Cảm nhận bài thơ Nói với con (Y Phương)
Tình yêu đích thực bao giờ cũng nâng con người bằng đôi cánh của tấm lòng rộng mở. Ở đấy có tình yêu quê hương chan hòa cùng tình yêu tổ quốc và dựng xây trên một tình yêu bền chặt đối với gia đình. Y Phương – một nhà thơ của núi rừng Tây Bắc, nhà thơ của hoa ban, hoa gạo và những dòng suối rì rào – đã truyền tình yêu của mình vào bài thơ Nói với con thông qua lời của một người cha nhắc nhở con trước lúc con lên đường. Sự tha thiết đối với dân tộc mình đã tạo thành mạch suối nguồn bền vững để những câu thơ trong Nói với con đều thấm đẫm ân tình.
“Chân phải bước tới cha
….
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều xuất phát từ chiều sâu thế giới nội tâm. Một nội tâm đẹp sẽ làm nên những vần thơ đẹp dù có thể bề ngoài không được gọt dũa, trau chuốt. Chủ đề tâm sự cùng con, căn dặn với con không phải là chủ đề mới trong thơ. Nhưng sự khác nhau ở giọng điệu thơ, cách thể hiện bằng ngôn ngữ lại mang đậm dấu ấn cá nhân của từng ngòi bút. Đến với Y Phương, một lối viết phóng khoáng, mộc mạc, dung hòa giữa thiên nhiên và con người đã tạo nên diện mạo mới cho một tâm sự đầy chất triết lý, suy ngẫm.
Bài thơ ra đời năm 1980 trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất không bao lâu, cả dân tộc ta đang cùng nhau đồng tâm xây dựng cuộc sống mới và khắc phục hậu quả của cuộc chiến. Nhìn chung cuộc sống của nhân dân cả nước nói chung, đặc biệt là đồng bào thiểu số đều còn rất khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy Y Phương không hướng ngòi bút đến việc nói về đói nghèo mà muốn nói với con cũng như nói với chính mình những lời động viên, nhắc nhở tích cực. Nhà thơ từng chia sẻ “Muốn sống đàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hóa. Phải tin vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của văn hóa. Chính vì thế, qua bài thơ ấy, tôi muốn nói rằng chúng ta phải vượt qua sự ngặt nghèo, đói khổ bằng văn hóa.” Ở phạm vị hẹp, bài thơ ra đời với mục đích đầu tiên nhà thơ muốn viết cho con mình trong phạm vi văn hoá dân tộc nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc tày. Sự thành công của bài thơ không dừng lại ở đấy, từ một dân tộc, nhà thơ muốn nhắn nhủ tâm sự của mình đến việc giữ gìn những nét đẹp văn hoá của cả đất nước.
Bài thơ Nói với con mở ra từ một ô cửa trong một mái ấm gia đình rất đỗi bình thường nhưng chan chứa yêu thương. Gia đình! Tiếng gọi thân thương từ lúc mỗi đứa con bắt đầu ý thức được thế nào là người thân, người lạ. Một ngôi nhà khang trang rộng lớn hay chỉ là một mái rạ đơn sơ chỉ cần có cha mẹ, ông bà, anh chị là nơi ấy có gia đình. Gia đình là nơi dù có đi đâu xa mấy con cũng muốn trở về để được nhìn thấy hoa cau, hoa bưởi rụng trắng hè, tìm lại đôi bàn tay gầy gầy của mẹ che nghiêng nón lá. Với Y Phương, gia đình là nơi con bước những bước đầu tiên chập chững, là nơi lưu giữ tiếng nói,tiếng cười con trẻ. Tất cả những điều quý giá ấy đã được tác giả gợi tả trong khổ thơ đầu
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Bằng những từ ngữ giàu hình ảnh cùng với phép liệt kê “chân phải, chân trái, tiếng nói, tiếng cười”, Y Phương đã vẽ ra trước mắt người đọc không khí ấm cúng, hạnh phúc của một gia đình. Ở đó, có một đứa trẻ đang vừa trong tuổi tập đi. Em bé cố bước những bước chân non nớt về phía cha mẹ mình. Không có gì đáng yêu hơn là đôi bàn chân hồng hồng đi trên sàn nhà và đôi tay bé xíu vẫy vẫy cha mẹ. Trong sự đáng yêu ấy là cả niềm mong đợi, vui sướng của mẹ cha khi lần đầu được nghe con bập bẹ “mẹ ơi, cha ơi”, lần đầu nhìn thấy con vững chãi bước đi trên chính đôi chân của mình.Câu thơ mộc mạc cứ như một lời kể nhưng bên trong lại là những tình cảm thân thương, trìu mến của cha mẹ dành cho đứa con bé bỏng. Nụ cười của con, tiếng nói của con làm sống lại những kỉ niệm tưởng chừng đã mất khi cha mẹ còn là một đứa trẻ.
“Bàn chân từng đạp bằng sắt đá
trở về làng bập bẹ tiếng đầu tiên”
(Tên làng- Y Phương)
Những bước đi của con là bước đi của thời gian, bước đi nối tiếp nhau của các thế hệ. Ngày xưa, ông bà đã từng nắm lấy đôi bàn tay cha mẹ dìu đi thì bây giờ đôi tay cha mẹ đủ trưởng thành để dìu dắt con, làm chỗ dựa cho con để con yên tâm khôn lớn. cứ như vậy, thế hệ nối tiếp thế hệ, con người không chỉ tạo ra của cải, vật chất mà còn tạo ra các tập quán. Những tập quán lâu dần tạo nên giá trị truyền thống của một cộng đồng, một dân tộc.
Từ tình cảm gia đình sâu nặng, người cha hướng con đến tình cảm dành cho quê hương, cho dân tộc mình.
“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”
Nhà thơ đã mở ra một không gian sinh hoạt của người lao động bằng hàng loạt những hình ảnh gợi sinh động, những cảnh huống sinh hoạt vật chất và tinh thần hiện thực.Tác giả đã khéo léo dùng cụm từ “người đồng mình” để nhắc đến những con người giản dị, mộc mạc nơi rừng núi. Người đồng mình cũng là người quê mình nhưng trong “đồng” ta thấy được cả sự đoàn kết, gắn bó: cùng chung quê hương – đồng hương, cùng chung tấm lòng: đồng lòng, cùng chung chí hướng – đồng chí vì tất cả chúng ta là đồng bào! Nhắc đến “người đồng minh” nhà thơ không khỏi xúc động để rồi bật lên thành tiếng gọi “yêu lắm con ơi” bằng cả tình cảm chân thành, tha thiết.
Con lớn lên không chỉ nhờ vào tình yêu của cha mẹ, tình cảm gia đình, người thân mà còn nhờ vào công sức lao động của người đồng mình, nhờ vào những thành quả mà bao thế hệ đã dựng xây.
“Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”.
Các hình ảnh “đan lờ, vách nhà ken” vừa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu trưng. Trước hết ta thấy được đó là những công việc thường nhật của người dân miền núi. Để bắt cá người ta dùng những chiếc lờ được đan bằng nan tre công phu, cẩn thận, từng nan tre là tâm huyết là bàn tay khéo léo của người dân. “Vách nhà” cũng thế, hình ảnh dung dị gắn với đời sống sinh hoạt trên ngôi nhà sàn của đồng bào miền núi. Vách nhà được làm bằng nhiều tấm gỗ hoặc tre xếp xít nhau,ken chặt vào nhau tạo thành bức tường vững chắc. Chính nhà thơ cũng đã từng bộc bạch về ý nghĩa của câu thơ “vách nhà ken câu hát” là tái hiện đời sống văn hoá phi vật thể của người dân tộc Tày. Người con trai ngồi ngoài vách, người con gái ở trong vách, họ hát cho nhau nghe, câu hát về tình yêu đôi lứa về mơ ước cuộc sống đủ đầy. Tiếng hát tràn đêm trải dài trong những đêm hội. Bức vách không chỉ làm bằng đá, bằng gỗ nữa là trở thành một chủ thể văn hoá.
Mặc dù thực tế cuộc sống lao động có vất vả, thiếu thốn nhưng nhờ sự kết hợp từ của “đan lờ” và “cài nan hoa”, “vách nhà ken” và “câu hát”, ta không thấy tiếng thở than cho sự vất vả ấy mà trái lại Y Phương đã nói lên được tinh thần lạc quan, hăng say lao động của con người. Trong khó khăn, họ vẫn hát ca bên đống lửa, điệu khèn, tiếng sáo, điệu múa uyển chuyển của cô thôn nữ làm cuộc sống của người dân giàu hơn mọi thứ, một đời sống tinh thần phong phú. Trong gian khổ, họ vẫn làm đẹp cho đời sống bằng hoa thơm của rừng núi và của nụ cười trên môi. Các động từ “đan, cài, ken” đều có chung một nét nghĩa đó là gắn kết các vật lại với nhau một cách bền chặt nhất. Phải chăng tác giả đã khéo léo dụng từ để nói được tinh thần đoàn kết, gắn bó,san sẻ của người đồng mình trong mọi hoàn cảnh, đó cũng là đức tính là bản sắc văn hóa vùng miền.
Bên cạnh đó, sự hùng vĩ của núi rừng và sự thơ mộng của thiên nhiên miền núi cũng góp phần bồi đắp cho đời sống tình cảm của người con ngày một lớn hơn
“Rừng cho hoa
con đường cho những tấm lòng”
Rừng núi bao đời nay đã là nơi nuôi dưỡng con người. Trong kháng chiến, rừng là cái nôi cách mạng, là nơi nuôi quân, nuôi dân “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Với “người đồng mình”, núi rừng là nguồn cội của mọi sự sinh sôi. Dưới tán rừng, tình yêu cũng bắt đầu, hạnh phúc của bắt đầu. Tố Hữu cũng đã từng ngợi ca những vùng đất đại ngàn mênh mông lau sậy, mưa nguồn suối lũ nhưng đậm đà lòng son. Với Y Phương, nơi ấy không chỉ cho con người mọi thứ cần thiết của cuộc sống mà còn cho con người sự đủ đầy niềm tin, hy vọng vào tương lai. Để nói đến điều tuyệt vời mà núi rừng mang lại cho con người, Y Phương chỉ dùng một từ “hoa”. Rừng lẽ hiển nhiên là vùng đất của hoa, những cánh hoa dại không cần chăm bón cũng nở xoè suốt bốn mùa. Y Phương không chỉ cụ thể loài hoa nào, hoa ban trắng nở đầy trên bản hay hoa chuối đỏ tươi rực rỡ giữa mùa đông. Hoa ở đây không đơn thuần là đặc trưng của đại ngàn hoa cỏ mà còn mang ý nghĩa chỉ vẻ đẹp, sự tinh túy, sự hòa quyện giữa nét đẹp hoang dã và tình yêu của con người dành cho thiên nhiên. Cả “rừng” và “con đường” đều được nhân hóa để nơi ấy không chỉ là nơi đứa con khôn lớn mà còn là chỗ dựa tinh thần cho những bước đi của con vào đời. Hình ảnh con đường vừa tả thực lại vừa mang ý nghĩa trừu tượng. Con đường chính là sợi dây nối kết giữa người với người, trên con đường chân ái, con người không riêng lẻ mà tìm đến với nhau, chẳng còn xa xôi cách trở mà tìm thấy nhau. Câu thơ sử dụng điệp từ “cho”để nhấn mạnh sự hào phóng của thiên nhiên dành tặng cho con người. Đối với “người đồng mình”, từng mảnh đất, con đường, từng rừng cây, núi đá đều là hình hài của cha ông.Mỗi con đường con ra suối, lên núi, băng rừng hay trở về nhà đều mang “những tấm lòng”. Đó là tấm lòng của quê hương dành cho mỗi con người cũng là tấm lòng của người đồng mình dành cho nhau: thủy chung, hiền lành, rộng mở.
Từ tình cảm của quê hương, xứ sở, người cha đã không kìm được nỗi hạnh phúc, tự hào để nhắc cho con mình ngày đầu tiên nhớ mãi
“Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”
Con bây giờ đã đủ trưởng thành, sắp lên đường lập chí, lập thân, nhưng cha vẫn không quên nhắc nhở con sự thiêng liêng của hôn nhân khởi đầu là ngày cưới. Mọi niềm vui, mọi trách nhiệm của con người cũng được nuôi dưỡng từ đây. Nhắc cho con nhớ về ngày cưới của cha mẹ cũng là muốn nhắn nhủ con giữ gìn được nét đẹp trong tập tục cưới xin của người Tày. Mỗi nghi thức, sính lễ đều có ý nghĩa. Ngày cưới đối với cha mẹ không chỉ là ngày kết duyên đôi lứa mà còn là ngày thể hiện đạo lý dân tộc, giáo dục nghĩa vợ tình chồng, mối quan hệ thân thuộc, họ hàng.
Từng hình ảnh mà Y Phương đem vào trong thơ đều gợi về sự tài hoa của con người, thiên nhiên mơ mộng tuy giản dị mà hào phóng cứ như ở một miền cổ tích xưa cũ theo năm tháng sống dậy qua lời tâm tình của người cha. Bao nhiêu đấy cũng đủ đánh thức tình yêu thương của đứa trẻ về một thế giới rộng lớn, gần gũi có cánh rừng bạt ngàn hoa, có con đường thênh thang và có cả tiếng hát du dương của người lao động. Thế giới ấy sẽ bao bọc con, vun đắp những tình cảm đẹp để tâm hồn con ngày một lớn thêm.
Nếu ở khổ thơ đầu, người cha nhắc cho con về cội nguồn sinh dưỡng thì ở khổ thơ thứ hai, cha muốn cho con hiểu về phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình và thông qua đó gửi gắm đến con lời nhắn nhủ, dặn dò.
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
Có thể thấy chủ đề xuyên suốt trong bài thơ chính là vẻ đẹp của con người trên quê hương. Vẻ đẹp ấy được nhấn mạnh bốn lần trong toàn bài mà tập trung ở khổ thơ cuối. Mỗi lần “người đồng mình” xuất hiện sẽ kết hợp với vẻ đẹp phẩm chất riêng. Người đồng mình chính là điểm hội tụ tiêu biểu nhất của truyền thống dân tộc. Giống như hoa của đất, người đồng mình là sự kết tinh hoàn hảo nhất của nét đẹp vừa tài hoa vừa anh hùng. Bởi thế mà mở đầu khổ thơ, Y Phương sử dụng cấu trúc quen thuộc đã xuất hiện trước đó “người đồng mình thương lắm con ơi”. Lần này “yêu” được thay thế bằng “thương”, tình cảm nồng cháy, sôi nổi của tình yêu theo thời gian càng lắng sâu, càng bền lâu, bện chặt lại như đan lờ, vách nhà ken, không gì có thể lung lay, không gì có thể thay đổi. “Người đồng mình” đâu chỉ sống nghĩa tình mà còn sống đầy nghị lực, ý chí.
“Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
Hai câu thơ tạo nên phép đối để người đọc cảm nhận được sự hài hoà trong nhạc tính và quan trọng hơn là mở ra trước mắt chúng ta một không gian sống “cao”, “xa” nơi người đồng mình từ bao đời nay chọn làm mảnh đất quý để xây nhà, dựng nên tổ ấm. Với những nét đặc trưng trong nếp sống, nếp nghĩ, người đồng mình chọn những vùng đất cao, hẻo lánh, hoang sơ để từ đá mọc lên những chùm hoa thật đẹp. Ở càng cao, càng gian khổ thì con người càng tỏ rõ sự quyết tâm vượt qua đói nghèo, vượt qua nỗi “buồn” để “nuôi chí lớn”. Cái đói, cái nghèo đâu chỉ riêng người lao động một vùng miền nào đấy mà trở thành nỗi buồn lớn của toàn dân tộc trong và sau chiến tranh. Nỗi buồn ấy có thể đo được đến trời cao nhưng người cha không vị vào chuyện của quá khứ mà “ôn buồn nhắc khổ”. Điều mà cha muốn nói cùng con là sức mạnh của ý chí, nghị lực của niềm tin vào tương lai. Mảnh đất nghèo nuôi con lớn lên về tầm vóc thì con cũng phải dùng tình yêu thương ấy mà “nuôi chí lớn”. Vẻ đẹp trong phẩm chất thấm nhuần qua các thế hệ hài hoà với truyền thống của cả dân tộc Việt Nam. Nhà thơ dùng lối tư duy giàu màu sắc của dân tộc mình để qua mỗi câu thơ là hiện lên từng gương mặt của con người. Hình sông, dáng núi đã trở thành dáng hình của vẻ đẹp tinh thần và lối sống. Các tính từ “cao”, “xa” được sắp xếp tăng tiến như cuộc sống ngày càng khó khăn đâu chỉ là chuyện của cơm no, áo ấm mà còn phải đối mặt với những thách thức mất còn của văn hoá nên ý chí giữ gìn, bảo vệ nét truyền thống của quê hương phải càng mạnh mẽ, quyết tâm hơn nữa.
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”
Câu thơ đưa ra giả thuyết “dẫu làm sao” diễn tả hai trạng thái tâm lý của nhà thơ, vừa dự cảm những điều bất trắc vừa nhen nhóm niềm hy vọng cho mai sau. Đứng trước sự đổi thay ngày một nhanh chóng của cuộc đời, không một tấm lòng nặng nghĩa sâu tình nào mà không đau đáu trước sự biến động của nét đẹp văn hoá quê hương. Cuộc đời mới, xã hội mới, nhịp sống thêm hối hả, nhiều điều lạ, hiện đại của xứ người du nhập vào xứ mình. Câu hỏi hoà nhập hay hoà tan trở thành nỗi đau đời của rất nhiều nhà thơ. Nguyễn Duy từng trăn trở.
“Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?”
Vấn đề mà Y Phương nói đến không phải câu chuyện giữ gìn nét đẹp phong tục của một địa phương một vùng miền mà là câu chuyện bản sắc văn hoá của một dân tộc. Thế nên lời của cha đinh ninh căn dặn con mình sống sao cho xứng đáng với dân tộc. Từ “vẫn” như một đôi mắt thứ ba của câu thơ, càng ngẫm nghĩ càng thấy câu thơ như một tiếng nói đầy bản lĩnh của một con người từng trải, đó chính là biểu hiện của tâm thế vững vàng trước hoàn cảnh sống luôn biến đổi. Mai này có thể mọi chuẩn mực của hôm nay sẽ chẳng còn thích hợp nhưng dù thế nào cha vẫn mong muốn con luôn giữ được mình lấy cái bất biến ứng với vạn biến của dòng đời.
Điệp từ “sống” kết hợp với cấu trúc “không chê” đã tạo nên âm thanh đồng vọng của thế hệ đi trước, tạc vào đá núi, ghi vào từng nhành cây, ngọn cỏ. Hàng loạt những hình ảnh “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” không chỉ gợi đời sống vật chất thiếu thốn của người đồng mình mà còn thể hiện khả năng thích nghi kỳ diệu của con người. Như loài tre bám rễ sâu vào đất nghèo, con người bám lấy từng tấc đất để sinh sôi. Cây trên đá vẫn có thể đơm hoa, kết quả, người sống trong gian khổ chỉ cần có ý chí và sức lao động cũng sẽ biến đắng cay thành mật ngọt. Quan trọng hơn cả là thái độ của con người đối với quê hương mình. Chúng ta không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra vì thế mà dẫu “đá gập ghềnh” hay “thung nghèo đói” cũng đừng rũ bỏ. Làm một con người nếu quay lưng với quê hương, nguồn cội thì cũng chẳng phải là người có ích cho xã hội. Đấy chính là bài học về thái độ sống thuỷ chung, ân nghĩa “uống nước nhớ nguồn”.
Suối chảy ra sông, trăm con sông lại đổ về biển cả. Đời sống là thế, cây có cội, nước có nguồn vì vậy mà nhà thơ đã mượn hình ảnh “sông”, “suối” để gợi nhớ đến ông bà, tổ tiên, thế hệ người đi trước.
“Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Cách so sánh này khá sâu sắc, trước hết sông suối tượng trưng cho sự mênh mông, vô tận mà dòng chảy là cả cuộc đời nối tiếp nhau như từng bước chân thế hệ cứ mãi liên tục không ngừng nghỉ. Quy luật đời sống luôn luôn thế, mỗi thế hệ đều mang trên vai trọng trách.
“Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau”
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Sông, suối còn là biểu tượng của sức mạnh trí tuệ, của sự hồn nhiên trong sáng và tình yêu mãnh liệt đối với cuộc đời. Lời cha căn dặn con “sống như sông như suối” là phải sống chan hoà với mọi người, đem tình thương mến san sẻ muôn nơi, góp đời mình thành nước mát tưới cho trăm hoa thêm sắc thắm. Nước dẫu có mềm nhưng “nước chảy đá mòn”, lời cha gửi còn là lời nhắn nhủ con sống sao cho bền bỉ và đầy nghị lực để “lên thác xuống ghềnh. Không lo cực nhọc”. Ngoài sử dụng chất liệu văn hoá của dân tộc mình thì nhà thơ còn vận dụng rất đắc thành ngữ dân gian “lên thác xuống ghềnh”để chỉ cuộc đời truân chuyên, lận đận của những con người sống nơi “cao”, “xa”, gắn bó với “sông”, “suối”.
Người đồng mình cũng như bao con người cần lao quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thế nên tay chai, mặt nám. Hình thức bên ngoài không được hoàn mỹ “thô sơ da thịt” nhưng chẳng thể nói lên được tâm tư, phẩm chất bên trong. “Chẳng mấy ai nhỏ bé” là tất cả niềm tự hào của nhà thơ đối với nhân dân mình. Tuy bên ngoài không có gì nổi bật nhưng không hề nhỏ bé về ý chí, niềm tin, vào ước mơ xây dựng tương lai. Bàn tay có thô kệch cũng vì biến “sỏi đá thành cơm”. Chính sức mạnh của sự cần cù, lam lũ đã tạo nên diện mạo cho quê hương mình.
“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
Sự kết hợp của ba thanh trắc nằm cạnh nhau “tự, đục, đá” đã tạo nên sức nặng cho câu thơ. Điều này rất khéo trong việc diễn tả sự nặng nhọc trong lao động kiến tạo quê hương của con người. Không biết vô tình hay hữu ý mà nhà thơ đặt những từ toàn thanh bằng ở cuối câu, cạnh các vần liền trắc “kê, cao, quê hương”. Nếu như thanh trắc trước đó gợi cảm giác vất vả, trúc trắc thì thanh bằng chính là nốt trầm xao xuyến mở ra giai điệu nhẹ nhàng. Sự kết hợp này tạo một không gian rộng lớn và thế đứng vững chãi giữa của quê hương. Đó còn là quá trình đi lên của quê hương từ trong khó nhọc, gian khổ, từng bước vươn đến tầm cao thời đại. Người đồng mình dẫu “thô sơ da thịt” những quả thực không hề nhỏ bé. Bởi vì dù sống trên đá gập ghềnh vẫn lấy đá làm điểm tựa. Bằng sức sống và sự nỗ lực không ngừng mà người đồng mình đã tự làm nên giá trị sống “tự đục đá kê cao quê hương”. Quê hương hôm nay có cao, có đẹp cũng là thành quả miệt mài của lớp người đi trước. Bằng cả tình yêu đối với dân tộc, cả tâm hồn và trí tuệ, những con người “sống trong thung nghèo đói” đã chắt lọc từng nếp nghĩ, nếp sống để tạo thành tập quán, phong tục và rộng hơn là bản sắc văn hoá dân tộc mình “còn quê hương thì làm phong tục”. Và quan trọng hơn cả là thái độ xây dựng quê hương không dựa trên một phép màu hay chờ đợi một thế lực nào mà bằng chính sức lao động, đôi bàn tay con người “tự đục đá”. Đâu chỉ là một thái độ sống đáng quý mà câu thơ còn đúc kết một chân lý sống đã được hun đúc từ ngàn đời. Chỉ cần con người có ý chí tự cường, tự lập thì con đường kê cao quê hương, kê cao cuộc đời mình luôn rộng mở.
Bốn câu thơ cuối với cấu trúc dài ngắn đan cài nhau khép lại bức tâm tình của một người cha đang trăn trở niềm riêng cũng là nỗi lo chung của cả dân tộc.
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”
Hình ảnh “tuy thô sơ da thịt” lần nữa được nhắc đến trong thanh âm trìu mến khi kết hợp với tiếng gọi “con ơi”. Dù là lời căn dặn, nhắc nhở nhưng cha không hề dùng lý lẽ khô khan để khuyên dạy con mà dùng tình cảm chân thành để tác động đến cả cảm xúc lẫn lý trí của con. Mỗi lần nhớ đến vẻ ngoài đơn sơ, giản dị của thôn quê cha mong con hãy ghi khắc những đức tính tốt đẹp ẩn sâu bên trong ấy. Bề ngoài thô sơ không giấu được nội tâm rộng mở, ý chí vươn lên như bóng cây trên núi như cỏ của đại ngàn và bay giữa bầu trời cao rộng như cánh chim tung gió. Ở đâu chăng nữa, hãy nhớ rằng “không bao giờ nhỏ bé được nghe con”.
Bài thơ là sự kết hợp hài hoà giữa tư duy hình tượng của người dân tộc và tư duy thơ tượng trưng, siêu thực hiện đại. Từng câu thơ tự do, nhịp thơ tha thiết, giàu hình ảnh mộc mạc đậm chất núi rừng đã góp phần tạo nên chất thơ Y Phương dìu dặt, chân tình đúng với lời tâm sự cùng con. Điều đặc biệt của bài thơ là kết cấu của cặp hình tượng đôi chân và con đường. Hai hình tượng này ẩn mình trong những trạng thái khác nhau. Mở đầu tác phẩm là đôi chân của một đứa trẻ bước đến cha mẹ, đôi chân trưởng thành trên con đường quê hương và kết thúc bằng đôi chân bước vào đời. Đây chính là sơ đồ hành trình của một con người mà đích đến đầu tiên là cha mẹ, đích đến thứ hai là văn hoá quê hương và cuối cùng là bước vào đời. Từ hành trình của một con người, nhà thơ muốn nói đến hành trình của cả thế hệ mai sau. Dù có đi đến đâu, có làm bất cứ điều gì, ở vị trí nào của xã hội thì cũng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của văn hoá xứ sở và cũng đừng quên chính nền văn hoá ấy mới là cái nôi của mọi hạnh phúc hôm nay.
Vượt qua ngoài giới hạn của một lời tâm tình dành riêng cho con mình, Nói với con còn là tâm sự là di nguyện của nhà thơ gửi đến thế hệ tương lai. Tác phẩm đã làm sống dậy những tình cảm đẹp song hành với nét đẹp trong văn hoá của dân tộc mình, đó là điều đáng tự hào, đáng trân trọng hơn bất cứ vật chất nào. Lời nhắn của nhà thơ là nhắn đến thế hệ chúng ta, thế hệ thấm thía được những mất còn trong thời hội nhập, đã đến lúc chúng ta nói với chính mình một cách công tâm nhất về những điều bản thân đã đánh mất và có được. Từ đó mỗi chúng ta cần chuẩn bị hành trang lên đường bằng thái độ sống ân nghĩa, thuỷ chung.