Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) – Văn Mẫu 12
Cuộc đời vốn dĩ của nó là nơi sinh ra cái đẹp, cái văn chương và thi vị. Tuy nhiên không phải lúc nào cuộc đời cũng toàn là cái đẹp. Muốn hiểu rõ nguồn cơn, người nghệ sĩ phải tìm hiểu, phải dấn thân và sống cùng cuộc đời nhất là khi đời luôn có sự biến thiên. Là một nhà văn nhạy cảm trước thời cuộc, Nguyễn Minh Châu luôn xông xáo đi đầu trong việc khám phá cả mặt tốt và xấu của cuộc sống để hiểu rõ về nó. Thế nên trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn đã đặt ra những vấn đề mang tầm triết lý về đời sống và nghệ thuật thông qua việc xây dựng một tình huống truyện đầy oái oăm, nghịch lý.
Là một nhà văn trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Nguyễn Minh Châu đã có những trang viết thấm đẫm chất anh hùng ca về người lính và cả những nỗi trăn trở trước biến động của cuộc đời sau chiến tranh. Tiếp tục với nhiệm vụ trinh sát cuộc đời, Nguyễn Minh Châu nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống mới bằng những tác phẩm đậm dấu ấn đời thường mà đằng sau mỗi nhân vật, mỗi số phận chính là nỗi trăn trở về tình đời, lòng người và lẽ sống ở đời. Sự chuyển biến trong chủ đề văn học gắn liền với những đổi mới về phong cách sáng tạo. Nhà văn đã xây dựng cho mình một quan điểm mới, một tuyên ngôn mới về nghệ thuật. Viết về đời sống theo đúng bản chất của nó, không phô trương, hoa mỹ, không máy móc mô phỏng. Vì thế mà đọc văn Nguyễn Minh Châu ta như sống giữa cuộc đời lắm bộn bề.
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa ra đời sau những nỗi trăn trở của nhà văn về số phận con người và những thay đổi khó lường của cuộc đời. Đó cũng là kết quả của chuyến hành trình đào sâu, tìm tòi mọi mặt đời sống được đặt trong cái tâm quả cảm của người nghệ sĩ. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã được chọn in trong tạp chí Văn nghệ quân đội vào tháng 10 năm 2007 và được bình chọn là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Minh Châu.
Có nhiều yếu tố nghệ thuật góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm, trong đó phải kể đến tình huống truyện độc đáo, mới lạ. Có thể hiểu khái quát tình huống truyện là hoàn cảnh mà tác giả tạo nên trong đó có những sự kiện đặc biệt, lôi cuốn để từ đó nhân vật bộc lộ được bản thân và hình thành tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa được xây dựng trên câu chuyện của nhà nhiếp ảnh Phùng với những khám phá của anh trên bờ biển và trong toà án huyện. Phùng – nhà nhiếp ảnh trở về từ quân ngũ- được phân công tìm chụp một bức ảnh cảnh thuyền và biển để in trên tờ lịch. Sau năm lần phục kích cuối cùng anh cùng săn được khoảnh khắc trời cho. Tuy nhiên sau phát hiện thứ nhất đầy nghệ thuật này thì Phùng lại phát hiện những vấn đề tồn đọng trong cuộc sống ngay trên nền cái đẹp cảnh một người đàn bà bị bạo hành bởi chồng mình và những mâu thuẫn gia đình. Để giúp người đàn bà, Phùng đã nhờ người bạn của mình là chánh án Đẩu khuyên giải nhưng câu chuyện của người đàn bà trong toà án huyện lại dẫn đến một nghịch lý khác của cuộc sống.
Người nghệ sĩ Phùng đã bốn lần bấm máy nhưng anh vẫn chưa hài lòng vì chưa tìm ra một khoảnh khắc thật sự đẹp của thiên nhiên. Phùng vẫn kiên trì và chờ đợi. Thật may khi cuối cùng anh đã phát hiện cảnh đẹp “trời cho” vào buổi bình minh trên một bãi phá. “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp..” Vẻ đẹp ấy tác động đến tình cảm của Phùng, khiến anh bối rối, sung sướng, đấy cũng là sự đền đáp cho những công sức mà anh bỏ ra. Cảnh đẹp ấy đã đạt đến độ hoàn mỹ, toàn bích “Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn.” Trân trọng cái đẹp nên Phùng đã không tiếc phim, bấm máy liên tục mong muốn vĩnh cửu hoá sắc đẹp ấy.
Với Phùng sự phát hiện này mang đến cho anh tờ lịch đẹp để hài lòng trưởng phòng khó tính. Quan trọng hơn cả là nó giúp anh khám phá được khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn khi chiêm ngưỡng sự tuyệt đỉnh của tạo hoá.Với người nghệ sĩ ấy chính là món quà lớn nhất, quý nhất trong đời. Tình huống này còn mang ý nghĩa nhận thức sâu sắc. Người nghệ sĩ muốn có được tác phẩm hay phải biết dấn thân, nhẫn nại và can đảm. Và một điều quan trọng nữa từ phát hiện này là yếu tố may mắn “trời cho”, nếu không có bàn tay của tạo hoá thì có cố gắng đến mấy cũng khó lòng mà đạt thành ý nguyện.
Niềm vui của người nghệ sĩ chưa kết thúc thì anh đã phát hiện thêm một tình huống éo le, bất ngờ và đầy nghịch lý đó chính là cảnh hai vợ chồng người đàn bà hàng chài trên bờ biển. Một cảnh tượng thương tâm. Một người đàn ông và người đàn bà rời thuyền đi vào chỗ phá nước.“Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà..” Điều kỳ lạ nằm ở thái độ của hai con người ấy. Người đàn bà bị chồng đánh lẽ ra phải van nài, chống trả hoặc trốn chạy nhưng bà lại cam chịu nhẫn nhục không tiếng thở than. Lạ đời hơn là người đàn ông bạo hành vợ mình không tỏ ra thích thú, thỏa mãn mà như bị ai ép buộc, vừa đánh vừa nguyền rủa, rên rỉ như kẻ điên dại. “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!” Phùng còn chưa hết kinh ngạc thì lại thêm tình huống thằng bé Phác chạy xông vào đánh người đàn ông, cũng là cha nó, để bảo vệ mẹ.
Những điều trông thấy đã khiến cho Phùng bức xúc, đau đớn và khó hiểu. Tại sao nơi đẹp đẽ thơ mộng kia lại là nơi sống của những kiếp người đói khổ? Tại sao một người đàn ông to lớn lại có thể tàn nhẫn mà đánh đập vợ mình? Ngay lão đàn ông cũng hiện ra những mâu thuẫn. Hành động của ông ta tàn nhẫn nhưng vẻ mặt thì đau khổ, cùng cực như người bị đánh là ông ta. Chẳng những thế nếu một kẻ thích bạo lực như ông ta sao lại phải đồng ý van xin của người đàn bà là được đánh trên bờ? Một kiểu tội ác vừa như ban ơn cho kẻ khác đúng thật lạ lùng.
Tình huống này gợi ra những ngang trái trong cuộc đời ẩn đằng sau vẻ ngoài hoàn mỹ của nó. Trong sự bình lặng vẫn có những cảnh đời cay đắng mà người nghệ sĩ phải đào sâu, tìm tòi thì mới có thể lý giải được vì sao. Tình huống nhận thức này mở ra nhiều bí ẩn trong cả bản thân mỗi con người và trong dòng xoay của đời người. Tình huống xung đột này còn là lời nhắn nhủ của nhà văn về thiên chức của người nghệ sĩ, chỉ khi đứng giữa cuộc đời thì mới mong hiểu hết cuộc đời. Con đường tiếp cận với chân dung thật sự của cuộc đời là con đường gian nan nhất, có khi người nghệ sĩ phải đối mặt với nguy hiểm cũng có khi chính cuộc đời sẽ dạy cho người nghệ sĩ bài học lớn.
Tình huống truyện không dừng lại ở đó mà tiếp tục phát triển thành một diện mạo mới trong hoàn cảnh người đàn bà đối mặt với vị quan tòa cùng người nghệ sĩ ở toà án huyện. Khi được mời vào toà án, người đàn bà mang theo một tâm trạng bất an, sợ sệt, vẻ mặt mà Phùng không nhìn thấy lúc bà bị chồng đánh. Thái độ ấy không phải do lần đầu tiên đặt chân đến nơi công sở mà là vì bà hiểu được mục đích mà chánh án gọi mình đến đây. Như lần trước vị chánh án sẽ khuyên bà bỏ chồng, nếu vậy thì hạnh phúc gia đình bà sẽ bị đe doạ, dù cho cái hạnh phúc kia bà phải dùng nỗi đau thể xác đề mà bảo vệ. Nghịch lý lại xuất hiện trong người đàn bà thuyền chài. Dù bị chồng đánh đập “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Dù bà ấy có một lão chồng mà theo vị chánh án “cả nước không có một người chồng nào như hắn”. Vậy mà người đàn bà vẫn cam chịu, nhẫn nhịn và cho đó là điều tự nhiên. Đích thân vị chánh án muốn giúp bà thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình thì bà lại không chấp nhận. “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Nếu đứng về phía tâm lý, hành động của con người thời đại thì người đàn bà đúng thật lạ thường, trái khoái.
Cũng tại phiên toà hôm ấy, sau khi hiểu được lòng tốt của vị chánh án Đẩu và Phùng, người đàn bà mất đi vẻ sợ sệt, lo lắng thay vào đó là tâm thế của người đàn bà trải đời, hiểu lý lẽ. Qua câu chuyện mà người đàn bà chia sẻ, bà ấy tìm mọi cách khẳng định chồng mình vốn là người hiền lành, lương thiện. Bà ta cũng lý giải vì sao lão lại có những thay đổi lớn đến như vậy và lý do bà ấy không muốn bỏ chồng “trên thuyền phải có một người đàn ông…để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con” cho dù “hắn man rợ, tàn bạo”. Người đàn bà dùng cả đời cay đắng để chắt lấy chút mật ngọt cho các con mình. Cái lý lẽ đàn bà trên thuyền sống chỉ vì con chứ không phải vì mình dù vẫn biết là lạc hậu nhưng ngẫm lại vẫn thấy nhiều chua xót, cảm thông. Niềm vui lớn lao và cũng là duy nhất với bà ấy là “lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”.
Khi đã khám phá thế giới nội tâm sâu kín của người đàn bà, Phùng và Đẩu như bị đánh thức bởi những lý lẽ nghe đơn giản nhưng đầy suy tưởng. “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị bao công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Cái đói, cái nghèo, cái thất học và dốt nát nó sẽ khiến con người ta túng quẫn, đau khổ. Khi đã quá khổ đau thì người ta cũng trở nên tàn nhẫn. Hiện thực cuộc sống luôn tồn tại những điều tưởng chừng mâu thuẫn, đối lập nhau nhưng cũng vì nhau mà hình thành. Có những gã đàn ông vũ phu thì cũng sẽ có những người đàn bà chấp nhận hy sinh sống vì con, quên đi bản thân mình mà bao dung cho cả người đã làm khổ mình.
Từ những tình huống mang tính đối ứng, nghịch lý trong truyện, Chiếc thuyền ngoài xa đã đưa vào đấy là cái nhìn mang tính triết lý của Nguyễn Minh Châu. Trước hết đặt trong mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Người nghệ sĩ phải là người quan sát, tìm kiếm và phát hiện những vẻ đẹp dù là nhỏ nhoi, bình dị nhất. Cũng người nghệ sĩ sẽ ghi lại đời sống bằng lăng kính nhạy cảm, nhiều chiều. Vẻ đẹp cuộc sống dù có hoàn mỹ đến đâu nếu thiếu đi con người sẽ không còn giá trị, vậy người làm nghệ thuật phải lấy con người là trung tâm. Nếu muốn sống cùng nghệ thuật thì người nghệ sĩ phải cần mẫn như con ong, luôn tìm tòi, sáng tạo. Tình huống truyện còn cho chúng ta cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Cái đẹp, cái xấu lúc nào cũng song song tồn tại có khi chuyển hoá lẫn nhau, hoà trộn vào nhau vì thế mà chúng ta cần có cái nhìn nhiều chiều, suy xét. Cái đẹp xuất hiện ở mọi nơi, ngay ở trong cái ác, cái xấu. Đứng trước cái đẹp người nghệ sĩ cần tỉnh táo vì đôi khi bên trong cái đẹp ẩn chứa những điều đi ngược lại đạo đức con người.
Từ cái nhìn của vị chánh án Đẩu và người nghệ sĩ Phùng chúng ta cũng có thể nhận ra ý nghĩa của tình huống truyện. Đôi khi quan niệm về đạo đức không giống với thực tế cuộc đời. Chính vì vậy mà không thể mang những điều bản thân cho là đúng để áp đặt cho người khác. Mọi lý thuyết đúng hay không còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Muốn hiểu người, hiểu đời thì điều quan trọng không phải là mình nói gì mà nghe người khác nói gì, đặt mình vào vị trí người khác để mà suy xét. Không chỉ thế, tình huống truyện còn cho chúng ta cái nhìn thiện cảm về người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ chịu nhiều đau khổ mà vẫn mang trong mình những vẻ đẹp khuất lấp, những phẩm chất cao đẹp.
Với sức bao quát, tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa đã tạo sự lôi cuốn qua từng chi tiết mới mẻ, độc đáo mở ra theo mạch truyện. Tình huống truyện cũng tạo ra những nhân vật tư tưởng để từ đó quan niệm sáng tác và thông điệp của câu chuyện được nhà văn truyền tải đến người đọc thông qua những chiêm nghiệm về đời sống. Nói về đời sống, Nguyễn Minh Châu đúng là một người trinh sát cuộc đời, nhà văn đã bày tỏ quan điểm của mình về nhiệm vụ của văn học. “Văn học bao giờ cũng phải trả lời những câu hỏi của ngày hôm nay, bao giờ cũng phải đối thoại với những người đương thời về những câu hỏi cấp bách của đời sống”.
Tình huống truyện đặc sắc của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là mảnh đất màu mỡ để nhà văn phản ánh cuộc sống đói nghèo, lạc hậu, cũng là sự trân trọng, cảm thông trước những con người bất hạnh. Tấm lòng nhà văn dành cho cuộc đời cũng là bài học lớn cho thế hệ trẻ về thái độ sống, thái độ nhìn nhận, đánh giá mọi mặt cuộc sống. Có thể xem tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa đã góp một tiếng nói không nhỏ để chống lại cái nhìn hời hợt, phiến diện và cách xử lý vấn đề còn rập khuôn ở nhiều cá nhân trong cá đời sống và nghệ thuật.