ÔN TẬP
Câu 1. Lập bảng đối chiếu chủ đề, thông điệp, tư tưởng, điểm nhìn trần thuật của các văn bản truyện đã đọc trong Bài 8 Đất nước và con người.
Văn bản | Chủ đề | Thông điệp | Tư tưởng | Điểm nhìn trần thuật |
Đất rừng phương Nam
|
Bức tranh thiên nhiên hoang dã, trù phú và cuộc sống lao động con người phương Nam | Yêu quý vẻ đẹp thiên nhiên, sống hoà hợp, giữ gìn sự phong phú của thiên nhiên | Tình yêu đối với vùng đất phương Nam trù phú và những con người phóng khoáng, hiền lành | Điểm nhìn từ nhân vật ngôi thứ nhất – An |
Giang
|
Tình yêu, tình người trong chiến tranh thể hiện trong cuộc gặp gỡ tình cờ cũng như sự chia li giữa “tôi” và Giang | Trân trọng tình người, tình yêu và những khoảnh khắc trong đời. Trân trọng sự hy sinh, những mất mát của thế hệ đi trước. | Nhìn nhận người lính ở nhiều chiều, nhiều khía cạnh để thấy được vẻ đẹp chân thực cũng như thấu hiểu nỗi đau âm thầm của con người trong chiến tranh. | Điểm nhìn từ nhân vật kể chuyện xưng tôi, ngôi thứ nhất. |
Buổi học cuối cùng
|
Buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp của thầy trò vùng An dát | Trân trọng văn hoá của dân tộc mình, bảo vệ chữ viết, tiếng nói vì nó là chìa khoá của độc lập, tự do.
Trân trọng thời gian của hiện tại để không phải nuối tiếc vì những việc ta chưa làm. |
Tình yêu đối với dân tộc, tiếng mẹ đẻ, niềm tự hào với ngôn ngữ, văn hoá của đất nước. Tố cáo chiến tranh, kêu gọi bảo vệ tiếng nói dân tộc. | Điểm nhìn nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất – cậu bé Phrăng.
|
Câu 2. Nêu nhận xét của bạn về một nhân vật trong văn bản Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi) hoặc Giang (Bảo Ninh).
Gợi ý trả lời: nhận xét về nhân vật bố Giang trong truyện ngắn Giang (Bảo Ninh)
Bố Giang trên cương vị là một trung tá đồng thời là tham mưu trưởng của một sư đoàn. Trong công việc, ông là vị chỉ huy nghiêm túc, tuân thủ kỷ luật, không nệ tình riêng. Mặc dù thương con gái, chiều theo ý con gái nhưng ông vẫn không nuông theo ý muốn của con gái xin phép cho người lính trẻ nghỉ một hôm vì tình cảm cá nhân. Với vị chỉ huy này, trách nhiệm của một người lính đặt lên hàng đầu, con người của ông cũng là con người của quân đội, của nhân dân. Bề ngoài khó tính nhưng là người trọng tình nghĩa, cởi mở. Ông đã rất thân tình trong lần gặp lại người lính mà không vì rào cản cấp trên cấp dưới. Bố Giang, một chiến sĩ anh dũng đã hy sinh trong chiến dịch, một con người hết lòng vì đất nước. Phẩm chất ấy chính là phẩm chất của một thế hệ anh hùng đã gạt bỏ tình riêng mà quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Câu 3. Cho biết tác dụng của thành phần chêm xen và thành phần liệt kê trong đoạn văn mà bạn đã viết ở mục Từ đọc đến viết.
Gợi ý trả lời:
Rời xa chốn ồn ào đô thị, tôi nghĩ bản thân sẽ buồn chết mất nếu theo người bà con về thăm vùng đất Năm Căn, một huyện hẻo lánh của Cà Mau, điểm cuối cùng tuyến quốc lộ 1A , xa chợ, vắng người. Vậy mà tôi lại bị thiên nhiên trù phú của vùng đất này níu chân. Cảm giác thích thú khi xung quanh mình toàn một màu xanh của trời, của nước, của rừng và màu nâu của bộ rễ đước vươn trên đất bùn.
- Thành phần chêm xen: một huyện hẻo lánh của Cà Mau, điểm cuối cùng tuyến quốc lộ 1A , xa chợ, vắng người: bổ sung thông tin giúp người đọc hiểu thêm về vùng đất Năm Căn ở vị trí địa lý, đặc điểm nổi bật của vùng đất này.
- Thành phần liệt kê: của trời, của nước, của rừng, tác dụng: nổi bật một cách toàn diện sắc xanh thiên nhiên vùng Năm Căn.
Câu 4. Việc viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch có những điểm khác biệt đáng lưu ý nào so với việc viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình?
Gợi ý trả lời: Điểm khác biệt viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch với việc viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình:
- Khi phân tích một tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi, cần quan tâm đến chủ đề, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,…
- Khi phân tích tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,…
- Với những tác phẩm trữ tình (thơ) cần quan tâm đến dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình, cách gieo vần, ngắt nhịp, ngắt dòng, chia đoạn, các biện pháp tư từ: so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, điệp…
Câu 5. Bạn rút ra được kinh nghiệm gì trong việc trình bày bài giới thiệu, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch?
Gợi ý trả lời: Kinh nghiệm rút ra khi trình bày, giới thiệu, đánh giá một tác phẩm tự sự, tác phẩm kịch:
– Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi thì cần tập trung cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,…
– Với các tác phẩm truyện kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự,… cần tập trung vào các yếu tố tạo nên tính xác thực của sự kiện, chi tiết,…, góc nhìn, thái độ, quan niệm, cảm xúc và ngôn từ của tác giả..
– Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,…
Câu 6. Các văn bản Đất rừng phương Nam, Giang và Xuân về gợi cho bạn những suy nghĩ và tình cảm gì đối với quê hương đất nước, con người Việt Nam?
Gợi ý trả lời:
Tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất hình chữ S, trở thành một phần của quê hương, xứ sở. Hoà mình vào văn học, tôi càng thấy lòng mình trải rộng một tình cảm trìu mến với quê hương. Một vùng đất phương Nam trù phú, thiên nhiên con người gắn kết cùng nhau. Thiên nhiên phong phú con người cũng hào sảng, chân tình. Tổ quốc tôi đó là thủ đô oai hùng, thủ đô sống mãi cùng những bước chân người lính từ giã bút nghiên lên đường ra trận. Là miền quê Bắc bộ với gió đông, với mùa xuân dịu dàng về trên má cô hàng xóm. Đất nước tôi mỗi miền mỗi vẻ đẹp riêng nhưng đâu đâu cũng được dựng xây bằng lao động bằng mồ hôi và sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người đi trước. Quê hương tôi dù trải qua gian khổ nhưng tình người vẫn luôn hiện hữu, con người sống với nhau bằng nghĩa tình, bằng sự thuỷ chung.