Cảm nhận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (tác giả Thanh Hải)
Không phải tự nhiên mà mùa xuân trở thành thời điểm khởi đầu của một năm, cũng không phải ngẫu nhiên mà mùa xuân lại đi vào thơ ca, trở thành niềm cảm hứng bất tận của các văn nhân. Mùa xuân chính là đại diện của sức sống, cái đẹp và hạnh phúc. Thanh Hải cũng đã chọn mùa xuân để bộc lộ niềm say sưa và tình yêu với thiên nhiên, đất nước thông qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Bằng những vần thơ nhẹ nhàng mà tha thiết, tác giả đã thể hiện niềm vui rạo rực trước mùa xuân đang đến trên quê hương đồng thời cũng gửi vào đấy ước nguyện chân thành muốn cống hiến, muốn đóng góp sức mình cho mùa xuân chung của đất nước.
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
…..”
Mùa xuân vốn dĩ rất đẹp, đến với Thanh Hải, xuân không chỉ mang diện mạo của một nàng tiên kiều diễm mà còn căng tràn nhựa sống với màu sắc, âm thanh. Nhà thơ đã để lại một bài thơ bật tung cảm xúc trước khi ra đi vĩnh viễn. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, tiếng thơ vẫn trong trẻo và thanh âm vẫn du dương như khúc hát dìu dặt của quê hương và cũng như tiếng lòng thiết tha cùng cuộc sống mới. Một mùa xuân đã đến trên quê hương Việt Nam thân yêu, một chặng đường rạng ngời mở ra trước mắt.
Bài thơ được sáng tác trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, nhân dân ta chính thức làm chủ cuộc đời, làm chủ tương lai. Qua hết rồi những tháng năm nô lệ, dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Có lẽ thế mà mùa xuân này bỗng trở nên tròn đầy, trọn vẹn, bỗng thanh sắc và tươi đẹp nhất. Đứng trước một mùa xuân ý nghĩa, nhà thơ đã trải lòng mình với thiên nhiên, hòa chung hơi thở của chồi non, lộc biếc. Tất cả được khởi đầu bằng một tâm trạng vui tươi, yêu đời trong tâm thế của một người sống trong tự do, độc lập
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Bức tranh xuân được mở ra bằng những hình ảnh thiên nhiên đầy nét Huế. Với bút pháp chấm phá đặc sắc, không gian mùa xuân càng được khắc họa đầy sức sống tươi trẻ. Đảo từ “mọc” đặt ở đầu câu “Mọc giữa dòng sông xanh” đã nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của một loài hoa. Đó không chỉ là sức sống của cỏ cây, của những chồi non đợi ngày nảy lộc sau lớp vỏ sần sùi mà là sức sống của cả mùa xuân, sức sống của vạn vật sau tháng ngày dài ấp ủ. Không gian mùa xuân mở ra quen thuộc với dòng sông xanh, bông hoa tím biếc. Màu nước trong xanh của sông quê báo hiệu xuân đã đổ qua vòm trời, len vào từng áng mây và cuộn dài qua từng cơn gió mát. Mùa xuân của miền Nam với hoa mai vàng rực, xuân miền Bắc sắc hồng của cánh đào tơ thì Thanh Hải chọn gam màu tím biếc khi nhắc đến mùa xuân xứ Huế. Ai đã từng đi qua một đoạn sông xanh để rồi ngẩn ngơ ngắm sắc tím của một loài hoa mang tên bình yên để thấy được tâm hồn mình thư thái, lửng lơ trước sự giản dị mà tinh tế, nhẹ nhàng mà nên thơ của cảnh vật. Sắc màu ấy mới là màu của thủy chung, của son sắt và của đất Thần Kinh cổ kính. Có phải đấy là dòng sông Hương dịu dàng như cô gái Huế mặc chiếc áo dài thiên thanh trong một buổi sáng mai. Hình ảnh dòng sông xanh rất đỗi thân quen. Đâu đó trên khắp đất nước hình chữ S này,những dòng sông viết nên tên làng, tên xóm, dòng sông như lòng mẹ vun bồi phù sa cho cây cối tốt tươi. Nếu được một lần đến xứ Huế, đứng bên bờ sông, ngắm những bè lục bình thả nhẹ theo dòng nước mới cảm hết vẻ đẹp dung dị, đời thường nhưng cũng đầy thơ mộng của hình ảnh “một bông hoa tím biếc”. Sắc tím của lục bình hay sắc tím của hoa súng đều mang đậm nét Huế, mang đậm nét dung dị của quê hương.
Đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nhà thơ muốn dùng mọi giác quan để có thể cảm nhận, đón lấy hương vị xuân đang về. Bởi thế mà bức tranh xuân không chỉ đẹp bởi sắc hương mà còn náo nức bởi thanh âm.Thông thường nhắc đến mùa xuân, chúng ta bắt gặp những cánh chim én chao nghiêng báo hiệu một năm mới lại đến. Nguyễn Du đã từng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tinh khôi, trong lành của cỏ non, hoa lê trắng cánh chim én
“Mùa xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
Mùa xuân đến với Thanh Hải không bằng cánh chim én mà bằng tiếng hót của những chú chim chiền chiện để trong tình yêu tha thiết với loài chim của đồng quê, Thanh Hải thốt lên
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”.
Sự kết hợp giữa thán từ “ơi”và “chi” bộc lộ được cảm xúc dâng trào của tác giả khi bất chợt nghe những âm thanh rất quen thuộc của quê hương. Cảm xúc ấy vừa ngạc nhiên, vừa háo hức vừa là lời thầm cảm ơn đến với những đàn chim đã song hành cùng người lao động. Mỗi vụ mùa vừa thu hoạch, chim chiền chiện từ đâu bay đến cất tiếng hót véo von như muốn chia vui cùng người nông dân vụ mùa bội thu, đó cũng là lúc kết thúc một năm cũ, chuẩn bị chào năm mới. Tiếng chim ríu rít, đập cánh giữa trời xanh. Bầu trời ấy là bầu trời của tự do, của khát khao xây dựng và những mơ ước về một ngày mai đang đến.
“Chim bay, chim sà
Lúa tròn bụng sữa
Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca.”
(Con chim chiền chiện – Huy Cận)
Câu thơ tiếp theo mở ra theo dòng cảm xúc của đứa con xứ Huế
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Cũng là cách nói giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng vô vàn cảm xúc của tác giả đã khiến “giọt long lanh”trở thành giọt tâm tình, giọt mưa hay giọt nắng. Đọc đến đây, mỗi người có một cảm nhận riêng để tìm cho ra cái “giọt long lanh” thấm ướt tâm hồn thi nhân là đâu. Phải chăng đó là tiếng chim được Thanh Hải dùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác chuyển từ thị giác “từng giọt long lanh” sang xúc giác”tôi đưa tay tôi hứng”. Hành động”đưa tay hứng” đã bày tỏ được sự trân trọng, thương yêu của tác giả đối với thiên nhiên quê mình cũng như niềm vui vô tận trước mùa xuân hòa bình, mùa xuân tươi đẹp của đất trời.
Từ bức tranh xuân đến trên quê hương mình, Thanh Hải mở rộng ra bức tranh mùa xuân xinh đẹp của đất nước, trong lao động và trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.”
Khổ thơ mở ra với hai phép điệp cấu trúc “mùa xuân người cầm súng”, “mùa xuân người ra đồng”, “tất cả như hối hả” , “tất cả như xôn xao”, kết hợp với nhịp thơ nhanh, hối hả như sức lan tỏa của mùa xuân khắp mọi nơi trên đất nước. Nhịp thơ cũng chính là không khí khẩn trương, hăng hái của con người khi bắt đầu công cuộc kiến thiết đất nước, kiến thiết cuộc đời mình.Bằng cấu trúc song hành, nhà thơ muốn nhấn mạnh hai nhiệm vụ chính của đất nước là chiến đấu bảo vệ bảo tổ quốc và lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ này đi đôi với nhau trong suốt những ngày đầu khi đất nước vừa thống nhất. “Người cầm súng” chỉ những người lính đang ngày đêm canh giữ biên cương, với các anh mùa xuân đến bằng chồi lộc biếc trên cây lá ngụy trang, bằng màu trắng của hoa mơ và lá thư tay của người mẹ ở hậu phương vừa gửi đến. Câu thơ nhắc chúng ta về những con người đã âm thầm cống hiến để đất nước được mùa xuân trọn vẹn. Mùa xuân đến bên những cánh đồng, bằng những cành cây đâm chồi nảy lộc. Người nông dân hăng say lao động
“mùa xuân người ra đồng
lộc trải dài nương mạ”
Điệp từ “lộc” trong câu thơ vừa mang nghĩa tả thực vừa ẩn dụ. Lộc là những chồi non được cây ấp ủ trong lớp vỏ dày, đến đầu xuân ấm áp, chúng trở mình qua kẽ lá để từ đó tạo nên những mùa xuân xanh tươi đầy sức sống. Lộc còn gợi cho ta về tài lộc, những may mắn, niềm vui đến trong đầu năm mới. Mùa xuân đến với người nông dân còn gì vui hơn, phấn khởi hơn là gặt hái những thành quả lao động của mình trong một năm dầm sương dãi nắng. Hai câu thơ cuối khép lại khổ thơ sử dụng từ láy “hối hả”, “xôn xao” diễn tả được tốc độ phát triển của đất nước sau khi thống nhất, đồng thời người đọc dường như nghe cả tiếng reo vui, nụ cười không tắt trên gương mặt của tất cả mọi người yêu nước.
Từ niềm say sưa trước cảnh đất trời vào xuân trên khắp mọi nơi đất nước thì nhà thơ lắng mình để cảm nhận về mùa xuân lớn của non sông từ đấy Thanh Hải thể hiện niềm tin son sắt vào sự phát triển trường tồn của dân tộc.
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
Chỉ bằng hai câu thơ, Thanh Hải đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện về chiều dài của lịch sử và chiều sâu của văn hóa. Đất nước ta từ buổi dựng nước cũng đã hơn bốn nghìn năm, khoảng thời gian ấy đủ dài để ta có quyền tự hào về con người Việt Nam anh hùng, bất khuất trong chiến tranh, cần cù, thông minh trong lao động
“sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại búp hoa”
(Huy Cận)
Để có được niềm vui trọn vẹn như hôm nay, ông cha ta đã không tiếc mồ hôi và xương máu, đã sống nghĩa tình và trách nhiệm dù cho “vất vả và gian lao”.
Cụm từ “vất vả và gian lao” đã làm cho hình ảnh đất nước hiện lên như một bà mẹ tảo tần, bà mẹ của những kiếp đời cần lao, bà mẹ của các anh chiến sĩ kiên trung, bà mẹ tổ quốc sống mãi thành đồng. Không chỉ thế, cách này chứa đựng cả hành trình đi lên của đất nước, hành trình giành lại quyền được sống, được làm chủ quê hương
“Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)
Phép so sánh của câu thơ tiếp theo “đất nước như vì sao” đẹp và đầy ý nghĩa. Không có gì có thể sáng lấp lánh như sao dù trong bóng tối, không có gì có thể tinh tú và trường tồn hơn thế. Câu thơ chứa đựng niềm tự hào về một đất nước vững chãi, hưng thịnh nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Đó là sự thật, là lẽ hiển nhiên cũng là mong ước cháy bỏng của bao thế hệ người Việt. Khi một đất nước có đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa, chúng ta có quyền tin tưởng vào điều ấy và càng thể hiện ý chí, quyết tâm vào sức mạnh dân tộc “cứ đi lên phía trước”.
Mùa xuân gợi cho con người niềm tha thiết và hi vọng, dù ở cái tuổi gần đất xa trời và những ngày trên giường bệnh nhưng Thanh Hải vẫn bộc bạch tâm niệm của mình. Đó là ước nguyện được hóa thân, được hòa mình vào tương lai dân tộc.
“Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến”
Ước nguyện làm con chim để mang tiếng hát cho đời thêm rộn ràng, một cành hoa để khoe sắc trước ánh mặt trời tô điểm cho vẻ đẹp của cuộc sống, một nốt trầm góp nên bản hòa ca xao xuyến. Những nguyện ước ấy không cao xa, không ồn ào chứng tỏ nhà thơ rất khiêm tốn và mong muốn được cống hiến lặng thầm đời mình. Tiếng chim ấy, cành hoa ấy, khúc ca ấy đều là tấm lòng của nhà thơ để mừng cho ngày xuân thống nhất của quê hương, mừng cho xứ Huế thanh bình, mỗi ngày càng phát triển. Ngoài sử dụng những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng “con chim, nhành hoa, nốt trầm” thì khổ thơ còn có sự thú vị trong cách chuyển đổi từ xưng hô từ “tôi” ở khổ thơ đầu thành “ta”. “Ta” nhấn mạnh ước nguyện này không chỉ riêng của nhà thơ mà còn là chung mọi người. Điều này cộng hưởng với điệp ngữ “ta làm” dồn dập diễn tả khát vọng thôi thúc mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Đó là khát vọng góp một phần nhỏ bé của mình để tô điểm cho mùa xuân quê hương. Đời sống là của riêng mình, của cái tôi cá nhân, nhưng muốn sống tốt, sống ý nghĩa thì phải hòa cái tôi vào chung cái ta của cộng đồng, của dân tộc. Sự chuyển đổi này cũng là nhu cầu thiết yếu và xu hướng chung của thời đại. Đất nước đang cần mọi tầng lớp nhân dân chung lòng gánh vác, vì thế mà đừng chỉ biết nói tôi.
“Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời”.
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Đến đây, hình tượng và ý nghĩa của mùa xuân hiện ra rõ hơn, và cũng là tiếng lòng cao cả của một con người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
“Một mùa xuân nho nhỏ” là hình tượng sáng tạo độc đáo giàu ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước mà còn Là mùa xuân trong lòng của mỗi con người Việt Nam. “Màu xuân nho nhỏ” là hình ảnh ẩn dụ cho một lẽ sống cao đẹp, sống một cuộc đời căng tràn hy vọng như mùa xuân và đem hết những gì tươi đẹp dâng tặng cuộc đời. Các từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” gợi hình ảnh ít ỏi, nhỏ bé giữa mênh mông cuộc sống. Một nhà thơ đã nhiều đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam và cho cả cuộc kháng chiến vẫn cho sự cống hiến của mình là lặng lẽ, để thấy được tấm lòng của Thanh Hải rộng mở bao nhiêu thì tính cách ông lại khiêm nhường bấy nhiêu. Dẫu qua cái tuổi xuân của cuộc đời vẫn muốn cống hiến sức lực của mình. Điệp ngữ “dù là” là lời nhắc nhở bản thân luôn cố gắng để đối đầu với tuổi già, bệnh tật. Theo nhà thơ, không chỉ tuổi trẻ mới có nghĩa vụ đóng góp cho xã hội mà đó là nghĩa vụ của tất cả mọi người. Dù là tuổi đôi mươi hay đến khi tóc bạc vẫn vẹn tấm lòng dành cho quê hương, vẫn son sắt, thủy chung như màu tím của xứ mình.
Chất Huế một lần nữa được diễn tả trong khổ thơ cuối bài.
“Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.”
Tác giả mượn khúc Nam ai, Nam bình tha thiết, dìu dặt để thể hiện âm nhạc mang đậm sắc văn hóa quê hương. Làn điệu ấy là là tình cảm thiết tha của người con xứ Huế với dòng sông xanh, với bông hoa tím và với đất nước mình. Đặc biệt, hai câu sau, điệp ngữ “Nước non ngàn dặm” như mở ra dáng hình xứ sở, một cõi yên bình đã trở lại sau bao năm đổ máu xương tìm kiếm hình hài.Nước non ngàn dặm đẹp tươi và con người thì vẫn yêu đời, yêu cuộc sống đến thiết tha. Dặm mình, dặm tình chứa chan niềm yêu, tự hào và cảm xúc động hiến dâng. Thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Nhịp phách tiền khép lại bài thơ êm ả như ru con người, như mang con người vào xúc cảm.
Cả bài thơ là một khúc hát, nếu như ở phần đầu giọng điệu thơ sôi nổi thì ở đoạn cuối giọng thơ lại trầm ngâm, du dương. Hình ảnh thơ gần gũi, mộc mạc, giọng thơ nhẹ nhàng, ngọt ngào như tiếng lòng thủ thỉ của chính nhà thơ. Ước nguyện đó là ước nguyện cao đẹp không cho riêng mình mà dành riêng cho cuộc đời. Bài thơ khép lại nhưng trong lòng người đọc lại mở ra trước mắt khung cảnh xứ Huế vào xuân nên thơ và tươi đẹp. Từ mùa xuân xứ Huế, Thanh Hải dẫn chúng ta trong niềm say sưa yêu mến với mùa xuân đất nước. Bài thơ là một âm thanh trong trẻo, vui tươi, tự hào cũng là “mùa xuân nho nhỏ” mà tác giả đã dành lại cho đời. Hơn ba mươi năm trôi qua, đất nước chúng ta ngày một tươi đẹp, nhân dân được hưởng những mùa xuân trọn vẹn, điều đó đã chứng minh được đất nước chúng ta như vì sao mãi tiến lên phía trước.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua từ khi đất nước hòa bình cũng là từng ấy thời gian nhân dân ta đón mùa xuân trong no ấm. Hạnh phúc ngày nay chính là thành quả của sự âm thầm cống hiến ở mỗi con người. Tiếng thơ cũng là lời nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của người đi trước và niềm tin tưởng của thế hệ mai sau.