Cảm nhận 8 câu thơ hình ảnh đoàn quân oai hùng trong những đêm hành quân của quân dân Việt Bắc – Việt Bắc – Tố Hữu – Văn mẫu 12
Nói về tác phẩm mình, Tố Hữu đã có những lời chia sẻ chân tình “Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi.” Việt Bắc từ trong trái tim thuỷ chung, son sắt của nhà thơ truyền đến trái tim của bao thế hệ con người biết quý những điều thiêng liêng của đất nước mình. Việt Bắc ấy, cội nguồn của cách mạng, cội nguồn của nhân dân được Tố Hữu thể hiện thành công qua hình thức nghệ thuật cũng đậm đà bản sắc nhân dân. Cuộc chia ly mang tính lịch sử đâu chỉ là bài hát ngợi ca về tình quân dân, tình cảm thắm thiết của người đi kẻ ở mà còn là khúc hát hào hùng về những đêm hành quân của quân dân Việt Bắc được phục dựng sinh động qua 8 câu thơ:
Những đường Việt Bắc của ta
…
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Cái lớn của ông không chỉ về thế đứng trong nền văn chương Việt Nam, không chỉ ở khối tác phẩm đồ sộ trong suốt cuộc đời sáng tác. Nhà thơ lớn còn ở tư tưởng lớn, tình cảm lớn mà tư tưởng chính trị và tình cảm lãng mạn trữ tình chính là yếu tố chi phối thơ ông. Cả cuộc đời Tố Hữu trung thành với Đảng, gắn bó với dân với nước. Thơ của ông cũng nhất quán với đời. Trước sự kiện trọng đại tháng 10 năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, trung ương Đảng từ Việt Bắc trở về Hà Nội. Nơi thủ đô đại ngàn diễn ra cuộc chia ly bịn rịn của cán bộ, chiến sĩ và người dân Việt Bắc. Mạch suối nguồn chảy trong tim thi sĩ, Tố Hữu bày tỏ lòng luyến nhớ vô hạn đối với nơi này. Nỗi nhớ của nhà thơ xuyên suốt phút chia ly, ngập tràn khắp rừng cây núi đá, lẫn vào trong màu áo chàm đưa tiễn, bừng cháy từ màu đỏ tươi của hoa chuối rừng và dịu dàng trong màu ánh trăng thu.
Ý nghĩa nhan đề Việt Bắc đánh dấu một vùng đất rộng lớn thuộc 6 tỉnh: Cao – Bắc – Lạng – Hà – Tuyên – Thái. Không chỉ là cái nôi cách mạng, là thủ đô giữa núi rừng mà Việt Bắc còn là cái tên đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước. Vượt ra ngoài ý nghĩa chỉ không gian, Việt Bắc còn gợi chúng ta nghĩ về thời gian. Việt Bắc – chặng đường mười lăm năm gắn bó, san sẻ, yêu thương. Việt Bắc – thời kỳ bão táp cách mạng với những chiến công vang dội. Nhớ vùng đất này là nhớ lời thề với non sông, dân tộc.
Nghệ thuật ngôn từ trong văn chương đã là một câu chuyện đầy thú vị, nghệ thuật ngôn từ trong thơ ca lại càng ẩn chứa một bầu trời bí mật. Ở đó, ngôn ngữ đi vào đánh thức sợi dây của nhận thức và cả sợi dây tình cảm con người. Một nhà thơ thấm nhuần văn hoá dân gian, lớn lên từ ca dao nồng thắm luôn biết cách biến ngôn ngữ thành những hình tượng có đường nét, hình khối, màu sắc sinh động. Thế nên chỉ bằng 8 câu thơ đã hiện ra trước mắt người đọc một bức vẽ tráng lệ của cuộc hành quân thần tốc và kiêu hùng.
“Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Những con đường Việt Bắc đâu đâu cũng ngút ngàn khí thế của ngày ra trận. Khi mà đất nước ta đến hồi dùng sức mạnh quật cường để lấy lại non sông thì hào khí năm xưa của ông cha ta được tiếp thêm lý tưởng cách mạng hôm nay làm thành một làn sóng dữ dội mà theo Bác “nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Câu thơ đầu đã mở ra một không gian rộng lớn, bao quát qua hình ảnh “những đường Việt Bắc”. Những con đường ấy không chỉ là con đường nối các thôn bản, con đường lên rừng, vào nương rẫy, con đường ra suối mà còn chỉ chung tất cả con đường, nẻo đường của chiến khu anh hùng. Nơi nào cũng là dấu hiệu của niềm vui chiến đấu và chiến thắng, đâu cũng có con người, đâu cũng có sức mạnh toàn quân. Con đường còn mang ý nghĩa biểu tượng là con đường cách mạng, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc khi gắn với hình ảnh cội nguồn cách mạng Việt Bắc. Có lẽ vì thế nên khi nhắc đến những con đường Việt Bắc, nhà thơ bật lên thành thanh âm trìu mến, tự hào với lời khẳng định chắc nịch “của ta”.
Câu bát tiếp theo phác hoạ bức tranh bằng những đường nét gợi thời gian “đêm đêm”. Sự vận dụng khéo léo của hệ thống từ láy tiếng Việt đã góp phần không nhỏ trong việc phục dựng không khí ngày ra trận. “Đêm đêm” chỉ khoảng thời gian ban đêm khi mọi vật chìm trong giấc ngủ thì cũng là lúc chúng ta bắt đầu cuộc hành quân. Không phải là một đêm mà là “đêm đêm” có nghĩa là thời gian lặp lại, thường xuyên, đều đặn. Chỉ bằng một từ láy chỉ sự thường xuyên, nhà thơ đã cho chúng ta cái nhìn xa về những năm tháng toàn quốc kháng chiến. Một cuộc kháng chiến trường kỳ dựa trên tinh thần đoàn kết, niềm tin không bao giờ mất đi của quân, dân và một chiến thắng cuối cùng.
Tố Hữu đã rất khéo khi diễn tả sự trùng điệp của đoàn quân bằng hàng loạt những từ láy mang sức gợi hình, gợi cảm “rầm rập”, “điệp điệp trùng trùng”. Bản thân từ láy “rầm rập” là một từ tượng thanh mô phỏng tiếng bước chân nhanh, mạnh dồn dập của một đoàn người mà cụ thể ở đây chỉ bước đi của đoàn quân trong đêm, cũng chỉ có “rầm rập” với thanh trắc vốn có của từ “rập” mới có thể diễn tả đầy đủ sức nặng của lòng nhiệt huyết, ý chí sục sôi đang dồn xuống đôi bàn chân vững chãi đạp bằng chông gai để tiến về phía trước. Phép so sánh “như là đất rung” tạo nên sự đồng vọng từ nhiều phía. Đó chính là âm thanh rung chuyển của những bước chân nối tiếp nhau, hoà lẫn vào nhau. Đó là còn thanh âm của núi đá, rừng cây, của Việt Bắc hùng thiêng vọng về trong đêm cả dân tộc quật cường.
“Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn”
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
Đoàn quân “điệp điệp trùng trùng” mang âm hưởng của hào khí ngút trời thời đại Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Hào khí của cánh tay Phù Đổng đại diện cho ý chí sắt thép và sức mạnh phi thường của toàn dân tộc. Lối trùng điệp này như một tiếng hô “sát thát” giục giã đoàn quân của vị tướng trẻ kiêu hùng. Cũng như văng vẳng đâu đây tiếng ngàn xưa vọng lại từ lời tuyên thệ quyết sinh, quyết tử:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
(Quang Trung)
Sức gợi tả của từ láy “điệp điệp trùng trùng” không chỉ tạo nên âm vang của những bước chân nối tiếp nhau trên mọi nẻo đường Việt Bắc mà còn cho chúng ta sự liên tưởng đến những thế hệ nối tiếp nhau, thế hệ trước ngã xuống đã có thế hệ sau gánh vác phần trọng trách, cứ thế bao lớp người hòa cùng một dòng chảy lịch sử, hoà vào một bản anh hùng ca thời đại.
Lấy cái khí thế của những bước chân để khắc hoạ vẻ đẹp mang tính thời đại của người lính, Tố Hữu đã thêm những nét vẽ để hoàn thiện hình tượng người chiến sĩ “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Câu thơ cho chúng ta ba hình ảnh sinh động “ánh sao”, “đầu súng”, “mũ nan” đặt trong một mối quan hệ “bạn cùng”. Trước hết “bạn cùng” chỉ mối tương giao, hoà hợp giữa người chiến sĩ và thiên nhiên. Cũng vì “đêm đêm” hành quân nên khoảng cách giữa con người và sao trời không xa bằng chiều dài thực tế. Cũng như ánh trăng soi đường, ánh trăng treo trên đầu ngọn súng, trăng gợi gương mặt quê hương, ánh sao là phép ẩn dụ tượng trưng cho ước mơ, lý tưởng, chân lý soi đường. “Ánh sao đầu súng” cho phép chúng ta hiểu rằng người chiến sĩ cầm súng giết giặc là đi theo lý tưởng của Đảng, Bác Hồ, là tiến gần hơn ước mơ ngày hoà bình, ngày nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ánh sáng của vì sao dù cho trên bầu trời hay trên mũ thì vẫn ngời sáng trong tim người lính như tiếng lòng của một chàng trai biến tình yêu cá nhân thành sức mạnh kiên trung, xoa dịu nỗi đau mất mát người thân bằng niềm tin vào con đường cách mạng.
“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”
(Núi đôi – Vũ Cao)
Bốn câu thơ đầu đoạn đã dựng nên một tượng đài muôn trượng về người chiến sĩ giải phóng quân qua những hình ảnh giàu sức liên tưởng và biểu cảm. Từ đó chúng ta nhìn thấy Việt Bắc hiện ra với tầm vóc lớn lao, lịch sử được tạo bởi tư thế lên đường của người lính. Tuy nhiên không riêng vì ngợi ca người lính, Việt Bắc là khúc ca về tình quân dân thắm thiết nên nỗi nhớ của Tố Hữu cũng đong đầy hình ảnh nhân dân.
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
Để làm nên chiến thắng vang dội, chiến công hiển hách, không thể nào quên những đóng góp không nhỏ của đoàn dân công luôn túc trực, bên cạnh để sẻ chia, gánh vác những phần việc từ đào hầm, đắp ụ, tải đạn, tải lương thực đến đóng góp tinh thần trong đội văn nghệ, lo những chuyện hậu cần cho quân đội. Dân công dẫu không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng họ chính là hậu phương, là những người đã âm thầm cống hiến sức trẻ để làm nên một lực lượng hùng hậu, tầm vóc lớn. Nỗi vất vả của dân công đã được nhà thơ Minh Huệ nhắc đến trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ:
“Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
trải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn”.
Đoàn dân công chính là những người dân Việt Bắc, những người viết sử thầm lặng cũng ngùn ngụt khí thế ra trận qua hình ảnh “đỏ đuốc từng đoàn”, “bước chân nát đá”, “muôn tàn lửa bay”. Cách nói đảo ngữ “đỏ đuốc từng đoàn” nhằm nhấn mạnh ngọn lửa đỏ rực đang bừng cháy trên tay đoàn dân công. Họ giơ cao ánh đuốc trong đêm để soi đường dẫn lối, để giương cao tinh thần cách mạng, đồng lòng với người chiến sĩ trên mọi nẻo đường. “Đỏ đuốc” tạo nên một không gian mang tính sử thi như ánh lửa bập bùng cháy mãi trong đêm cụ Mết kể cho buôn làng nghe chuyện Tnú giết giặc trả thù nhà. “Đỏ đuốc” còn là biểu tượng của sức trẻ sục sôi, ánh đuốc trong tim bừng sáng rực rỡ giữa lúc đất nước gọi tên mình.
Lối nói phóng đại “bước chân nát đá” và “muôn tàn lửa bay” đã khẳng định tư thế của đoàn dân công trong chiến dịch là tư thế làm chủ đất trời, làm chủ cuộc đời. Qua rồi những ngày tháng bị áp bức, bị bóc lột, nhân dân ta đã thực sự rũ bùn đứng dậy. Không có gì có thể ngăn được bước tiến quân và tình yêu đối với quê hương, dân tộc.
“Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!”
Vậy nên vượt qua những chông gai, núi rừng hiểm trở “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” đoàn dân công san bằng mọi khó khăn để bản anh hùng ca thời đại có ánh đuốc sáng rực cháy lên trong đêm, có gương mặt rạng ngời của nhân dân làm nên kỳ tích “nát đá”. Phép đảo “nát đá” nổi bật động từ mạnh “nát” để diễn tả sức nặng của những gánh hàng mà đôi vai người dân công gánh lấy. Sức nặng không làm bước chân chùn đi mà khiến đôi chân thêm vững chãi. Âm vang của đoàn dân công còn tạo bởi những tàn lửa cháy mãi sau lưng, bốc cháy một vùng trời, bừng sáng tình yêu dân tộc cho những thế hệ sau này tiếp bước cha ông. Hình tượng ánh lửa, ngọn lửa, ánh đuốc đã cháy xuyên suốt dòng văn học từ ngày những chàng trai hào hoa Hà Nội lên đường nhập ngũ với khát vọng cống hiến, khát vọng biến đời mình thành một chiến công.
“Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”
(Ngày về – Chính Hữu)
Khí thế tiến công được đặt trong mối tương giao giữa quá khứ và hiện tại, giữa bóng tối và ánh sáng.
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên”
“Nghìn đêm” là cách nói tượng trưng cho những năm tháng dài dằng dặc mà dân tộc chìm trong nỗi đau mất nước, nhân dân chịu hai tầng xiềng xích. Thời gian ấy quá dài tưởng chừng vô tận qua từ láy “thăm thẳm”. Đêm trường nô lệ mà đất nước ta trải qua đúng là rất dài và sâu. Dài trong những kiếp người sống lay lắt, cơ hàn, sâu trong nỗi đau không kể siết của thân phận người dân mất nước. “Sương dày” vây lấy màn đêm nên khiến cho đêm càng tối, càng thăm thẳm không lối thoát. Hình ảnh thơ gợi cho chúng ta những tội ác mà thực dân đã gây ra trong đó có tội dìm nhân dân ta vào cái cổ hủ, lạc hậu của nghèo đói và dốt nát. Hiểu như thế mới thấy được vẻ đẹp lý tưởng thông qua “đèn pha bật sáng” và “ngày mai lên”. Hết bóng tối sẽ là ánh sáng, bĩ cực rồi lại đến thái lai, sự vận động này được tạo ra bởi sức mạnh đoàn kết của toàn dân, toàn quân và tài lãnh đạo sáng suốt của chính phủ. Chúng ta đâu chịu đầu hàng trước sức mạnh bậc nhất về quân sự của kẻ thù, dù chúng có dùng mọi thủ đoạn thì nhân dân vẫn trên dưới một lòng hướng về cách mạng. Con đường cách mạng là con đường sống duy nhất, đèn pha đã bật sáng, chân lý dân tộc là đây. Để chống lại bạo lực phản cách mạng chúng ta chỉ có thể dụng bạo lực cách mạng. Thế nên hình ảnh đèn pha bật sáng chính là tượng trưng cho lý tưởng, cho niềm tin, hy vọng vào tương lai quét sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi nước nhà. Tố Hữu khiến câu thơ tăng thêm sức gợi cảm khi dùng phép so sánh “như ngày mai lên”. Ngày mai lên là nắng lên, là bình minh ló dạng. Ánh sáng của mặt trời sẽ xua đi màn sương dày đặc đêm trường. Ngày mai lên là tương lai tươi sáng, một tương lai rất gần được tạo ra từ thế chủ động nắm giữ sự thành bại trong tay người bật đèn pha, nghĩa là tương lai tự do, ấm no không phải kỳ vọng đâu xa, không phải là giấc mơ khó nắm bắt mà là kết quả của cuộc đấu tranh toàn dân tộc.
Đoạn thơ tiêu biểu cho nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, uyển chuyển, giàu tính tạo hình, tính nhạc của Tố Hữu. Ẩn vào nỗi nhớ da diết của người ra đi về một vùng Việt Bắc sâu nặng nghĩa tình là vẻ đẹp hiên ngang, kiêu hùng của chiến sĩ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Hai khí thế lên đường của đoàn quân và dân công đồng điệu, hoà vào nhau để tạo nên bản trường ca kháng chiến vừa rạo rực niềm tin, vừa tươi vui hy vọng mới. Đoạn thơ kết thúc bằng hình ảnh tương lai trường tồn của dân tộc. Đó là sự tất thắng của lẽ phải, công lý và chính nghĩa nhân dân.
Đằng sau những câu chữ tưởng chừng bất động là cả sự sống không ngừng vận động khi đã được gieo hạt mầm vào miền đất tâm hồn. Từ đấy, đoạn thơ về những đêm hành quân của quân dân Việt Bắc không chỉ truyền đến chúng ta một niềm tự hào mãnh liệt về thế hệ cha ông, những người đã tiếp nối hào khí nguồn cội để viết tiếp trang sử oai hùng của thế hệ mình. Tự hào để mà hiểu thêm trọng trách thế hệ chúng ta gánh vác, thúc giục bản thân đang và sẽ làm những điều tốt đẹp vì một ngày mai đất nước.