Cảm nhận bài thơ Viếng Lăng Bác (Viễn Phương)
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhân dân Việt Nam thật sự “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Mỗi bước đi của thời đại có lời căn dặn của người đi tìm hình hài cho tổ quốc. Lật lại từng trang thơ, từng dòng nhật ký của các chiến sĩ Cách Mạng viết về Bác Hồ, là thêm một lần cảm phục trước tấm lòng chân thành, kính yêu vô bờ của các thi nhân nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đối với vị lãnh tụ của mình. Nói như Tố Hữu “ có cái chết hóa thành bất tử” thì đó là sự ra đi của Hồ Chí Minh, vì tinh tú vĩnh hằng của non sông. Và “cũng có những lời hơn vạn lời ca”, ấy chính là lời thương tiễn thành kính nặng tình dân tộc của một người con miền Nam lần đầu ra viếng lăng Bác. Viễn Phương đã đau nỗi đau chung của toàn thể đồng bào, khóc giọt nước mắt của một người con xa lặng tiễn cha già qua bài thơ Viếng Lăng Bác.
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
……
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Để nói về vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc và con người kiệt xuất của thời đại, có hàng trăm ngòi bút ca ngợi người chưa kể những công trình nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh. Mỗi tác giả tiếp cận Người ở một góc độ không giống nhau và cả cách thể hiện lòng kính yêu cũng khác nhau. Viết về Bác, Viễn Phương không dùng những từ ngữ ca ngợi cầu kỳ, hoa mỹ. Như Mai Văn Tạo đã nhận xét “Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắt, cầu kỳ, kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ. Không đợi đến Tiếng tù và trong sương đêm, Hoa lục bình trôi man mác tím, bông lau bát ngát nắng chiều hay chòm xanh điên điển nhuộm vàng mặt nước… Một mái lá khô hanh trong rừng vắng anh cũng đưa vào đấy cái thực, cái hư, rất thơ mà thực, rất thực mà thơ”.
Thế đấy, Viễn Phương đã tạc vào nền thơ cá Việt Nam một áng thơ bất tử theo năm tháng bằng những cảm xúc chân thành, nồng thắm trong bài thơ Viếng Lăng Bác được ông viết năm 1976 nhân lần đầu tiên ra “thăm Bác” sau khi lăng Bác khánh thành và Nam Bắc về chung một nhà. Viếng Lăng Bác được in trong tập Như mây mùa xuân chính là tiếng lòng của nhà thơ âm ỉ bấy lâu nay được bộc bạch trong cảm xúc dâng trào.
Mở đầu bài thơ là tâm sự của nhà thơ khi được nhìn thấy nơi yên nghỉ của Bác. Lời thơ mộc mạc chạm đến trái tim người đọc
“ Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Tình cảm nhà thơ được gói ghém tinh tế ở ngay câu thơ đầu tiên. “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” như một lời chào thành kính, một lời giới thiệu ngắn gọn về hành trình của một đứa con xa trở về thăm người cha kính yêu. Câu thơ không chỉ gợi cho chúng ta về một chặng đường dài “miền Nam”, khoảng cách địa lý mà nhà thơ cần phải vượt qua để đến lăng Bác mà còn chứa đựng trong ấy là bao tháng năm mong mỏi, miền Nam thành đồng đã theo chân Bác kiên trung đến cùng mới có được ngày độc lập hôm nay và cũng mới có dịp để “con” được về thăm Bác. Cách xưng hô “con”, “Bác” là lối xưng hô quen thuộc của người miền Nam thể hiện tình yêu thương, tấm lòng tôn kính thiêng liêng đối với Bác Hồ. Tác giả đã sử dụng từ “thăm” thay cho “viếng” để giảm đi nỗi mất mát, đau thương khi sự thật Bác không còn nữa và cũng là để. cho chúng ta biết được rằng hình ảnh Người trong lòng Viễn Phương cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam luôn hiện hữu.
Cũng như nhà thơ, toàn thể nhân dân Việt Nam đều vỡ oà trong niềm vui sau khi miền Nam giành độc lập, Bắc Nam thống nhất. Lúc ấy, Viễn Phương cùng các đồng chí từ miền Nam ra Hà Nội để viếng Bác. Niềm vui ngày đại thắng dù có căng tràn nhưng vẫn còn chưa thể trọn vẹn vì Bác đã ra đi. Thương cho Bác chưa thể hoàn thành tâm niệm trước lúc ra đi là được về lại miền Nam thăm đồng bào. Cũng là thương cho nhân dân miền Nam còn chưa thể dâng lên cho Người cành mai thắm nắng gió trời Nam. Bao nhiêu xúc động trong lòng nhà thơ như mạch máu hồng chảy trong huyết quản khi phía trước là hình ảnh thân thương của dân tộc bao nhiêu năm nay vẫn kiên trung thẳng đứng giữa trời xanh và giữ mãi một mùa xanh ngát. “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Nơi đâu trên khắp đất nước Việt Nam này là không thấy bóng dáng tre xanh. Tre từ lâu đã đi vào văn hoá dân gian, vào thơ ca hội hoạ và hơn thế nữa, tre còn là chứng nhân lịch sử. Tre đi vào đời sống sinh hoạt, tre đi vào tâm thức con người làng quê qua bao thế hệ. Tre hoá thân thành con người và đại diện cho đức tính tốt đẹp của con người. Hàng tre không bao giờ chịu khuất trước bom đạn cũng chính là tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam qua bao nhiêu chiến tranh vẫn không hề khuất phục trước sức mạnh của kẻ thù. Hình ảnh cây tre đứng thẳng là hình ảnh vô cùng đẹp, nó gợi cho ta dáng vẻ hiên ngang của bao thế hệ anh hùng. Kiên trung đấy nhưng cũng hiền lành, thân thương biết mấy.
“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”
(Đi trên mảnh đất này – Huy Cận)
Trước tre xanh, trước một dáng hình xứ sở. Từng màu xanh quen thuộc của những chiếc lá gầy guộc nhưng đan vào nhau toả bóng rợp trời, từng tấm thân thẳng, từng măng non bọc trong tấm áo mới…đều là gương mặt thân tình của quê hương. Thử hỏi làm sao không khỏi xúc động khi nhìn thấy tre là nhìn thấy cả một thế hệ tiếp nối bước chân nhau đi lên phía trước. Có lẽ thế nhà thơ đã bộc lộ trực tiếp qua từ cảm thán “ôi” và từ láy “xanh xanh” được đảo lên trước như nhấn mạnh màu sắc của cánh đồng, của làng quê. Màu xanh ấy cũng là màu sắc bền bỉ, trường tồn. Không chỉ là xanh mà còn là sức sống mãnh liệt dẫu “bão táp mưa sa” vẫn đứng thẳng hàng. Không chỉ là sống mà còn phải vươn lên sống đẹp, sống có ích, sống có lý tưởng. Phải chăng sự thẳng hàng mà nhà thơ muốn nói đến còn là tấm lòng kiên trinh của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ đối với Bác Hồ, với Cách Mạng và với đất nước. Tấm lòng thuỷ chung, thẳng ngay như tre mọc thẳng.
Dù biết rằng Bác đã ra đi nhưng sự nghiệp và tâm hồn của người vẫn còn ở lại, vẫn rạng rỡ như ánh mặt trời của thiên nhiên.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”
Mặt trời rực sáng đem đến sự sống cho con người, cho vạn vật, đem đến ánh sáng và chan hòa khắp mọi nơi. Mặt trời thiên nhiên to lớn, lớn lao vẫn mỗi ngày đi qua nơi ấy, vẫn đều đặn vẽ lên con đường ánh sáng, vẽ nên bước chuyển mình của thời gian. Từ hình ảnh tả thực về một mặt trời đi trên lăng, nhà thơ dùng nghệ thuật ẩn dụ để nói đến một mặt trời duy nhất đang tồn tại trong đôi mắt biết mấy thương yêu của nhà thơ. “Mặt trời trong lăng” không ai khác là vị lãnh tụ của chúng ta. Cách ví von này rất khéo vừa nói lên được tầm vóc của Bác Hồ trong thời đại và tình cảm to lớn của nhân dân dành riêng cho Bác. Bác và mặt trời đều mang đến sự sống, sự ấm áp. Bác là ánh sáng của Cách Mạng, của nhân dân Việt Nam. Bác đã đem cả cuộc đời mình hóa thành ngọn đuốc soi đường cho tương lai tổ quốc. Ánh sáng tự do trên vầng trán một người khát khao độc lập đã vực dậy bao lớp người cùng khổ đứng lên tranh đấu giành lấy quyền được sống, quyền được làm người bình đẳng. Mặt trời của Bác không chỉ mang ánh sáng mà còn mang đến niềm tin, hy vọng. Mặt trời của những khát vọng tương lai, mặt trời của nhân đạo, yêu thương, vì con người mà sáng. Bác đối với dân tộc như lẽ phải, như tất cả sự vĩnh hằng:
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”
(Bác Ơi! Tố Hữu)
Với đồng bào cả nước, Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một người cha đáng kính. Người cha ấy đã dành hết tình yêu thương, những điều tuyệt vời nhất cho những đứa con của mình. Và mỗi con người Việt Nam đều thật vinh dự được làm con cháu Bác. Thật tự hào khi được hoá thân thành một bông hoa thành kính để dâng lên cho Người.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng điệp ngữ “ngày ngày” để diễn tả sự lặp lại không bao giờ thay đổi. Đó là quy luật là vòng tuần hoàn của thời gian, ngày này nối tiếp ngày khác, quá khứ nối tiếp hiện tại và liên tục ở sự không ngừng của tương lai. Có hiểu như vậy mới thấu tận đáy lòng của nhà thơ. Với Bác, nhà thơ cũng như tất cả con cháu Việt Nam chưa một phút nào quên đi hình hài thân thương ấy. Vấn vẹn tròn, to lớn như mặt trời, vẫn xanh xanh màu tre chung thuỷ. Dù cho ở hoàn cảnh nào, dù cho Bác còn hay đã đi xa thì người Việt Nam vẫn một lòng hướng về Bác. Lòng thành kính ấy nguyện dâng lên cho Người đã dùng hết sáu mươi năm cuộc đời mình trong bảy mươi chín mùa xuân để sống vì lẽ công bằng, bác ái. Hình ảnh “tràng hoa” chính là biện pháp ẩn dụ tượng trưng cho những điều tốt đẹp cũng là trái tim yêu thương của nhân dân dành cho Bác. Câu thơ tạo sự liên tưởng độc đáo. Từng dòng người vào viếng lăng Bác đều mang theo một trái tim ấm áp, tấm lòng thảo thơm. Mỗi trái tim là một bông hoa được kết với nhau thành một tràng hoa đầy sắc màu dâng lên cho vị lãnh tụ.
Niềm yêu thương của Viễn Phương được nâng lên thành một tình cảm mãnh liệt khi cùng đoàn người vào trong lăng Bác.
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Bác đã dành cả đời mình cống hiến cho lý tưởng chung của thời đại mà chưa một phút nào nghĩ đến bản thân. Trước lúc đi xa, Người cũng muốn hoá thân thành dáng hình xứ sở, chia đều tình thương cho ba miền Nam, Trung, Bắc. “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” là cách nói giảm nói tránh về sự ra đi của Bác cũng là để tả thực di hài của Người nằm đấy như đang trong một giấc ngủ sâu. Giấc ngủ mà bao nhiêu năm cuộc đời mình Bác vẫn còn gửi lại ở chiến trường xa, trong từng tiếng súng, trong tiếng mưa đêm trường lo nghĩ cho chiến sĩ. Nỗi trằn trọc không yên giấc để đếm từng canh trôi qua cũng xuất phát từ lý do “chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Nay, nỗi lo ấy tạm gác lại khi đất nước đã không còn bóng giặc, mùa xuân mơ ước đã đến, Bác có thể ngủ yên trong ánh sáng dịu dàng của vầng trăng. Cũng giống như mặt trời, hình ảnh “vầng trăng” mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Trăng là cách sống cao đẹp, hiền hậu. Người với trăng là tri kỷ, trăng hiện hữu trong thơ Bác, trăng theo Bác suốt cả những năm tháng ở mảnh đất quê nhà hay theo sóng con tàu vượt đại dương đi tìm con đường cứu quốc. Bác đã ra đi, ánh trăng vẫn thuỷ chung bên cạnh canh giữ giấc ngủ bình yên của Người. Bác là người yêu trăng, trong thơ của Bác luôn tràn ngập ánh sáng lung linh. Vì thế mà nhà thơ không chỉ nói đến ánh sáng mà còn nói đến sự trường tồn của ảnh trăng muôn đời, ánh trăng yên vui, ánh trăng hoà bình toả sáng trên mọi nẻo đường đất nước.
Mặc dù lý trí biết rằng Bác vẫn như “trời xanh” luôn luôn trường tồn cùng thời gian, trường tồn với non sông, gấm vóc, khắc sâu vào trái tim của mỗi con người. Thế nhưng làm sao có thể không đau lòng, không tiếc thương khi con người vĩ đại ấy đã ra đi mãi mãi. Sự ra đi ấy để lại bao xót xa, bao nhiêu cảm xúc khiến nhà thơ bật thành thanh âm “mà sao nghe nhói ở trong tim”. Chỉ bằng một từ “nhói”nhà thơ cho chúng ta thấu nỗi đau mất mát to lớn không gì có thể bù đắp được. Cái nhói của của dân tộc, của thời đại chẳng khác nào cú sốc tinh thần quá lớn. Đọc câu thơ ta như nghe được một tiếng khóc đến nghẹn ngào của nhà thơ, cũng là tiếng khóc của những thế hệ đem tấc lòng son dành duy nhất cho cách mạng, cho cụ Hồ. Hai câu thơ được xây dựng trên cơ sở tương phản đối lập. Vẫn biết rằng Người vẫn còn sống trong tim, trong tâm tưởng, Bác vẫn là trời xanh, là vầng trăng, mặt trời. Thế nhưng có một sự thật không thể nào khác được, có cố che đi, cố làm dịu bản thân mình thì cũng không thể lừa được cảm xúc chân thành. Sự mâu thuẫn có thể giải thích được dựa trên những điều đang diễn ra trong mỗi con người. Cuộc chạy đua giữa cảm xúc và lý trí không phải lúc nào cũng chung một con đường. Ngay cả bản thân cảm xúc cũng trăm ngả về vừa luyến thương lại vừa xót xa, lòng tự dặn lòng nghĩ về những điều lạc quan nhưng cảm xúc không chịu nghe theo mà chọn cho nó con đường riêng để bước. Suy cho cùng mọi cảm xúc đều xuất phát từ tấm lòng đau đáu, kính yêu.
Cuộc gặp gỡ nào mà không có chia ly, cuộc viếng thăm thiêng liêng của Viễn Phương cũng thế. Sau những giây phút bên Bác với cảm xúc đong đầy, nhà thơ phải trở về miền Nam trong niềm luyến thương vô hạn.
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
Ngày mai, Viễn Phương phải chia xa nơi này, nghĩ đến lúc không còn được bên cạnh Bác, nhà thơ xúc động đến “tuôn trào nước mắt”. Cách bộc lộ cảm xúc trực tiếp này không chỉ là tấm lòng của nhà thơ mà còn là tấm lòng không nguôi thổn thức của đồng bào toàn quốc. Tình cảm ấy, tấm lòng ấy theo thời gian càng lắng sâu, càng bền chặt. Thế nên nhà thơ bày tỏ ước nguyện lớn lao của mình đó là được hoá thân, được góp đời mình thành những vật nhỏ bé ở cạnh bên lăng Bác. Đó là “con chim, đoá hoa, cây tre” những vật quen thuộc, bình dị nhưng ý nghĩa. Điệp ngữ “muốn làm” đặt ở đầu mỗi câu thơ nhấn mạnh niềm ao ước của Viễn Phương không chỉ xuất phát từ tình cảm cá nhân mà đó còn là khát vọng sống, khát vọng noi theo bước chân Người, nguyện đi trên con đường Người đã vạch ra.
Nhà thơ muốn làm một chú chim cất tiếng hót say sưa ca ngợi quê hương, ca ngợi cuộc sống mới, cánh chim đưa tin vui mừng đến bên Người. Cánh chim ấy như muốn nói với Người rằng bầu trời ngoài kia trong xanh lắm, bầu trời của tự do, hoà bình. Làm một đoá hoa toả hương, khoe sắc quanh lăng để tô điểm cho giấc ngủ yên bình. Hình ảnh cây tre được nhắc đến lần thứ hai bổ sung thêm trọn vẹn những đức tính của con người Việt Nam không chỉ kiên trung, anh dũng mà còn thẳng ngay trung hiếu. Tấm lòng trung hiếu của cả dân tộc là truyền thống ngàn đời, xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Thật xúc động khi nghe được những ước muốn khiêm nhường của nhà thơ dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc.
Viếng Lăng Bác là bài thơ giàu cảm xúc, với thể thơ tám chữ, ngôn ngữ linh hoạt, nhiều hình tượng nghệ thuật độc đáo, không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong cách vận dụng ngôn từ mà còn thông qua được bộc lộ được cảm xúc của nhà thơ khi lần đầu viếng lăng Bác. Viễn Phương cùng với Chế Lan Viên, Tố Hữu, Minh Huệ…đã vẽ nên bức chân dung về một con người vĩ đại mang tên Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nỗi niềm chung toàn thể dân tộc Việt Nam nhớ về Người.
Bài thơ với những hình ảnh thơ giản dị, giàu sức khái quát, giọng thơ chân thành, nồng ấm như lời tâm tình của tác giả vừa nghiêm trang vừa da diết nỗi buồn. Bài thơ khiến cho người đọc cũng nghẹn ngào đến rơi nước mắt nhưng không vì thế mà bi lụy bởi vì thông điệp mà nhà thơ truyền đến là thái độ sống ân nghĩa, thuỷ chung, đừng bao giờ quên đi nỗi đau mất mát, quên đi thế hệ đã ngã xuống và đặc biệt là đừng bao giờ quên lãng những điều Bác Hồ đã căn dặn trước lúc ra đi. Noi gương Người hãy sống sao cho xứng đáng là con Lạc cháu hồng, sống không chỉ biết riêng mình mà phải vượt lên giới hạn cá nhân để hòa nhập vào cuộc đời tươi đẹp, phải biết cống hiến và sang sẻ, phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở. Có như thế dân tộc mới thật sự trường tồn.