Nêu suy nghĩ của em về câu tục ngữ “đói cho sạch, rách cho thơm”
Mở bài: Trước khi văn học viết ra đời thì người xưa đã dùng văn học dân gian như một phương tiện để truyền đạt tình cảm và hơn hết là để khuyên dạy con cháu đời sau những kinh nghiệm sống, giá trị đạo đức được đúc kết từ trong đau thương, vất vả. Một dân tộc phải trải qua hàng thế kỷ bị đô hộ, lầm than trong đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh nhưng không vì thế mà đánh mất nhân phẩm, lương tri. Lời nhắn nhủ mà ông cha để lại cho con cháu vẫn là tấm lòng trong sạch, giữ vẹn đạo làm người dù có gặp bất cứ hoàn cảnh nào đã thể hiện trọn vẹn qua câu tục ngữ “đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu tục ngữ là một lời răn dạy đúng đắn cũng là một đạo lý đẹp trong những truyền thống đáng tự hào của đất nước ta.
Giải thích: Dù không sử dụng văn chương uyên bác, nhưng cách là ông cha ta gửi gắm đạo lí qua tục ngữ lại rất tinh tế, khéo léo. Câu tục ngữ ngắn gọn được chia làm hai vế, cân đối, nhịp nhàng. Người xưa đã sử dụng hai yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống là “ăn” và “mặc” để nói về cách làm người. Trước hết ta hiểu “đói” là trạng thái ăn không đủ no, đói khát, lúc nào cũng phải lo miếng cơm. “Rách” là biểu hiện cho quần áo mặc trên người không tươm tất, chắp vá. “Sạch” và “thơm”là tính từ nói chung về cách ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, hợp vệ sinh. Xét theo nghĩa đen, câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta dù có đói cũng phải tìm miếng ăn sạch sẽ, có rách cũng giữ quần áo thơm tho, không hôi hám bẩn thỉu. Mượn chuyện ăn và mặc, người xưa muốn nói đến cuộc sống khó khăn, bần hàn qua hình ảnh “đói, rách”. “Sạch, thơm” chỉ lối sống trong sạch, lành mạnh, giữ gìn được nhân phẩm, đạo đức con người. Cái khéo trong câu tục ngữ này nằm ở động từ “cho” trong hai vế đối của câu. “Cho” cũng có nghĩa là “phải”hoặc “thì”nhưng “cho” còn là giữ lấy, là sự chuyển tiếp, tiếp nối giữa thế hệ này với thế hệ khác.
Vì sao chúng ta cần phải sống “đói cho sạch, rách cho thơm”Câu tục ngữ đã khẳng định một quan niệm sống tốt đẹp mà mỗi con người cần phấn đấu để hoàn thiện mình. Bằng mọi cách phải giữ cho được phẩm giá của mình, đừng để những khó khăn hay nghèo đói làm ô uế, vẩn đục và tha hóa. Dù có rơi vào cảnh cùng đường, bế tắc cũng không chọn những điều trái với đạo lý, trái với lương tâm. Trong cuộc sống nhiều người vin vào cảnh túng nghèo thiếu thốn để đổ lỗi cho việc ăn mặc rách nát hoặc bẩn thỉu của mình. Hình thức bên ngoài có thể bỏ qua nhưng còn nhân cách và phẩm giá con người, đó mới chính là cái cốt lõi mà câu tục ngữ muốn đề cập tới. Sạch và thơm không phải tự nhiên mà có được, điều này phải do chính con người tạo. Nói một cách đúng hơn là do suy nghĩ, nhận thức của con người
Con người đáng quý ở chỗ không phải hơn người khác về tiền tài, địa vị mà hơn nhau ở cách sống, cách làm người. Dù sống trong cảnh túng thiếu nhưng vẫn giữ tấm lòng trong sạch, lương thiện sẽ được mọi người kính nể, yêu quý hơn là những kẻ vì lợi ích mà bán rẻ lương tri. Những con người “đói cho sạch, rách cho thơm” còn là tấm gương sáng, tạo một sức mạnh lan tỏa đến cộng đồng. Họ cho phép chúng ta tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Không chỉ thế người người biết giữ gìn nhân phẩm, danh dự là người tự trọng, họ luôn không ngừng nỗ lực để sống tốt bằng sức lao động của chính mình. Họ không bị sức hút được đồng tiền để làm những việc xấu xa, ích kỷ. Hơn thế nữa, giữ gìn nhân phẩm còn bảo vệ mỗi chúng ta trước cạm bẫy của cái xấu, hướng chúng ta làm việc và sống theo đạo đức con người và theo đúng pháp luật của nhà nước. Một xã hội có những con người luôn đề cao nhân phẩm thì xã hội ấy sẽ văn minh, phát triển. Rèn luyện đức tính này có nghĩa là chúng ta đã tôi luyện cho mình tâm thế vững vàng để đối đầu với mọi thách thức, một tâm hồn thanh thản, yên vui, đó cũng là niềm hạnh phúc mà ta có được.
Dẫn chứng: Không ai trong chúng ta muốn sống trong bất trắc, hoạn nạn. Thế mà những lúc tưởng chừng bế tắc ấy là thử thách khó khăn nhất để con người lựa chọn cách sống của mình. Trãi lòng vào văn học, chúng ta hãy nhớ đến một Lão Hạc thà chết trong sạch chứ không thể để cho chính cái nghèo kia biến lão thành kẻ trộm cắp, một người cha ăn hết phần con. Cái chết xót xa, đau đớn của Lão Hạc đã gây xúc động trong lòng người đọc bởi Lão Hạc là người nông dân nghèo nhưng có được tấm lòng và nhân cách đáng quý, thanh cao, đẹp đẽ, đáng khâm phục. Hay nhân vật Chị Dậu trong Tắt đèn,vì quá nghèo mà phải bán con, bán chó để lấy tiền nộp sưu cho chồng. Vậy mà chị thẳng thắn ném thẳng nắm bạc vào mặt tên tri phủ để giữ gìn vào bảo vệ lòng chung thuỷ đối với chồng.
Sống theo tinh thần “đói cho sạch, rách cho thơm” là như thế! Có chết cũng xin chết vinh để lại tiếng thơm cho con cháu” Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”
Xã hội chúng ta sống hôm nay vẫn còn bao mảnh đời cơ cực, còn bao con người đang vật lộn với miếng ăn, tấm áo. Thật đáng quý làm sao khi những cụ già neo đơn, những con người mất đi một phần cơ thể, họ bị khuyết tật bên ngoài nhưng tâm hồn thì nguyên vẹn. Họ thà đi bán vé số chứ không ngửa tay xin chén cơm từ người khác. Bao nhiêu người lao động phải vất vả ngoài mưa nắng để kiếm chút tiền nuôi cả gia đình, thế mà họ có bán nhân phẩm của mình đâu.
Phản đề: Ấy vậy mà vẫn có không ít kẻ viện cớ nghèo khổ để lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác. Họ sẵn sàng trục lợi cho bản thân dù có làm những việc xấu xa. Không chỉ những người đói, rách mà có lắm kẻ có tiền vẫn sống ích kỷ, họ làm ra những loại thức ăn, đồ uống mất vệ sinh, độc hại để bán ra thị trường chỉ vì lòng tham không đáy. Họ giấu đi bộ mặt hèn nhát của mình trong cả những nghề cao quý che đậy những lỗi lầm do tham nhũng, hối lộ gây ra. Những kẻ đi ngược với đạo lý dân tộc phải bị lên án, bài trừ.
Bài học: Lời răn dạy trên của ông cha ta từ ngàn đời xưa cứ vang vọng mãi cho đến đời nay và đến cả mai sau. Lời dạy ấy quả là một bài học sâu sắc, có giá trị giáo dục về nhân cách đạo đức cho con người. Thấm nhuần giá trị câu tục ngữ trên, mỗi học sinh chúng ta cần phải giữ gìn nhân phẩm, danh dự của bản thân bằng việc học thật, thi thật, không gian lận, không vì điểm số mà vi phạm nội quy. Trong cuộc sống, phải giữ được lòng trung thực, thẳng thắng và tự trọng, không để bản thân sa vào thói xấu. Không ngừng nổ lực học tập và rèn luyện đạo đức để xây dựng một con người tiến bộ, tri thức, văn minh.
Kết bài:Tiền,bạc mất đi có thể tìm lại được nhưng một khi chúng ta đánh mất nhân phẩm và danh dự là mất đi giá trị làm người. Câu tục ngữ đã nói lên được yếu tố cốt lõi của một con người. Nhân phẩm là vốn quý, là đạo lý, danh dự và lẽ sống cao đẹp mà mỗi học sinh cần nhận biết, cần rèn luyện, bồi đắp trong suốt cả cuộc đời mình. Chỉ con người có nhân phẩm mới thực sự tạo cho mình một cuộc sống thanh sạch, hạnh phúc.