Cảm nhận bài thơ “Bếp Lửa” – Bằng Việt – Lớp 9 HK1 – Phần 1
Quê hương trong tâm tưởng của mỗi con người bao giờ cũng giản dị, bình yên, nên thơ, nhất là khi quê hương thân thuộc được đặt trong miền ký ức tuổi nhỏ cùng với những người bà. Xuân Quỳnh đã từng nghe tiếng gà trên đường hành quân để rồi nhớ da diết đến người bà. Nguyễn Duy kể về tuổi thơ nghịch ngợm của mình trong những ngày ngây dại để rồi cùng lớn lên. Đến với Bằng Việt, nhà thơ đã dành một tình cảm nồng ấm, âm ỉ cho bà như chính sự ấm nồng của bếp lửa mà người bà đã nhóm lên suốt khoảng thời gian thơ ấu. Bài thơ Bếp Lửa chính là nỗi lòng của đứa cháu xa nhà vẫn luôn đau đáu nhớ đến kỷ niệm cùng bà, luôn trân trọng miền ký ức tươi đẹp đã qua để từ đó bộc lộ được tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước.
“ Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
….
Sáng mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
Bài thơ “Bếp lửa” được viết năm 1963 khi nhà thơ còn là sinh viên học ngành luật.Tác phẩm in trong tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bằng lối thơ tự do, chan chứa cảm xúc, nhà thơ đã xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà và là điểm tựa khơi nguồn cho các tầng ý nghĩa của bài thơ.Mặc dù cùng là nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ nhưng thơ của Bằng Việt không cay nòng thuốc súng, cũng không ầm ầm tiếng mưa bom, thơ Bằng Việt mang “âm hưởng thính phòng”, phảng phất tâm hồn của một cậu học trò tài hoa, theo nghiệp bút nghiên và để tâm hồn mình lộng gió thời đại mới. Vì thế mà dù bài thơ ra đời trong hoàn cảnh cuộc chiến cam go, đôi lần nhắc về chiến tranh nhưng Bằng Việt lại hướng người đọc đến những dung dị của đời thường thông qua hình ảnh bếp lửa và người bà thân thương.
Bếp lửa là hình ảnh quen thuộc của mỗi nhà, gắn liền với những bữa cơm gia đình đầm ấm, gợi một buổi sinh hoạt văn nghệ giữa đêm khuya, ghi dấu chén trà thơm mỗi sớm tinh mơ toả ra từ hiên trước. Không chỉ dừng lại ở vai trò đun nấu, sưởi ấm hoặc soi sáng, bếp lửa, ngọn lửa còn mang nhiều ý nghĩa văn chương mà mỗi tác giả lại chọn cho mình một khía cạnh để bộc lộ cảm xúc. Với Bằng Việt, bếp lửa chính là một phần ký ức tuổi thơ gắn với hình ảnh người bà mỗi ngày nhóm lửa nấu nồi khoai, nồi cháo. Bếp lửa còn là sự quan tâm, thương yêu, chăm sóc của bà dành cho cháu và niềm mong mỏi, hi vọng của cháu vào cuộc đời này. Bếp lửa thôi thúc cháu lên đường lập nghiệp và cũng là động lực để cháu nghĩ về cội nguồn, nhớ về quê hương, thêm yêu đất nước.
Bếp lửa xuất hiện xuyên suốt trong bài thơ và trở thành hình ảnh trung tâm, biểu tượng cho tình bà cháu, ngay những câu thơ đầu tiên hình ảnh ấy đã song hành với phép điệp ngữ để nhấn mạnh được vai trò chủ đạo của bếp lửa trong bài thơ.
“ Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
“Một bếp lửa” mà nhà thơ đang nhắc đến được xác định rõ ấy là bếp lửa của bà, bếp lửa đã từng gắn với hình bóng bà kính yêu. Bếp lửa ấy xuất hiện trong tiềm thức của cháu và trở đi trở lại bằng những cung bậc tình cảm đong đầy. Từ láy “chờn vờn”vừa diễn tả được trạng thái của khói bếp lúc nào cũng vô hình, chập chờn, như không như có nhưng quanh quẩn không rời. Cũng chỉ “chờn vờn” mới có thể diễn tả được nỗi nhớ của cháu về bà và bếp lửa. Với người cháu, những ký ức bếp lửa tỏa khói lam hồng cùng với bà lưng còng trong sương sớm đâu chỉ là mảng kỉ niệm khó quên mà còn là một phần của tiềm thức, âm thầm mà dai dẳng ghi vào lòng cháu khoảng thời gian tuổi nhỏ cùng bà. Ký ức ấy vốn khó nắm bắt như làn khói tỏa, như bóng bà in trên vách lá nhưng chưa một phút nào cháu quên lãng đôi bàn tay “ấp iu, nồng đượm” của bà.
Chỉ bằng một từ ghép mang âm hưởng của từ láy “ấm iu”, nhà thơ đã gợi cho chúng ta về đôi bàn tay gầy guộc của bà bên bếp lửa. Bà ấp ủ từng ngọn lửa, chăm chút từng cây củi để nhóm bếp mỗi ngày. Sự “nồng đượm” không chỉ là ngọn lửa cháy bừng, tỏa sáng mà còn là tình yêu thương của bà dành cho cháu lúc nào cũng ấm áp, đong đầy. Đoạn thơ không quá nhiều hình ảnh nhưng lại ấn tượng khi nhà thơ sử dụng phép sóng đôi “chờn vờn sương sớm” và “ấp iu nồng đượm” vừa tạo sự hoà phối âm thanh khiến cho câu thơ nhịp nhàng, bay bổng tựa khói mơ hồ nhưng cũng bền chặt theo thời gian. Nghĩ về bếp lửa, cháu lại nhớ đến bà, Và mỗi lúc bóng dáng thân thuộc xuất hiện trong lòng cháu, cháu không thể nào giấu đi cảm xúc dâng trào của mình để rồi cháu thốt lên “cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. “Nắng mưa” là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời vất vả của bà, cho những tháng ngày ngược xuôi, cơ cực. Quãng thời gian ấy cứ như dài vô hạn.
Cháu theo làn khói, lần tìm lại những tháng ngày mưa nắng mà cháu đã cùng bà, theo dòng hồi tưởng cháu trở về năm bốn tuổi khi mà ký ức của cháu bắt đầu ghi tạc nỗi lam lũ của đời bà.
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”.
Một đứa trẻ lên bốn hầu như không thể nhớ được những gì diễn ra trong đời mình trừ khi đó là mảng ký ức đặc biệt ấn tượng, có sức bám riết và lay động. Với cháu, bếp lửa và mùi khói đâu chỉ mới xuất hiện năm cháu lên bốn mà đó còn là nỗi ám ảnh day dứt suốt những năm tháng tuổi thơ. Cháu quên làm sao được khi mùi khói bếp trở thành điều thân quen như cánh cò trong lời ru của mẹ, như vạt nắng đậu giữa đồng xa, nó thấm vào máu xương, vào trí nhớ non nớt của cháu. Cái năm ấy, năm mà “có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình”. Bằng Việt sử dụng cách chiết tự kết hợp với điệp từ “đói” để diễn tả được sự khủng khiếp của nạn đói năm 1945. “Đói mòn đói mỏi”, cái đói dai dẳng không phải lần đầu tiên người nông dân phải gánh chịu, Mấy thế kỷ sống trong sưu cao, thuế nặng, dẫu có quanh năm vất vả làm lụng thì nghèo đói vẫn bám riết quanh năm. Tuy nhiên khoảng thời gian ấy đến cả lúa còn không được trồng do chính sách khắc nghiệt, bạo tàn của kẻ thống trị đẩy người nông dân vào bước đường cùng. Vẫn còn nhớ trong Tuyên Ngôn Độc Lập, Bác Hồ đã từng nhắc đến tội ác này “từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào bị chết đói”. Cái chết đói trở thành nỗi ám ảnh trong văn chương một thời, Kim Lân đã từng thổn thức khi viết về những con người chạy nạn dắt díu, bồng bế nhau đi tứ xứ mà vẫn “chết như ngả rạ”. Bằng Việt tái hiện lại thời kỳ đau thương ấy bằng hình ảnh “bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”. Cái đói không chừa một ai, len lỏi từ nông thôn đến thành thị. Cả con ngựa ăn cỏ, rơm cũng đói dài mà khô rạc đừng nói chi là con người.
Nhà thơ không dùng nhiều hình ảnh hay cách diễn tả dài dòng, chỉ cần qua vài chi tiết nhỏ cũng đủ gợi cảnh tang thương, làng mạc bỏ hoang, thôn xóm tiêu điều, con người phải vật lộn với cuộc mưu sinh trong chật vật. “Khói hun nhèm” như minh chứng cho tuổi thơ vất vả, thiếu thốn trăm bề, chỉ một bếp củi mùn, khói bay mù mịt, bay vào cả tâm hồn, quyện lại thành nỗi nhớ dai dẳng, khôn nguôi. Nghĩ đến làm sao mà không khỏi dòng cảm xúc “nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Phải chăng khói bếp đã xộc vào mắt cháu, mũi cháu để cháu thấy sống mũi cay xè hay chính vì cháu xúc động mỗi lần nhớ đến. Thương cho bà tảo tần, thương bố cơ cực, thương cho những kiếp đời lay lắt chịu chung phận số hẩm hiu. Chỉ một câu thơ mà có cả sự hiện diện của quá khứ và hiện tại để thấy rằng với cháu quá khứ không chỉ để lãng quên mà là để giữ gìn, nó cũng là một phần của hiện tại, một phần của cuộc sống.
Khói bếp dẫn cháu miên man về lại khoảng thời gian nhóm lửa cùng bà, như một quyển sách đầy hình ảnh từng trang lật ngược, cứ lần lượt hiện ra trước mắt.
“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế !”
Tuổi thơ của mỗi con người đâu được mấy năm, vậy mà cháu ở cùng bà “tám năm ròng”, thời gian ấy đủ dài đối với một đứa trẻ và cũng vừa đủ để gọi là cả tuổi thơ. Tám năm cháu cùng bà mỗi sáng sớm dậy nhóm lửa, chờ đợi những bếp than hồng để nướng củ khoai, củ sắn. Cũng khoảng thời gian ấy, cháu xem mùi khói là mùi vị thân thương. Nhưng ký ức của cháu đâu chỉ riêng mùi khói mà còn có cả âm thanh của tiếng chim tu hú. Hình ảnh tiếng chim tu hú, tu hú kêu gợi ra một miền liên tưởng sâu xa. Âm thanh quen thuộc của loài chim này đâu chỉ lần đầu xuất hiện trong văn học. Tu hú đã từng gọi mùa hè trên xứ Huế để Tố Hữu nghe nao nức hương vị của cuộc sống quê mình
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần”
Tu hú đi vào văn chương như một hình ảnh báo hiệu vụ mùa đang về. Đâu chỉ thế, tiếng kêu của loài chim đơn độc này cứ khắc khoải, cứ ám ảnh về một nỗi niềm chưa trọn vẹn, một sự trông đợi dường như vô vọng. Bằng Việt nghe tiếng chim nhớ đến câu chuyện bà từng kể, nhớ đến những cánh đồng rộng mênh mông mà chỉ mỗi bà đội mưa, đội nắng bắt từng cái tôm, con tép về cho cháu bữa cơm no.
“ Bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”.
(Đò Lèn – Nguyễn Duy)
Có lẽ thế mà tiếng tu hú với cháu là âm thanh tha thiết như chan chứa một nỗi niềm. Cả khổ thơ điệp ngữ “tu hú” xuất hiện bốn lần khiến cho âm điệu thêm da diết, dồn dập giống như tiếng tu hú hoang hoải trên đồng và cũng như nỗi nhớ trùng điệp nối tiếp nhau. Đọc khổ thơ, ta như nghe văng vẳng cả thanh âm quấn quýt, bịn rịn, đan cài vào nhau để chẳng thể nào tan ra mà đọng lại thành tình thương thăm thẳm, nỗi mong chờ vời vợi. Có thể nói cùng với hình tượng bếp lửa, tiếng chim tu hú trong bài thơ cũng là nhịp cầu tiềm thức nối liền giữa hiện tại và quá khứ vẫn sẽ tiếp tục ở tương lai. Tiếng gọi đồng vọng như xa như gần, nới rộng khung trời ký ức và nhân nỗi nhớ thương càng rộng mở. Như một con sông chở đầy nỗi nhớ, dù trôi xuôi hay ngược dòng cũng thấm ướt tình bà cháu.
“Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”
Những năm tháng chiến tranh ập đến trên quê hương, vì trách nhiệm với đất nước mà biết bao thế hệ đã đã lên đường nhập ngũ “khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Cháu xa cha mẹ, chỉ thui thủi cùng bà. Bếp lửa cũng từ đấy mà trở thành người bạn tâm tình, nhân chứng sống còn cho mối quan hệ khăng khít của bà và cháu. Mỗi một phép liệt kê “bà bảo, bà dạy, bà chăm” như khắc sâu hơn hình ảnh bà trong tâm trí cháu. Cả tuổi thơ cháu chỉ biết mỗi bà, gắn bó với bà như hình bóng cũng bởi vì bà dành hết sự quan tâm, yêu thương cho cháu. Bà thương cháu bằng tình cảm trìu mến của người bà, lo lắng, chỉ bảo cháu cả phần người cha, bảo bọc, chăm sóc cháu luôn phần mẹ. Tuổi cháu còn quá nhỏ, cần được dạy bảo từng chút một, bà đảm đương cả vai trò của một người thầy cần mẫn. Bà là điểm tựa, là niềm tin, là cội nguồn của tình thương vô tận. Nhớ bà, cháu nhớ những lời dạy bảo, đó là bài học đầu tiên trong gói hành trang để cháu bước vào cuộc sống. Đoạn thơ giàu cảm xúc với hai từ “bà”, “cháu” cứ đi thành từng cặp, quấn quýt không rời như bước chân của đứa trẻ năm nào theo sau bà ra chợ, lên chùa, vào bếp. Dù ở đâu, cháu vẫn chỉ có bà, bà là tất cả thế giới tuổi thơ, bà như thánh thần tiên phật bước ra từ cổ tích.
“Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
Giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần”
(Đò lèn – Nguyễn Duy)
Nghĩ đến bà, cháu vừa yêu kính vừa biết ơn “thương bà khó nhọc” vì hơn ai hết, cháu hiểu được những nỗi khó nhọc không sao kể xiết khi bà phải một mình lo liệu hết mọi thứ trong nhà, chu toàn trong ngoài lại còn hai vai gầy gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng đứa cháu nên người. Thêm một lần nữa, tiếng chim tu hú trở về trên cánh đồng xa như chính lời tự nhắc của cháu.
“Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa ?”
Hoà trong thanh âm tha thiết của tu hú, cháu nghe đâu đây như tiếng lòng mình vượt chặng đường dài để trở về bên bà trong tâm tưởng. Dù chỉ là tâm tưởng thôi cũng khiến cháu phần nào xoa dịu được nỗi day dứt bao ngày xa bà. Câu cảm thán “ tu hú ơi!” kết hợp với câu hỏi tu từ “kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?” như từng đợt sóng cuộn trào vọng về từ nơi xa thẳm của ký ức. Ở nơi đấy, có bà đang một mình nhóm bếp. Bà sớm hôm vào trông ra ngóng cháu. Cháu không thể trở về thăm bà lúc này, cháu có khác gì con chim tu hú vô tâm kia, không thể làm gì khác được ngoài cất tiếng kêu xót dạ. Nhà thơ hỏi tu hú hay là hỏi chính mình, trách tu hú cũng như trách bản thân đã không thể ở lại cùng bà san sẻ, đỡ đần bà mỗi lúc nắng mưa. Tu hú thì mãi trên cánh đồng xa, còn cháu cũng ở nơi xa xôi đất khách.