Nêu suy nghĩ về vấn nạn nghiện mạng xã hội ở giới trẻ – văn mẫu 8
Nhu cầu giao lưu, chia sẻ và thể hiện bản thân là nhu cầu chính đáng của con người, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang trong quá trình học hỏi, khám phá và trải nghiệm. Bởi thế mà tốc độ phát triển mạng xã hội trong giới trẻ nhanh theo cấp số nhân và ảnh hưởng tiêu cực mà nó đem đến cũng theo cấp số nhân. Không dừng lại ở sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, giới trẻ hôm nay rơi vào vấn nạn nghiện mạng xã hội và căn bệnh này ngày càng trầm trọng khi đã lấy đi quá nhiều thời gian, thứ quý giá nhất mà tuổi trẻ có được.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã nảy sinh sự có mặt của hệ thống internet nối kết toàn cầu. Và sự ra đời của internet là nền tảng để mạng xã hội phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Mạng xã hội được hiểu là một nền tảng trực tuyến được thiết lập thông qua các trang web hoặc những hình thức khác nhau, tính năng khác nhau để người dùng kết nối với nhau và với xã hội. Mạng xã hội có thể truy cập trên nhiều phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh, laptop.. Hiện nay có rất nhiều trang mạng xã hội thu hút hàng triệu người tham gia. Trong đó ở Việt Nam phổ biến là Facebook, Instagram, Zalo, Youtube…
Tham gia mạng xã hội, con người có thể bộc lộ được tình cảm, suy nghĩ của bản thân, giao lưu, học hỏi, kết nối với bè bạn, người thân ở mọi nơi, mọi lúc. Mạng xã hội còn là kênh quảng cáo lớn để kinh doanh, buôn bán hoặc tuyên truyền, chia sẻ những đường lối, chủ trương, những tin tức quan trọng đến cộng đồng. Tuy vậy bất cứ tình trạng nghiện nào cũng gây ra những hệ luỵ, nghiện mạng xã hội không ngoại lệ. Nghiện mạng xã hội là việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều, liên tục truy cập vào các trang mạng mà không có điểm dừng, liên tục thể hiện bản thân trên mạng xã hội với mong muốn được công nhận, được khen ngợi. Người nghiện mạng xã hội chỉ chú trọng đến đời sống ảo trên mạng mà không quan tâm nhiều đến đời thực bên ngoài hoặc chỉ muốn trốn tránh vào thế giới ảo. Biểu hiện của căn bệnh tâm lý này là sử dụng mạng xã hội nhiều hơn thông thường, mỗi lúc một tăng lên. Luôn dành thời gian tìm kiếm, tra cứu, bận tâm đến các tính năng của những trang mạng khác nhau. Lúc nào cũng nghĩ đến chiếc điện thoại hoặc máy tính và việc đầu tiên khi rảnh rỗi hoặc thức dậy là lướt mạng. Người nghiện mạng xã hội thấy khó chịu, bứt rứt nếu lâu không được dùng, cảm thấy lạc lõng, chơ vơ khi không thể truy cập. Dù hiểu được tác hại của nó nhưng vẫn không sao hạn chế, nhiều lần “cai” nhưng không thành công. Khi có bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống đều nghĩ đến việc đăng tải để thu hút chú ý, quan tâm nhất là lúc tâm trạng càng buồn càng thích đắm mình vào mạng…Học sinh nghiện mạng xã hội có biểu hiện không quan tâm gì đến đời sống bên ngoài mà chỉ say sưa với chiếc điện thoại, tranh thủ ôm điện thoại mọi lúc mọi nơi, nói dối về việc sử dụng điện thoại khi cha mẹ hỏi đến…
Nghiện mạng xã hội là một thực trạng báo động có mặt khắp nơi cả thành thị lẫn nông thôn. Theo thống kê của Digital Việt Nam năm 2020. Có đến 65 triệu người dùng mạng xã hội chiếm 67% dân số cả nước. Trung bình mỗi người trong số ấy dành hơn 6 giờ để truy cập internet nói chung và truy cập mạng xã hội là 2 giờ 22 phút. Đối tượng nghiện mạng xã hội tập trung ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 13 đến 34 tuổi. Tuy vậy vấn đề nghiện mạng xã hội không dừng lại ở độ tuổi này mà đang dần mở rộng ra cả tuổi trung niên. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bạn học sinh chăm chú vào điện thoại, máy vi tính hàng giờ bên cạnh chồng sách vở vẫn chưa làm bài tập. Những bạn sinh viên ngồi ngoài sân trường, trong phòng học, ở các quán cafe mỗi người cầm trên tay chiếc điện thoại để nhắn tin, lướt web mặc dù trong lúc cần trò chuyện với bạn mình. Không thể bỏ qua các cuộc vui sum họp gia đình, con cháu về đông đủ nhưng thay vì trò chuyện, thăm hỏi ông bà thì mỗi người chụp một nét ảnh quê hương để câu like.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này. Đầu tiên phải kể đến sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin nước nhà trong thời gian gần đây. Cơ sở hạ tầng, hệ thống internet tối ưu, tốc độ cao, tiết kiệm đã tạo điều kiện để người dùng sử dụng, chia sẻ, khai thác thông tin trên mạng. Các nhà cung cấp đánh vào thị hiếu người dùng nên trang mạng xã hội mỗi lúc nhiều tính năng tiện lợi, dễ sử dụng mà không hề mất tiền. Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ phía gia đình và nhà trường. Nhiều gia đình cha mẹ còn thờ ơ trước tác hại của mạng xã hội đối với con em mình thậm chí là bản thân cũng nghiện mạng xã hội làm tấm gương cho con noi theo. Nhiều cha mẹ bận rộn không có thời gian dành cho con, cho con chiếc điện thoại hoặc máy vi tính để giải trí. Phía nhà trường vẫn chưa đồng bộ trong quy định cho học sinh sử dụng điện thoại, áp lực học quá lớn mà không có nhiều sân chơi để giới trẻ giải trí lành mạnh.
Nguyên nhân quan trọng vẫn đến từ phía các bạn trẻ. Lứa tuổi thanh thiếu niên là tuổi ham thích mới lạ, dễ bị cám dỗ và thích thể hiện mình. Vì thế mà mạng xã hội là nơi các bạn khoe ảnh, khoe lối sống và trút vào đó những điều bực dọc. Có nhiều bạn trẻ ngoài đời tự ti, không giao thiệp nhưng lại trở thành những anh hùng bàn phím, những kẻ giỏi võ mồm. Nhiều bạn vì áp lực học hành, vì những chuyện không vui không người chia sẻ, ít nhận được sự quan tâm của gia đình mà tìm đến mạng xã hội để được an ủi…
Nghiện mạng xã hội là kiểu nghiện tinh thần, không hề thua kém nghiện game, nghiện ma tuý vì bản thân nó cũng gây ra không ít hậu quả. Trước hết người nghiện mạng xã hội sẽ không kiểm soát được thời gian sử dụng nó, dẫn đến không chủ động trong việc sắp xếp thời gian ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc hiệu quả. Mạng xã hội ngốn hết hầu như thời gian thừa ra của một ngày, trong khi thời gian ấy dành cho việc học tập, vui chơi lành mạnh, trò chuyện với gia đình, thể dục thể thao. Nghiện mạng xã hội khiến cho giới trẻ không thể tập trung việc học, chểnh mảng trong công việc hằng ngày, lười biếng và thụ động với mọi thứ. Nhiều bạn trẻ vì mạng xã hội mà học tập sa sút, đánh mất tương lai khiến thầy cô, cha mẹ buồn lòng. Tiêu tốn thời gian cho vào việc lướt mạng, câu like các bạn trẻ bỏ quên người thân, bạn bè mình mà chìm trong thế giới ảo để thực sự bên ngoài các bạn dần trở nên cô lập.Người nghiện mạng xã hội không thể tập trung suy nghĩ, tìm ra hướng đi đúng đắn mà bị chi phối bởi quá nhiều vấn đề, thông tin nhận được hằng ngày. Điều này ảnh hưởng đến công việc, sự phát triển bản thân, đánh mất cơ hội bên ngoài và hạn chế sự sáng tạo thông qua tìm tòi, trải nghiệm xã hội.
Khi nghiện mạng xã hội con người rơi vào bệnh rối loạn cảm xúc với những vui buồn, yêu, ghét ảo trên mạng. Không ít bạn trẻ tìm mọi cách để hình ảnh mình xinh đẹp, nổi bật hoặc ấn tượng để câu like. Các bạn ấy thỏa mãn cảm giác sung sướng khi được ngợi khen nhưng sẽ chán nản, buồn lo nếu bị ai đó chê bai, đả kích. Vẫn có những câu chuyện gia đình tan nát, bạn bè xa lánh, tương lai đánh mất khi phạm một sai lầm nào đó trên mạng xã hội mà bị cộng đồng phát tán, chia sẻ, bình luận khiến nhã gây sốc tinh thần.
Ở lứa tuổi đang phát triển như học sinh cần ra bên ngoài tiếp xúc để học hỏi kỹ năng, hoàn thiện nhân cách. Nếu nghiện mạng xã hội giới trẻ sẽ dần thu hẹp bản thân, giao tiếp kém, không có kỹ năng sống dễ bị dụ dỗ, lừa gạt, không tìm được hướng đi đúng đắn. Lâu ngày ngại giao tiếp, tự ti rụt rè và trầm cảm. Chính vì chưa thực sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống nên các em dễ bị kích động bởi cái xấu, học theo cái xấu, học theo trào lưu sai lệch trên mạng xã hội, thậm chí là tiêm nhiễm những tư tưởng sai lầm, lệch lạc, biến dạng nhân cách.
Cũng cần quan tâm đến hậu quả khi nghiện mạng xã hội đối với sức khỏe giới trẻ. Việc dùng nhiều thời gian, dán mắt vào màn hình sẽ khiến mắt các em bị bệnh, không linh hoạt. Truy cập mạng xã hội thường xuyên khiến các em mệt mỏi, ngủ không đủ giấc, tinh thần sa sút, đầu óc mộng mị, căng thẳng. Nghiện mạng xã hội không dành thời gian cho thể dục, thể thao sẽ gây hại đến sức khoẻ, sự phát triển toàn diện của giới trẻ.
Vì mạng xã hội bản chất không xấu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy mặt tích cực ở đấy nên nói rằng không sử dụng mạng xã hội là điều không thể. Tuy vậy để không trở thành con nghiện, chúng ta cần có sự chủ động khi tham gia. Chúng ta nên hạn chế tối đa thời gian sử dụng, chỉ nên truy cập vào mạng mỗi ngày 15 – 30 phút và chia ra những khung giờ giải lao để không ảnh hưởng học tập, công việc. Trong lúc học và làm việc hãy đặt điện thoại xa hoặc tắt tính năng thông báo không làm mất tập trung. Thời gian rảnh rỗi hãy dành nhiều cho đọc sách, giải quyết các bài tập khó, cùng trò chuyện chia sẻ với người thân, bè bạn hoặc đi chơi, trải nghiệm bằng những hoạt động bên ngoài. Thay vì kết thật nhiều bạn trên mạng xã hội hãy kết bạn bên ngoài, quan tâm đến vấn đề cuộc sống nhiều hơn. Hạn chế đăng tải những thông tin, hình ảnh nhạy cảm, nhiều chiều hoặc thể hiện bản thân trên ấy, cũng đừng vì người khác khoe mẽ mà ganh tỵ, khó chịu, bất bình. Hãy nhớ rằng việc ưu tiên hàng đầu của các bạn trẻ là học tập để xây dựng tương lai.
Tương lai của các bạn không nằm trên những trang xã hội mà nằm ở cách bạn học tập, phấn đấu mỗi ngày. Tuổi trẻ chúng ta có thời gian một khối óc ham học hỏi, nhạy bén, thông minh, đừng để mạng xã hội khiến mình mất đi những điều tốt đẹp ấy. Hãy là một người dùng thông minh, một người chơi tỉnh táo để thấy rằng mạng xã hội chỉ là thế giới ảo, còn chúng ta đang sống ngoài đời thật.