Những mảnh đời ngang trái qua số phận người đàn ông hàng chài, thằng Phác và chị Phác trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) – Văn Mẫu 12
Dù không thể bao quát cả cuộc sống nhưng mỗi tác phẩm văn chương lại trọn vẹn vai trò là lát cắt của cuộc sống. Tuỳ thuộc vào thế giới quan của mỗi nhà văn mà cuộc sống hiện lên ở phương diện nào. Riêng Nguyễn Minh Châu – người giám sát cuộc đời- đã đem vào sáng tác của mình những cuộc đời sống động, ở đó chân dung mỗi con người hiện lên rất thực, tuy mâu thuẫn, nghịch lý nhưng đây mới đúng là bản chất vốn có của con người. Ta thấy được điều này trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa thông qua các nhân vật chính là người đàn bà hàng chài, nhà nhiếp ảnh Phùng. Tuy vậy, Chiếc thuyền ngoài xa còn là câu chuyện đời đầy ngang trái thông qua những số phận nhỏ bé, tưởng chừng lạc loài: người đàn ông hàng chài, thằng bé Phác, chị của Phác, sự góp mặt của mỗi số phận đã góp vào tiếng nói tư tưởng mà nhà văn gửi vào.
Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, nhà văn Nguyễn Minh Châu từng bước khẳng định tiếng nói của mình trong dòng văn chương hiện đại Việt Nam bằng những sáng tác mang đậm dấu ấn của một người nghệ sĩ tài hoa, hiểu lẽ đời. Đặc biệt là sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống nhân dân bước sang một giai đoạn mới thì những sáng tác của Nguyễn Minh Châu cũng có sự thay đổi về đề tài và phong cách nghệ thuật. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn được viết trong giai đoạn này. Tác phẩm ra đời năm 1983 sau đó được lấy tên để đặt cho tập truyện ngắn xuất bản 1987.
Quan niệm một trang truyện là một trang đời chưa bao giờ mất đi trong những sáng tác của Nguyễn Minh Châu, nhất là trong truyện ngắn đầy ấn tượng Chiếc thuyền ngoài xa. Thông qua việc xây dựng tình huống truyện đầy mâu thuẫn, nghịch lý, Chiếc thuyền ngoài xa từ câu chuyện của một người nghệ sĩ đứng trước cái đẹp của thiên nhiên đến câu chuyện của một con người có tâm đặt giữa cuộc đời. Trên nền của bức tranh toàn bích cảnh thuyền và biển trong buổi bình minh, bức tranh mà nhiếp ảnh Phùng cho là hoàn mỹ, hiện lên câu chuyện ngang trái của cuộc đời. Một người đàn ông đánh một người đàn bà khi bà ấy là vợ mình, người đầu ấp tay gối cùng mình nuôi một đàn con nhỏ. Người đàn bà không chống trả, không oán than lại còn quỳ xin quý tòa đừng bắt mình bỏ chồng. Một đứa con trai vì bênh vực mẹ mà suýt nữa đã làm chuyện sai trái với cha mình và một cô con gái dùng hết sức ngăn em mình lại. Họ là những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh tưởng chừng câm lặng nhưng Nguyễn Minh Châu đã cho chúng ta cái nhìn đa chiều về họ. Từ người đàn ông vũ phu, thằng bé Phác đến cô chị gái đều là những sự sống âm thầm vùng vẫy trong bể khổ đời mình.
Trước hết ta nhìn thấy ở người đàn ông hàng chài chân dung một gã đàn ông cộc cằn, thô lỗ nhưng cô độc. Dù không phải là nhân vật chính nhưng thông qua gã đàn ông này nhà văn cũng gửi gắm những bài học nhân sinh đắc giá. Lão ta xuất hiện đầu tiên qua tiếng nói như đe doạ người khác “Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”. Lời nói của một gã đàn ông thô bạo, thích vũ lực để giải quyết vấn đề. Đến khi chân dung của lão hiện ra rõ nét qua cái nhìn của Phùng, ta lại thấy ở lão dấu hiệu của một kẻ bảo thủ, cố chấp. “Tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ..” Phải chăng khi khắc họa ngoại hình của lão đàn ông, nhà văn muốn mượn quan điểm về tướng số của dân gian để dự báo vẻ ngoài của con người khắc khổ, cô độc này. Cách so sánh về ngoại hình của lão đàn ông cũng cần nhắc đến “nom lão như một con gấu đang đi tìm nguồn nước uống, hai bàn chân chữ bát để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng”. Người đàn ông hiện lên hoang sơ như một con thú hoang, cái dáng vẻ và điệu bộ ấy có khác gì một kẻ còn sơ khai, lạc hậu bị bỏ rơi giữa cuộc sống mới nên lão khác người, khác đời, đánh vợ để giải khuây thay vì uống rượu.
Lão đàn ông hàng chài là hiện thân của một kẻ vũ phu, tàn nhẫn. Ông ta đánh vợ mình, người đàn bà không hề chống trả cũng không hề trốn chạy mình. Ông ta dùng sức mạnh của đôi bàn tay lẽ ra nên bảo vệ, yêu thương vợ để giày vò thể xác bà ta. “Lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc”. Sự tàn nhẫn của lão đàn ông này chúng ta đã rõ cũng như Phùng và không ai có thể bênh vực hành động sai trái của lão. Tuy vậy Nguyễn Minh Châu không cố tâm xây một nhân vật phản diện hay chính diện, một người tốt hoàn toàn hay một kẻ đứng hẳn về phía xấu. Trong mỗi nhân vật nhà văn đem đến đều tồn tại những mặt khác nhau có khi đối nghịch nhau. Chính đều này đã làm nên sự mâu thuẫn trong câu chuyện cũng là sự mâu thuẫn vốn có của cuộc đời.
Lão đàn ông hàng chài sao lại chấp nhận lời van xin của người đàn bà là được đánh trên bờ. Sao lại chỉ đánh vào tấm lưng của bà ta? Rồi sao lại đánh người với nỗi đau khổ như đang tự giày vò bản thân mình? Những chi tiết ấy tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng lại là dụng ý của nhà văn để bộc lộ được những nỗi niềm khuất lấp trong con người hung bạo này. Thực tâm, lão đàn ông này không hề muốn đánh vợ, hành động của ông ta chỉ là hành động vô thức trong cơn túng quẫn của tâm trạng. Ở một góc độ nào đó ta có thể thấy đây là hành động bất đắc chí của gã đàn ông. Xét kỹ lại cách thức bạo hành của ông ta để thấy rằng ông ta chỉ lặp đi lặp lại một động tác, một dụng cụ, một hoàn cảnh mà không có chút “đổi mới” nào. Nếu là một kẻ thích bạo lực thì đã không làm vậy. Hoá ra người đàn ông này xem việc đánh vợ là liệu pháp tinh thần để chữa căn bệnh u uất, phẫn chí vì đói nghèo, dốt nát của mình.
Qua cái nhìn của người đàn bà, kẻ bị ông ta đánh đập, thì gã đàn ông này vốn có bản tính hiền lương của một anh con trai cục tính. Ở ông ta, người đàn bà còn đón nhận tình thương chân thành, tấm lòng hiệp nghĩa, sẵn sàng cưu mang bà trong lúc khốn đốn đời bà. Chính ông ấy đã giúp người đàn bà xấu xí, thô kệch có một gia đình, một chỗ tựa nương. Trừ những lúc đánh vợ, ông ta vẫn tỏ ra mình là người đàn ông trụ cột, dành tất cả thời gian cho cuộc mưu sinh nơi đầu sóng. Một mình ông lèo lái con thuyền để kiếm miếng cơm nuôi trên dưới chục miệng ăn. Sống trong cảnh đói nghèo triền miên, sức người không kịp với sức trời cũng không thể thoát khỏi kiếp nghèo dai dẳng, lão đàn ông hẳn phải nghị lực lắm mới có thể tiếp tục bám trụ với thuyền chài bé nhỏ. Dù đói khổ, dốt nát nhưng ông ấy vẫn mưu sinh bằng sức lao động của bản thân, không cầu cạnh, không dựa dẫm vào ai, âu cũng là điều đáng quý.
Qua những gì nhà văn cho chúng ta biết thì cái ác ở người đàn ông này không phải xuất phát từ di họa của chiến tranh, cũng không phải do tệ nạn rượu chè mà ra. Ông ta hung bạo, vũ phu do sự bế tắc của cuộc sống, do sự bức bách, thống khổ và thất học mà ra. Như vậy để thấy lão đàn ông vừa là tội nhân cũng vừa là nạn nhân của cuộc sống gia đình.Tuy nhiên sự thấu hiểu không đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận hành động ấy. Dù cho bất cứ lý do nào một người đàn ông cũng không có quyền dùng bạo lực để giảm bớt tủi cực. Hành động của ông ấy không chỉ gieo đau khổ cho người đàn bà mà còn ám ảnh day dứt trong trí óc non nớt của các con.
Nhân vật người đàn ông hàng chài cho chúng ta những bài học về cách đối đầu với hoàn cảnh sống. Con người ai cũng gặp cảnh túng cùng, bế tắc, quan trọng là chúng ta phải có ý thức vươn lên sống nhân đạo, làm chủ hoàn cảnh, đừng để hoàn cảnh biến mình thành kẻ bị tha hoá, biến chất.
Mảnh đời bất hạnh tiếp theo đó là thằng Phác, dù chỉ là một nhân vật phụ nhưng nhà văn đã xây dựng cho Phác một nét tính cách khá đặc biệt. Nó vừa là một đứa trẻ dữ tợn, có máu côn đồ cũng vừa có nét ngây thơ của đứa trẻ, quan trọng nhất vẫn là một đứa con yêu thương mẹ hết mực. Có thể ban đầu thằng bé hiền lành hoặc nếu được nuôi dạy trong môi trường bình thường. Nhưng vì chứng kiến cảnh bạo hành của cha nó nên Phác trở thành bản sao hung bạo. Lần thứ nhất Phùng chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ, thằng Phác “không biết làm thế nào nó đã giằng được chiếc thắt lưng, liền rướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên”. Lần thứ hai nó giấu con dao vào áo định đối phó với cha nó khi ông ấy tiếp tục bạo hành. Hành động và suy nghĩ của Phác khiến ta rùng mình vì máu dữ dội có chất côn đồ trong người nó. Nhưng chúng ta cũng sẽ dai dứt khi một thằng bé trở nên bất hiếu, làm trái với luân thường đạo lý cũng vì thương mẹ nó.
Cách hành xử vô lễ khi biết Phùng chứng kiến cảnh gia đình nó cũng vì biết mẹ mình cảm thấy nhục nhã trước Phùng. Nó oán hận người đàn ông hành hạ mẹ nó và oán hận của ai chứng kiến điều đó. Nhân vật này làm chúng ta nhiều cảm xúc vừa giận hành động thiếu suy nghĩ kia vừa thương cho một đứa trẻ con non dại mà đã chịu nhiều đau khổ cũng vừa trân trọng tấm lòng của nó dành cho mẹ. Thằng bé đã ở lại bên cạnh bà khi người đàn ông bỏ đi, lau nước mắt cho bà. Việc làm ấy xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo và sự quan tâm dành cho mẹ. Nó hiểu nỗi đau mà mẹ mình gánh chịu nhưng bất lực đứng nhìn. Nhìn khách quan, Phác vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm. Ở Phác ta tìm thấy những sự đối lập, mâu thuẫn, vừa là tấm gương hiếu thảo, làm tất cả bảo vệ mẹ nhưng cũng vừa là kẻ bất hiếu khi đánh trả lại cha. Phác gửi cho người đọc một thông điệp về vấn đề giáo dục đối với trẻ em. Những đứa trẻ là sự phản chiếu trung thực lối sống của người lớn, thế nên hãy tạo cho con mình môi trường sống tốt nhất, tránh xa những thói hư tật xấu. Không phải bất cứ việc làm nào xuất phát từ mục đích cao cả đều là việc làm đúng đắn. Cái đúng đắn còn phải đặt trong mối quan hệ giữa đạo đức và tình cảm.
Cô chị gái của Phác cũng là một nhân vật phụ đóng góp một màu sắc khác trong câu chuyện. Đó là “đứa con gái trạc 14, 15 tuổi. Đấy là trông vóc người và mái tóc xõa ngang vai..nó mềm mại nhanh như một con vượn đen huyền trong bộ quần áo đen..” Rõ ràng so với dáng vẻ thô kệch của người mẹ, cô con gái có vẻ thanh thoát, xinh xắn hơn. Cô gái như nụ hoa xương rồng giữa vùng sa mạc, như viên ngọc sáng trên bờ cát. Điều chúng ta thấy ở cô gái còn đẹp ở lòng nhân hậu, tình yêu mẹ hết mực và lòng can đảm. So với tình yêu mẹ, muốn bảo vệ mẹ một cách nông nổi như thằng Phác, cô chị lại có suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo hơn. Cô chị dùng hết sức để giành lấy con dao, ngăn không cho em mình làm điều sai trái cũng vì muốn bảo vệ em, bảo vệ gia đình. Chắc chắn nỗi đau mà cô chị phải chịu khi chứng kiến mẹ mình bị đánh không hề thua kém em. Bằng sự hiểu chuyện của một người chị, sự nhẫn nại và nhạy cảm cũng như tình thương day dứt với cha mình, cô chị không thể có những hành động trái đạo như em. Cô chị chỉ biết kiên nhẫn đưa mẹ đến toà rồi chờ đợi hàng giờ. Trong câu chuyện mà mỗi nhân vật đều hiện ra hai mặt đối lập thì cô chị lại gieo hạt mầm hy vọng, là ánh hồng trong buổi ban mai khiến cho người đọc cảm thấy nhẹ lòng hơn với vẻ đẹp lương thiện của lớp trẻ dù sản sinh trong hoàn cảnh bạo hành. Ấy mới thấy được đâu phải lúc nào môi trường sống cũng quyết định tâm hồn con người, chỉ cần biết gạn đục, khơi trong thì vùng đất chết cũng đâm chồi sự sống đẹp.
Bên cạnh tình huống truyện mang tính nhận thức thì cái hay của Chiếc thuyền ngoài xa nằm ở cách nhà văn xây dựng nhân vật, kể cả những nhân phụ như người đàn ông hàng chài, thằng Phác và cô chị đều hiện lên ấn tượng qua từng cử chỉ, ngoại hình, hành động. Nhân vật mà Nguyễn Minh Châu xây dựng hầu như đều là những nhân vật tư tưởng nhưng không triết lý khô khan mà rất chân thực, sống động như vừa từ cuộc đời bước vào, không một chút tỉa gọt, thêm bớt. Chính điều đó đã làm nên sức sống dẻo dai của tác phẩm cũng như khả năng lay động lý trí và tình cảm con người.
Nỗi trăn trở về những kiếp người cứ mãi dai dẳng qua từng trang truyện, truyền đến người đọc sự thổn thức về cuộc đời và về tình người. Chiếc thuyền ngoài xa cùng những mảnh đời ngang trái: người đàn ông hàng chài, thằng bé Phác và cô chị Phác đâu chỉ tồn tại trong truyện mà còn ở ngay bên ngoài, cạnh chúng ta, đi bên lề cuộc đời nhiều may mắn của chúng ta. Chỉ cần dùng đôi mắt của sự cảm thông, san sẻ, đôi tai của người biết lắng, nghe chúng ta chắc chắn tìm ra họ.