Cảm nhận bức tranh phố huyện nghèo lúc chiều tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ – Thạch Lam – Văn Mẫu 11
“Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”
(Nhớ Đồng – Tố Hữu)
Trong những ngày tháng gông nô lệ đã đeo vào cổ, kiếp đọa đày đã định sẵn phần thì con người có muốn tìm được lẽ yêu đời cũng đâu phải dễ dàng. Có người mơ tiên, thoát tục, có người say hoa, say nguyệt, người lại trốn vào trong vỏ bọc của hạnh phúc ảo tưởng. Nhưng rồi có trốn tránh được đâu, có hạnh phúc được đâu khi ngoài kia là tiếng kêu thương của những kiếp người đau khổ, ngoài kia mới thực sự là đời. Mặc dù bén rễ từ dòng văn chương lãng mạng, Thạch Lam lại vươn cành lá của mình che chở cho đời thực bằng tấm lòng cảm thông, yêu thương, trân trọng qua truyện ngắn Hai đứa trẻ. Với Thạch Lam tiểu thuyết không phải cứ là tiểu thuyết mà là những mảnh đời bất hạnh như chị em Liên, An và những số phận nhỏ bé ở cái phố huyện nghèo, là hiện thực xã hội đè nặng lên đôi vai con người.
Thạch Lam xuất thân là ngòi bút chủ lực trong Tự lực văn đoàn, thế nên văn chương của ông ít nhiều mang hơi hướng lãng mạn. Tuy vậy sự lãng mạn ấy không hề thoát ly, không khai sinh từ một thế giới khác mà mọc chồi ngay đời sống thực tại, tìm kiếm cái đẹp, cái dung dị đời thường. Không xây dựng một cốt truyện gay cấn, nhiều tình tiết, Thạch Lam hướng ngòi bút của mình đến đời sống nội tâm nhân vật với những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu chất thơ. Chính cái tình sâu xa gói gọn trong những trang văn giàu lòng trắc ẩn đã tạo một dấu ấn Thạch Lam khiêm nhường, nhã nhặn mà rạng rỡ trong lòng người đọc.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Nắng trong vườn (1938) là hình ảnh tuổi thơ vất vả của chính nhà văn và người chị của mình. Trong những năm tháng cơ cực khi cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi các con ăn học, Thạch Lam đã cùng chị trông coi một cửa tiệm bán hàng xén nho nhỏ kế bên ga xe lửa. Ở đây, nhà văn đã sống và tiếp xúc với những kiếp người bé mọn, trực tiếp cảm nhận cái xã hội thu nhỏ ao tù nước đọng và những phận đời quanh quẩn, cùng túng, bế tắc.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ kể về Liên và An, hai đứa bé từng sống những ngày sung túc ở Hà Nội phồn hoa. Nhưng rồi gia đình kiệt quệ nên phải về quê sống trong phố huyện nhỏ bé, mưu sinh bằng buôn bán lặt vặt ở cái tiệm tạp hoá gần ga tàu. Xung quanh hai đứa bé là những mảnh đời cũng héo hắt, đáng thương như mẹ con chị Tí, vợ chồng bác Xẩm, bà cụ Thi, gánh phở bác Siêu…Tất cả những kiếp sống lay lắt, buồn tẻ chẳng khác nào bức tranh phố huyện nghèo. Vậy mà họ vẫn cố chờ đợi chuyến tàu đêm, một hoạt động cuối cùng của ngày như chút niềm an ủi, như chờ đợi một niềm tin sáng sủa cho cuộc sống tăm tối hằng ngày. Hai đứa trẻ không ai khác trong truyện chính là hai chị em Liên, An. Tuy nhiên nhan đề gợi ra không chỉ có Liên, An mà còn là những đứa trẻ bất hạnh, sống lay lắt trong cái ao tù mà chế độ nửa phong kiến thực dân gây ra. Nhan đề vang lên như lời thương cảm chân thành của nhà văn dành cho những phận đời nhỏ nhoi, cô độc, sống tưởng chừng lạc loài trong một xã hội ngột ngạt. Nỗi trăn trở về phận người và tình đời chi phối mạch truyện lắng sâu vào dòng tâm tưởng của nhân vật, hoà vào trong bức tranh phố huyện lúc chiều và tối.
Với một nhà văn thiên về nội tâm như Thạch Lam thì mỗi câu văn cũng thấm đẫm nỗi lòng, một nỗi lòng êm dịu đượm buồn như chính bức tranh phố huyện buổi chiều tàn và đằng sau ấy là cảnh sống tàn tạ của những thân phận con người. Buổi chiều tàn được báo hiệu bằng những âm thanh và cả hình ảnh nhưng cũng như tất cả những buổi chiều dễ gợi cho người ta nỗi buồn ảm đạm. “Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.” Tiếng trống thu không trỗi lên như một tín hiệu đặc biệt của bức tranh phố huyện. Tuy vậy âm thanh không đủ sức làm huyên náo cảnh vật mà dường như nó chất chứa nỗi niềm con người nhiều hơn. Tiếng trống thu không “từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều” cũng là để gọi bao nỗi niềm xao xác của cuộc sống trở về. Thanh âm ấy như rời rạc, rệu rã chứ không vang động, hối thúc, cứ như việc vang lên mỗi chiều là việc phải làm.
Nếu ví tiếng trống thu không là nhịp thở của cuộc sống nơi phố huyện thì rõ đây là một nhịp thở nặng nề, khô khốc, chìm lấp trong bóng tối và không đủ sức gợi ra chút hăng say. Phải chăng khi đặt tiếng trống thu không đầu tác phẩm, Thạch Lam đã báo trước hơi thở héo hắt của những kiếp sống nơi này. Cả cái màu rực rỡ nhất của bức tranh là cảnh mặt trời lặn cũng dễ gieo vào lòng người nỗi mông lung khó tả của một ngày tàn. Bức họa đồng quê tiếp tục được vẽ bằng những nét rất dung dị, hiện thực, rất dễ tìm thấy ở bất cứ nơi nào “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve”. Những sinh vật bé nhỏ này gợi linh hồn của một buổi chiều heo hắt, âm thanh của nó gây cho lòng người u sầu cứ như bản thân nó mang nỗi buồn của đồng quê nhỏ bé.
Câu văn chậm rãi, hàm súc, không cầu kỳ, bóng bẩy nhưng lại giàu chất thơ và nhạc đã vô hình chung gieo vào lòng người một nỗi buồn thấm thía trước cảnh ngày tàn “chiều, chiều rồi”. Chỉ cần một cảnh chiều đã đủ gợi những dự cảm bất an về số kiếp con người đang ẩn đằng sau bức tranh kia, những con người có tương lai vô định cũng mù mịt tối tăm như chính buổi chiều ấy vậy.
Thạch Lam đưa ngòi bút miêu tả cảnh chợ vãn thông qua cái nhìn đầy thương cảm của nhân vật Liên: “Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Buổi chợ được xem là nơi đông đúc nhất, nhộn nhịp nhất với kẻ mua người bán, thế mà cảnh chợ tàn nơi phố huyện này còn lại chỉ là tàn tích của một cuộc sống lam lũ, thiếu thốn “mấy đứa trẻ con nhà nghèo…đi lại nhặt nhạnh bất cứ cái gì đó có thể dùng được..” Thời gian và không gian nghệ thuật khéo kết hợp làm nền cho một bức tranh phố huyện tiêu điều, xơ xác. Nơi ấy chính là nơi sống của những con người vô vọng, những đứa bé lớn lên mà không biết tương lai ra sao, ngày mai thế nào. Những thứ tưởng chừng bỏ đi như rác rưởi, vỏ thị..mà lại tranh nhau nhặt, cái đói cái nghèo đã hiển hiện ra nét mặt của từng đứa trẻ, ẩn đằng sau là sự bám víu đời sống dai dẳng, bám víu vào cả những thứ tưởng chừng đã bỏ đi.
Bức tranh thiên nhiên buổi chiều tàn nơi phố huyện đã cho thấy nghệ thuật tả cảnh tự nhiên, giàu chất nhạc, chất thơ và sự thấu hiểu tâm lý nhân vật ở nhà văn. Cảnh chiều tàn nơi phố huyện vừa có chút gì êm ái, mơ mộng nhưng vẫn thoang thoảng nỗi buồn mơ hồ. Cảnh và đời hòa quyện vào nhau tạo thành bức tranh: ngày tàn, chợ tan, những kiếp người tàn tạ.
Truyện ngắn được viết theo sự chuyển động của thời gian từ chiều tàn đến nửa đêm, cảnh phố huyện cũng chuyển mình trong tâm trạng buồn tẻ của những thân phận mỗi lúc hiện ra trong cảnh túng cùng, bế tắc. Chút ánh sáng của buổi hoàng hôn đã tắt lịm, bóng tối được dịp nghênh ngang choáng ngợp khắp phố huyện. “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối. Các nhà đã đóng im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức, nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng…Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa…Trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn, khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối…”
Có thể nói cảnh phố huyện được đặc tả bởi bóng tối, thứ bóng tối ngự trị khắp mọi nơi. Tối từ tiếng trống thu không đến lũy tre làng. Tối con đường tối cả mọi hang cùng ngõ hẹp. Mỗi lúc bóng tối như dày đặc hơn, đen kịt lại tranh giành cả khoảng không để thở của con người. Bóng tối khiến cuộc sống tù túng nơi này thành ra ngột ngạt, không lối thoát. Thạch Lam đã mượn bóng tối, nói nhiều về bóng tối để bóng tối không còn trong khuôn khổ của tự nhiên mà trở thành nhân vật có linh hồn, có suy nghĩ và sự sống. Linh hồn, suy nghĩ, sự sống của nó chính là khoảng trống vô thức và cả ý thức mà con người nhìn thấy ở chính mình. Vì lòng không ánh sáng, không nhiều hy vọng nên nhìn thấy đâu đâu cũng chỉ toàn là bóng tối.
Trong bức tranh phố huyện về đêm đâu chỉ có bóng tối mà vẫn có chút ánh sáng. Tuy nhiên sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối trong truyện ngắn của Thạch Lam là cuộc đối đầu không cân xứng. Khi mà bóng tối càng bao trùm thì ánh sáng càng trở nên le lói, yếu ớt. Ánh sáng từ cửa nhà ai chỉ để hé ra một “khe ánh sáng” hay “vệt sáng của những con đom đóm”, “quầng sáng” thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí. Bóng tối thì rộng lớn, bao trùm cả chiếc áo khổng lồ còn ánh sáng lại được tính bằng những đơn vị ít ỏi, hoạ hoằn tưởng chừng chỉ cần một ngọn gió thổi qua là có thể làm cho tan biến. Nhìn ngọn đèn đáng thương của chị em Liên, An trong cửa hàng như một sự đong đếm vừa vặn đầu ngón tay “từng hột sáng lọt qua phên nứa”. Nhiều nhất cũng chỉ là “chiếu sáng một vùng cát” của bếp lửa bác Siêu toả ra, vậy cũng đã là một món xa xỉ với đời thường. Mượn ánh sáng để nói bóng tối, không gì có thể gợi hình hơn khi mà chúng ta nhận ra ánh sáng càng yếu ớt, càng nhạt nhoà thì chứng tỏ bóng tối càng sâu thẳm. Thủ pháp nghệ thuật này đã từng được Nguyễn Khuyến sử dụng trong bài thơ Thu ẩm: “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”. Chút ánh sáng góp nhặt không đủ đánh lùi bóng tối mà chỉ khiến cho bóng tối càng cô đặc, càng như vô tận.
Bóng tối và ánh sáng trong truyện ngắn là dụng ý nghệ thuật nên đều mang ý nghĩa biểu tượng. Bóng tối chính là hơi thở của cuộc sống nghèo nàn, túng quẫn không lối thoát nơi bức tranh phố huyện. Ấy cũng là một xã hội thu nhỏ trước Cách mạng, khi mà con người chịu chung cảnh nô lệ thì đời sống của người lao động nghèo thấp cổ, bé họng lại càng chìm trong lầm than, cơ hàn. Cái ao đời phẳng lặng kia như Huy Cận đã từng nói: “Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu, vì quá thân nên quá đỗi buồn cười, môi nhắc lại cũng ngần ấy chuyện”. Bóng tối làm nền để ánh sáng xuất hiện. Đến lượt mình, ánh sáng tượng trưng cho những phận đời nhỏ bé, lay lắt, sống trong nỗi đau khổ thân phận phải mỏi mòn chờ đợi những điều vô vọng. Dẫu không thể thắng được bóng tối nhưng ánh sáng chỉ cần le lói cũng đáng quý.
Hoà lẫn vào trong nền bóng tối dày đặc ấy chính là những kiếp người hẩm hiu, ai nấy cũng chật vật tìm chút hy vọng để tiếp tục sống. Mẹ con chị Tí dọn hàng, một hàng nước đơn sơ vắng khách. Buôn bán chẳng được bao nhiêu nhưng ngày nào chị cũng chăm chỉ dọn hàng và chờ đợi bởi vì cũng chẳng còn công việc gì mà lựa chọn trong cái thời buổi ấy. Gia đình bác Xẩm gợi cho người đọc nhiều suy tư về số phận của con người và nghệ thuật trong bối cảnh ảm đạm trước Cách mạng. Bác Xẩm, một người nghệ nhân hát dân ca Trù với tiếng đàn bầu độc đáo mà lại rơi vào cảnh nghèo xơ xác, phải hát rong sống qua ngày. Giá trị của nghệ thuật chẳng còn giữ được mình khi đứng trước cái đói, cái khổ. Tâm hồn con người cũng héo hon, bào mòn chẳng còn lòng dạ để thưởng thức cái hay.
Số phận những con người nhỏ bé nơi phố huyện quy tụ lại trong cái dáng “lảo đảo” và tiếng cười “khánh khách” của bà cụ Thi say rượu. Cái tù túng, ngột ngạt của phố huyện tưởng chừng phẳng lặng kia dễ khiến người ta hoá điên chẳng biết nên cười hay nên khóc. Cảm xúc và điệu bộ của bà cụ Thi có khác đời cũng vì đời mà ra. Cái điên của bà và cái say của bà là biểu hiện cho sự bế tắc, chán ngán đến tột cùng. Phải chăng chính cuộc sống quá đỗi ảm đạm đã đẩy con người ta triền miên trong những nỗi buồn. Muốn dứt khỏi cái buồn thì chỉ có rượu và điên dù hai thứ ấy đều không phải là giải pháp.
Trong những số phận ấy, có lẽ hai chị em Liên, An khá hơn một chút khi có được một cửa hiệu be bé bán vài thứ lặt vặt. Tuy nhiên dấu tích của cái nghèo vẫn không chừa một ai. Hai chị em bị cơm áo trói buộc vào cửa tiệm để rồi không thể tìm chút niềm vui với những đứa trẻ vô tư bên ngoài. Cả tuổi thơ bị mài mòn vì chẳng dám mơ đến một bát phở hiện tại chỉ có thể luyến tiếc những ngày tháng đầm ấm ở quá khứ. Nỗi hụt hẫng cùng bao khao khát nhỏ nhoi đã khiến chị em Liên trở nên trưởng thành hơn ở tuổi đời còn quá bé. Nhất là chị Liên, một cô bé đảm đang, hiểu chuyện lại có đôi mắt nhạy cảm ẩn chứa nội tâm sâu sắc. Có lẽ đời sống nội tâm phong phú và tấm lòng biết yêu thương của Liên đã tạo nên chất thơ cho câu chuyện và cũng đặt ra vấn đề rất nhân văn. Tuổi thơ và những nỗi buồn không tên như hơi nước bám vào cánh chuồn mỏng manh để từ đây tâm hồn những đứa trẻ buộc phải vững chãi hơn để vượt qua giông bão.
Đâu chỉ những người nghèo mọn như chị Tí, vợ chồng bác Xẩm, cụ Thi..cả bác Siêu, người có gánh phở xa xỉ cũng bán buôn ế ẩm. Người nhà cụ thừa, cụ lục có tiền đánh tổ tôm cũng chỉ quẩn quanh, đơn điệu. Từng ấy người chôn chặt cuộc đời mình trong cái phố huyện chật hẹp. Họ chẳng biết đi đâu, làm gì khác vì ra khỏi sự chật hẹp này cũng chỉ là sự tù túng khác mà thôi. Hết cảnh chiều tàn đượm buồn rồi lại đến đêm tối thăm thẳm. Dù ánh sáng có len lỏi đâu đó nhưng đến cuối thì trong bức tranh chỉ còn lại những phận đời tàn tạ héo mòn. Lũ trẻ vẫn phải nhặt rác lúc tàn buổi chợ; gánh phở bác Siêu vẫn lại kĩu kịt bước đi chỉ còn chấm nhỏ trong đêm; gia đình bác Xẩm vẫn cố nán lại trên manh chiếu rách; mẹ con chị Tí cứ dọn hàng ra rồi lại dọn vào; bà cụ Thi thì cứ say và điên rồi cười khanh khách. Thương nhất vẫn là chị em Liên. Hai đứa trẻ ngây thơ để bóng mình lần vào nỗi buồn trên chiếc chõng tre đã cũ. Họ tuy có khác nhau về hoàn cảnh, có hơi thở nhưng lại giống nhiều hơn cái bóng vật vờ. Cái bóng mà đêm tối đã tạo nên bất tận, thẳm sâu.
Bằng chất văn nhẹ nhàng như thơ, Thạch Lam đã khắc sâu vào lòng người những ấn tượng sâu đậm về bức tranh phố huyện trong buổi chiều tàn và đêm tối. Thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái ngột ngạt của phố huyện và những khát khao bé nhỏ của con người đã đem đến những tầng nghĩa cho tác phẩm. Một bức tranh bằng ngôn ngữ được vẽ ra trong trí tưởng tượng cả độc giả và cả trong trái tim rung động vì tình đời, tình người, biết yêu thương, thấu hiểu thường trực trong mỗi con người. Truyện mà không như truyện, chỉ có Thạch Lam, chỉ có tấm lòng khắc khoải của ông hướng về cuộc đời mới làm nên giá trị lâu bền của Hai đứa trẻ và dựng lên một quang cảnh phố huyện tiêu điều, lay động lòng người đến lạ.
Lời gửi của nghệ thuật là sự sống, lời gửi từ bức tranh phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là sự sống. Những sự sống vật vờ, lây lất xung quanh chúng ta mỗi ngày cần được san sẻ, được sự giúp đỡ. Sức mạnh của tình thương mới là ánh sáng bất diệt nhất để xua tan cái đêm trường u ám. Đứng trước niềm hy vọng được sống, bóng tối sẽ hoàn toàn ngả mũ đầu hàng.