BÀI 6
NÂNG NIU KỶ NIỆM
(THƠ)
VĂN BẢN 1: CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN
Hoàng Nhuận Cầm
Trước khi đọc
Câu hỏi: Kỉ niệm nào về mái trường khiến bạn xúc động nhất? Hãy chia sẻ với các bạn về điều đó.
Gợi ý trả lời: Kỉ niệm về một lần mắc lỗi
Ai cũng có cho mình một khoảng thời gian để nhớ, một nơi để thương yêu. Với tôi, nơi ấy là là mái trường tiểu học cùng với những ngày tháng còn quá ngây thơ ở tuổi lên mười. Năm ấy, tôi đang học lớp 4, tôi là một cậu bé nghịch ngợm, ham chơi và thích được chú ý. Tôi nghĩ mình là học sinh giỏi của lớp được cô giáo thương yêu nên càng kiêu ngạo. Không may năm ấy cô giáo chủ nhiệm của tôi chuyển công tác nên một cô giáo khác được sắp xếp chủ nhiệm thay. Cô An, chính là cô giáo mới mà tôi không bao giờ quên được. Ban đầu chúng tôi không thích cô An bởi lẽ so với cô giáo cũ, cô An khá nghiêm khắc, mỗi ngày đều yêu cầu chúng tôi học bài, làm bài đầy đủ, thường xuyên phạt những đứa học trò chểnh mảng, kể cả tôi. Tôi lấy làm uất ức và đã bày trò chọc phá cô. Hôm ấy đúng vào thứ hai, mỗi đầu tuần cô đều vào lớp sớm. Tôi biết điều đó nên đã chuẩn bị sẵn mấy chú sâu rớm màu sắc nhìn thôi đã rùng mình bỏ vào trong chiếc lọ, mang theo đến trường. Tôi âm thầm bỏ vào trong học bàn giáo viên và chờ đợi. Đúng với dự định của tôi, cô An vào lớp trước khi trống đánh báo hiệu tập trung. Cô kéo ngăn tủ bàn để lấy phấn thì bất ngờ phát hiện lũ sâu đang bò khắp. Cô hốt hoảng tái xanh cả mặt rồi chỉ kịp thét lên sau đó ngất đi. Tôi không ngờ mọi chuyện diễn biến đến mức như thế. Cả lớp cuống cuồng nhờ thầy cô khác giúp đỡ. Cô được đưa vào phòng y tế. Trong lúc lớp học không có cô, tôi lo sợ đến sắp khóc. Tôi ước gì mình đã không làm thế. Chúng tôi được biết cô An mắc bệnh rối loạn hoảng sợ. Cô sợ nhất là các loài sâu bọ và côn trùng. Ngày hôm ấy có giáo viên khác đến thay, tôi thì hồi hợp và ân hận nên chẳng tập trung vào bài vở. Nỗi sợ này dâng lên cực độ khi thầy giám thị đến lớp tôi điều tra thủ phạm đã bày trò. Tôi nghe thầy bảo sẽ mời phụ huynh và phạt nghiêm mà mất cả hồn. Thế nào cô An cũng nói với cha mẹ tôi về những lần không học, không chịu làm bài tập và hay chống đối. Thế mà mọi việc hoàn toàn trái với suy nghĩ của tôi. Cô An chẳng những không quở trách tôi mà còn đứng ra bảo vệ tôi. Cô bảo không phải lỗi do tôi, hôm ấy cô ngất vì sức khoẻ chứ không phải vì những con sâu. Cô đứng ra đảm bảo với mọi người rằng tôi sẽ không bao giờ phạm phải lỗi lầm ấy nữa. Lòng vị tha của cô khiến tôi xúc động vô cùng. Tôi thấy mình nợ cô nhiều quá. Cô đã dạy cho tôi một bài học sâu sắc bằng tình thương, sự rộng lượng của một người cô tâm huyết cùng nghề.
Đọc văn bản
- Bạn hiểu thế nào về hai dòng thơ đầu?
Gợi ý trả lời: Hai dòng thơ đầu là câu hỏi của nhân vật trữ tình với “em” về sự trôi chảy của thời gian khi mà mọi thứ đã ở lại thì quá khứ. “tất cả đã xã rồi” có chăng đó là những kỉ niệm mà nhân vật trữ tình và “em” đã trải qua. Tiếng thơ như sự nuối tiếc, tiếng thở thời gian hay chính là tiếng thở dài của luyến lưu và nỗi nhớ chơi vơi. Thời gian âm thầm nhưng mang trong đó sự cách ngăn, nó tạo ra khoảng ký ức nhiều luyến nhớ.
2 : Khổ thơ này gợi lên trong bạn những gì về ngôi trường cũ của mình?
Gợi ý trả lời:
Ngôi trường cũ mà tôi đã trải qua khoảng thời gian cấp hai đầy lưu luyến có quá nhiều nơi để nhớ, nhiều khoảnh khắc để không thể nào quên được. Đó là một ngôi trường nhỏ nằm ở trong xóm huyện, cách xa thành phố. Ngôi trường cũ với màu ngói đã phai, rêu phong phủ đầy góc tường. Phía trước trường là hàng phượng già ngủ gật trong những buổi trưa đợi tiếng trống. Vậy mà phượng lại cháy lên đỏ rực những lúc sang hè. Nhớ từng lối đi thân quen mà tôi có thể nhắm mắt cũng biết sẽ đi bao nhiêu bước nữa. Nhớ cả góc ngồi quen thuộc, lũ con trai nghịch ngợm khắc vào tên của mình.
3: Bạn hình dung thế nào về cảnh được miêu tả trong đoạn thơ này?
Gợi ý trả lời
Những câu thơ gợi lên khung cảnh vui tươi, nhộn nhịp của lớp học trong giờ giải lao hoặc trước giờ vào lớp. Thời gian ấy chính là khoảng thời gian hào hứng nhất sau những tiết học nghiêm túc. Các cô cậu học trò tụm năm, tụm bảy bày trò chơi, chọc ghẹo nhau. Nhất là khi trong lớp có một nữ sinh đáng yêu, xinh xắn “nàng bạch tuyết” thì sẽ thu hút mọi ánh nhìn của các cậu con trai. Sự hồn nhiên pha chút tinh nghịch của học trò vẽ nên bao nhiêu câu chuyện cười tít mắt. Cũng nhờ những trận cười ấy mang bè bạn gần nhau hơn, niềm vui tuổi học trò cũng nhân lên.
4: Bạn cảm nhận như thế nào về tình cảm của chủ thể trữ tình được thể hiện quan đoạn thơ này?
Gợi ý trả lời:
Đoạn thơ là tiếng lòng của thi nhân dành cho ngôi trường cũ và người thầy kính yêu. Với chủ thể trữ tình, ký ức là điều tuyệt vời nhất nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người khôn lớn. “Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào” dẫu có sự nghịch ngợm, ngây thơ của lứa tuổi học trò nhưng vẫn đánh thức sự hồi hợp, xao xuyến, xúc động của chủ thể trữ tình. Cảm xúc tươi sáng nảy nở trong lòng không hề mất đi theo thời gian mà như một cố tri vui mừng biết mấy lúc gặp lại nhau. Trong nỗi nhớ ấy, nhân vật trữ tình dành cả sự ngưỡng mộ, kính trọng biết ơn người thầy đã cần mẫn đưa đò, để mỗi thế hệ đi qua là tóc thầy thêm sợi bạc. Tình cảm, tấm lòng của nhân vật trữ tình dành cho trường xưa, lớp cũ thật đáng trân trọng.
Sau khi đọc
Câu 1: Theo bạn, các từ ngữ “một người” (dòng 8), “tôi” (dòng 16), “anh” (các dòng thơ khác) trong bài thơ có thể chỉ những ai? Cách sử dụng các từ ngữ nhân xưng như vậy có tác dụng gì?
Gợi ý trả lời:
Các từ ngữ “một người”, “tôi”, “anh” đều có khả năng chỉ nhân vật trữ tình. Cách sử dụng những từ ngữ như thế tránh việc lặp lại cùng một cách xưng hô. Đồng thời phù hợp với từng danh xưng, từng mối quan hệ của nhân vật trữ tình với những đối tượng khác nhau xuất hiện trong những ngữ cảnh khác nhau. Khi nói về những rung động đầu đời của tình yêu, nhân vật trữ tình xuất hiện trong cách nói phiếm chỉ “một người”. Lúc hỏi những người bạn có nhớ tên mình thì xưng “tôi” là phù hợp. Khi đối diện với “em” thì xưng “anh” là tương xứng.
Câu 2: Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ 3, 4, 6 và nêu tác dụng của chúng.
Gợi ý trả lời: Biện pháp tu từ
Khổ 3:
- “Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu” : điệp từ “muốn”, “bao nhiêu” => nhấn mạnh cảm xúc dâng trào trong lòng nhân vật trữ tình về những ký ức ngày xa mái trường dẫu có khóc có nói cũng không thể nào bày tỏ hết cũng không thể níu giữ được thời gian.
- “Rụng xuống trái bàng đêm”: đảo ngữ “rụng xuống” được đảo lên phía trước => phù hợp nhịp điệu thơ, tạo cảm giác trầm lắng cho dòng cảm xúc luyến nhớ của nhân vật trữ tình.
Khổ 4:
- Điệp ngữ “nỗi nhớ” => nhấn mạnh nỗi nhớ của “anh” và nỗi nhớ của “em” cùng với nỗi nhớ của chúng ta. Tuy cũng là cảm giác nhớ nhung cháy bỏng nhưng đối tượng hoàn toàn không giống nhau. Chỉ có điểm giao nhau trong nỗi nhớ ấy là trường lớp, bè bạn, thầy cô
- “Nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi” điệp từ “nhớ” kết hợp câu hỏi tu từ => bộc lộ cảm xúc đang tràn ngập trong lòng nhân vật tôi là nỗi nhớ và mong muốn được nhớ đến.
Khổ 6:
- “Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào”: phép điệp cấu trúc => nhấn mạnh những câu chuyện xưa theo dòng thời gian cứ ùa về hiện tại.
- “Mùa hoa mơ”: ẩn dụ cho mùa xuân; “mùa phượng cháy” : ẩn dụ cho mùa hạ => chỉ dòng thời gian trôi nhanh không bao giờ ngừng nghỉ.
Câu 3: Nhận xét về tác dụng của việc sử dụng đối thoại ở khổ thơ 5.
Gợi ý trả lời: Sử dụng đối thoại trong khổ 5 tái hiện không khí náo nhiệt, ồn ào của lớp học với những cuộc trò chuyện, những trò nghịch ngợm, chọc ghẹo nhau vui tươi trong tiếng nói, tiếng cười. Tuổi học trò với những câu đối đáp hài hước, dí dỏm gắn chặt tình bạn, tạo nên kỷ niệm khó quên.
Câu 4: Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình. Từ đó, nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ
Gợi ý trả lời:
Một số từ ngữ, hình ảnh bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình là: “mê say”, “yêu dấu”, “muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu”,” bâng khuâng”, “nỗi nhớ”, “ôi những trận cười trong sáng đó lao xao”, “xúc động”, “xôn xao”, “anh nhớ quá”
- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là một dòng hồi ức tươi đẹp về những ngày tháng học trò. Ở đó tình yêu đầu tiên với những cảm xúc trong sáng bắt đầu, cũng là nơi mang nhiều kỷ niệm cùng mái trường, thầy cô, bè bạn. Mạch tâm trạng chi phối cả bài thơ là nỗi nhớ mong, khắc khoải, vừa xao xuyến, bồi hồi vừa luyến tiếc những ngày đã mất.
Câu 5: Bạn cảm nhận như thế nào về hình ảnh “Chiếc lá buổi đầu tiên” ở cuối bài thơ?
Gợi ý trả lời: Chiếc lá đầu tiên cũng là nhan đề bài thơ là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho khoảng thời gian trong sáng, hồn nhiên của tuổi trẻ. Đó là khoảng thời gian tươi đẹp, nhiều mơ mộng, nhiều ước muốn cũng là khoảng thời gian chúng ta sống trong tình thân bè bạn, tình cảm thầy trò cùng những rung động đầu đời. Chiếc lá đầu tiên, là ký ức, là niềm nhớ mong, là tình yêu trong sáng nảy nở giữa thời áo trắng cũng là những gì đã qua, đã xa. Điều còn đọng lại trong lòng là những hoài niệm mà thời gian không thể nào bôi xoá.
Câu 6: Bài thơ gợi lên trong bạn những kỉ niệm và suy nghĩ gì về tuổi học trò?
Gợi ý trả lời:
Tuổi học trò, có lẽ đó là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Ở đó chúng ta có những tình cảm đẹp được nuôi dưỡng dưới mái trường, có những ước mơ ươm mầm từ lời dạy bảo của thầy cô. Khoảng thời gian ấy chẳng bán vé khứ hồi nên khi đã vụt mất thì chẳng thể nào tìm lại được. Vì thế mà tuổi học trò bao giờ cũng vẹn nguyên cảm xúc xao xuyến, bồi hồi mỗi khi chúng ta nhớ đến. Đó là miền ký ức ngọt ngào bồi đắp nên tâm hồn của mỗi con người.