Hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công
Con người ai cũng muốn vươn đến những tầm cao trong cuộc sống. Một số thích giàu sang, số khác ham danh tiếng, không ít người muốn sống một đời bình an. Giàu sang đó, danh tiếng đó hay bình an đó là đích đến thành công trong đời. Ai cũng mong muốn thành công tuy vậy đời đâu chỉ là mộng đẹp nhất là thành công được tạo thành bởi rất nhiều yếu tố, trong số đó có cả yếu tố thất bại. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thất bại và thành công thực chất có mối liên hệ gắn bó nhau. Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” đã khẳng định sự kết nối máu thịt giữa thành công và thất bại cũng là bài học mà người xưa truyền dạy lại cho con cháu sau này.
Nếu ca dao là vẻ đẹp tình cảm của ông cha thì tục ngữ nghiêng về vẻ đẹp trí tuệ. Chính sự trải nghiệm bằng cả cuộc đời lam lũ, bằng sự chiêm nghiệm về đời sống đã tạo nên một chân lý đúng đắn “Thất bại là mẹ thành công”. Câu tục ngữ có hình thức ngắn gọn, súc tích xây dựng bằng một câu định nghĩa như lời khẳng định chắc chắn về quy luật hiển nhiên của cuộc đời có thất bại mới có thành công. Cái hay của câu tục ngữ còn nằm ở sự tương phản giữa khái niệm thành công và thất bại.
Trước hết nói về thành công, điều mà tất cả chúng ta đều đang hướng đến. Thành công được là kết quả mỹ mãn nào đó sau một phần việc, thành quả bội thu trong lao động, hoàn thành xuất sắc việc học, đạt được vị trí cao, địa vị lớn trong xã hội. Thành công khi chúng ta đạt được mục tiêu mình đặt ra, kết quả cuối cùng tốt đẹp như mình dự định. Mỗi người có một hướng đi, một mong muốn khác nhau nên thành công cũng không hề giống nhau. Biểu hiện của thành công là sự giàu có, nổi tiếng, được bằng khen, công nhận của xã hội, đỗ đạt…Thành công đem đến niềm vui, sự tự tin, cảm giác an toàn, tự hào cho con người. Thành công là động lực để phát triển xã hội.
Trái lại với thành công là thất bại, điều mà chẳng ai mong muốn bao giờ nhưng thực tế trong đời số lần chúng ta thất bại thường nhiều hơn thành công. Thất bại là kết quả không đáp ứng được mong muốn, dự định hoặc yêu cầu của con người trong công việc, cuộc sống. Thất bại là kế hoạch bị phá hỏng, chỉ tiêu không đạt được, hy vọng bị dập tắt. Thất bại đi kèm với những mất mát về vật chất, tinh thần làm cho con người rơi vào trạng thái đau buồn, tiêu cực thậm chí là kiệt quệ.
Mối quan hệ này thoạt đầu là mâu thuẫn nhưng được đặt trong mối quan hệ “thất bại mẹ thành công”. “Mẹ” là cách nói hình tượng để chỉ thất bại sinh ra thành công. Cũng như mẹ là người nuôi dưỡng con, thất bại sẽ là cái nôi đầu tiên để con người dần lớn khôn. Mẹ dạy cho chúng ta những bài học quý thì thất bại cũng tác động đến con người thông qua những bài học xương máu mà ta trải qua. Như vậy nói “thất bại là mẹ thành công” có nghĩa là thất bại làm tiền đề cho thành công. Là cơ sở để quyết định thành công trong đời mỗi con người. Giống như một người mẹ nuôi dưỡng, khuyên răn, dạy bảo, thất bại sẽ định hướng cho con đường thành công. Nói cách khác câu tục ngữ chỉ ra mối quan hệ sống còn của thành công và thất bại, để có được thành công chúng ta phải trải qua thất bại, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời. Tuy là thất bại chẳng dễ dàng chút nào nhưng nó vẫn có ý nghĩa tác động đến sự thành công sau này. Câu tục ngữ còn nhắn nhủ với mỗi chúng ta đừng thấy thất bại mà nản chí mà phải biết vượt lên trên thất bại, lấy thất bại làm tiền đề để phấn đấu.
Nói thất bại là nguồn cơn của thành công, là cơ sở tạo ra thành công là có nguyên nhân chính đáng. Trong đời chúng ta phải học rất nhiều điều từ người khác, từ sách vở, báo đài…Tuy nhiên không có bài học nào xương máu như bài học từ chính những thất bại của chúng ta. Khi thất bại chúng ta sẽ nhận ra mình đã sai sót chỗ nào, chưa đúng ở bước nào, bản thân chúng ta đã có những ưu, khuyết điểm nào, điều gì cần phát huy, điều gì cần khắc phục. Kinh nghiệm có từ thất bại sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, hoàn thiện công việc, học tập tốt hơn ban đầu. Sau thất bại chúng ta sẽ có thời gian khắc phục lỗi lầm, nghĩ ra phương pháp khả quan để xây dựng lại kế hoạch, công việc của mình. Có thể gọi những thất bại là quá trình kiểm tra lại sản phẩm tinh thần lẫn vật chất mà chúng ta tạo ra. Nhiều lần kiểm tra thì sản phẩm sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều. Thế nên trong nguyên nhân này thất bại là bước đệm của thành công.
Không ai có thể thành công mà không trải qua thất bại. Hãy nhìn những người từng trải để thấy điều họ trải qua nhiều hơn cả là thất bại. Chính thất bại đã tôi luyện họ thành những người bản lĩnh, kiên cường. Giống như đất sét phải được nung trong lửa nóng thì mới không tan ra khi gặp nắng mưa. Con người có thất bại mới thử thách được ý chí không chịu khuất phục, không đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Thất bại giúp con người vững vàng hơn trước giông bão cuộc đời và từ đó họ có cái nhìn tích cực, lạc quan khi đối diện trước sóng gió. Vậy nên thất bại là chìa khoá để mở cánh cửa thành công.
Có trải qua cảm giác đau buồn của thất bại thì mới thấy niềm vui thành công đáng quý biết nhường nào. Đó không phải là niềm vui dễ đạt được mà phải trải qua nhiều lần thử thách. Người trải qua thất bại sẽ trân trọng thành công mà mình có, từ đó nỗ lực hơn nữa để gặt hái thêm những thành công. Không chỉ thế, khi đã trải qua ngày tháng nếm mùi thất bại, người ta càng hiểu đời, hiểu người, hiểu được giá trị sống mà trở nên điềm tĩnh, thấu hiểu, bao dung. Người ta lại càng sống sao cho xứng đáng với những thành quả mình đạt được.
“Thất bại là mẹ thành công”, thất bại là tiền đề, là chìa khoá hay bước đệm thành công được xây dựng trên yếu tố khách quan. Tuy nhiên sự thành bại của mỗi cá nhân còn tùy thuộc rất lớn vào yếu tố chủ quan, nghĩa là sức mạnh tự thân của họ. Nếu một người có ý chí, nghị lực, có lòng dũng cảm và ham học hỏi thì với họ thất bại chỉ là chướng ngại vật thử thách sự can đảm của bản thân, rèn luyện ý chí thêm sắt đá hay nói cách khác thời gian thất bại là thời gian ngồi trong phòng chờ để sẵn sàng cho chuyến bay xa, bay cao sắp tới. Cũng như hai anh em nhà Wright, huyền thoại của chuyến bay đầu tiên giúp con người thực hiện ước mơ bay vào không trung. Dù chưa từng trải qua đại học nhưng điều mà họ có được là óc sáng tạo, dám nghĩ dám làm mà điều quan trọng hơn cả là nghị lực không nản chí trước thất bại. Hai anh em thử những chuyến bay của mình đến hàng trăm lần trong suốt mấy năm trời. Cuối cùng thái độ không bỏ cuộc đã tạo sự thành công. Câu chuyện về nhà bác học Edison đã từng gây tiếng vang lớn trong ngành khoa học khi chế tạo thành công bóng đèn dây tóc và hàng ngàn sáng chế khác nhau trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học. Riêng con đường tìm ra vật liệu làm dây tóc bóng đèn, nhà bác học đã thử nghiệm thất bại hàng ngàn lần. Tuy vậy, cách nhìn của một vĩ nhân đầy nghị lực, ý chí và tự tin vào khả năng sáng tạo của bản thân, Edison đã nói “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động”. Thế đấy, cách nhìn nhận của một người giàu nghị lực không bao giờ thấy đâu là thất bại, chỉ có những thành công bị trì hoãn mà thôi.
Tuy vậy thất bại đối với những người không có ý chí, không biết tự hoàn thiện mình, dễ gục ngã sẽ chỉ là những phép thử dùng để loại trừ. Nhìn một cách khách quan, thất bại dễ làm con người ta nản chí bởi vì sau bao nhiêu nỗ lực chỉ tìm thấy bản thân nhiều khuyết điểm. Không ít người sẽ bỏ cuộc, sẽ bi quan, chán nản. Thay vì chấp nhận thất bại như một thử thách đời mình, họ xem đó là số phận, là vận xui để tìm cách tránh né. Một số khác đổ lỗi cho hoàn cảnh mà không nhận thấy vấn đề xuất phát từ phía mình. Chúng ta dễ dàng tìm thấy xung quanh những người như thế, luôn than thở cho phận mình, trong khi họ không phải quá bế tắc hoặc tuyệt vọng như họ nói. Họ truyền cho người khác năng lượng tiêu cực lúc nào cũng chỉ biết oán trách, đổ lỗi mà không vực dậy bản thân tìm ra cách thay đổi số phận. Trong công việc, nhiều người thấy có chút khó khăn là vội vàng bỏ cuộc, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Trong học tập nhiều học sinh chưa chịu cố gắng hết mình đã cho là bản thân không có khả năng, hoặc thụ động, hoặc chây lười dần dần khiến mình mất kiến thức, học hành sa sút.
Trong chúng ta chẳng ai muốn mình thất bại vậy nên đừng nhìn hướng đi của người thất bại dễ dàng bỏ cuộc, dễ dàng nản chí và đổ lỗi. Hãy học theo tấm gương của những người đi trước đã dùng nghị lực, ý chí và sự nỗ lực không ngừng để vượt lên trên thất bại mà hướng đến thành công. Mỗi chúng ta đang cầm trên tay một hòn than, phải quá quá trình tôi luyện với khả năng chiếm lĩnh tri thức, làm chủ cuộc đời mình thì hòn than kia mới thành kim cương vĩnh cửu.