Cảm nhận bài thơ Sang Thu (Hữu Thỉnh)
Điều thú vị của cuộc sống đôi khi không đến từ thứ ta đang có mà lại nằm ở thứ ta sẽ có và những gì sắp sửa diễn ra. Cũng giống như tâm trạng phấn khởi trước đêm giao thừa hoặc nỗi mong chờ của một cô học sinh khi sáng mai này được gặp lại thầy bạn sau bao ngày xa cách. Thời gian ấy, khoảnh khắc ấy mới là đáng quý, mới thật sự gợi nhớ thương. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã chọn thời khắc giao mùa cuối hạ sang đầu thu để bộc bạch cảm xúc xao xuyến, bối rối trước sự chuyển giao của thiên nhiên. Sang Thu không chỉ là hình ảnh đất trời nên thơ mà còn là hình tượng con người trước những chuyển biến của cuộc đời. Bằng ngôn từ trong sáng, đằm thắm, nhà thơ đã góp một tiếng thu vào trong vườn hoa đầy màu sắc của thơ ca.
“Bỗng nhận ra hương ổi
…
Trên hàng cây đứng tuổi”
Sang thu ra đời năm 1977 trong một thời điểm đất trời chuyển vần từ cuối hạ còn người lính thì vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Bầu trời trên đầu không còn tiếng động cơ phản lực, tiếng súng nổ, tiếng bom rơi. Đất dưới chân là đất của nhân dân, của những kiếp cần lao vươn lên đời sống mới. Cả không khí quanh mình dường như cũng đổi khác, không còn mùi khói súng mà phảng phất mùi của tự do. Khoảnh khắc ấy thử hỏi lòng người lính sao khỏi những bâng khuâng. Hữu Thỉnh đã để tâm hồn mình tìm lại chốn bình yên mang tên quê hương và rồi từng dòng thơ như dòng nước mát tưới đẫm tâm hồn nhà thơ, tiếng thơ bật ra tự nhiên như chính quy luật của tạo hoá dành riêng cho khúc giao mùa.
Tác phẩm văn học lấy chất liệu từ đời sống nhưng không phải chỉ đơn thuần là phản ánh lại đời sống hiện thực như tấm gương một chiều. Đời sống đi vào trong văn học là cuộc đời đã qua lăng kính cá nhân vì thế mà trở nên muôn hình, vạn trạng. Thế nên dù đề tài có thể giống nhau nhưng cảm nhận của mỗi tác giả lại hoàn toàn khác nhau. Cũng như mùa thu chưa bao giờ lặp lại mình trong từng ánh mắt say mê của các thi nhân. Thu đến với Xuân Diệu mơ màng, run rẩy “với áo mơ phai dệt lá vàng”. Thu trong cõi lòng buồn man mác của Lưu Trọng Lư như con nai lạc giữa rừng hoang “con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”
Riêng Hữu Thỉnh, thu đến trong từng hình ảnh giản dị và bình yên của quê hương để thấy được rằng không cần tìm kiếm đâu xa chất liệu vay mượn, ngay ở mảnh đất dưới chân mình, bên cạnh chúng ta mỗi ngày đều có những niềm thơ đang ấp ủ như mầm cây rạo rực chờ ngày được xanh tươi.
Mùa thu nhẹ nhàng không phải vì màu áo mơ phai hay rực rỡ bằng hoa cúc, cũng không bàng bạc một lá cũ, thu qua đôi mắt người lính thật đẹp, thật dung dị với hương ổi thơm lừng.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Thu đến với Hữu Thỉnh không bằng một hình ảnh nổi bật mang tính phổ biến có thể dùng mắt mà nhìn, dùng tay mà sờ. Thu len lỏi trong làn gió một hương vị thân quen. Thu ghé qua khứu giác của thi nhân để mở cửa tâm hồn. Trong giây phút diệu kỳ ấy, nhà thơ ngỡ ngàng đến say sưa nhận ra hương vị rất đỗi thân quen. Nhà thơ cũng đã từng chia sẻ về dòng cảm xúc bất chợt này. Trong cái phảng phất của gió thu, người lính tìm lại một góc trời bình yên tuổi nhỏ trên một cây ổi ở góc vườn xào xạc lá. Trong không gian cao vút, yên tĩnh, không có gì đặc hơn, sánh hơn hương ổi chín tỏa ra từ một cành cao nào đấy. Đâu cần tìm, cũng không cần nhìn thấy vẫn có thể hình dung được lớp vỏ vàng vàng còn pha chút lá xanh như nhuộm màu của nắng, màu của gió. Hình ảnh thơ tuy đơn sơ nhưng khiến tâm hồn ta lay động. Giật mình nhận ra chúng ta cũng đã từng có một tuổi thơ đã trót gửi lại ở một góc vườn có vị ngọt của loại trái chín đầu thu. Đâu chỉ thế, một miền ký ức xa xôi lần lượt hiện lên trong ánh chiều có tiếng sáo vi vu trên tầng mây lơ lửng. Trên đường làng, những đôi chân trần bé nhỏ ríu rít gọi nhau tìm hái những trái ổi xanh chua chua, những trái ổi chín ruột hồng thơm nức rồi giấu vào túi áo để mãi tận mấy hôm sau vẫn còn nghe thoang thoảng hương thơm.
Mùi hương ấy đến với nhà thơ như một cố nhân lâu ngày gặp gỡ, thế nên “bỗng” một thoáng bồi hồi. Niềm vui tri ngộ ẩn trong từ “bỗng” đánh thức con người bừng tỉnh trước bộn bề của đời thường để trong một giây phút gặp gỡ này, con người có thể trải lòng, sống trọn vẹn với thiên nhiên, với những gì mà chúng ta bỏ lỡ thường ngày. Hương thơm của ổi chín “phả” vào làn “gió se” một cách có ý thức cứ như muốn mượn làn gió khô, lạnh để chính thức bước sang mùa thu. “Phả” vốn là động từ chỉ sự lan tỏa mạnh nhưng khi nhà thơ sử dụng hình ảnh “phả vào trong gió se” thì sự lan toả ấy trở nên nhẹ nhàng hơn và chủ động hơn. Gió heo may với những đặc tính của nó không khiến cho mùi hương loãng đi, tan ra mà cứ như kéo cả hình khối làm một cuộc kiếm tìm trong buổi chớm thu.
Đâu chỉ có hương thơm và cái lành lạnh của gió, thu đến bằng dáng đi “chùng chình” của sương mai. Dấu hiệu mùa thu theo từng bước đi của thời gian cứ thong dong mà đến. Từ láy “chùng chình” là một từ tượng hình rất khéo để diễn tả bước đi thật chậm của sương đồng thời còn diễn tả được tâm trạng do dự, chần chừ chưa muốn bước qua ngưỡng cửa của mùa hạ để chuyển mình. Mọi sự thay đổi đều đâu phải dễ dàng. Sương cũng vậy, biện pháp nhân hoá đã cho sương một hình hài và cả một tâm trạng không khác gì còn người. Kết hợp với tình thái từ “hình như” diễn tả cảm giác mơ hồ, nửa hư nửa thực đến từ thiên nhiên. Thực ra thu đã về chưa? Thu cứ như một cô thiếu nữ buổi ban đầu còn bỡ ngỡ nên cứ thế mà âm thầm, kín đáo. Câu thơ như một nốt nhạc xao xuyến vang lên từ tâm hồn nhà thơ đang bồi hồi trước vẻ đẹp mơ hồ mà duyên dáng của mùa thu.
Từ những cảm nhận ban đầu còn chưa thành hình, chưa cụ thể “hình như”, Hữu Thỉnh chuyển ánh nhìn đến không gian cao, xa của dòng sông và bầu trời để có thể nhận ra những dấu hiệu thu ngày một rõ ràng hơn.
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu’’
Nét chấm phá độc đáo đã làm cho bức tranh thiên nhiên hiện ra vừa cân đối, hài hoà vừa rộng lớn, nên thơ. Có biết bao dòng sông chảy suốt đời không ngừng nghỉ, không một phút giây nào dừng lại trên hành trình đem nước mát tắm cho đời. Vừa qua một mùa hạ đầy mưa giông, sông oằn mình chở những trận mưa như thác lũ cuốn phăng hết những gì nước giành được. Cũng qua rồi thời gian nắng như thiêu như đốt, sông rùng mình bốc hơi rồi luyến tiếc theo những cơn ròng. Sông của mùa thu không cần hối hả, giây phút này như một cơ hội “được lúc” để sông được thả nhẹ dòng chảy của mình mà tận hưởng khoảnh khắc ngắn ngủi của thời khắc giao mùa. Cũng như sương mang nặng tâm tình mà “chùng chình” qua ngõ, sông biết mình đã sắp sửa chảy nhịp chảy của thu nên vẫn muốn nấn ná mùa hạ. cái dáng vẻ “dềnh dàng” mang chút trầm tư của một con người đã qua bao nhiêu thác ghềnh để rồi bất chợt tìm được chút yên bình. Hữu Thỉnh bắt được sự thay đổi tinh tế về mặt cảm xúc của bản thân khi đứng trước đất trời vào thu. Cảm giác ấy dẫu không phải là sự phấn khởi của một con người tự do“tôi đứng vui nghe giữa núi đồi” cũng không phải là nỗi sầu vạn cổ của thi sĩ Tản Đà.
“Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly”
Điệu chảy của sông lặng lờ nửa bình thản nhưng nửa cũng âm thầm bao nỗi luyến lưu. Chuyện của sông phải chăng là chuyện của đời? Dòng chảy của sông cũng là dòng trôi của thời gian tâm tưởng. Một thời oanh liệt đã qua, bao đồng đội của nhà thơ nằm lại chiến trường, trước lúc cánh cửa hoà bình vừa mở. Những người đã không về kịp đã mãi mãi nằm ở quá khứ. Sông có không ngừng chảy thì dòng nước hôm nay cũng chẳng còn mang trọn tâm tư của hôm qua, có chăng chỉ là lời thì thầm nhắc nhở về năm tháng thương đau của hôm qua để con người trân quý hơn cuộc sống hiện tại. Điều quan trọng hơn cả là đừng quên nhiệm vụ trước mắt là làm sao đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đừng mãi ngân nga bài hát chiến công mà ngủ quên trong khi nhiệm vụ mỗi thời đại không ngừng đặt ra thách thức sống còn.
Mọi cảnh vật dường như đều mang chung một tâm trạng nửa muốn đi nửa chẳng muốn rời, duy có cánh chim là “bắt đầu vội vã”. Không vội vàng làm sao được khi thực sự mùa thu đã đến, không khí se lạnh đã tràn về. Hết thu rồi lại sang đông, đây là lúc thích hợp nhất để tính đến chuyện bay về phương Nam tránh rét. Đường bay của cánh chim mở một khoảng trời tự do mà ở đó chúng có thể làm chủ chuyến hành trình, làm chủ được thời gian. Không lúc nào “bắt đầu” thì đợi đến bao giờ? Cánh chim mang màu sắc đường thi nhưng lại tạo một nét vẽ mới lạ trong cảm hứng của thi nhân. Chim cũng giống như người, để đến được đích cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất và bắt đầu sớm nhất có thể. Thời gian không thể dừng lại thì bản thân cánh chim không được phép dùng dằng.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhận định cho rằng thơ Hữu Thỉnh đầy ma lực, dù hình thức không quá cầu kỳ nhưng từng hình ảnh thơ cứ như đào sâu và suy tưởng để tạo nên một đời sống mới. Câu thơ tiếp theo là bằng chứng điển hình nhất trong lối thơ giàu suy tưởng.
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Nếu nhìn bề ngoài thì hình ảnh “đám mây mùa hạ” là minh chứng tiêu biểu cho buổi giao mùa bởi vì mây mùa hạ nhưng hiện lên bầu trời của mùa thu, một nửa của nó thuộc về mùa đã qua, một nửa nằm ở mùa đang đến. Cái nhìn độc đáo này cho phép ta liên tưởng đến bầu trời là một con sông, ở đó đám mây mùa hạ như một chiếc cầu nhiều màu sắc bắt qua hai bờ thời gian hạ và thu. Hình ảnh thơ sáng tạo này nằm ngoài quy luật tự nhiên để nhận ra rằng mây đâu chỉ là mây mà còn là tâm trạng. Nhà thơ đâu chỉ trong buổi giao mùa mà còn là đứng trước buổi giao thời. Không gì đẹp bằng những đám mây mùa hạ khi mà mặt trời còn rực rỡ nhất, ánh sáng còn huy hoàng nhất. Cũng giống như tuổi trẻ, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời với nhiều mơ mộng và khát khao cháy bỏng. Trong đong đầy ước mơ thời trẻ có được bao nhiêu mơ ước mang theo đến trưởng thành. Có bao nhiêu khát khao được hồi đáp. Có thể nói rằng tuổi trẻ và những gì nuối tiếc ở quá khứ giống như đám mây vắt nửa mình kia. Một lúc nào đó trong đời ta nhận ra đâu phải hy vọng nào cũng trở thành hiện thực. Bởi thế mà đám mây mùa hạ còn là chân lý về sự đón nhận những được, mất của đời người. Hãy nghĩ về những người lính đã nằm xuống tận miền xa xôi, chôn theo ước mơ của tuổi thanh xuân để nửa đám mây kia mãi mãi chẳng bao giờ qua được trời thu.
Càng về cuối, nhà thơ cho ta thấy cái nhìn đa chiều trước cảnh vật buổi sang thu. Dòng sông, chim muông, sương đều có những bước chuyển mình đầy ấn tượng. Riêng con người cũng đang mang nhiều tâm sự khi bản thân cũng bước vào mùa thu cuộc đời. Bởi thế mà hình ảnh thơ ngày một hàm xúc, giọng điệu thơ nhẹ nhàng, trầm lắng mang triết lý sâu sắc.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Nắng hay mưa là câu chuyện thời tiết của cả một năm chứ đâu riêng một mùa nào. Thế mà Hữu thỉnh, với cái nhìn tinh tế của một người lính đã nhận ra sự thay đổi của thiên nhiên thông qua những dấu hiệu dù nhỏ nhất. Vẫn còn cái nắng chói chang của mùa hạ từ quá khứ hiện hữu đến thời điểm hiện tại như một sự nối tiếp bền chặt của những thứ đâu chỉ thuộc về hôm qua mà sẽ song hành cùng đời sống hôm nay. Tuy vậy “mưa” đã vơi dần. Những cơn mưa bất chợt đến, bất chợt đi, những cơn mưa ào ào như xối nước rồi rào rạt mưa giông đã nằm lại ở mùa hạ. Mưa chẳng còn thích hợp ở mùa thu. Thu cần bầu trời trong xanh, cao vút những tầng mây chứ không cần những cơn mưa vần vũ. Trạng thái thời tiết này chứng tỏ bước đi của thời gian vô hình như cơn gió nhưng đủ sức làm thay đổi nhiều thứ của hiện tại để rồi bất cứ thời điểm nào cũng thành quá khứ. Đâu chỉ có “nắng”, “mưa”, mùa thu của cuộc đời vẫn còn có “sấm”.
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Hai hình ảnh ẩn dụ “sấm” và “hàng cây đứng tuổi”là kết tinh của cả bài thơ, đồng thời cũng là là hình ảnh chủ thể trữ tình. Sấm bất chợt rền vang, sấm từng hồi ra oai cùng chớp nhoáng là đặc sản của mùa hạ. Đến mùa thu, tiếng sấm cũng bớt làm hàng cây kinh hãi. Chẳng biết vì sấm đã không còn vang động như xưa hay vì cây đã không còn nhỏ bé, non tơ thuở trước “hàng cây đứng tuổi” mà cây đón nhận “sấm” một cách bình thản đến lạ lùng. Cái vẻ ngang tàng của “sấm” chính là sự kiêu hùng của người lính trên chiến trường. Ở thời điểm thanh bình, “sấm” bỗng trở nên dịu dàng, sâu lắng hài hoà với vẻ đẹp của màu thu đời thường. Những vang động của tiếng sấm hay là những sóng gió của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” kia là những con người từng trải, những người đi qua bao tháng năm vất vả, lận đận để rồi chắt lọc đắng cay thành mật ngọt, lắng đọng sự ồn ào thành giây phút bình yên. Thật vậy! Điều khiến con người lớn lên về tinh thần không phải là cuộc sống nhàn nhã, vô tư mà là những bất trắc, trở ngại, khó khăn thậm chí là thất bại. Chính lửa mới đủ sức thử vàng, gian nan mới làm nên sức mạnh. Hàng cây kia đã trải qua bao mùa mưa nắng, đã nghe tiếng sấm thành thanh âm quen thuộc nên chẳng còn sợ hãi cúi đầu hay hốt hoảng, hoang mang. Cũng như người lính đời sương gió, gian khổ nào mà chưa từng qua, hiểm nguy nào mà chưa biết đến thì những thay đổi của cuộc sống tuy có chút bỡ ngỡ nhưng rồi cũng sẽ dần quen. Người từng trải giống như cây đứng tuổi, chẳng còn giật mình sợ hãi trước những biến động lớn của đời thường. Cứ thế, an nhiên mà đón nhận, bình tâm mà sống, sẵn sàng đối mặt với những được, mất trong đời. Thái độ sống ấy phù hợp với thời bình, khi mà cuộc chiến đã lùi dần, một guồng quay mới tất bật đang chờ đón. Sự thay đổi nhịp sống, thói quen và cả những đổi thay lớn lao của thời cuộc là điều khó tránh khỏi. Thế nên hơn lúc nào, đây là thời điểm cần phải có cái nhìn của những “hàng cây đứng tuổi”, sâu lắng, nhiều chiều, suy xét để gạn đục, khơi trong.
Có thể nói, Sang thu là một bài thơ đặc sắc cho lối thơ giản dị, giàu suy tư của Hữu Thỉnh. Dù chủ đề không phải quá xa lạ, nhưng nhà thơ đã bỏ qua lối ước lệ, khuôn sáo mà chọn những hình ảnh đời thường, dung dị đặt vào đấy là sự vận động nhẹ nhàng của thiên nhiên khiến cho bức tranh buổi giao mùa không chỉ có hồn mà còn có cả tình. Thể thơ năm chữ cùng giọng điệu nhẹ nhàng đã bừng sáng một góc trời quen thuộc của mùa thu vùng đồng bằng Bắc bộ, góp một tiếng thơ đằm thắm vào mùa thu quê hương.
Đọc lại từng câu thơ, ngẫm nghĩ từng hình ảnh thơ để bắt gặp tâm hồn của một người lính rung động trước mùa thu hoà bình và cũng để tìm sự đồng điệu trong cảm giác mơ hồ, bâng khuâng khi bước vào đời sống mới. Giây phút bình yên tưởng chừng quá đơn sơ nhưng lại quý giá vô cùng. Hữu Thỉnh đâu chỉ đem đến cho chúng ta một nét thu đẹp mà còn là một lẽ sống hay. Bất cứ thời khắc nào trong đời đều trôi qua, thế nên đừng bỏ lỡ thời gian của hiện tại và cũng đừng quá nuối tiếc quá khứ. Hãy sống như những “hàng cây đứng tuổi” bám chặt rễ cuộc đời, ngẩng cao đầu mà đón nhận mọi bão giông.