Đây là lúc bàn tay của người thợ thể hiện sự tỉ mỉ của mình trong từng đường khâu sao cho chúng đều đặn xếp xít nhau, đường khâu càng ngắn, nhỏ thì chứng tỏ bàn tay người làm ra nón càng cẩn trọng. Để nón thêm bền, đẹp, người ta thường phủ lên trên lá một lớp sơn dầu bóng. Bước cuối cùng của quá trình là, ra chiếc nón phải là kết chỉ màu ở nan nón thứ 3, 4 từ ngoài vào để có thể dễ dàng buộc quai nón. Hai quai phải đặt đúng vị trí đối xứng nhau để người sử dụng cảm thấy thoải mái. Để tăng thêm giá trị thẩm mỹ của nón, rất nhiều người thợ tận dụng khả năng hội hoạ của mình để thêu hoặc vẽ lên trên nón những hình ảnh đẹp. Cảnh sông nước hữu tình, non xanh nước biếc có khi chỉ là một cánh đồng, một triền đê cũng gợi bao vẻ đẹp bình dị của quê nhà. Cầm trên tay chiếc nón là thu vào tầm mắt ngàn dặm nước non.
Chiếc nón lá tuy không cầu kỳ, sang trọng nhưng giá trị mà nó mang lại cho con người Việt Nam đâu dễ gì đo được. Người nông dân dầm sương dãi nắng bán mặt cho đất, bán lưng trời trong khi khí hậu Việt Nam thì lại mưa nhiều, nắng nóng. Vì thế mà chiếc nón là chính là vật dụng rất cần thiết để che mưa, tránh nắng. Những buổi trưa rảnh rỗi, những lúc đợi mùa giáp hạt, các bà, các mẹ đặt nón lá bên hiên nhà rồi trò chuyện cùng nhau. Lúc ấy nón lá trở thành chiếc quạt phe phẩy đưa chút gió vào trong câu chuyện. Hình ảnh những đứa trẻ theo mẹ ra đồng rồi ngả vào vai mẹ thiêm thiếp ngủ, sẵn có nón lá bên mình, mẹ lấy che tạm cho con khỏi nắng. Nón là xuất hiện trong mọi mặt đời sống của con người Việt Nam. Nón theo bà ra chợ, theo các cô đi lễ chùa, theo chị đến trường.
Đâu chỉ thế, nón lá còn ăn sâu vào tiềm thức quê hương, vào tình yêu mến sâu đậm đối với dân tộc mình. Thế nên không ít nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ…đã đưa hình ảnh chiếc nón lá nhẹ nhàng vào trong những sáng tác mang đậm nét thuần hậu phong thuỷ.
“Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”
(Nguyễn Khoa Điềm)
Chiếc nón lá còn mang tâm tình, nét đẹp và sự duyên dáng, kín đáo của cô thiếu nữ trong buổi đầu tiên ngập ngừng trước người đối diện.
“Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu”
(Thu Nhất Phương)
Cũng là hình ảnh nón lá thân thương chàng trai trao cho cô gái bằng cả tấm lòng chân thành, nhiều hy vọng. Ở một số địa phương, trong ngày cưới, chiếc nón lá còn là món quà đầu tiên mà người mẹ chồng tận tay trao cho con dâu mới. Chiếc nón tinh tế, xinh xắn là lời chúc phúc mong muốn duyên tình của hai trẻ được trăm năm bền chặt cũng là thể hiện tấm lòng bao dung của mẹ mong mỏi con dâu sẽ xem nhà chồng là nhà mình.
“Nón này che nắng che mưa
Nón này để đội cho vừa đôi ta”
(Ca Dao)
Duyên dáng làm sao những cô gái mặc áo bà ba hay áo dài tha thướt múa bài làn điệu quê hương trên các sân khấu lớn, nhỏ. Múa nón trở thành một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc và là niềm tự hào khi đất nước chúng ta cũng có những đặc sắc về nghệ thuật không thua gì xứ người. Chiếc nón lá đâu chỉ là một hiện vật nữa mà còn là một biểu tượng về sự giản dị, bình yên của dân tộc, truyền tải một hình ảnh đẹp về đất nước của những con người cần mẫn, khéo léo, thông minh. Theo khách du lịch đi khắp mọi nơi trên thế giới, nón lá làm công tác truyền thông quảng bá cho một nhịp du lịch xanh trên xứ sở mình.
Dựa trên hình dáng, sự khác nhau của nguyên liệu lá nón mà có thể phân nón lá thành những loại phổ biến hiện nay: nón ngựa hay còn gọi là nón Gò Găng được sản xuất ở Bình Định, nón được làm từ lá lụi thường được dùng đội khi cưỡi ngựa. Nón quai thao phổ biến ở miền Bắc dùng trong những ngày lễ hội. Nón lá bài thơ đặc trưng của xứ Huế với nét thủ công khéo léo phía trong có bài thơ hoặc tranh vẽ. Nón hình chóp là loại nón thông dụng nhất được người dân cả miền Bắc đến miền Nam sử dụng đặc biệt là bộ đôi không thể thiếu của chiếc áo bà ba miền Tây Nam Bộ và áo dài xứ Huế.
Chính vì sự thông dụng của nón lá mà ở mọi miền đất nước từ lâu đã có không ít làng nghề làm nón truyền thống. Ở Hà Nội có làng Chuông nổi tiếng làm nón từ năm 1940 đến nay. Bao đời trôi qua, chiếc nón làng Chuông vẫn giữ được màu sắc, đặc điểm của lá lụi trắng phau, bền chặt. Cố đô Huế được biết đến với nhiều làng nón như Phú Cam, Dạ Lê, Đốc Sơ vượt ra ngoài hình ảnh một chiếc nón lá thông thường, nón lá Huế còn là tác phẩm nghệ thuật của văn thơ, hội hoạ. Miền Nam có quê hương Cần Thơ nổi danh với nón lá từ một loại lá có tên mật cật vừa mềm mượt, bền bỉ lại được trau chuốt từng sợi chỉ, sợi tơ.
Yên mến chiếc nón lá của mình cũng là quý công sức người thợ làm nón, người dân quê tôi khi sử dụng chiếc nón lá thường rất cẩn trọng giữ gìn. Sau khi đi bên ngoài về, mẹ tôi treo ở một nơi thoáng mát, không lạm dụng nón trong lúc đi mưa, cũng không để nón ngoài trời nắng nóng tránh cho nón bị cong vành, vàng lá.
Nón là là biểu tượng của nét đẹp dân dã, đời thường nhưng cũng không kém phần tinh tế. Những chiếc nón với kiểu dáng nhẹ nhàng còn thể hiện được đôi bàn tay lao động của nhân dân ta. Số phận những chiếc nón cũng như số phận người phụ nữ Việt Nam, có khi bình dị trên cánh đồng, thấp thoáng trên con đê, hoà mình vào lao động. Nhưng cũng có khi trở nên sang trọng với các buổi triển lãm mang tầm quốc tế hoặc theo các cô hoa hậu khoe sắc đẹp. Dù ở đâu, nón lá vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị văn hoá dân tộc mình có thể hãnh diện mà sánh ngang với những loại nón thời trang du nhập từ bên ngoài. Có thể khẳng định rằng sức sống của chiếc nón lá sẽ trường tồn theo hình bóng những cánh cò bay trên đồng, theo chiếc áo bà ba mộc mạc và áo dài mềm mại, theo cả tấm lòng yêu mến thuỷ chung của người dân quê đối với ruộng đồng.