Nêu suy nghĩ của em về vấn đề tuổi trẻ là tương lai đất nước – Văn mẫu 8
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” Đấy là những lời căn dặn của vị lãnh tụ vĩ đại đối với thế hệ trẻ Việt Nam trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua nhưng lời dạy của Bác vẫn còn vang vọng trong tim của hàng triệu con người đã, đang và sẽ có một tuổi trẻ căng tràn sức sống. Một tuổi trẻ mà theo Bác phải là chủ nhân tương lai đất nước, phải là lực lượng nòng cốt để đưa con tàu đất nước vươn đến tương lai.
“Tuổi trẻ là tương lai đất nước” một lời khẳng định súc tích nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa. “Tuổi trẻ” được hiểu là khoảng thời gian đời người, một khoảng thời gian đẹp ở giữa giai đoạn thời thơ ấu và thời trưởng thành. Ở nhiều quốc gia, văn hoá khác nhau có những mốc thời gian cho lứa tuổi này không giống nhau. Nếu như nói tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên thì đất nước ta quy định đó là tuổi từ 16 đến 30. Tuy vậy thời điểm mở đầu và kết thúc tuổi trẻ không dựa hẳn vào trong độ tuổi chính xác nào mà có thể nới rộng ra khoảng từ 14 đến 40 tuổi. Khái niệm về tuổi trẻ thường dựa trên vẻ ngoài trẻ trung, tươi mới và nội lực bên trong để gắn lứa tuổi này là lứa tuổi vươn tới sự hoàn thiện bản thân, khẳng định bản thân. “Tương lai đất nước” được hiểu là con đường phía trước của đất nước ta, nhân dân ta. Con đường này được mở rộng bằng tri thức, trí tuệ, bằng sức lao động cống hiến của mỗi người Việt Nam, bằng đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhà nước. Tương lai đất nước không gì khác là vị trí của đất nước mình trên thế giới, là hình ảnh một Việt Nam ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển hưng thịnh muôn đời. Nói “tuổi trẻ là tương lai đất nước” là muốn nhấn mạnh vai trò, vị trí và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự trường tồn của đất nước, non sông.
Lịch sử một đất nước, câu chuyện về một dân tộc được kể bằng sự nối tiếp giữa các thế hệ. Thế hệ đi trước là người xây dựng nền móng, giữ lửa để truyền cho thế hệ tiếp theo. Đến lượt mình thế hệ sau này lại giữ gìn và phát huy các giá trị dân tộc và trao lại cho thế hệ trẻ mai sau đảm nhận trọng trách gánh vác quê hương. Như thế mỗi lứa tuổi đều có vai trò quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà mà tuổi trẻ sẽ là hạt giống được chắt lọc rồi sẽ nảy mầm, phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Vì thế đảm nhận vai trò gánh vác đất nước là thế hệ trẻ đang nối gót thế hệ cha ông, sống theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cũng là vươn đến khẳng định ý nghĩa tồn tại của mình.
“Tuổi trẻ là tương lai đất nước” cũng vì tuổi trẻ là lứa tuổi hội tụ đầy đủ nhưng nhân tố làm nên một thế đứng vững chãi. Nhân tố đầu tiên chính là sức khoẻ và tinh thần. Mọi sự cống hiến đều phải bắt đầu từ sức khỏe cường tráng, dồi dào, dẻo dai, có khả năng chịu được cuộc sống gian khổ, sự tôi luyện từ bên ngoài. Tuổi trẻ có được điều đó vì đây là lứa tuổi đã và đang hoàn thiện về thể chất, có sức vóc, có nguồn năng lượng dồi dào. Bên trong một sức khỏe tốt là một tinh thần sảng khoái, minh mẫn, biết tìm đúng đường mà đi, biết nhìn xa trông rộng. Chẳng những thế tuổi trẻ còn là lứa tuổi đang sục sôi bầu nhiệt huyết trong tim. Ngọn lửa của niềm tin, hy vọng vào cuộc đời, hơn lúc nào hết cháy bừng trong lồng ngực tuổi trẻ. Vì một quãng trời rộng mở đang chờ đợi, tuổi trẻ lúc nào cũng khao khát bay cao, bay xa để làm việc và cống hiến.
Thêm một lý do quan trọng để nói tuổi trẻ là tương lai đất nước nằm ở những gì mà lứa tuổi này nhận được từ xã hội. Tuổi trẻ được sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Lứa tuổi này được giáo dục toàn diện về cả tri thức lẫn rèn luyện nhân cách. Kiến thức mà tuổi trẻ học được ở nhà trường là những kiến thức cơ bản được sàng lọc sao cho có thể đem những gì học được ứng dụng vào trong đời sống. Có tri thức, hiểu biết, tuổi trẻ sẽ nhìn ra giá trị của bản thân trong xã hội và phấn đấu để đáp lại sự trông đợi của gia đình, nhà trường, đất nước. Đây là lứa tuổi được bồi dưỡng tư tưởng đạo lý, cách ứng xử, những kỹ năng sống nhiều nhất để có thể hoàn thiện cả nhân cách, phẩm chất đạo đức.
Chúng ta phải công nhận một điều tuổi trẻ là lứa tuổi dễ hòa nhập và dễ tiếp thu với cái mới nhất. Với sự năng động vốn có thêm vào đó là sự tò mò, ham thích khám phá cái mới, cái lạ, tuổi trẻ luôn đón đầu thời đại, bắt nhịp với công nghệ tiên tiến và không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới. Điều này chúng ta có thể thấy rõ khi lực lượng lao động, học tập, nghiên cứu trong các chuyên ngành đòi hỏi công nghệ cao đều là giới trẻ. Thế giới ngày càng hiện đại với máy móc, công nghệ kỹ thuật cao đồng nghĩa với việc nền kinh tế tri thức ngày càng được khẳng định, vậy không ai khác ngoài lớp trẻ có khả năng hội nhập sẽ không bỡ ngỡ trước tốc độ phát triển nhanh chóng của thế giới.
Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, vai trò của lớp trẻ đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức và niềm tự hào của mỗi con người. Tiếng vang lớn của những chiến công oanh liệt mà thời đại nhà Trần tạo ra trước đoàn quân hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ chẳng phải được tạo nên từ ý chí kiên cường, khí thế dũng mãnh “phá cường địch, báo hoàng ân” của một thế hệ thanh niên mà tiêu biểu là người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản. Những cái tên Mạc Đỉnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Hiền, Lê Quý Đôn..chẳng phải cũng đã dùng tài học, sự thông minh, trí tuệ của mình mà cống hiến dựng xây đất nước hay sao? Trong thập niên 30 của thế kỷ XX, khi mà đất nước đang còn oằn mình trong hai tầng xiềng xích thì người thanh niên chưa đầy 30 tuổi Phạm Hồng Thái đã tạo nên một tiếng bom Sa Diện đánh vào kẻ cầm quyền tối cao của thực dân. Bằng cả sự can trung không màng tính mạng, người thanh niên trẻ tuổi Việt Nam đã được thế giới kính cẩn nghiêng mình. Trong những năm bom đạn của đế quốc ném dữ dội xuống tuyến đường Trường Sơn hòng chia cắt đất nước ta, ngăn không cho miền Bắc chi viện miền Nam. Bao nhiêu lớp trẻ đã xung phong lên đường vào tiền tuyến miền Nam. Họ đã không tiếc tuổi thanh xuân để giữ mãi khoảnh khắc tuổi hai mươi thành bất tử. Anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thuỳ Trâm và bao nhiêu lớp người con gái, con trai giống nhau lứa tuổi.
“Họ đã sống và chết
giản dị và bình tâm
không ai nhớ mặt đặt tên
nhưng họ đã làm ra đất nước”
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Thời đại nào tuổi trẻ cũng giữ vai trò chủ chốt, đi đầu. Nhất là khi đất nước đang trên đà phát triển thì tuổi trẻ là cánh chim đưa tin đến khắp thế giới một gương mặt Việt Nam văn minh, cần cù, hiếu khách. Năm 2021 khép lại với những khó khăn chung của đất nước trong cơn đại dịch, tuy vậy tuổi trẻ vẫn phát huy được năng lực của mình trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội về mọi mặt. Nguyễn Lê Thảo Anh một cô học sinh lớp 12 đã mang về thành tích huy chương vàng kỳ thi Olympic quốc tế. Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, 31 tuổi, có nhiều đóng góp công sức cho xã hội, điều trị các bệnh nhân nặng đến rất nặng. Còn là thành viên sáng lập và tham gia vận hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công, phát hiện 1.415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện. Và hàng triệu những người trẻ vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến sức lao động của mình để góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Để tuổi trẻ phát huy được vai trò là tương lai đất nước, Đảng và nhà nước ta cần có những chính sách cho thanh thiếu niên được học tập, được phát triển. Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, đổi mới toàn diện, đồng bộ giáo dục, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên học tập những tri thức mới của thời đại. Ưu tiên cho thế hệ trẻ cơ hội việc làm, đảm nhận vai trò quan trọng để phát huy năng lực. Nhà trường phối hợp với gia đình, xã hội hướng con em mình chọn lựa đúng con đường để đi, đào tạo cả trí tuệ lẫn đạo đức, lối sống..
Quan trọng hơn cả là tự bản thân thế hệ trẻ chúng ta cần có ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng đất nước mai sau. Trước hết lứa tuổi thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường cần chăm chỉ, sáng tạo, có động cơ học tập đúng đắn. Nắm vững kiến thức trong chương trình phổ thông đồng thời tiếp thu công nghệ, khoa học để có thể đưa đất nước phát triển trong nền kinh tế tri thức. Điều quan trọng tiếp theo là rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống lành mạnh, giữ gìn những nét đẹp văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những nền văn hoá mới để làm giàu cho cuộc sống nước nhà. Không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và nhà nước. Tuổi trẻ cũng cần đem tri thức, sức mạnh thế hệ mình để đấu tranh, bài trừ những cái tiêu cực, cảnh giác trước những đối tượng xuyên tạc nhà nước. Bản thân mỗi người chúng ta phải trau dồi những kỹ năng hội nhập, tiếp thu khoa học, công nghệ để tạo cơ hội vươn lên trong cuộc sống và cơ hội phát triển bản thân.
“Tuổi trẻ là tuổi của tương lai. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải chiếm lấy bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân”(Hồ Chí Minh) Lời Bác dạy đã vạch ra cho thế hệ trẻ chúng ta một thế đứng ở hiện tại và trong tương lai. Ý thức được trách nhiệm của thế hệ mình, chúng ta hãy phấn đấu hết mình để gánh vác trọng trách người đi trước để lại và làm tấm gương sáng để con cháu sau này tiếp bước. Hãy dẹp đi những suy nghĩ ích kỷ, đòi hỏi và lối sống hưởng thụ, ỷ lại, năng nổ mà sống, tự tin mà đem tài trí của mình xây dựng mùa xuân cho bản thân, cho gian đình, xã hội. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.