Cảm nhận 8 câu thơ đầu đoạn trích Việt Bắc – Tố Hữu – Văn mẫu 12
“Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu.” (Chuyện thơ – Hoài Thanh). Tiếng nói yêu thương và ánh sáng chính là cái hồn cốt làm nên chất thơ Tố Hữu cũng là chất liệu để làm nên những dòng thơ chan chứa ân tình cách mạng trong tập thơ Việt Bắc. Ánh sáng ấy là ánh sáng của lí tưởng soi đường, ánh sáng của niềm tin vào Đảng, vào đất nước. Tình yêu thương kia không gì khác ngoài tình yêu thương đối với giai cấp cần lao, với đại quần chúng nhân dân và với quê hương, xứ sở. Thế nên trước một sự kiện lớn của dân tộc, Tố Hữu đã bật ra thành những vần thơ tha thiết. Việt Bắc là khúc ca lớn về tình quân dân, về nghĩa tình và sự thuỷ chung đối với cách mạng. Ở ngay 8 câu thơ đầu tiên của đoạn trích chính là lời nhắc nhở ân tình của người ở lại và lời đáp mang nặng luyến lưu của người ra đi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước ta bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Miền Bắc giải phóng, miền Nam tiếp tục đấu tranh. Tháng 10 năm 1954, trung ương Đảng ở chiến khu Việt Bắc về lại Hà Nội, trong giây phút chia tay đáng nhớ sau mười lăm năm gắn bó, nhà thơ đã ghi lại cảm xúc của những cán bộ ra đi và nhân dân ở lại thông qua những vần thơ lục bát chan chứa ân tình.
Nhan đề Việt Bắc là tên của vùng chiến khu thuộc rừng núi phía bắc nước ta. Nhắc đến Việt Bắc không chỉ là nhắc đến cội nguồn dân tộc mà còn là cái nôi cách mạng gắn với thời kỳ bão táp. Việt Bắc còn là trang lịch sử hào hùng của nhân dân ta trong mười lăm năm kháng Pháp. Dấu ấn của thời đại làm nên dấu son huy hoàng của dân tộc và dựng nên bức thành đồng vững chắc của toàn quân, toàn dân. Yếu tố cốt lõi làm nên bức thành đồng ấy và cũng là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của dân tộc ta chính là tình cảm gắn bó, san sẻ, đồng lòng của cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Toàn bài thơ bao trùm một nỗi nhớ lớn được thể thơ lục bát truyền tải một cách mượt mà, thắm thiết tình cảm bền chặt của người ra đi và người ở lại. Bằng sự gắn bó máu thịt với quê hương và tình yêu dân tộc thấm đẫm mỗi trang thơ, Tố Hữu đã khéo léo vận dụng thể thơ dân tộc để bộc lộ cái nhìn mang tính thời đại, tái hiện bối cảnh lớn của thời đại mà vẫn giữ được tình ý sâu xa và những con chữ phảng phất vị ca dao.
Bài thơ mở đầu với những câu thơ chan chứa ân tình của người ở lại như nhắc nhở, như căn dặn cũng là để tô đậm sợi dây gắn kết máu thịt giữa người và cảnh, giữa người và người.
“Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.”
Khẳng định Tố Hữu là một nhà thơ dân tộc, một nhà thơ thuần túy Việt Nam, đậm đà bản sắc quả không sai. Không chỉ là cái tình hướng về nhân dân mà cả hình thức nghệ thuật dân gian cũng được nhà thơ đưa vào qua hình thức đối đáp quen thuộc, qua từng hình ảnh ẩn dụ, cách xưng hô mình – ta và qua cả nghệ thuật dùng câu hỏi để giải bày tâm sự.
Hai cặp câu thơ lục bát là hai câu hỏi tu từ có vai trò như một chiếc thuyền chở nặng cảm xúc của nhân dân Việt Bắc dành cho cán bộ chiến sĩ. “Mình về mình có nhớ ta?”, “mình về mình có nhớ không?” Những câu hỏi tu từ mở đầu cho một mạch cảm xúc đang âm ỉ vẫn thường gặp ở ca dao và cả trong thơ mới. Chàng trai nơi thôn quê hẻo lánh năm nào đã mượn chuyện của “vườn hồng” để ướm hỏi cô gái chuyện tình duyên.
“Đến đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”
(Ca dao)
Vẫn câu hỏi da diết nhiều suy tư ấy, cô gái Huế đã nhẹ nhàng hỏi chàng thi sĩ với một lời trách cứ mà vẫn ân cần mời gọi. “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”(Đây thôn Vĩ Dạ) Miền đất mà những câu hỏi tu tử mở ra đúng là một miền đất hứa. Vì ở đấy cảm xúc được dịp tuôn trào từ một mạch ngầm mà hướng ra trăm ngả. Trước hết ở ngả mình. Người Việt Bắc hỏi cán bộ chiến sĩ “mình có nhớ ta” có nghĩa là muốn thăm dò tấm lòng của người đối diện có luyến lưu, bịn rịn khi phải xa nơi này, có nhớ thương những ngày gắn bó cùng nhau. Câu hỏi vang vọng trong điệp từ “có” và “nhớ”, “có nhớ ta”, “có nhớ không” như lời đồng vọng từ đất, từ trời, từ những chuyện đời muôn thuở trước đến cuộc sống mãi sau này. Câu hỏi ấy vượt ra ngoài câu hỏi của một người cụ thể mà trở thành câu hỏi chung của thời đại, của dân tộc. Không chỉ thăm dò, câu hỏi tu từ cũng là lời nhắc nhở, căn dặn người ra đi đừng bao giờ quên. Hỏi “nhớ” để nhắc nhở đừng quên, cái ý cái tình gói trong tiếng Việt thật vừa vặn. Đâu chỉ thế, hỏi “mình”nhớ “ta” không chính là cách khẳng định gián tiếp là “ta” nhớ “mình” lắm. Ta sẽ không thể quên được “mình”, có nhớ “mình” nhiều, thương “mình” nhiều mới nảy sinh mong muốn được đo lòng người nông hay sâu với ta.
Không chỉ riêng đoạn trích, mà cặp từ xưng hô “mình”, “ta” trong cả bài thơ là kết tinh đỉnh cao nghệ thuật. “Mình” với “ta”, “ta” với “mình” hoán đổi nhau trong những ngôi xưng hô, có khi “mình” là “ta” và “ta” cũng như “mình”. Sự biến hóa khôn lường của cặp từ này tạo nên âm hưởng của một bài ca dao rất đỗi thân quen.
“Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
Cặp từ “mình – ta” là hiện thân của người đi, kẻ ở, của quân và dân, của cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Vẻ đẹp tiếng Việt ẩn trong hai chữ “mình – ta”. Ở ngôi thứ nhất, “ta” là chủ thể thực hiện hành động nhớ thương. Đồng thời khi ở ngôi thứ hai, “mình” là đối tượng hướng đến trong nỗi nhớ của “ta”. “Mình – ta” tuy hai mà một, tuy một nhưng hai cũng như người đi và kẻ ở có khi hoán đổi vào nhau, hoà quyện vào nhau kết thành một chỉnh thể thống nhất cùng hướng về cái chung của tình nhân dân, tình quê hương, tình đồng bào. Cách nói “mình – ta” xuất phát từ tình đôi yêu lứa, nghĩa vợ tình chồng sâu nặng phát triển thành tình cảm ân nghĩa, thuỷ chung của đất nước mình. Thông qua cảm nhận mới mẻ của nhà thơ, “mình – ta” tạo nên sợi dây huyết mạch nối kết dân tộc thành một vòng tròn lớn, vững chãi, rộng mở dung chứa triệu con tim.
Song hành với “mình – ta”, trong bài thơ nói chung và khổ thơ có xuất hiện thêm một cặp từ “đi – về”. Riêng 4 câu thơ đầu “về” được lặp lại hai lần trong hai cặp câu lục bát. “Mình về” ý chỉ cán bộ chiến sĩ về lại miền xuôi, về lại thủ đô. Trong trường hợp này cặp từ trái nghĩa “đi – về” lại trở nên tương đồng vì “đi” cũng là “về”. “Đi” là rời Việt Bắc trở về Hà Nội, còn “về” cũng là từ chiến khu để về lại miền xuôi. Vậy nên có thể hiểu cặp từ này cũng như ý nghĩa của từ “về” trong đoạn thơ đều chỉ sự chia cắt. “Đi” hay “về” cũng là ý chỉ khoảnh khắc chia tay đầy lưu luyến. Con đường từ Việt Bắc đến Hà Nội dẫu có xa xôi qua hai chữ “về – đi” nhưng không hề cách trở bởi vì ra đi cũng như trở về.
Nếu cách xưng hô “mình – ta” là một mối duyên nợ sắt son thì kèm theo đó chính là khoảng thời gian làm nên tình cảm nồng đượm “thiết tha mặn nồng”. Khoảng thời gian “mười lăm năm” gắn với sự kiện lịch sử sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 tiến đến thành lập mặt trận Việt Minh 1941 cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Không chỉ là một giai đoạn lịch sử đầy biến động cùng với những chiến công vang đội đất trời, mười lăm năm còn là khoảng thời gian cán bộ, đồng chí gắn bó với nhau, gắn bó với nhân dân nơi Thủ đô ngàn gió. Đây là khoảng thời gian dài đủ để chất chứa bao nhiêu tình cảm đẹp, bao nhiêu ân nghĩa giữa người đi và kẻ ở. Từng ấy năm cũng đủ để người ta gọi nhau mà những người bạn tri kỷ, những người thân trong gia đình.
Lớp từ láy được nhà thơ vận dụng rất linh hoạt, vừa tạo tính nhạc cho câu thơ vừa khai thác được khả năng biểu cảm mà khó có vốn từ nào thay thế được. “Thiết tha” kết hợp từ ghép “mặn nồng” thường dùng để diễn tả chiều sâu tình cảm của đôi lứa yêu nhau hoặc nghĩa tình chồng vợ. Sống gắn bó bao nhiêu năm, hiểu nhau như tri kỷ, thương nhau như người nhà và vì nhau mà vượt qua gian khổ thì tình quân dân có khác chi tình nghĩa đậm đà của đôi vợ chồng sống nặng nghĩa tình.
Chưa chia tay mà đã thấy nhớ nhau, chưa xa cách mà đã dâng trào lưu luyến. Nỗi nhớ này xâm chiếm thời gian “mười lăm năm” và kéo dài mãi về sau, tràn ngập không gian của đại ngàn Việt Bắc “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”. Hình ảnh “cây”, “núi”, “sông”, “nguồn” mở ra một không gian núi rừng Việt Bắc với thiên nhiên hùng vĩ, bạt ngàn những tán rừng xanh và bạt ngàn con sông, dòng suối. Thiên nhiên nơi đây phóng khoáng, dung dị nhưng rất đỗi chân tình như chính con người. Thế nên nói thiên nhiên là nhắc đến những con người đã xây dựng nên diện mạo đất trời. Đâu chỉ thế, từng hình ảnh ấy làm sống lại trong lòng chúng ta bài học đầu tiên mà mỗi con người Việt Nam biết đến, bài học về ân nghĩa thuỷ chung, sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và cả tinh thần đoàn kết
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Bốn câu thơ đầu tiên đã phác hoạ được những nét cơ bản về nỗi nhớ tràn ngập thời gian, xuyên suốt không gian và chiếm giữ tâm tư con người. Nỗi nhớ ấy được tái hiện qua lời nhắc nhở, căn dặn của người ở lại.
Để người ở lại nói trước, gợi trước để dây đàn tâm tư căng lên đến lúc réo rắt trong lời hồi đáp. Nhà thơ đã hóa thân vào người ra đi để bộc lộ nỗi lòng khôn nguôi thổn thức trước giờ phút sắp sửa phải rời xa nơi mình mười lăm năm gắn bó.
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Chưa bao giờ ngôn ngữ ca dao được tái hiện một cách sống động như trong bài thơ Việt Bắc. Đâu chỉ có “mình – ta”, đại từ phiếm chỉ “ai” cũng thể hiện mình là một từ đa nghĩa, nhiều sắc thái trong tiếng Việt. Ai là một người cụ thể nào đó mà người nói hướng đến, ai cũng là một người không xác định, một gương mặt không cụ thể. Vừa là nó vừa không là nó, “tiếng ai” là tiếng nói đưa tiễn của người ở lại hay là tiếng hát trong trẻo giữa rừng già vọng về từ một đêm tĩnh mịch nào đấy “tiếng suối trong như tiếng hát xa” (Hồ Chí Minh). “Tiếng ai” còn là tiếng lòng của người đi, kẻ ở, tự dặn lòng, dặn mình đừng bao giờ quên nơi này, đinh ninh một mối tình thuỷ chung son sắt với cảnh và người Việt Bắc. Dù ở cách hiểu nào chúng ta cũng nghe văng vẳng âm thanh của con người hoà vào âm thanh của núi rừng, cồn bãi, suối sông, đồng vọng thành tiếng nhớ, tiếng thương của dân tộc, của thời đại về cuộc chia tay lịch sử này.
Ở khổ thơ này, từ láy xuất hiện ba lần “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” đều diễn tả cung bậc tình cảm của người ra đi nhưng mỗi từ có một sắc thái biểu cảm riêng, mỗi từ góp một nét vẽ cho bức chân dung tâm trạng con người. “Tha thiết” ngoài ý chỉ tình cảm sâu nặng, luôn nghĩ đến nhau, quan tâm đến nhau thì khi gắn với “tiếng ai tha thiết” dường như còn nghe được cả thái độ khẩn thiết, nguyện vọng lớn lao chan chứa trong từng lời căn dặn, từng ánh mắt trao nhau trước lúc lên đường. Trong giờ phút chia ly, khi mà nỗi nhớ choáng ngợp thì tâm trạng “bâng khuâng” là điều rất tự nhiên. “Bâng khuâng trong dạ” thốt lên sao mà chân tình đến thế. Cách nói này tự nhiên, chân chất như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người lao động. “Dạ” là lòng và “trong dạ” còn chứa cả nỗi lòng. Nỗi lòng ấy chỉ có hai từ “bâng khuâng” mới thích hợp nhất, nó vừa lâng lâng, vừa vô định, lý trí khó mà nắm bắt, chỉ có tình cảm trào dâng nỗi tiếc nhớ mông lung. Từ láy “bồn chồn” khéo kết hợp với “bước đi” vừa gợi tâm tư vừa đặt tâm tư vào trong hình dáng nặng nề của những bước chân. Bước chân vì quá luyến nhớ, quá nặng tình với miền đất này mà thấp thỏm, không yên, nửa muốn rời đi, nửa vẫn mong ở lại. Nỗi “bồn chồn” này ta đã bắt gặp trong hình ảnh người lính lên đường nhập ngũ, rời xa Hà Nội thân yêu để theo tiếng gọi non sông. Đôi chân anh đã hướng về phía trước mà đôi mắt tâm hồn vẫn nhìn thấy nắng, gió đằng sau.
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy”
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)
Buổi chia tay ấy không nhiều luyến nhớ sao được khi hình ảnh người dân Việt Bắc hiện lên qua chiếc “áo chàm” xúc động. Chiếc áo chàm là trang phục truyền thống của một số dân tộc núi rừng phía Bắc nước ta. Chiếc áo chàm là màu của cây, của lá, màu của đất của núi nơi này. “Áo chàm” hoán dụ cho người dân Việt Bắc, cho những con người “tuy thô sơ da thịt” nhưng “chẳng mấy ai nhỏ bé”. Chiếc áo chàm còn gợi nét đẹp văn hóa rất riêng của vùng miền, nó chứa đựng cả công sức lao động, thành quả của thế hệ người đi trước. Trong chiếc áo đơn sơ ấy là cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. Thế nên trong buổi “phân ly”, áo chàm xứng đáng là món kỷ vật trao tay để gìn giữ trong lòng người đi, kẻ ở những chân tình đơn sơ mà nồng hậu của Việt Bắc.
Có những lời tận đáy lòng đâu dễ nói ra. Có những thứ gọi là ngôn ngữ tâm hồn phải để sự giao nhau của tâm hồn cảm nhận. Không biết nói gì với nhau trước lúc lên đường đâu phải do không có gì để nói hoặc lời đã trút cạn bầu tâm sự mà là có những nấc thang cảm xúc không tay vịn, không thể diễn tả bằng lời. Đứng trước sự bất lực của ngôn từ, cái nắm tay bao giờ cũng bắt một nhịp cầu kết nối hai tâm hồn đang đồng điệu. Cái nắm tay ấy có sự động viên, chia bùi sẻ ngọt “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” (Đồng chí – Chính Hữu), có cả tình yêu và niềm tin trao gửi “anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch” (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên). Đôi bàn tay ấm nóng nói hộ tâm tình, nói hộ nỗi lòng. Dấu ba chấm cuối câu thơ như một khoảng lặng nghệ thuật mà ở đó ta bắt gặp được những lời trao gửi không thành tiếng. Cái dư âm trong im lặng như để chỗ cho ấn tượng được khắc sâu, bền lâu, bện chặt.
Tám câu thơ đầu Việt Bắc với sự góp mặt của những yếu tố văn học dân gian từ thể thơ lục bát, lối đối đáp, cặp từ “mình – ta” và một số hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, từ láy đã tạo nên tính nhạc du dương, tha thiết thích hợp để những cung bậc cảm xúc buổi chia tay được bộc lộ. Trong không khí thiêng liêng của một cuộc chia ly mang tầm vóc lịch sử, tám câu thơ đầu như đoạn đầu vững chắc của sợi dây kết nối giữa nhân dân và cán bộ chiến sĩ, giữa miền ngược và miền xuôi, giữa quá khứ và hiện tại mà ở đó ngời sáng tình cảm son sắt, thuỷ chung.
Tám câu thơ đầu nói riêng và cả bài thơ Việt Bắc nói chung là một cuộc chia ly đầy luyến lưu, bịn rịn. Tuy vậy cuộc chia ly này cũng là sự chuẩn bị cho một cuộc đoàn tụ lớn hơn của hai miền Nam Bắc, của miền xuôi, miền ngược và của cả một dải nước non hình chữ S. Thế nên Việt Bắc đâu chỉ dừng lại ở nỗi buồn thương, luyến nhớ thường lệ của phân ly mà còn chan chứa niềm tin, hy vọng, lời giục giã lên đường, nhắc nhở sống vì nhau, động viên nhau, động viên thế hệ mình “khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.