Cảm nhận khổ 3 và khổ 4 bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu – Văn Mẫu 11
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
….
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự.”
Nếu có một nhà thơ thà lấy trăm năm đời người bình lặng đổi lấy một phút giây huy hoàng của cuộc sống, không ai khác chính là Xuân Diệu. Nhà thơ của đời sống trần tục, của niềm khát khao cháy bỏng được giao hoà cả tâm hồn lẫn thể xác với cuộc đời. Trong quan niệm sống, quan niệm nghệ thuật, Xuân Diệu luôn lấy cái nồng nhiệt làm gốc để ánh sáng tràn ngập khắp thơ ông. Thứ ánh sáng hiện hữu nhưng lại khó nắm bắt như chính thời gian, tuổi trẻ và tình yêu. Vậy nên cái tâm thế của một người nghệ sĩ cần mẫn như con ong hút nhuỵ gieo mầm sống cho đời luôn hiện hữu trong ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Đọc Vội vàng, cảm về mạch thơ, ý thơ, lời thơ sẽ thấy được trái tim thi nhân đang đập những nhịp hối hả, thổn thức ở đấy. Khi đã cảm nhận về cuộc sống muôn màu như vườn địa đàng ở khổ thơ đầu, đến hai khổ thơ sau, Xuân Diệu có sự lý giải về thời gian, tuổi trẻ và mùa xuân của đời người cùng như lời nhắn nhủ giục giã tuổi trẻ hãy sống gấp, sống vội vàng, mãnh liệt.
Là một nhà thơ lớn có nhiều đóng góp cho văn nghệ nước nhà, Xuân Diệu tích cực tham gia sáng tác và hướng ngòi bút qua nhiều lĩnh vực khác như phê bình, dịch thuật. Ở bất cứ lĩnh vực nào chúng ta cũng tìm thấy cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ có trái tim luôn đập những nhịp đập vì cuộc đời. Dù có sự chuyển biến trong hai giai đoạn sáng tác trước và sau Cách mạng, nhưng nhìn chung tiếng thơ của Xuân Diệu vẫn là tiếng thơ nồng nàn, say đắm trước đời sống mà con người là trung tâm, là chủ thể chính. Đặc biệt trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu nổi bật khi được nhìn nhận là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” để thấy những sáng tạo thơ, những phá cách độc đáo rất riêng nơi Xuân Diệu.
Vội vàng được in trong tập Thơ thơ, đây là tập thơ đầu tay của một chàng Xuân Diệu mới bước vào tuổi thanh xuân nhưng đã có cái nhìn thú vị về cuộc đời. Hơn hết, chất tài hoa được bộc lộ qua từng hình ảnh thơ, tứ thơ, nhịp thơ quy tụ vào Vội vàng, để từ đấy Vội vàng trở thành khúc hát si mê của người nghệ sĩ khi đứng trước cuộc đời tươi đẹp. Ở Vội vàng, ta tìm thấy một Xuân Diệu cuồng nhiệt với đời sống và cũng nhận ra một Xuân Diệu trăn trở quy luật thời gian. Để từ những khát khao đi ngược với lẽ thường, nhà thơ muốn hoà nhập để được trường tồn cũng vạn vật, cùng tình yêu.
“”Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”
Đến đây, chúng ta mới vỡ oà vì sao đang sung sướng nhà thơ lại cảm thấy mình đã vội vàng. Cái giác quan nhạy cảm của người nghệ sĩ đã nghe trước những dấu hiệu chia lìa, đã thấy trước sự phôi phai sắp sửa nên trong lúc sum vầy đã mường tượng đến cảnh ly tan, trong cơn yêu đương nồng đượm đã phảng phất mùi chia biệt. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua”. Thời gian của thơ Xuân Diệu là thời gian tuyến tính, nghĩa là nó được so sánh với dòng chảy của con sông không có điểm dừng cũng không thể quay lại “không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Dòng sông thời gian vô tình nằm ngoài mong đợi của con người, mỗi khoảnh khắc qua đi sẽ là mất mát. Cũng như mùa xuân đương tới gần có nghĩa là rồi nó sẽ qua đi, mùa xuân còn non tơ mơn mởn cũng là dấu hiệu nó sẽ già. Vạn vật nằm trong quy luật thời gian nên sự cảm nhận của nhà thơ cũng bám vào quy luật khắc nghiệt này. Vậy nên giọng thơ đầy tiếc nuối, ngậm ngùi.
Chỉ trong một đoạn thơ ngắn có đến 5 lần từ “xuân” lặp lại tạo một ấn tưởng dai dẳng có sức bám riết và lay động. “Xuân” chính là mùa xuân, khoảng thời gian đẹp tươi nhất trong năm. Mùa ấy có “cành tơ phơ phất”, có “yến anh” dạo khúc tình si và có cả “cặp môi gần”. “Xuân” cũng ẩn dụ cho tuổi đời xanh tươi, mơn mởn, cho lứa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cuộc đời. Hai điều này không nằm ngoài sự trôi chảy của thời gian. Khi con sóng thời gian đem nắng và gió khắc nghiệt của nó đến thì “xuân” rồi cũng sẽ chóng mất đi, nhạt màu. Sự lặp lại cũng là cách để nhà thơ bộc lộ được tình yêu tha thiết của mình đối với mùa xuân và tuổi xuân.
Hai câu thơ với hai cặp từ đối lập “đương tới, đương qua”, “còn non, sẽ già” biểu thị rõ nét những trạng thái đối lập của thời gian cũng là những mâu thuẫn vốn có trong đời sống. Điều gì chưa đến có nghĩa là rồi sẽ đến và sẽ qua. Ngày hôm nay rồi sẽ là hôm qua, hiện tại cũng dần trôi về quá khứ. Từ “đương” dù mang ý nghĩa hiện tại nhưng không tĩnh tại mà luôn vận động. Sự vận động này sẽ dẫn từ “đương” đến “đã”, từ “còn” đến “sẽ”. Cặp từ tiếp theo cần quan tâm là “xuân hết, tôi cũng mất” như sự tương đồng, song hành của “xuân” và “tôi”, hai chỉnh thể nghĩ rằng không cùng quỹ đạo nhưng lại gắn bó máu thịt với nhau. Đời “tôi” là mùa xuân và chỉ sống cho những mùa xuân, mùa vui, mùa yêu thương. Nếu không còn mùa để thương để mến thì “tôi” cũng chẳng còn sống trên đời. Hiểu như vậy để thấy “xuân” không chỉ là mùa xuân hay tuổi xuân mà còn hiểu rộng ra là tình yêu, là nguồn sống. Một người nghệ sĩ yêu đời khi đã không tìm thấy mạch sống của cuộc đời thì cũng đồng nghĩa với cái chết. “Chết” ngay khi còn sống.
Cùng với “xuân”, cụm từ “nghĩa là” được lặp lại ở mỗi câu thơ nhằm giải thích thời gian, tuổi trẻ trôi đi nhưng quan trọng hơn là chứa đựng tâm trạng hoang mang, hốt hoảng của một người đứng nhìn thời gian lặng lẽ trôi mà không thể níu kéo được dù rất khao khát điều này. Thế mới nghịch lý, thế mới trớ trêu.
“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”
Phép đối “rộng, chật” đặt câu thơ vào sự mâu thuẫn vốn có của cuộc đời. Thời gian cuộc đời vô tận, còn thời gian sống của mỗi con người thì hữu hạn. Trong khi đó tuổi trẻ lại chẳng là gì so với cái vô hạn kia. Sự đối lập này sản sinh ra sự đối lập khác “lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật”. Đời người tuy ngắn ngủi nhưng khao khát sống của con người lại vô biên, càng ngắn ngủi người ta lại càng muốn được sống gấp trăm ngàn lần thế. Hai thế cực giữa cái hữu hạn của đời người và cái vô hạn của cuộc đời trong đôi mắt khát sống của Xuân Diệu thay đổi thế cực cho nhau. Cái tưởng chừng nhỏ nhoi lại trở nên “rộng”, điều cứ tưởng là vô tận hoá ra lại “chật” vô cùng. Trong cuộc xoay vần, tạo hoá cứ như muốn trêu ngươi để cố bày ra cảnh sắc tươi ngon, hấp dẫn mà lại keo kiệt cho con người quỹ thời gian quá ngắn “Không cho dài thời trẻ”.
Sự trêu người này càng về sau càng hiện rõ.
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
“Xuân” của đất trời theo quy luật vẫn sẽ đến nếu đi hết một vòng của nó. Riêng xuân của cuộc đời con người thì một đi không trở lại. Nỗi buồn này đã có từ xưa khi con người cảm thấy mình quá bé nhỏ trước đất trời.
“Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại”
(Tự tình – Hồ Xuân Hương)
Điều đó ai cũng thấu nên lời thơ như tiếng thở dài ngao ngán “nói làm chi” mang theo ít tuyệt vọng khi tuổi trẻ chẳng thể như mùa xuân mà thắm lại. Xuân Diệu lấy tuổi trẻ làm thước đo giá trị cuộc đời và bước đi của thời gian. Lúc này đây ta nhìn thấy mùa xuân của đất trời và mùa xuân của cuộc đời không đồng nhất với nhau dù đã từng song hành với nhau trọn vẹn. Xuân thiên nhiên có quay trở lại, có hương sắc muôn màu thì cũng chẳng “tôi” để mà tận hưởng. Vì “tôi” đã chết khi tuổi trẻ không còn nữa.
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
“Còn, chẳng còn”, “bâng khuâng”, “tiếc” đó chính là hai trạng thái tồn tại của cuộc đời và hai tâm trạng chi phối cảm xúc của nhà thơ. Chính vì nghịch lý của đời người và tuổi xuân trước sự tận cùng của đất trời nên dẫn đến việc nhà thơ “bâng khuâng”. Chỉ bằng từ láy “bâng khuâng” mà cái khoảnh khắc tâm lý khó nắm bắt nhất của tâm hồn đã được nắm bắt. Cũng chỉ “bâng khuâng” mới đủ sức diễn tả những điều mơ hồ đang tồn tại trong tâm hồn và len lỏi trong ý nghĩ. Có cái gì đó tiếc thương, lo sợ, bồn chồn xen lẫn nỗi buồn mơ hồ không sao định nghĩa cũng không rõ nguồn cơn. Biết là “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” biết là thời gian trôi không thể níu giữ mà vẫn tiếc rẻ, ấy chính là cái “bâng khuâng” khó nói.
Cũng là thời gian ấy, cũng không gian này và những cảnh vật bày ra trước mắt nhưng khi tâm trạng con người đã vướng vào nỗi sầu nhớ thì cảnh vật hiện ra trong nỗi chia lìa.
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt..
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa.”
Với nhà thơ, thời gian không vô định, không trong suốt, dù khó nắm bắt nhưng vẫn có thể cảm nhận được bằng khứu giác “hương”. Điều này giải thích vì sao mà nhà thơ đã từng muốn “tắt nắng” và “buộc gió”. Khứu giác nhạy cảm của nhà thơ đã ngửi được “mùi tháng năm”, tuy nhiên cái mùi ấy không dừng lại ở đầu mũi mà mỗi lúc hiện hữu rõ hơn thông qua thị giác “rớm”. “Rớm” trong giọt nước mắt đã sắp tràn mi, khóe mắt đã cay xè khi biết rằng ngày chia phôi đã đến. Cái lạ của hình ảnh thơ còn nằm ở “vị chia phôi”, vừa mới cảm nhận bằng thị giác thì nhà thơ đã chuyển sang vị giác. Tuy nhiên cái mà vị giác nếm trải hoàn toàn phi vật chất. Chỉ trong một câu thơ mà dường như nhà thơ đã vận dụng hầu hết các giác quan. Ấy là biểu hiện của một nhà thơ có lối thơ mới cũng là nhà thơ có mối giao cảm chặt chẽ với đời.
Nếu ở câu thơ trước thời gian “rớm vị chia phôi”, thời gian cũng cảm nhận được ngày ly biệt thì câu thơ này mở đầu cho không gian đầy màu sắc của một cuộc tiễn đưa. Trong cái mênh mông vô tận “khắp sông núi” nhà thơ đặt vào đấy phép nhân hoá “than thầm tiễn biệt” để nỗi lòng của mình gửi vào đất trời mà luyến tiếc. Từ cái nhìn bao quát “khắp sông núi” nhà thơ trải lòng với từng hình ảnh thiên nhiên “cơn gió xinh”, “chim rộn ràng” đều được nhân hoá thành một chủ thể có linh hồn, có cảm xúc, gió thì thào, chim lo sợ. Nỗi sợ của thiên nhiên cũng là nỗi sợ lớn nhất của thi nhân, sợ chia lìa, sợ phai tàn, tiễn biệt.
Cũng từng ấy hình ảnh đẹp của mùa xuân: gió xinh, lá biếc, chim rộn ràng nhưng chẳng còn có đôi có cặp, chẳng còn sóng bước bên nhau mà lại tách rời. Từng khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ. Cuộc chia ly không hẹn ước này đâu chỉ là là giữa con người với thời gian mà nó diễn ra giữa thời gian với không gian, thời gian với thời gian.
Chỉ bốn câu thơ mà hai câu hỏi tu từ da diết “Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?”, “phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?” Hỏi cũng là cái cớ để bộc lộ được nỗi lo sợ trước bước đi của thời gian, trước sự chia lìa đang ngày một gần hơn. Hỏi cũng là để khẳng định bản thân đang “hờn” đang “sợ”. Cái hờn giận cũng vì quá yêu mà ra, cái lo sợ cũng vì quá say mê mà có.
Thi nhân “yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ” luôn cảm thấy thiếu vắng ngay trong lúc đủ đầy, nuối tiếc khi hiện tại vẫn chưa phải lúc để tiếc nuối. Mọi sự đều xuất phát từ cái tâm đặt giữa cuộc đời mà tuổi đời, thời gian thì không chiều lòng người. Đã không thể “tắt nắng”, “buộc gió” thì điều duy nhất có thể làm là tranh thủ thời gian mà sống, mà tận hưởng.
“Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”
Vì tuổi trẻ chẳng thể hai lần thắm lại, vì nhà thơ biết mình chỉ sống ở kiếp này, thời khắc này thế nên không còn thời gian để chần chừ, để mà ca thán hay lưỡng lự, nghi ngờ. “Chẳng bao giờ” được lặp lại hai lần trong cùng câu thơ như một tiếng nói thảng thốt, giục giã. Nếu không ngay lúc này thì chẳng còn kịp nữa. Từ cảm thán “ôi” được đặt giữa câu như xúc động dâng trào và cũng như lời nhắc nhở phải mau lên, nhanh lên để mà sống khi “mùa chưa ngả chiều hôm”. Cách nói “mùa chưa ngả chiều hôm” cũng đặc biệt bởi nhà thơ lấy thời gian của một ngày để hình tượng hoá cho thời gian của một mùa. Chiều hôm chính là thời điểm xế tà ảm đạm, cũng là lúc giã từ ánh sáng. Mùa yêu thương, mùa sự sống căng tràn vẫn còn chưa đến thời điểm ấy nên vẫn còn kịp để tận hưởng.
“Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi…”
(Giục giã – Xuân Diệu)
Lời giục giã vang lên tha thiết trong cung đàn tâm hồn đang khát khao sống mãnh liệt của Xuân Diệu. Không chỉ nói với mình, thúc giục mình mà nhà thơ còn nhắn nhủ đến người, nhất là thế hệ trẻ sống say mê, sống vội vàng, mãnh liệt.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Nếu ví mối tương giao của nhà thơ với thiên nhiên là một tình yêu thì chắc chắn ấy là tình yêu cháy bỏng nhất, nhiệt thành và tha thiết nhất. Để diễn tả mối tình nồng nàn hạnh phúc của hai kẻ đang say sưa, nhà thơ dùng điệp từ “ta muốn” kết hợp với các động từ diễn tả hành động ngày một quyết liệt, mạnh mẽ. Đoạn thơ có bốn lần cụm từ “ta muốn” lặp lại và ở vị trí mỗi đầu câu thơ tạo nên một làn sóng mỗi lúc dồn dập, cuộn trào. Ấy cũng là nhịp thở hối hả, gấp gáp của nhà thơ để sống kịp, yêu kịp với đời.
Khi cảm nhận vẻ đẹp non tơ của thiên nhiên, Xuân Diệu dùng mọi giác quan thì đến khi tận hưởng vẻ đẹp ấy, nhà thơ cũng không bỏ sót giác quan nào: ôm- riết – say – thâu – cắn. Sự sống mơn mởn, mây đưa, gió lượn hay cánh bướm tình yêu đâu phải là những thứ có thể “ôm” vào lòng. Thế mà nhà thơ lại muốn “ôm”. Nhưng có lẽ cái ôm kia không thể đủ đầy nên nhà thơ “riết” thật chặt vào, ghì vào lòng vạn vật. “Riết” vẫn còn chưa đủ khi mà người yêu đời cần giao cảm chặt chẽ với đời không chỉ bằng thể xác mà còn cả phần linh hồn để mà “say”. Mọi gắn kết đến cả “say” vẫn chỉ là hai đối tượng khác nhau giữa nhà thơ và cuộc đời. Thế nên thi nhân của chúng ta còn muốn “thâu” tất cả vào mình, muốn hoá những gì cuộc tạo hoá thành của riêng mình. Mong muốn chiếm hữu mới đúng là bản chất vốn có của tình yêu. Để “thâu” nhà thơ dùng “cái hôn nhiều” làm phương tiện thu hút mọi thứ tươi đẹp nhất, tinh túy nhất về mình.
“Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;”
Chẳng những cảm xúc mới mà cấu tứ thơ cũng thật mới. Một câu thơ có đến hai từ “và” điều không thường gặp trong ngữ pháp tiếng Việt. “Và non nước và cây và cỏ rạng”.Dẫu vậy câu thơ vẫn không hề gượng gạo hoặc nặng nề. “Và” mới có khả năng giãi bày những tâm tư đầy ắp của thi nhân, mới có thể trực tiếp bộc lộ cảm xúc ham muốn, tham lam đang mãnh liệt trong trái tim Xuân Diệu. Đoạn thơ còn ấn tượng bởi điệp từ “cho” tạo sự tăng tiến nhấn mạnh những trạng thái khi thi nhân tận hưởng cuộc đời “chếnh choáng – đã đầy – no nê”, có nghĩa là đã tận hưởng một cách toàn tâm, toàn ý, toàn tình và trọn vẹn nhất. Ấy thế mà đối với một nhà thơ khát sống đến tận cùng, bao nhiêu vẫn còn chưa đủ. Cảm xúc mãnh liệt kết tinh trong câu thơ cuối “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.
Câu thơ được tách ra như lời đối thoại trực tiếp của nhà thơ với cuộc đời mà cụ thể là “xuân hồng”. “Xuân hồng” có thể hiểu là mùa xuân non tơ, xanh tươi của lá biếc, cành tơ phơ phất, của khúc tình si. “Xuân hồng” còn ẩn dụ cho tuổi trẻ đẹp tươi, nhiều mơ mộng. Với nhà thơ, tận hưởng cuộc đời chỉ bằng mắt, sờ bằng tay và hôn bằng môi hãy còn chưa đủ nên phải “cắn”. Đó chính là cách hưởng thụ cuộc đời một cách cuồng nhiệt nhất bằng cả tinh thần lẫn thể xác. Ấy nên ta nhìn thấy một thi nhân say hương tình đến ngây ngất, đến quên mình.
Một nhà thơ giàu sức sáng tạo như Xuân Diệu đã thành công khi tạo dựng những hình ảnh thơ độc đáo, vừa thi vị lại vừa sống động. Sự kết hợp hài hoà giữa giọng thơ tha thiết và suy tư mang tính triết lý đã tạo nên một “Vội vàng” tiêu biểu cho lối thơ mê say, sôi nổi của Xuân Diệu trước Cách mạng.Từ thái độ sống vội vàng của bản thân, nhà thơ muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ, nhất là những người đang hững hờ, vô tâm với mọi thứ xung quanh rằng đời chỉ có một, tuổi trẻ rất ngắn và ta thì chỉ sống một lần. Vậy nên sống khẩn trương, hòa mình, hoåá thân để được một phút huy hoàng của cuộc đời. Sống vội vàng để tận hưởng mọi cái đẹp của tạo hoá bày ra, khám phá đến tận cùng cái chân, thiện, mỹ, đừng nên bỏ phí thời gian, dù chỉ một giây phút trong đời.
Cả cuộc đời Xuân Diệu đã sống “vội vàng” cho những khoảnh khắc hiện tại. Người nghệ sĩ luôn hăng hái cống hiến sức lực, tài trí của mình cho đất nước. Ẩn sâu bên trong lối sống “vội vàng” ấy ta tìm được một con người kiên trì, bền bỉ, sống hết mình cho đời, cho người. Bài thơ đã ra đời gần một thế kỷ nhưng tiếng thơ vẫn gieo vào lòng thế hệ hôm nay một hạt mầm hy vọng. Cuộc sống mở ra trước mắt, hạnh phúc có ở muôn nơi. Chỉ cần chúng ta dùng đôi mắt của người khao khát sống, khao khát được yêu thương sẽ thấy từng khoảnh khắc hiện tại là điều đáng trân trọng nhất.