Học Văn Cùng Cô Quyền Trang
  • Trang chủ
  • Văn Mẫu
    • Văn Mẫu Lớp 12
    • Văn Mẫu Lớp 11
    • Văn Mẫu Lớp 10
    • Văn Mẫu Lớp 9
    • Văn Mẫu Lớp 8
    • Văn Mẫu Lớp 7
    • Văn Mẫu Lớp 6
  • Soạn Văn
    • Soạn Văn Lớp 12
    • Soạn Văn Lớp 11
    • Soạn Văn Lớp 10
    • Soạn Văn Lớp 9
    • Soạn Văn Lớp 8
    • Soạn Văn Lớp 7
    • Soạn Văn Lớp 6
  • Kênh Youtube
No Result
View All Result
Học Văn Cùng Cô Quyền Trang
No Result
View All Result
Home Văn Mẫu Văn Mẫu Lớp 12

Phân tích nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) -Văn mẫu 12

Hồ Quyền Trang by Hồ Quyền Trang
in Văn Mẫu Lớp 12

Phân tích nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) – Văn mẫu 12

Văn chương, nghệ thuật là tiếng nói của con người về cuộc đời và cũng nên vì con người mà sinh ra. Thế nên theo Nguyễn Minh Châu “Nhà văn là người cố gắng đi tìm những hạt ngọt ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.”Trong tất cả những sáng tác của mình sau ngày hoà bình, Nguyễn Minh Châu luôn hoàn thành xuất sắc công việc của người “giám sát cuộc đời”dấn thân, khám phá mọi mặt của cuộc đời để tìm cho kỳ được nguồn cơn của những mâu thuẫn, nghịch lý vốn đã tồn tại trong cuộc sống. Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã để nhà nhiếp ảnh Phùng là người dẫn truyện cũng là nhân vật trực tiếp tham gia câu chuyện. Có thể nói Phùng là nhân vật tư tưởng, mang chủ đề tác phẩm và truyền đạt tư tưởng của tác giả. Ở Phùng ta tìm thấy vẻ đẹp mang chiều sâu suy ngẫm.

Góp mặt trong cả hai giai đoạn văn học trước và sau khi đất nước thống nhất, Nguyễn Minh Châu luôn trăn trở về đời sống con người và làm thế nào để một nhà văn phát huy được sứ mệnh của mình. Nguyễn Minh Châu cũng là một trong cây bút tiên phong có sự chuyển biến về phong cách nghệ thuật, những thay đổi về cảm hứng. Từ phong cách văn chương đậm dấu ấn chiến tranh sang cảm hứng thời cuộc, cảm hứng thế sự nhân sinh. Ở mảng thế sự, nhà văn đã có cái nhìn thấu đáo, nhiều chiều, đã đi hết thảy mọi ngóc ngách đời sống để từ đấy mỗi trang sách của ông là một trang đời.Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được ra đời năm 1983 là tiếng nói của nhà văn muốn bộc lộ quan niệm của mình về cuộc sống nhân sinh thông qua hành trình khám phá cái đẹp, cái tốt, cái xấu của nhà nhiếp ảnh Phùng.

Câu chuyện được kể qua lối trần thuật, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất cũng là nhân vật Phùng. Vừa là người dẫn truyện vừa tham gia trực tiếp vào câu chuyện nên nhân vật này vừa mang tính khách quan cũng vừa chủ quan. Điều này tạo sự thuận lợi cho nhà văn truyền tải được tư tưởng của mình. Nói như vậy Phùng chính là nhân vật tư tưởng, kiểu nhân vật quen thuộc của văn học hiện đại. Tuy nhiên trong Chiếc thuyền ngoài xa, nhân vật tư tưởng Phùng không hề một chiều, đơn thuần, đại diện cho một đạo đức nào đó, Phùng được xây dựng trên những chuyển biến tâm lý và có cả những hành động nhân văn nên nhân vật này nhiều màu sắc, có chiều sâu.

Trước hết ta thấy Phùng là người nghệ sĩ yêu cái đẹp, tâm hồn nhạy cảm tinh tế, say mê tìm kiếm cái đẹp. Lý do thôi thúc Phùng đi đến vùng biển miền Trung là để tìm chụp một bức ảnh chủ đề thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng và cũng là để thăm lại người bạn cũ, thăm chiến trường xưa. Phùng nhận nhiệm vụ săn ảnh không phải chỉ vì trách nhiệm công việc mà anh đã hoàn thành nó với sự say mê vốn có của người nghệ sĩ. Chính lòng say mê ấy đã giúp Phùng thêm nhẫn nại chờ đợi, bấm máy đến lần thứ năm mới có được một tấm ảnh Phùng cho là ưng ý nhất. Quả thật để có được một khoảnh khắc đẹp vĩnh cửu hoá bằng hình ảnh thì người nghệ sĩ đã phải trải qua quá trình lao động chăm chỉ như con ong tìm mật ngọt. Nguyễn Tuân cũng đã từng “mai phục” gần hai tháng trời mới có thể chụp được tấm ảnh đẹp cảnh mặt trời mọc trên đảo Cô Tô.

Đứng trước vẻ đẹp trời cho, Phùng đã liên tục bấm máy mà không tiếc phim “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi..” Điều mà Phùng nhìn thấy đâu chỉ là vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên mà còn là giây phút tâm hồn mình như được thanh lọc, trong ngần đến lạ. Thế mới thấy hạnh phúc lớn nhất đời người nghệ sĩ là phát hiện ra vẻ đẹp của tạo hoá sắp bày. “Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện..”Muốn có được sự đền đáp ấy, người nghệ sĩ phải nhẫn nại, chờ đợi và không thể phủ định vai trò của yếu tố may mắn, trời cho. Hơn thế nữa, trên phương diện của một người lính đã từng chịu nhiều nỗi đau của chiến tranh, chứng kiến quá nhiều mất mát, tâm hồn tưởng chừng chai sạn, khô cứng lại có thể có những cảm xúc thánh thiện như thế chứng tỏ một tâm hồn đẹp, biết trân trọng cái đẹp, cảm thụ cái đẹp, ấy cũng là điều đáng quý ở mỗi con người.

Không chỉ là một người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật, ở Phùng ta còn bắt gặp một tấm lòng cao cả, luôn trăn trở, âu lo trước cuộc đời, trước số phận con người, đấy mới chính là nét đẹp của người nghệ sĩ chân chính. Nghệ thuật đâu chỉ vì nghệ thuật mà sản sinh, nghệ thuật phải vì con người, có cội rễ từ đời sống và phục vụ cho cuộc sống con người. Người nghệ sĩ Phùng hơn ai hết hiểu rõ thiên chức của người nghệ sĩ là tìm ra được vẻ đẹp hài hoà giữa nghệ thuật và đời sống, khám phá đời sống để phát hiện điểm giao nhau giữa cái đẹp trong nghệ thuật và cái đẹp trong những bộn bề thường nhật. Động lực ấy đã khiến Phùng hăng hái hoàn thành chức trách của người nghệ sĩ và cũng trăn trở trong nỗi lo âu trước số phận con người. Tận mắt chứng kiến cảnh một người đàn bà bị chồng đánh đập man rợ, một đứa trẻ vì bảo vệ mẹ mà đánh lại cha mình, Phùng đã kinh ngạc, đứng lặng như trời trồng. Phùng không thể lường trước những sự việc diễn ra trước mắt, chẳng ai có thể ngờ rằng đằng sau bức tranh tuyệt mỹ ấy là cảnh ngang trái cuộc đời. Phùng chẳng chần chừ mà vứt chiếc máy ảnh định xông vào ngăn chặn hành động bạo lực kia. Hành động này cho thấy dù Phùng có yêu quý nghệ thuật, yêu quý chiếc máy ảnh đến thế nào nhưng so với thân phận con người, anh vẫn sẵn sàng gác lại nghệ thuật để mà trở thành con người của công lý, chính nghĩa.

Lần thứ hai cảnh bạo hành ấy lại diễn ra trước mắt Phùng. Lần này câu chuyện thêm một xung đột khiến Phùng không khỏi đau lòng. Chị thằng Phác đã quật nhau với nó trên bãi cỏ để giành lại con dao găm mà thằng bé chuẩn bị đối phó với cha nó. Cảnh tình ấy khiến Phùng thêm nỗi trăn trở về cuộc sống khốn đốn và những bờ vực nguy hại mà thằng bé Phác đang dẫm chân lên. Lần này, Phùng tự tay mình thực thi công lý. “Tôi nện hắn bằng tay không, nhưng cú nào ra cú ấy, không phải bằng bàn tay một anh thợ chụp ảnh mà bằng bàn tay rắn sắt của một người lính giải phóng đã từng mười năm cầm súng.”Phùng bất chấp nguy hiểm, không sợ liên lụy đến mình, đấy mới đúng là tinh thần đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác đáng quý ở người nghệ sĩ. Đâu chỉ biết ca ngợi cái đẹp, cất tiếng hát trong trẻo giữa cuộc đời, người nghệ sĩ cần phải sẵn sàng tranh đấu, không sống chung với cái ác, không dung túng hoặc thờ ơ trước cái xấu. Đọc đến đây, những cú đấm của Phùng đã phần nào khiến người đọc giải tỏa bớt nỗi uất ức vì lão chồng bạo lực kia. Và hơn thế nữa hành động của Phùng khiến ta tự hào vì sức mạnh sắt thép của người anh hùng trên chiến trận, tự hào vì chất phong trần, dũng cảm của người chiến sĩ giải phóng quân.

Câu chuyện của người đàn bà trên toà án huyện đã khiến Phùng vỡ oà ra nhiều điều về cuộc đời, về con người, những góc khuất nếu không tìm hiểu kỹ sẽ không bao giờ thấu hiểu. Cái nhìn tư tưởng của nhân vật Phùng từ đây mà bộc lộ sâu sắc hơn. Cảm giác đầu tiên khi nghe những gì diễn ra trước mắt khiến Phùng ngột ngạt, bức bối “gian phòng ngủ của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí”. Phùng cũng như người bạn của mình ban đầu khó chịu khi không thể chấp nhận suy nghĩ không bỏ chồng của người đàn bà, càng khó chịu hơn khi bà ấy lại có ý cho rằng anh không hiểu chuyện đời. Đến khi hiểu được bà ấy hơn, Phùng tỏ ra quan tâm đến chuyện đời của bà, đó chính là biểu hiện của người nghệ sĩ tinh tế, muốn bắt nhịp với đời bằng cái nhìn có chú ý. “Lão ta hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?” Câu hỏi này vừa là câu hỏi ẩn ý của Phùng vừa là lời nhắc nhở của nhà văn về sự ảnh hưởng của quá khứ đến hiện tại. Chiến tranh vừa mới đi qua, những thứ gọi là dư hoạ vẫn còn tồn đọng. Cách mạng đã đem đến ánh sáng cho con người về tự do, hòa bình, độc lập nhưng những vấn đề về số phận con người, cuộc đời bấp bênh, túng thiếu của người lao động vẫn còn là vấn đề nan giải không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều.

Đứng trước cuộc đời nhiều khuất tất, Phùng vác chiếc máy ảnh lang thang để nghĩ về chuyện đời, chuyện con người. Cơn sóng lòng anh đang cuộn trào với bao nghi hoặc. Tại sao con thuyền kia không thể vào bờ tránh bão? Có phải vì đấy là con thuyền của người đàn bà, con thuyền của những nghịch lý, con thuyền không thể lèo lái nếu thiếu vắng gã đàn ông vũ phu? Trong cuộc sống vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, những éo le mà chỉ có thể lý giải bằng cái tâm của người nghệ sĩ biết yêu thương, biết sẻ chia, biết thấu hiểu.

Nỗi trăn trở vẫn theo Phùng về đến tận nơi làm việc để mỗi khi ngắm lại bức ảnh chụp chiếc thuyền, Phùng lại nhìn thấy hình ảnh người đàn bà với vẻ ngoài thô kệch, hoà lẫn trong đám đông. Điều đó trước hết chứng tỏ Phùng luôn ám ảnh, day dứt trước thân phận người đàn bà khốn khổ ấy. Hiện thực cuộc đời là vậy, nghệ thuật dù có bao quát đến mấy cũng không thể dung chứa hết cuộc đời. Người đàn bà hàng chài đâu chỉ một mình trong những hẩm hiu mà xung quanh bà còn có cả đám đông cũng mang chung số phận đói nghèo, nhỏ bé ấy. Tuy nhiên thông qua cái nhìn của Phùng, cái nhìn mà Phùng nhận ra trên nền ảnh trắng đen vẫn có màu hồng hồng của sương mai ta thấy được tấm lòng nhân đạo đáng quý ở người nghệ sĩ. Nhờ vào tấm lòng ấy, Phùng nhìn ra được tương lai ấm áp, được chút hy vọng ngời lên trên số phận bé mọn. Rồi đây, khi cái đói cái nghèo được khắc phục, những người đàn bà lam lũ sẽ có được niềm vui, sự an ủi từ cuộc đời bình thường của họ.

Qua nhân vật Phùng, nhà văn muốn gửi gắm những thông điệp về cuộc đời và nghệ thuật. Mỗi chúng ta không thể nhìn cuộc đời bằng đôi mắt phiến diện, đơn giản mà phải biết nhìn đa chiều, suy xét, đứng trên nhiều góc độ. Đã là người nghệ sĩ cần có cái tâm vì con người, lấy con người làm động lực để sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật và cuộc đời vốn có một khoảng cách “ngoài xa” thế nên để kéo con thuyền đời đến gần hơn, người nghệ sĩ phải là người đi đầu, dấn thân và không ngại khó khăn, nguy hiểm. Điều quan trọng hơn cả là thái độ dũng cảm của người nghệ sĩ, dám đấu tranh, dám bảo vệ công lý, bảo vệ cái yếu để từ đấy cái đẹp, cái nhân đạo được tôn vinh.

Nguyễn Minh Châu đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Phùng, cũng là nhân vật dẫn chuyện để qua cái nhìn của nhân vật Phùng, nhà văn đã từng bước dẫn dắt chúng ta đến những bí ẩn đằng sau bề nổi của một bức ảnh toàn bích cảnh thuyền và biển. So với cảnh đẹp toàn bích của tạo hoá thì cảnh đời do con người tạo ra mới thật đa đoan. Chính vì lẽ ấy, nhà nhiếp ảnh Phùng bằng sự nhạy cảm, tinh tế của người nghệ sĩ và tâm hồn lương thiện, nhân đạo đã cho chúng ta vỡ oà khi phát hiện ra được nhiều chiều cuộc sống. Từ những bài học về cách nhìn nhận cuộc đời, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa còn là lời nhắn nhủ mỗi con người chúng ta phải có trách nhiệm hơn đối với những người xung quanh, biết san sẻ, biết yêu thương và đặc biệt là biết dũng cảm đấu tranh để những cái xấu, cái ác không còn chỗ đứng.

ShareTweetShare

Related Posts

Cảm nhận 8 câu thơ Hình ảnh đoàn quân oai hùng của quân dân Việt Bắc – Tố Hữu – Văn mẫu 12

Cảm nhận 8 câu thơ hình ảnh đoàn quân oai hùng trong những đêm hành...

Cảm nhận bức tranh phong cảnh Việt Bắc – Bức tranh tứ bình – Tố Hữu – Văn mẫu 12

Cảm nhận bức tranh phong cảnh Việt Bắc - bức tranh tứ bình trong bài...

Cảm nhận 8 câu đầu đoạn trích Việt Bắc – Tố Hữu – Văn mẫu 12

Cảm nhận 8 câu thơ đầu đoạn trích Việt Bắc – Tố Hữu - Văn...

Cảm nhận đoạn thơ “Trong anh và em hôm nay …. Đất Nước muôn đời” trong Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Cảm nhận đoạn thơ từ câu 30 đến 42 “Trong anh và em hôm nay…...

Cảm nhận 13 câu thơ giữa Đất Nước “”Đất là nơi anh đến trường …Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” – Nguyễn Khoa Điềm

Cảm nhận 13 câu thơ giữa từ “Đất là nơi anh đến trường…Đẻ ra đồng...

Cảm nhận 9 câu đầu Đất Nước “Khi ta lớn lên… có từ ngày đó” – Nguyễn Khoa Điềm

Cảm nhận 9 câu thơ đầu từ “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có...

Load More

Để lại một bình luận Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

No Result
View All Result

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Kể (trải nghiệm) về việc tốt em đã làm – Văn Mẫu lớp 6 (hoặc lớp 8)

Soạn bài Ôn tập cuối kì II – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Ôn tập trang 113 – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Thuyết trình về sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay

Soạn bài Viết bài luận về bản thân – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Tôi có một giấc mơ – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 100 – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Đất nước – Chân trời sáng tạo

DMCA.com Protection Status
No Result
View All Result
  • Trang chủ
  • Văn Mẫu
    • Văn Mẫu Lớp 12
    • Văn Mẫu Lớp 11
    • Văn Mẫu Lớp 10
    • Văn Mẫu Lớp 9
    • Văn Mẫu Lớp 8
    • Văn Mẫu Lớp 7
    • Văn Mẫu Lớp 6
  • Soạn Văn
    • Soạn Văn Lớp 12
    • Soạn Văn Lớp 11
    • Soạn Văn Lớp 10
    • Soạn Văn Lớp 9
    • Soạn Văn Lớp 8
    • Soạn Văn Lớp 7
    • Soạn Văn Lớp 6
  • Kênh Youtube

error: Content is protected !!