Giải thích câu: Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người – văn mẫu 7
Cuộc sống luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Chẳng thời đại nào muốn mình bị lãng quên nhất là khi đã kỳ công tạo nên bao giá trị tinh thần lẫn vật chất cốt để con cháu đời sau hưởng thụ. Sách ra đời từ nhu cầu được lưu giữ và truyền thụ. Sách chứa đựng tâm hồn, tiếng nói của thế hệ người đi trước nên “sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người”. Lời khẳng định ấy mở ra một chân lý đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của sách đối với sự phát triển toàn diện của con người.
Câu chuyện về sự ra đời của sách dài như câu chuyện hình thành nền văn hoá thế giới khó mà biết chính xác thời gian cụ thể. Tuy vậy có thể khẳng định sách ra từ khi con người biết lấy que nhọn vẽ lên vách đá bằng những ký hiệu tượng trưng. Sách trở thành phương tiện trọng đại ghi chép lại các sự kiện khi xã hội loài người đã có ngôn ngữ. Hình dạng ban đầu của sách là những vách đá, mai rùa, thân cây đến tấm da động vật…Mãi đến khi con người chế tạo ra giấy và đóng thành một quyển thì sách mới thực sự định hình cụ thể, nhỏ gọn, tiện lợi và phát huy tốt nhất vai trò lưu trữ. Như vậy, có thể hiểu sách là một phương tiện dùng để chứa đựng những giá trị văn hoá tinh thần bao gồm các lĩnh vực văn hoá, đời sống, văn học nghệ thuật, sức khỏe, dinh dưỡng…đã được con người đúc kết, sàn lọc qua hiện thực cuộc sống. Sách được ghi chép bằng ngôn ngữ với các dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh, ký hiệu…thuộc từng dân tộc, đất nước khác nhau.
Sách được ví như ngọn đèn bất diệt có nghĩa là sách là ngọn đèn không bao giờ tắt. Câu nói mượn hình ảnh ngọn đèn biểu tượng cho sự hiểu biết, sự khai thông trí óc con người. Ngọn đèn soi sáng lối ta đi, làm bừng lên gương mặt rạng rỡ của ta để qua hết đêm trường tối tăm, mù mịt. Ấy vậy nên ngọn đèn còn là vẻ đẹp của lý tưởng, của ánh sáng tương lai. Ngọn đèn mà sách đem đến có sự sống bất diệt, không bao giờ mất đi, không bao giờ tắt, nghĩa là nó trường tồn theo khát vọng chiếm lĩnh tri thức của con người, trường tồn theo sự phát triển không ngừng của thời đại. Nói đến trí tuệ chúng ta nghĩ đến sự hiểu biết, sáng suốt, khôn ngoan của con người. Chỉ có con người, xã hội loài người mới đủ trí tuệ để làm chủ thế giới. Biểu hiện của trí tuệ là là suy nghĩ, hành động dựa trên kiến thức, khả năng thấu hiểu, suy đoán, ý thức về bản thân, về cuộc đời. Trí tuệ của con người không dừng lại ở sự thông minh mà còn mở rộng ra lối sống, cách đối nhân xử thế và những vấn đề đạo đức để con người ngày một hoàn thiện mình.
Tóm lại, câu nói Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người là một câu nói đúng đắn, là kết quả của quá trình con người đúc kết những chiêm nghiệm từ đời sống thực tế. Câu nói đề cao vai trò của sách trong việc soi sáng tâm hồn con người, làm giàu đời sống con người mọi mặt tinh thần. Sách là chiếc chìa khóa mở cánh cửa cá nhân của mỗi người để bước vào thế giới diệu kỳ mà tri thức mang đến.
Sách đem đến cho đời sống con người bao lý thú và diệu kỳ như thế giới của ước mơ. Trước hết cánh cửa mà sách mở ra là cánh cửa tri thức. Sách ghi chép lại nguồn tri thức phong phú, vô tận của người đi trước để chúng ta mở mang đầu óc. Những hiểu biết ở tất cả các ngành nghề sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc của chúng ta. Người nông dân đọc sách nông nghiệp để có kiến thức mà áp dụng vào việc trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Người thầy thuốc đọc sách để tìm hiểu các bài thuốc quý dân gian hoặc những thông tin y học đến từ mọi nơi. Nhờ có sách mà chúng ta theo kịp thời đại, làm giàu sự hiểu biết bản thân về thế giới.
Cũng chỉ có sách mới giúp con người làm một cuộc hành trình xuyên thời gian từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện đại đến tương lai. Chuyến tàu thời gian này giúp con người tìm lại gương mặt ông cha mình, những người mở cõi, những người đã từng sống, lao động trên mảnh đất này từ đó hiểu hơn về nguồn cội, tổ tiên. Sách mở ra cho chúng ta thời gian tương lai, những gì con cháu chúng ta có được mai này để mà chúng ta có sự điều chỉnh phù hợp, làm tròn nhiệm vụ người đi trước.
Sách còn đưa con người vượt giới hạn không gian, vượt qua sự chật hẹp của căn phòng bé nhỏ, ngôi làng, vùng quê hay giới hạn một dân tộc mà hướng đôi mắt mình đến dân tộc, đất nước khác dù có xa xôi cách trở. Trong vai trò này, sách giúp con người hiểu ra cuộc sống này thật nhiều chiều, mới mẻ. Bên ngoài đại dương rộng lớn kia vẫn có những số phận, những cuộc đời khác mình hoặc rất giống mình, con người sẽ không thấy cô đơn khi đâu đó trên thế giới vô tận này còn một ai đó thuộc về mình.
Không chỉ khám phá cuộc đời, sách còn giúp mỗi chúng ta khám phá bản thân mình. Sách nói cho chúng ta biết bản thân mình là ai, đang ở đâu, có thực sự đúng đường hay lạc lối. Chúng ta đã được những gì và còn điều gì chưa làm được trong đời. Với những ai chưa tìm ra được định hướng mà đi, sách sẽ soi đường tìm thấy tương lai, lý tưởng, sách sẽ chỉ là cho chúng ta con đường sống, con đường hy vọng. Chúng ta rồi sẽ khám phá ý nghĩa bản thân mình sống là để được hạnh phúc, được yêu thương.
Hành trình tâm tưởng từ ngôn ngữ trên những trang sách sẽ giúp chúng ta tăng trí nhớ và trí tưởng tượng. Để có thể hiểu và ghi nhớ, não bộ chúng ta phân tích và đưa ra những hình ảnh cụ thể từ ngôn ngữ. Sách kích thích phát triển não bộ toàn diện. Đọc sách cũng là cách rèn luyện tính cần mẫn, ham học hỏi, sự điềm tĩnh trong suy nghĩ, giúp chúng ta hình thành nếp nghĩ khoa học, khái quát.
Sách, đặc biệt là những cuốn sách văn chương, văn học nghệ thuật sẽ là sợi dây tình cảm từ tác giác truyền đến độc giả. Mọi hướng đi của sách đều có đích đến là đời sống con người mà tình thương, giá trị nhân văn là quan trọng nhất. Thế nên đọc sẽ sẽ giúp tâm hồn chúng ta thêm giàu cảm xúc. Vì một nhân vật nào đó trong tác phẩm truyện mà ta vui buồn, yêu thương, đồng cảm. Vì một con người ở trong trang sách mà ta biết trân trọng cuộc đời, ngưỡng mộ đức tính tốt và biết ghét những thế lực đã chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Sách như dòng sông chở nặng phù sa mà tâm hồn chúng ta đang cần được tắm mát, được bồi đắp để trưởng thành. Qua sách chúng ta thấy mình như lớn hơn, giàu có hơn về tình cảm, suy nghĩ. Chúng ta hình thành tình cảm đẹp, đạo đức con người cũng được gửi gắm qua trang sách. Lòng nhân hậu vị tha cũng từ sách thấm đẫm trái tim ta. Sách dạy ta biết rung động, biết chia sẻ, biết sống vì nhau.
Một vai trò hàng đầu mà con người tìm đến sách là tính giải trí của sách. Sự trải nghiệm trên những trang sách giúp chúng ta tạm quên đi buồn phiền, lo lắng, gánh nặng mỗi ngày. Những trang sách hay như món ngon khiến ta có được giây phút lý thú. Một mẩu chuyện vui đem đến cho người đọc sự thư giãn thông qua tiếng cười sảng khoái. Một ý thơ lạ cho ta được phép vỡ oà trong niềm phấn khởi ngọt ngào.
Để làm nên một cuốn sách hoặc một trang sách dù bất cứ lĩnh vực nào nó cũng là kỳ công, là kết quả của cả một quá trình lao động miệt mài cả trí óc lẫn tay chân. Những hiểu biết trong sách, kiến thức và cả nụ cười ta tìm thấy trong sách đều thấp thoáng công sức, mồ hôi và bóng dáng của người đi trước. Vậy nên đọc sách trước tiên chính là chúng ta đang thừa hưởng thành quả “ăn quả” để từ đấy nhớ ơn thế hệ tiền nhân đã “trồng cây”. Đọc sách cũng từ cách chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với người đi trước và kế tục những giá trị tinh thần truyền lại cho thế hệ sau này. Đọc sách còn là phương pháp hữu hiệu để học tập mọi thứ từ người đi trước, từ cuộc đời. Những kiến thức trong sách sẽ là hành trang để mỗi học sinh chúng ta bước vào đời. Với thế hệ trẻ, đọc sách còn là phương pháp phát triển tư duy, tính chủ động, sáng tạo và nuôi dưỡng ước mơ.
Nhà văn Ernest Hemingway đã nói: “Không có người bạn nào trung thành như một cuốn sách” đã cho chúng ta cái nhìn thực tế về sách. Sách là bạn, một người bạn chân thành và trung thành với con người. Sự lan toả của sách cũng được đề cao qua câu nói: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. (Voltaire)
Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của sách nên đối với sách vẫn còn sự thờ ơ. Đặc biệt là các bạn trẻ ngày nay, khi mà văn hoá nghe nhìn có mặt khắp nơi trên các phương tiện truyền thông, sách điện tử thay dần sách giấy thì văn hoá đọc cũng trở nên dần mai một. Học sinh lười đọc sách, lười tìm hiểu kiến thức bằng con đường đọc để khám phá. Hoặc đọc sách nhưng không đem hiểu biết trong sách mà vận dụng vào thực tế.
Sách là ngọn đèn bất diệt bởi vì ngọn lửa từ ánh đèn mà tri thức thắp lên đã cháy mãi trong khối óc bao thế hệ. Thế hệ trẻ chúng ta, những chủ nhân tương lai đất nước, những người cần trau dồi kiến thức, tăng sự hiểu biết và bồi đắp nhân cách đẹp cần hơn nữa phát huy vai trò của sách bằng cách đọc sách và lựa chọn sách để đọc. Ngoài những quyển sách giáo khoa, sách bài tập, sách ôn luyện liên quan đến chương trình trên lớp, học sinh chúng ta cần đọc những loại sách thường nhật khám phá tri thức thế giới, chiếm lĩnh tri thức đời sống hằng ngày. Tuỳ thuộc vào sở thích đọc sách mà lựa chọn những quyển sách phù hợp lứa tuổi, tránh xa những loại sách dung tục, văn hoá phẩm đồi truỵ. Tăng cường đọc sách văn học, sách báo thiếu niên nhi đồng và những quyển sách định hướng tương lai. Quá trình đọc sách cũng không nên qua loa, đối phó hoặc đi từ mục đích thể hiện bản thân ham đọc, lắm chữ mà phải xuất phát từ mong muốn đọc để trau dồi bản thân. Đọc sách phải ngẫm nghĩ, đem những điều đọc được để áp dụng vào cuộc sống.
Tương lai của mỗi chúng ta một cái cây khỏe mạnh, có cành lá vươn xa có cội rễ bám sâu vào mặt đất. Muốn tạo được chiếc rễ bền chặt kia chúng ta không còn cách nào khác bằng việc học hỏi tri thức, rèn luyện trí tuệ và bồi đắp tâm hồn từ việc đọc sách. Cho dù thời đại có thay đổi thế nào thì câu nói “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” vẫn luôn là kim chỉ nam cho những con người muốn bản thân ngày càng phát triển, sống đủ đầy và hạnh phúc.