Cảm nhận bài thơ Đồng Chí (Chính Hữu)
Có một thời đại đã đi vào thơ ca trong âm vang hào hùng của núi rừng và trong tiếng súng trường văng vẳng. Thời đại ấy đã tạo nên những người lính cụ Hồ kiên trung, anh dũng. Lê Anh Xuân đã từng tạc vào nền văn chương kháng chiến một dáng đứng Việt Nam về anh chiến sĩ giải phóng quân kiêu hùng. Quang Dũng tìm thấy nét đẹp tài hoa, lãng mạn trong “Đôi mắt người Sơn Tây”. Đến với Chính Hữu, nhà thơ đã vẽ nên bức chân dung về tình đồng chí đồng đội của những người lính trong buổi đầu kháng chiến. “Đồng Chí” đã thực sự để lại dấu ấn sâu đậm trong nền thơ ca Việt Nam và một tình cảm đẹp có sức lay động tâm tình bao thế hệ.
Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào đầu năm 1948 – sau chiến dịch Việt Bắc ( thu đông 1947 ).Trong chiến dịch này, Chính Hữu là chính trị viên đại đội, ông đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc anh em thương binh và chôn cất một số tử sĩ. Sau chiến dịch, vì là rất vất vả, nên ông bị ốm nặng. Được sự chăm sóc tận tình của đồng chí mình, nhà thơ cảm động và viết nên câu chuyện tình đồng đội như một lời cảm ơn chân thành đến người đồng chí bên cạnh mình. Vượt qua giới hạn tình cảm cá nhân, bài thơ Đồng chí là bài ca lớn của thời đại, gắn với giọng thơ tâm tình, mộc mạc nhưng vẫn trọn vẹn chất lính.
Bài thơ được viết theo thể tự do. Câu thơ hàm súc nhưng có độ ngân xa, từng câu chữ chất chứa cảm xúc và cả trí tuệ, có độ dồn nén lay động. Bài thơ như một thông điệp chứa đựng cả hạt nhân tư tưởng, kết tinh từ những kinh nghiệm của đời sống người lính – thi sĩ gắn bó suốt đời mình với quân đội.
Ngay ngan đề bài thơ cũng là ví dụ điển hình nhất trong lối thơ lời ít ý nhiều của Chính Hữu. Đồng chí là: “Người cùng chí hướng chính trị trong quan hệ với nhau”. Đây là tình cảm gắn bó giữa những người cùng cảnh ngộ, cùng môi trường sống. Chính Hữu đã không đưa cả quan niệm chính trị nghiêm khắc của nhà binh vào thơ mình mà nâng Đồng chí thành một biểu tượng đẹp về tình cảm thiêng liêng giữa cuộc chiến.
Bài thơ bắt đầu bằng mạch thơ tâm tình, bộc bạch như lời đôi bạn chia sẻ cho nhau về hoàn cảnh gia đình của bản thân mình. Ấy cũng chính là cơ sở hình thành tình đồng chí
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
“Anh” và “tôi”, “quê hương anh”, “làng tôi”, cách liệt kê này đã toát lên được mối thâm tình từ ngàn đời của người nông dân. Dù họ không cùng chung xứ sở, mỗi người sinh ra trên những làng quê khác nhau nhưng giữa họ đã cùng chung giai cấp, chung mảnh đất quê hương, chung công việc gắn bó với đất đai, vườn tược.
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Nhà thơ đã khéo léo khi vận dụng thành ngữ “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” để nói về quê hương người lính. Ấy là những nơi đâu? Vùng chiêm trũng nhiễm mặn, ven biển ngập phèn hay vùng đất nắng gió chỉ có sỏi đá cằn khô? Hình ảnh thơ gợi về những thành ngữ chỉ sự nghèo nàn, cơ cực “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Thế nhưng người nông dân không bao giờ chê đất xấu, họ bám đất như tre bám rễ, lam lũ từng ngày, chắt chiu từng hạt gạo để nuôi con mình khôn lớn. Rồi thiên tai, mất mùa chưa kể trước đây phải sưu cao thuế nặng, phải chịu ách đô hộ của thực dân. Thế nên dù vất vả quanh năm mà vẫn quanh năm nghèo đói. Nỗi khổ cuộc sống hằng ngày đâu bằng nỗi đau mất nước, người nông dân ý thức được trách nhiệm của thế hệ mình là đánh đuổi kẻ thù mới có cơm no áo ấm sau này. Chính họ, những người lính áo vải đã tiên phong cho cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại.
“Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng”
Ở người lính, sự tương đồng về giai cấp xuất thân đã giúp họ hiểu nhau hơn bao giờ hết. Xuất thân cơ hàn đã giúp họ mạnh mẽ vượt qua những gian khổ để cùng nhau đứng lên vì tổ quốc. Hình tượng người lính cụ Hồ từ lâu đã dựng lên thành bức tượng đài vững chãi trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn thơ cách mạng nói riêng. Một lần nữa hình tượng ấy được tái hiện rõ nét trong sự gắn kết về lý tưởng sống lớn lao.
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
Hình tượng “súng” ẩn dụ cho chiến tranh, khói lửa, cho nhiệm vụ thường trực của người lính. Dù nguy hiểm, gian khổ nhưng vẫn ngời lên nét mặt tự hào vì trên đôi vai của mình bây giờ là cả tương lai dân tộc. Trách nhiệm làm con người trở nên trưởng thành hơn, lý tưởng sống nâng tầm vóc anh nông dân thuở nào đứng trên tầm cao thời đại. Chính những tương đồng tưởng chừng nhỏ bé lại là sợi dây tình cảm sâu sắc nhất gắn kết người lính cách mạng dẫu trong chiến trường ác liệt. Có trải qua những ngày tháng gian khổ cùng nhau mới có thể hiểu được rằng điều làm nên sức mạnh không gì khác ngoài tình đồng chí. Hình ảnh “đêm rét chung chăn” gợi nhớ đến những đêm rừng mưa tuôn mưa xối hay những mùa đông gió cắt da người, với tấm áo mỏng manh không thể giảm được cái lạnh giá đêm trường. Người lính chia nhau mảnh chăn nhỏ bé rồi truyền cho nhau hơi ấm từ đôi chân trần. “Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa”. Tố Hữu cũng đã từng ngợi ca tình quân dân nồng thắm trong bài thơ Việt Bắc qua chi tiết cảm động “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”.
Câu thơ hay và cảm động, đầy ắp kỷ niệm thời gian khổ, chia ngọt sẻ bùi mới thành “đôi tri kỷ”. Cách sử dụng từ từ ngữ của nhà thơ vừa chân chất lại vừa trang trọng. Tri kỷ là người hiểu mình như hiểu bạn, là người chia sớt mọi chuyện buồn vui trong đời. Từ tình tri kỷ sau này sẽ phát triển thành tình đồng chí thiêng liêng.
Hơi ấm của tình đồng đội thật đơn giản mà cảm động. Câu thơ xuất phát từ đáy lòng bộc lên thành tiếng gọi thân thương “Đồng chí”. Chỉ bằng hai từ ngắn gọn nhưng đã thu vào đấy cả một dáng đứng vững chãi tạo thành tâm điểm của sức mạnh niềm tin rắn rỏi. Trong sáu câu thơ trước đó, khi nói đến cơ sở hình thành tình đồng chí, Chính Hữu đã dồn nén cảm xúc để rồi đến câu thơ thứ bảy tiếng gọi Đồng chí vang lên như một nốt nhấn thiết tha trong khúc nhạc tình đồng đội. “Đồng chí!” chính là điểm sáng bừng lên của cả đoạn thơ, sức ấm áp lan tỏa thành thông điệp quan trọng nhất tác phẩm. Đâu chỉ là cùng chung lý tưởng, chung nhiệm vụ chiến đấu, đồng chí còn chan chứa bao ân tình, tình bạn thâm giao, tình người xa xứ, tình anh em một nhà, tình thương đồng bào dân tộc…Thế nên khi gọi nhau bằng đồng chí tiếng gọi trìu mến thân tình như gọi chính bản thân mình. Anh và tôi tuy hai mà một bởi vì chúng ta đã gắn kết đời nhau bằng cả lý trí lẫn ân tình.
Sau những điểm chung về xuất thân, lý tưởng, tình cảm, những biểu hiện của tình đồng chí lần lượt được khắc họa bằng những câu thơ nhẹ nhàng như chính dòng nhật ký của người lính về kỷ niệm riêng tư nơi quê nhà để rồi từ đấy người đọc nhận ra yếu tố quyết định sự thành bại của cuộc chiến khởi nguồn từ sự cảm thông, thấu hiểu.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Anh cũng như tôi, chúng ta đến từ những nơi đồng quê hẻo lánh. Nói như cách của Hồng Nguyên “lũ chúng tôi bọn người tứ xứ”. Các anh đều xuất thân lam lũ, chân lấm tay bùn, vì nghĩa lớn mà gác lại chuyện ruộng vườn lên đường kháng chiến. Trong lòng mỗi người đều có một nơi để nhớ về. “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày”, câu thơ như dẫn lời nói trực tiếp của một anh chiến sĩ vừa nhập ngũ vẫn còn chút gì vương vấn nơi cắt rốn chôn nhau. Không nhớ không thương làm sao được khi bao đời nay người nông dân chỉ biết có ruộng đồng, làm bạn với cuốc cày. Đất nước đang vẫy gọi, anh phải lên đường để lại gian nhà “gió lung lay”, gửi lại giếng nước, gốc đa, con đò, bến đợi…Anh gửi cả những người thân yêu cho bạn bè ở lại. Câu thơ mộc mạc hiện lên từng hình ảnh thân thương của quê nhà. “Gian nhà không” thiếu trước hụt sau, mưa tạt gió lùa. Anh đi rồi gian nhà lại như thêm trống trải, không ai đỡ đần không ai coi sóc nên mặc kệ gió thốc mưa lùa. Hai tiếng “mặc kệ” dù bên ngoài thể hiện thái độ dửng dưng nhưng thật ra lòng người đi đâu vô tâm đến thế. Đọc những dòng thơ trong bài Đất Nước của Nguyễn Đình Thi sẽ thấu được vẻ ngoài mặc kệ là bên trong đang luyến lưu, bịn rịn.
“ Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy”
Trong giờ phút chia tay, làm sao có thể không buồn không nhớ. Chẳng ai có thể vô tình quên lãng hồi ức về những người thân huống hồ chi nơi quê nhà có bóng hình người mẹ già, vợ trẻ, đứa con thơ đang trông ngóng.
“Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya”
Có như thế mới hiểu được người lính đã phải kiên cường biết mấy khi gạt đi tình riêng mà gánh vác sứ mệnh chung của dân tộc. Các anh ra đi, “giếng nước, gốc đa” nhớ các anh mong ngày anh trở lại. Biện pháp nhân hoá kết hợp hoán dụ đã làm nổi bật mối giao tình của người lính và quê hương xứ sở. Với quê hương, người lính là niềm tự hào, là hy vọng sống thế nên dù có nhớ có thương cũng vui lòng mà tiễn các anh, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc để các anh yên tâm công tác. Giếng nước gốc đa nhớ các anh hay chính lòng các anh đang hướng về gốc đa, giếng nước? Nhà thơ đã mượn hình ảnh thân thuộc từ trong ca dao “Cây đa cũ, bến đò xưa” để nói lên tấm lòng ân nghĩa thuỷ chung của người lính dành cho quê hương mình. Chính tình yêu cá nhân đối với những điều thân thuộc đã vươn vai thành tình yêu lớn đối với tổ quốc. Câu thề ngày lên đường người lính còn nhớ mãi, đấy là động lực to lớn để các anh phấn đấu lập chiến công, đợi ngày đất nước sạch bóng quân thù, quê hương thanh bình trở lại.
Có thể nói, cách mạng đã đem đến ánh sáng trong đời sống cùng khổ của giai cấp cần lao. Đã thổi bừng niềm tin tưởng ở tương lai và tác động đến những chuyển biến tích cực đối với người lính. Ở họ, trong khó khăn, thiếu thốn vẫn ngời lên sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.
Đi qua một thời chiến tranh mới thấy hết giá trị của hoà bình, sống trong cảnh cơ cực mới trân trọng những ngày tháng ấm êm. Thế hệ chúng ta đâu hiểu được hết những nỗi vất vả mà thế hệ ông cha mình đã trải qua. Chưa kể đến những mất mát hy sinh trong bom đạn, ngay cuộc sống hằng ngày đã phải chịu nhiều thiệt thòi, gian nan. Người lính sống trong rừng “lấy lá cây làm chiếu, manh áo phủ làm chăn” mà thời tiết trong rừng thì khắc nghiệt, bao nhiêu mối nguy hiểm luôn rình rập “đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người (Tây Tiến – Quang Dũng). Sợ nhất vẫn là muỗi rừng độc địa gây ra căn bệnh sốt rét, nỗi ám ảnh của người lính mỗi lần nhắc đến. Thật ra căn bệnh sốt rét rừng không quá nguy hiểm nhưng vì những năm đầu của cuộc kháng chiến cuộc sống của bộ đội ta còn nhiều thiếu thốn. Đâu chỉ thiếu về vũ khí, tư trang mà còn thiếu cả thuốc men, lương thực. Trong văn chương đã từng xuất hiện hình tượng các anh “vệ trọc” hay “vệ túm”. Đó là cách gọi nhau tếu táu đậm chất lính tráng nhưng đằng sau lại ẩn chứa cả một giai đoạn gian nan. Căn bệnh sốt rét rừng ngoài việc khiến cho sức khỏe suy kiệt “sốt run người vầng trán ướt mồ hôi” thì còn để lại di chứng rụng tóc, da xanh xao. Cái tên “vệ trọc” từ đó mà ra.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Với tư cách là một người chiến sĩ, hơn ai hết, Chính Hữu hiểu người lính như hiểu chính mình. Nhà thơ cũng không dùng ngôn từ hoa mỹ để tô vẽ cho sự kiêu hùng mà sử dụng hình ảnh mộc mạc để nói một cách chân thật đời sống của người lính cụ Hồ.“Áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giày”. Từng câu thơ như liệt kê, như kể lể nhưng thật ra đâu phải người lính thở than kể khổ. Điều mà nhà thơ muốn nói là trong gian khổ, trong thiếu thốn mới thấy được tình đồng chí bền chặt như keo sơn. Một người bạn của mình bệnh tật hay bị thương thì người bên cạnh sẽ chăm sóc, thuốc thang. Vất vả cùng nhau san sẻ, có chén cơm, nắm xôi cùng chia sớt. “Anh với tôi” có khác gì nhau nên chúng ta chính là người thân, là người một nhà. Càng đối mặt với thiếu thốn, vẻ đẹp tâm hồn người lính càng được nâng lên. Vượt qua khó khăn, vượt qua giá lạnh đêm rừng, tình đồng đội thể hiện qua cái nắm tay trìu mến “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Cái nắm tay ấy đầy ý nghĩa. Nó thay lời các anh gửi đến đồng đội mình, hãy kiên cường, hãy vững lòng tin vào ngày mai. Các anh là vàng thì không sợ lửa. Chất vàng mười trong gian lao càng sáng. Mặc dù hiện tại cuộc sống của người lính còn gian khổ nhưng hãy nhìn sứ mệnh mà lịch sử đặt trên vai, các anh sẽ mỉm cười động viên nhau. Chính Hữu chọn chi tiết “miệng cười buốt giá” rất đắt. Chi tiết này vừa nói lên cái lạnh của đêm thâu, hơi thở như toả ra từng làn khói trắng nhưng chỉ cần có nụ cười thì ấy chính là ngọn lửa bừng sáng. “Chân không giày” cũng là chi tiết phản ánh hiện thực nhưng không phải là hiện thực trần trụi, khốc liệt mà là hiện thực được nhìn bằng tâm tư người lính hài hoà với cái nhìn của thi sĩ. Đôi chân trèo đèo vượt suối, đi qua biết bao dặm đường dài, đôi chân đi lùng giặc đánh “áo vải chân không đi lùng giặc đánh (Nhớ – Hồng Nguyên) nhưng chẳng có một đôi giày đúng nghĩa. Bằng đôi chân trần mòn gót, người lính vượt qua núi rừng khúc khuỷu đi đến những chặng đường vinh quang. Dấu chân anh lưu lại ở mọi miền đất nước, nơi nào có anh nơi ấy sẽ có những chiến công vang dội.
Khổ thơ cuối vẻ đẹp của người lính hiện lên lý tưởng cùng với khát vọng lập chiến công, khát vọng hoà bình.
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Bức tranh đẹp về tình đồng chí hiện lên trên nền của cảnh rừng âm u, lạnh lẽo “rừng hoang sương muối”. Sự khắc nghiệt của thời tiết không chỉ là cái giá lạnh của gió, cái rát mặt của sương muối mà còn ẩn chứa bao nguy hiểm đang rình rập.
Thế nhưng dáng đứng của các anh canh giữ giấc ngủ cho đồng đội lại rất hiên ngang, chủ động. Ánh trăng treo trên bầu trời đâu sáng bằng đôi mắt của các anh ngời sáng trong đêm. Trong tư thế “chờ giặc tới” các anh không hề nhỏ bé, chơi vơi giữa rừng già mênh mông mà trở thành tâm điểm của bức tranh. Tinh thần lạc quan của người lính đã bừng sáng cảnh vật, xua đi cái lạnh thấu xương, chỉ cần bên anh có đồng chí “đứng cạnh bên nhau”. Chính Hữu không tả nhiều viết nhiều nhưng mỗi hình ảnh thơ là sự chắt lọc tinh tế, mỗi câu thơ bật ra từ tâm hồn tài hoa, lãng mạn. Câu thơ cuối chính là điểm nhấn, là hình ảnh đắc nhất bài thơ.
“Đầu súng trăng treo”
Vầng trăng bao đời nay vẫn là tri kỷ của các anh chiến sĩ. Trong những đêm hành quân qua đèo núi, trăng là ánh đuốc soi đường. Trăng gợi nhớ quê hương, nhớ những ngày tháng ở đồng, ở sông, ở bể. Giây phút ấy, dù chỉ ngắn ngủi thôi, các anh tạm gác lại chiến trường ác liệt, tạm quên đi nỗi mất mát, thiếu thốn thường trực để thả tâm hồn mình vào ánh sáng từ nơi xa xôi kia. Nơi ấy có phải mẹ già, em thơ cũng ngắm vầng trăng rồi nhớ người ra trận. Mẹ ngồi đếm mấy mùa trăng qua chờ đợi con về. Trăng nghiêng nghiêng soi bóng xuống nhân gian, đem chút bình yên đến với tâm hồn người lính. Như thế mới thấy được vẻ đẹp toàn diện trong trái tim của các anh chiến sĩ. Ai bảo lính là gai góc, sần sùi, lính là khô khan, không tình cảm. Các anh lính cụ Hồ dù thiếu thốn mọi bề nhưng tâm hồn luôn rộng mở, luôn hướng đến ánh sáng niềm tin và để lòng mình rung động trước thiên nhiên. Cái lãng mạn bay bổng ấy không làm cho người lính xao lãng việc quân mà ngược lại còn trở thành động lực để các anh dũng cảm hơn, kiên trung hơn với lý tưởng của mình.
Hình ảnh trăng treo trên đầu ngọn súng thật thú vị biết bao.
Trăng tượng trưng cho hòa bình, thơ mộng còn súng thì tượng trưng cho chiến tranh, khốc liệt. Súng ở gần trăng treo tít trên cao. Tuy nhiên ở góc nhìn bao quát, ánh trăng như treo trên đầu súng. Hình ảnh này gợi nhớ đến cái nhìn thú vị pha chút tinh nghịch của người lính Tây Tiến “heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Súng và trăng tưởng chừng đối lập nhau, súng là thực tại còn trăng là ước mơ, thế nhưng hai hình ảnh lại hài hoà hoà quyện vào nhau như một thể thống nhất không thể tách rời. Phải chăng đó mới chính là cuộc đời người lính vừa khắc nghiệt nhưng cũng có phần thi vị? Trong đau thương, mất mát vẫn ngời lên nét mặt tự hào. Sự hòa quyện này tạo nên chất thơ trong con người thép, chất thép trong cuộc đời lính hào hoa. Ta thấy phảng phất đâu đấy tâm hồn của vị cha già, người chiến sĩ kiên trung nhất mà tâm hồn thì luôn tự do lộng gió thời đại “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Câu thơ chỉ bốn tiếng nhưng đã làm nổi bật ý nghĩa của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của chúng ta. Người lính không hề muốn chiến tranh, họ sỡ dĩ cầm ngọn súng là để bảo vệ ánh trăng kia, bảo vệ nền hòa bình độc lập. Cũng giống như tất cả con người trên đất nước này, không ai mong muốn chiến tranh, cũng chẳng ai muốn mình trở thành người hùng chỉ vì nhiệm vụ của thời đại mình, vì sự bình yên muôn đời của thế hệ sau mà các anh phải cầm súng đi đầu.
Đồng Chí là bài thơ giàu cảm xúc, nhà thơ đã sử dụng từ ngữ giản dị, đậm chất lính, giàu nhạc điệu vì thế mà đã được nhiều nhạc sĩ chọn phổ nhạc. Khi viết về người lính, Chính Hữu luôn đặt mình ở vị trí của các chiến sĩ. Hơn như thế, tâm hồn nhà thơ quân đội đã thuộc trọn vẹn về người lính. Bởi thế mà đọc từng câu thơ trong bài Đồng Chí ta bắt gặp được niềm hạnh phúc âm thầm cất giữ của nhà thơ khi bản thân cũng là một người lính cụ Hồ. Đồng Chí hoàn thành sứ mệnh của một tác phẩm văn chương cách mạng vừa có sức khơi gợi lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc, tình đoàn kết keo sơn của người lính cũng vừa dựng nên một tượng đài người lính trong buổi đầu kháng Pháp.
Bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng, như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng không bao giờ tắt, ngọn lửa thắp sáng đêm đen của chiến tranh. Đến hôm nay, ngọn lửa ấm nồng vẫn còn tiếp tục truyền niềm tin của thế hệ mai sau về những con người biết cách biến đời mình thành bất tử.
“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”
(Huy Cận)