Tả quang cảnh phiên chợ theo trí tưởng tượng của em – văn mẫu 6
Em và nhiều bạn bè khác may mắn có một tuổi thơ trọn vẹn khi được sống vui vầy bên những người thân, được thương yêu, được bà chiều chuộng mua đủ thức quà mỗi lần bà ra chợ. Thế mà, trong cuộc đời này, bên cạnh em vẫn không có ít những đứa trẻ kém may mắn chưa bao giờ được những món ăn ngon, đồ chơi lạ bởi vì gia đình các em ấy thiếu thốn, đói nghèo. Mỗi lần nhìn thấy đôi mắt thèm thuồng của các em ấy khi vào chợ, em cảm thấy thương xót và tưởng tượng ra một phiên chợ nào đấy để những người không có điều kiện vẫn có thể vui vẻ mua sắm thật nhiều đồ. Em gọi phiên chợ ấy là phiên chợ tình thương.
Nơi em sống là một thị trấn nhỏ cách thành phố không xa. Ở đó cũng rất gần khu nhà của những người có điều kiện khó khăn. Phiên chợ tình thương được xây dựng trên một khu đất trống của một ngôi trường tiểu học cũ và học sinh đã chuyển đến trường mới học. Vì chủ trương xây dựng nơi đây thành phiên chợ nên địa phương em đã cho tu sửa lại ngôi trường, tận dụng bàn ghế cũ để làm chỗ bày sản phẩm cũng là chỗ che nắng che mưa cho người đi chợ. Phiên chợ tình thương hoạt động xuyên suốt như những phiên chợ thông thường ở quê em nhưng đông đúc nhất vẫn là vào chủ nhật hàng tuần.
Lần đầu tiên em được đến chợ cùng mẹ là một ngày cuối tuần đầy nắng. Lúc ấy chợ đã đi vào hoạt động được hơn mười ngày nhưng vì bận kỳ thi nên mãi đến khi thi xong em mới có thể tham gia buổi chợ. Hơn cả một chuyến đi xa, trước khi đến chợ, em cảm thấy lòng mình ngập tràn một niềm phấn khởi đan xen cả cảm xúc hồi hộp, mong chờ. Niềm vui cũng rạng rỡ trên gương mặt mẹ em khi mẹ thức dậy rất sớm để hái đầy ắp một giỏ rau, thêm mấy quả bầu lủng lẳng trên giàn. Em kiểm tra lại số quần áo đi học của em năm ngoái dù đã chật hết nhưng vẫn còn mới tinh và thơm tho. Chiều hôm qua em đã gói cẩn thận vào chiếc cặp da thêm vào đấy là bộ sách giáo khoa của năm học trước. Nhiệm vụ của em còn phải phụ mẹ đem cả túi đồ chơi lớn của em gái em đến chợ. Lúc ra ngõ, dì Ba hàng xóm còn gọi mẹ em lại để gửi túi chanh, ớt dì ấy vừa hái trong vườn sáng nay. Trên chiếc xe gắn máy mẹ vẫn chở em đi học mỗi ngày hôm nay chật kín những đồ đạc trong rổ xe, treo trước và cả sau xe.
Suốt quãng đường không quá ba cây số từ nhà đến chợ em thả lòng mình vào những nụ hoa dại ven đường. Ánh mặt trời đã len qua từng vòm cây làm tan giọt sương đêm trong biếc. Dù vậy nắng vẫn chưa đủ sức khiến mọi thứ trở nên nóng hơn. Từng làn gió mát mẻ từ phía con kênh dọc theo đường đem đến cảm giác dễ chịu vô cùng. Trên đường đã có nhiều xe cộ qua lại, em nhận ra vài người quen gần nhà cũng mang nhiều đồ đạc đến phiên chợ trong niềm vui ngày mới. Không giống như những chuyến chợ trước đây mọi người chỉ đem giỏ xách trống không hoặc chẳng mang gì khi đi chợ. Nếu có là những cô chú đem vài thứ cây trái vườn nhà ra bán thì hôm nay em chứng kiến một phiên chợ đặc biệt. Mọi người đem đồ đạc cũ hoặc không sử dụng của mình để cho. Những ai thừa đến chợ để cho đi còn những ai thiếu thì đến đây để nhận lấy.
Cổng chợ là cổng trường học trước đây gỉ sét, nay được sơn sửa lại và tấm bảng phía trên cũng thay đổi từ tên trường thành tên chợ Nhân Ái. Nhìn tấm bảng màu xanh có dòng chữ đỏ em xúc động. Không ngờ nơi này mấy năm trước đây em còn theo đám bạn đến học nay lại trở thành một khu chợ. Từ một nơi đào tạo con người trở thành nơi biểu hiện tình người thật ý nghĩa làm sao. Chắc bạn bè cũ của em khi nhìn thấy cũng chung niềm tự hào như em. Mẹ gửi xe bên ngoài, mặc dù còn sớm nhưng người đến chợ đã đông hơn mọi khi vì hôm nay là ngày nghỉ. Sân chợ được rợp bóng bởi hàng phượng vĩ và những cây bàng non tơ sum sê lá. Dưới tán cây, vài đứa trẻ nán lại nhặt chiếc lá bàng to ngả màu đỏ để mang về. Em không thể nán lại lâu vì phải phụ mẹ mang đồ đạc vào trong chợ. Chợ Nhân Ái không hề thua kém một phiên chợ thông thường ở thị xã. Mỗi phòng học là những gian hàng trưng bày mọi thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày. Điều khác biệt của khu chợ là chỉ có người đến cho và người đến nhận chứ không có người bán. Mọi hoạt động của chợ có các cô chú địa phương tình nguyện đến giám sát.
Mẹ và em vào phòng đầu tiên của dãy, nơi đây bày các mặt hàng rau củ, trái cây và cả thịt, cá. Mẹ lấy cải xanh, rau muống, mồng tơi từ chiếc giỏ xách đặt cẩn thận vào chiếc rổ lớn trên kệ. Em nhìn thấy một bà cụ tay chống gậy đến nâng niu bó rau rồi đặt vào chiếc giỏ đã cũ trên tay. Bà nhìn mẹ em với ánh mắt cảm ơn: “Rau hôm nay tươi quá. Bà mang về nấu nồi canh cho mấy đứa nhỏ”. Mẹ mỉm cười chào bà rồi đặt thêm trái bầu non vào giỏ bà: “Bầu này cháu mới hái ban nãy, bà mang về mai ăn cũng được”. Bà lão vui vẻ đón nhận rồi chào mẹ bước qua quầy thịt cá. Thức ăn hôm nay rất tươi ngon, những bó rau xanh còn đọng giọt sương, những trái mướp ai đó đã đặt lên kệ còn cả cuống đầy những mũ. Nhìn gian hàng em nhớ đến khu vườn đầy rau của bà em, mỗi thứ một ít nhưng thứ nào cũng có kể cả cọng hành, trái ớt. Vì không có người đứng bán nên cá và thịt được làm sẵn từ trước và chia ra thành những phần nhỏ tươi rói trong túi nilon đặt trong chiếc tủ đông thật to. Dù quy định của buổi chợ không được dán trên giấy thông báo nhưng ai cũng đã rõ, mỗi người chỉ lấy một phần đủ để gia đình mình dùng. Vì buổi chợ tình thương những người đến ngoài cho đi thì đều là người có hoàn cảnh đặc biệt nên chẳng ai muốn tham lam lấy mất phần ai vì họ hiểu tấm lòng của người cất công đem đến.
Phòng cạnh bên là nơi đặt những mặt hàng thiết yếu trong gia đình như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, mì gói, gạo và những rất nhiều thứ khác. Những món đồ này đều còn mới, có đầy đủ nhãn mác và hạn dùng. Mẹ bảo em rằng đa số những món đồ này đều là tấm lòng của các cô chú tiểu thương trong chợ gửi vào. Một số khác được mua từ quỹ ủng hộ người nghèo của địa phương. Để phòng ngừa dịch bệnh, ai đến cũng mang theo chiếc khẩu trang trên mặt. Tuy vậy em vẫn nhận ra niềm vui của người cho và cả người nhận về qua đôi mắt, qua những lời chào, lời thăm hỏi. “Chú còn ở chỗ cũ không?”, “Hai đứa nhỏ ở nhà học được lớp mấy rồi”, “Dạo này thấy chị gầy hẳn đi”…Một ông chú được cháu trai mình dẫn vào khu chợ, mắt ông xúc động khi thấy địa phương mình nay đã có khu chợ tình nhân ái này. Ông bảo đứa cháu đặt những túi gạo đã chia đều vào giỏ còn mình thì lom khom sắp mớ đường, đậu ngay ngắn trên kệ. Ông nhắc cháu mình: “Lát nữa con ghé ngang cửa nhà ông lấy thêm nếp đem đến đây cho bà con mình dùng. Mai là rằm rồi, có nếp, đậu mới nấu chè cúng được”. Ông cụ hỏi thăm vài người đến chợ, ai cũng nhận ra ông là mạnh thường quân của phiên chợ đặc biệt này. Em chào ông với lòng cảm phục, kính yêu vô hạn.
Em mang quần áo cũ qua căn phòng thứ ba. Dù nói là áo quần cũ nhưng chẳng ai nỡ cho những thứ rách rưới, hôi hám. Quần áo đều được treo trên móc hoặc để trong một chiếc giỏ lớn đặt ở giữa phòng. Nhiều đứa trẻ háo hức đợi mẹ mình lựa cho một bộ áo quần vừa vặn. Đôi mắt ánh lên niềm vui thơ ấu, dù có cũ người nhưng là món quà mới của mình. Em đặt những con búp bê, mớ đồ chơi bằng vải và nhựa lên kệ. Một đứa trẻ ngắm mãi con búp bê vải hồng và nhìn em. Em hiểu bé ấy rất thích món đồ chơi kia nên đã mỉm cười đặt búp bê vào tay đứa bé. Nó gật đầu cảm ơn em và chạy đến góc phòng khoe mẹ. Em nán lại gian phòng này ít lâu để nhìn niềm vui của những đứa trẻ nhỏ hơn em có khi bằng hoặc lớn hơn cả em đến tìm cho mình món đồ chơi. Em cứ ngỡ rằng mình vừa được một món quà rất lớn. Vui nhất là những người mẹ nghèo áo quần xơ xác dắt theo hai đứa con còm cõi. Người mẹ ấy reo lên khi tìm thấy bộ sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới. Giấc mơ con chữ của con mình sẽ được thêm động lực. Có lẽ cầm sách trên tay, bà đã mơ đến tương lai tươi sáng của con.
Căn phòng cuối cùng nằm bên phải là khu chợ tổng hợp thu nhỏ với rất nhiều những món đồ gia dụng như chén đĩa, bình ly, chậu, có mới có cũ nhưng vẫn còn sử dụng được. Mẹ nắm tay em bước ra ngoài để nhường chỗ cho những người đến sau. Ngoài sân, bọn trẻ con đã tụ tập đông hơn, tiếng vui đùa gọi nhau í ới, tiếng khoe nhau món đồ chơi, bộ quần áo mình mới vừa có được sau buổi chợ làm náo nức cả một vùng trời. Nắng đã lên cao, cây xanh sáng bừng qua kẽ lá như đôi mắt hồn nhiên của tuổi thơ trong sáng. Vài chú chim sâu cũng ríu rít chuyền cành như phụ hoạ cho một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Em cùng mẹ ra về trong một niềm vui ngập tràn dù phiên chợ hôm ấy em chỉ đem về nhà chiếc giỏ trống không.
Có những niềm vui không đến từ những thứ chúng ta nhận được mà từ những điều chúng ta cho đi. Phiên chợ tình thương của em chính là một nơi đặc biệt để em học được bài học lớn về sự sẻ chia, tình yêu thương, tương trợ trong cuộc sống. Ở đó em thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để xây dựng ước mơ trở thành người sống có ích, cho đi nhiều hơn để cuộc đời ý nghĩa hơn.