Đề bài: Viết bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành – Văn mẫu 8
“Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo” (Nguyễn Thiếp). Từ xưa việc học đã được xem là việc hàng đầu làm động lực cho sự tiến bộ của một con người, một xã hội. Để học tốt chúng ta có nhiều phương pháp, trong đó học đi đôi với hành là một phương châm đúng đắn đã được truyền dạy từ bao đời nay cũng là một nguyên lý giáo dục quan trọng. Phương châm này giúp ta hiểu hơn về mối quan hệ giữa học và hành đồng thời có sự điều chỉnh trong cách học của bản thân để việc học trở nên ý nghĩa và thú vị.
Chúng ta không còn xa lạ gì với khái niệm “học” trong đời sống hằng ngày và trong sự kết hợp lý thú của ngôn ngữ tiếng Việt: học tập, học hành, học hỏi, “tiên học lễ, hậu học văn”, “học ăn, học nói, học gói, học mở”…Vậy học có thể hiểu là quá trình bản thân con người tiếp thu kiến thức, kỹ năng, hiểu biết..về mọi mặt đời sống một cách chủ động hoặc thụ động. Quá trình học tập của con người bằng với chiều dài thời gian con người hình thành và trưởng thành, có nghĩa là chúng ta học từ khi mới chào đời cho đến khi mất đi. Nói như vậy việc học không dừng lại ở việc tiếp nhận những kiến thức, hiểu biết từ nhà trường, thầy cô, sách vở, báo đài…mà còn bao hàm cả việc tiếp nhận những kỹ năng từ cuộc sống như học nói, học đi, học làm việc, học ứng xử…Việc học không chỉ theo bài bản, giờ giấc trên lớp mà còn học cả những lúc ta vui chơi, đi tham quan du lịch “đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Mọi kiến thức chúng ta học được suy cho cùng đều cần trải qua một giai đoạn tiếp theo đó là hành. Hành hay còn gọi là thực hành chính là quá trình chúng ta vận dụng những thông tin, tri thức, kỹ năng, bài học trên mặt lý thuyết mà ta học được để vào thực tiễn, gắn với những phần việc cụ thể. So với học là những điều trừu tượng, khó đánh giá thì hành tạo nên những sản phẩm điển hình. Ví dụ người thợ xây dựng tạo nên một ngôi nhà đẹp, một bác sĩ chữa lành bệnh cho bệnh nhân, một kỹ sư nông nghiệp đem hiểu biết của mình để lai tạo ra giống lúa mới…Sản phẩm mà hành tạo ra là thành quả lao động, là những đóng góp vật chất và tinh thần cho đời sống.
Học là nhận thức còn hành là việc làm, hành động. Phương châm học đi đôi với hành tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của con người. Vậy nên cần kết hợp cả học tập và thực hành để khiến cho bài học ta thêm sâu sắc, ý nghĩa và hành động ta có cơ sở khoa học, trôi chảy. Từ đó hiệu quả học tập và công việc được củng cố, làm nền cho tính sáng tạo ở mỗi chúng ta. Chúng ta cần kết hợp giữa học và hành bởi vì đây là hai mặt của một chỉnh thể không thể tách rời. Chúng ta học cũng chỉ vì muốn làm việc, muốn công việc đạt kết quả cao. Nếu chỉ nặng lý thuyết dù bạn giỏi giang đến đâu mà không có giá trị thực tiễn thì chẳng khác nào mớ kiến thức vô nghĩa nằm bất động trên giấy. Vậy việc học mà không thực hành thì chỉ tốn thời gian, tiền của, công sức vô ích mà thôi. Một người vỗ ngực tự cho mình là nắm nửa bồ kiến thức của thiên hạ nhưng không hề làm ra được một sản phẩm vật chất hoặc tinh thần nào đóng góp cho gia đình, xã hội từ mớ kiến thức ấy thì cũng bằng thừa. Một người ham đọc sách hướng dẫn nấu ăn, tìm hiểu các phương pháp nấu ăn ngon mà chẳng bao giờ chịu bắt tay vào nấu một bữa cơm thì các phương pháp kia chỉ làm cho đầu óc thêm bận rộn.
Ngược lại, “hành mà không học” thì hành không việc gì trôi chảy. Thực hành muốn thuận lợi thì cần dựa trên nền tảng hiểu biết về lý thuyết. Từ lý thuyết mới tạo nền móng vững chắc cho việc áp dụng vào đời sống. Thói quen làm việc theo kinh nghiệm mà không có lý thuyết soi đường sẽ dẫn đến thực hành bị gián đoạn, trì trệ, chậm chạp hoặc không đạt kết quả cao. Những điều thực hành mà không cần học thì chỉ dừng lại ở các phần việc đơn giản, không đòi hỏi cao về kỹ thuật và kỹ năng. Mọi phần việc còn lại từ lao động chân tay đến trí óc, từ lao động trong công xưởng đến ngoài công trường, từ bệnh viện đến trường học..đều cần có lý thuyết dẫn lối, nghĩa là cần học tập kiến thức nhất định.
Phương pháp học đi đôi với hành có nhiều lợi ích. Đầu tiên phương pháp này tạo hiệu quả trong học tập. Học lý thuyết suông mà không có thực hành thì chỉ là học vẹt, sẽ rất mau quên, làm giảm hiệu quả học tập. Khi kết hợp giữa học và thực hành sẽ khiến bài học khắc sâu hơn, gần gũi hơn.Có thực hành việc học sẽ không bị nhàm chán. Thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng chứ không cứng nhắc như những con số trên trang giấy, do vậy khi kết hợp với hành sẽ dễ đi vào trí nhớ và khắc sâu trong tâm trí con người hơn. Khi áp dụng phương châm hiệu quả thì chúng ta sẽ làm chủ kiến thức, dễ dàng vận dụng kiến thức đó trong thực tế. Bản thân trở nên vững vàng, đầu óc mở mang có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp. Phương pháp này còn giúp đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả. Một người giỏi là người nắm chắc cả lý thuyết học được và áp dụng thành công trong công việc. Nếu một xã hội có những con người giỏi cả lý thuyết và thực hành thì xã hội ấy sẽ càng trở nên tiên tiến, văn minh.
Từ xưa, đất nước chúng ta đã có nhiều tấm gương học đi đôi với hành như trạng lường Lương Thế Vinh, ông đã ứng dụng những điều học ở trường để áp dụng vào việc đo lường tạo nền móng cho môn toán ứng dụng. Những tên tuổi như Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Hiền không phải là đem điều trong sách vở để trở thành một vị quan tốt giúp dân giúp nước đó sao? Ngày nay có rất nhiều tấm gương sáng, họ là những bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học..đã đem lý thuyết ở trường vào thực hành. Vị bác sĩ, y tá chữa bệnh cứu người, anh kỹ sư vận hành máy móc vào lao động, bác nông dân đem kiến thức về cây trồng để cho một vụ mùa bội thu…
Có thể khẳng định học đi đôi với hành là phương pháp hiệu quả, đúng đắn. Tuy vậy hiện nay vẫn còn rất nhiều học sinh chạy theo lối học sai lầm, áp dụng những cách học không hiệu quả. Nhiều học sinh chuộng học hình thức, học tủ, học vẹt chỉ học để đối phó gia đình, thầy cô mà thực không hiểu bản chất vấn đề, do đó rất nhanh quên và không thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Học vì ép buộc, học vì không xuất phát vì yêu thích, mà do áp lực từ nhà trường, gia đình nên rất dễ gây nhàm chán, mau quên. Lối học như thế chẳng những không mang kết quả tốt mà còn tạo gánh nặng, áp lực cho bản thân. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng giáo dục nước nhà.
Để nâng cao hiệu quả học tập và phát huy tinh thần học đi đôi với hành, học sinh chúng ta cần phải áp dụng phương châm ấy mọi lúc mọi nơi. Chúng ta nên chăm chỉ học lý thuyết để nắm vững kiến thức, sau đó áp dụng vào thực tế. Đem những điều đọc được trên sách vở vào đời sống.Thường xuyên thực hành bằng việc tìm tòi, sáng tạo những những cái mới trên cơ sở lý thuyết. Chịu khó quan sát học hỏi những kiến thức bên ngoài sách vở. Học tập kinh nghiệm thực hành của những người xung quanh.
“Mọi lý thuyết đều là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Nếu lý thuyết chỉ nằm im trên sách vở hoặc trong trí nhớ của con người mà không được đưa vào làm công cụ để lao động, sản xuất thì lý thuyết ấy là lý thuyết chết. Còn chỉ chú trọng thực hành mà không quan tâm đến cơ sở lý thuyết thì mọi việc cũng chẳng thuận lợi. Vậy nên phương châm học đi đôi với hành là luôn cho nghiệm đúng với mọi trường hợp và là ánh đuốc soi đường cho những ai muốn bản thân tiến bộ, phát triển theo từng ngày.