Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử – Văn Mẫu 11
Con người đi tìm tình yêu còn tình yêu đi tìm hạnh phúc. Thế nhưng điều đơn giản ấy không hề dễ kiếm tìm như ta tưởng, nhất là khi cuộc đời của mỗi con người lại là vòng tròn đuổi bắt. Nhà thơ Hoàng Cầm đã từng đuổi theo chiếc lá diêu bông hư ảo, Xuân Diệu tìm mãi một mối tình nằm ngoài quy luật phôi pha của thời gian, Vũ Hoàng Chương chạy theo những cơn say tình ái, say rượu, say đời. Riêng chàng trai bên tấm rèm lạnh Hàn Mạc Tử thì dành cả cuộc đời ngắn ngủi yêu đời vô hạn mà cũng đau thương vô cùng. Tấm lòng thi nhân luôn chân thành dành cho quê hương, xứ sở và cũng nồng nhiệt với tình yêu, chỉ tiếc là yêu và được yêu là chuyện khác nhau nên nhà thơ gửi vào Đây thôn Vĩ Dạ một khung trời tươi đẹp xứ Huế và cũng là tiếng nói bi ai cho một mối tình câm.
Bắt đầu bén duyên với thơ ca từ rất sớm, người đứng đầu Trường thơ loạn đã có những sáng tác mang âm hưởng của Chủ nghĩa siêu thực, Chủ nghĩa tượng trưng của phương Tây. Yếu tố cốt lõi làm nên hồn thơ thi nhân vẫn là cuộc đời nhiều đau thương, tiếc nuối, một cái tài đặt trong số mệnh ngắn ngủi nên tiếng thơ bao giờ cũng ai oán, thiết tha, chìm đắm trong men yêu và cũng lận đận trong chính nỗi đau cá nhân.
Bài thơ ra đời trong mối cơ duyên cùng nàng thơ Hoàng Thị Kim Cúc. Khoảng năm 1938, Hàn Mặc Tử nhận được tấm bưu thiếp của Hoàng Cúc gửi mình cùng vài lời thăm hỏi. Cảnh mây nước, chiếc đò ngang, cô gái xứ Huế mặc áo dài trắng cùng với vầng trăng, khóm trúc đã khơi gợi trong lòng thi nhân một hoài niệm đẹp tươi về xứ Huế và về mối tình đơn phương thầm lặng. “Đây thôn Vĩ Dạ” như ẩn chứa một giai điệu hạnh phúc, một lời cảm thán đầy thương yêu, tự hào của nhà thơ cho xứ sở mộng mơ và ân tình thôn Vĩ. Bài thơ được viết theo thể Thất ngôn trường thiên không ràng buộc niêm luật. Bài thơ có ba khổ như ba chuỗi hoài niệm về bức tranh xứ Huế thơ mộng, xinh tươi, tình yêu chân thành dành cho cô gái Huế và những mặc cảm, nỗi đau thân phận cùng khát khao sống, khát khao yêu thương mãnh liệt. Những nội dung này không tách nhau mà đan cài vào nhau, trong cảnh có tình, trong tình có cảnh.
Ý thơ được gợi từ nàng Hoàng Cúc nên ngay ở khổ thơ đầu tiên chúng ta thấy lời thơ như một cuộc đối thoại và cũng như độc thoại. Tâm tình thi nhân trải khắp mọi nơi, hoà vào mối tương giao giữa hiện tại và quá khứ, giữa niềm hạnh phúc gọi mời và nỗi xót xa luyến nhớ trên nền bức tranh thôn Vĩ buổi bình minh rực rỡ.
“ Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Sự trộn lẫn giữa nhiều cung bậc cảm xúc đã khiến câu thơ đầu tiên mang nhiều nét nghĩa. Trước hết câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” nếu là lời của cô gái Huế thì ấy phải là một lời trách cứ nhẹ nhàng, yêu thương cũng là lời mời gọi chân thành, tha thiết. Thôn Vĩ đẹp tươi, nghĩa tình có cảnh non xanh nước biếc và có cả “em”, vậy mà anh lại không về thăm. Có phải vì đất và người không đủ sức níu bước chân phong trần hay vì anh vô tình quên lãng? Sau lời hờn dỗi vu vơ là lời mời mọc rất tế nhị. Nếu anh có nhớ có thương thì về thôn Vĩ thăm cảnh, thăm đất, thăm em. Lời mời giấu kín đằng sau câu hỏi thật rất khéo vì nó mở ra sự lựa chọn cho người được mời, không chút gượng ép mà vẫn đủ sức lay động lòng người. Đâu chỉ thế, lời mời ấy còn chứa đựng cả tình yêu quê hương, xứ sở và niềm tự hào của cô gái dành cho mảnh đất Thần Kinh.
Phải chi câu hỏi kia đúng thật là của cô gái với những ý vị sâu xa thì khéo hay. Chỉ tiếc là khả năng thứ hai lại nhiều hơn. Lời trách cứ, lời mời mọc của cô gái là do nhà thơ hoá thân mà tình tự mà ước muốn mà hy vọng. Điều này xuất phát từ sự chối từ của Hoàng Cúc khi Hàn Mặc Tử mở lời thương. Dù thế nào thì chàng trai cô đơn kia vẫn chừa cho lòng mình chút mộng mơ, hy vọng. “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” ấy còn là lời tự trách mình vang lên trong tâm tưởng của một con người đa cảm, nặng lòng với quê hương. Trong lời tự trách ấy còn có cả nỗi xót xa, chua chát cho những lý do đằng sau việc không thể về thôn Vĩ.
Nối tiếp câu hỏi nhiều cảm xúc ấy là cảnh bình minh đến trên những hàng cau “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”. Cau là loài cây quen thuộc được trồng nhiều trên những cung đường quê hương thôn Vĩ. Cau thẳng ngay đón mặt trời, cao nhã nhặn như sự thanh lịch của con người đất cố đô. Những hàng cau được tái hiện trong bức tranh thôn Vĩ qua cái nhìn độc đáo “nắng hàng cau”. Nắng, mưa là chuyện của thời tiết và cũng thuận theo quy luật của riêng nó. Nắng có cái nắng dịu nhẹ, nắng hanh khô, nắng vàng ươm, nắng gắt, nắng chói chang…Còn “nắng hàng cau” thì đúng thật cái nắng rất riêng khi mà ánh mặt trời quyện vào những hàng cau thẳng tắp còn đọng giọt sương đêm. Trong khoảnh khắc sức nóng chạm vào nước long lanh, nước phản chiếu những màu sắc từ trong nắng sớm để không gian trên những hàng cau mới thật sự lung linh. Chỉ cần qua “nắng hàng cau” vẻ đẹp của một buổi sớm mai được tạo thành do sự ngưng đọng của thời gian và không gian kết hợp. Điệp từ “nắng” trong cùng một câu thơ và sự khẳng định “nắng mới lên” tạo nên sự lan toả của bình minh đầy nắng. Nắng tinh khôi, trong ngần của nụ cười, ánh mắt của giai nhân.
Cảnh vật đều hiện ra đầy màu sắc tươi mới, mơn mởn sự sống. Trong nắng mới lên khu vườn nhà ai cũng bừng sáng với màu xanh ngọc “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Cái nhìn này phải là cái nhìn của một người có đôi mắt tinh tế, tâm hồn nhạy cảm và gắn bó với quê hương mới bật lên thành tiếng gọi tha thiết “vườn ai”. Chữ “ai” trong tiếng Việt rất thú vị, vừa không phải nó vừa là nó, vừa khẳng định cũng vừa phủ định. “Vườn ai” là vườn của cô gái cũng có thể là những khu vườn được vun xới từ bàn tay cần lao của người nông dân chăm chỉ. Đại từ phiếm chỉ này đâu chỉ có thế, “ai” một mặt như tiếng reo vui đầy bất ngờ khi bắt gặp một cố nhân, “ai” cũng xen lẫn chút gì luyến tiếc mơ hồ khi có những thứ không thuộc về mình dù hiện lên trước mắt mình.
Khi nói đến những mảnh vườn thân quen có khắp mọi nơi phải dùng đến từ thuần Việt “mướt” thì mới diễn đạt được cái đẹp dân dã, bình dị. Tính từ “mướt” ngoài nghĩa miêu tả vẻ bóng láng, mượt mà nhìn thích mắt thì “mướt” kết hợp với bổ ngữ “quá” như một lời trầm trồ, tán dương của vị khách đường xa lần đầu ghé ngang thăm. Phép so sánh “xanh như ngọc” đúng là cách ví von rất riêng của Hàn Mặc Tử. Với thi nhân tình yêu, vẻ đẹp phải được đặt lên hàng tuyệt đối, phải được mỹ vị hoá bằng những thứ cao sang, quý phái và mang vẻ đẹp vĩnh hằng.
“Đức tin thơm hơn ngọc,
Thơ bay rồi thơ bay..”
(Điềm lạ – Hàn Mặc Tử)
Màu xanh ngọc trong mắt thi nhân có nét tinh khôi, đáng yêu của một vần Thơ duyên mà ý tình vừa chớm nở.
“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”
(Thơ duyên- Xuân Diệu)
Màu xanh ngọc ấy còn hội tụ cả ánh nắng bình minh trên hàng cau và ngưng đọng trong đáy mắt tha thiết yêu thương của thi nhân. Màu xanh trong câu thơ của Hàn Mặc Tử được tiếp sức vô cùng hoàn hảo của ba yếu tố ngôn ngữ “mướt, quá, ngọc” mà cả ba yếu tố này đều chỉ cái hoàn mỹ, tuyệt đối vừa mang âm điệu của cái dân dã, bình yên nơi thôn quê.
Bức tranh bình minh xứ Huế sẽ chẳng thể nào toàn bích nếu thiếu đi bóng dáng con người. Bóng dáng ấy xuất hiện qua gương mặt chữ điền nhiều ẩn ý mà cũng gây nhiều tranh luận nhất. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” gương mặt kia cũng giống như đại từ phiếm chỉ “ai” vừa là mình vừa không phải là mình. “Mặt chữ điền” có thể là khuôn mặt của những cô gái Huế, dù không mang vẻ đẹp đài các, kiêu sa nhưng cũng đậm đà hương đồng nội. Quan trọng hơn cả là khuôn mặt phúc hậu, hiền hoà của con người xứ Huế được nhắc đến trong ca dao.
“Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa có lời thuỷ chung”
Nhiều ý kiến cho rằng khuôn mặt chữ điền ấy là của chính nhà thơ. Không dưới đôi lần nhà thơ đã giấu mình trong những bờ liễu, rào thưa, Hàn Mặc Tử vẽ chân dung mình như kẻ đứng ngoài để dõi theo, để mà vui, buồn nhớ thương những điều không thuộc về mình. Sự suy đoán này không phải là không có lý khi bản thân Hàn Mặc Tử đang làm một cuộc trở về xứ Huế trong tâm tưởng.
Mặt khác, ta vẫn có thể hiểu “mặt chữ điền” này vốn dĩ không có thật, nó chỉ là hình tượng sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. Khi lá trúc che ngang mới tạo nên mặt chữ điền. Hoặc mặt chữ điền là chữ điền của mặt ruộng, cổng nhà quyền quý đất kinh đô khuất xa xa dưới khóm trúc la đà. Mỗi cách hiểu cũng đều gắn với những nguyên cớ đằng sau khó mà bác bỏ hoặc khẳng định vị trí độc tôn. Đấy cũng là bản chất của nghệ thuật có tính hình tượng mà hình tượng thì muôn màu muôn vẻ theo cảm nhận riêng của mỗi cá nhân. Dù hiểu thế nào thì câu thơ và cả khổ thơ đầu đều gợi nên những nét đẹp rất riêng của thôn Vĩ qua cái nhìn nhạy cảm, trân trọng, yêu thương của thi nhân.
Cảnh sắc đất và người thôn Vĩ từng nét hiện lên hữu tình trong một đêm trăng mờ ảo. Đêm trăng ấy có dòng nước, gió, mây, hoa bắp, con thuyền, bến đỗ nhưng dường như trong sự hữu tình có cái vô tình, trong sum họp đã nhóm mùi ly biệt. Vậy nên cảnh thơ mộng mà lòng người thì sầu khổ.
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Cũng là gió đó, mây đó nhưng gió mây không thuận theo quy luật của gió mây mà nó bị điều khiển bởi quy luật của lòng người “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thế nên lẽ ra cái cảnh trời đêm khoáng đạt có áng mây lơ lửng và gió nhẹ thổi sẽ dễ khiến lòng người cảm thấy khoan thai, vậy nhưng lòng chàng trai cả đời bên bức rèm lạnh dẫu có thêm một ánh trăng cũng không bớt được u sầu. Những dự cảm chia lìa sắp sửa đã chi phối quy luật mà tạo hoá đã sắp bày gió thổi thì mây bay. “Gió”, “mây” trong câu thơ không còn là gió mây tự nhiên nữa mà là chỗ nương mình của hai con người tưởng đã thân quen hoá ra xa lạ Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc. Sự chia lìa này chúng ta đã bắt gặp trong hình ảnh thuyền và nước của Tràng giang.
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”
(Huy Cận)
Cách nhà thơ đặt hai chủ thể “gió”, “mây” cùng với phép điệp đã mở ra chiều sâu suy tưởng. “Gió”, “mây” dù có lặp lại nhưng không gợi cảm giác song hành có đôi có cặp mà lại tác rời, riêng lẻ. “Gió” có lối của “gió”, “mây” theo đường của “mây”. Sự xa cách này ngăn bởi “lối” và “đường” cũng như sự xa cách của chính nhà thơ và cô gái ấy, không thể chung đường, chung lối mộng.
Bao nhiêu thơ mộng, tươi vui của bức tranh đầu đã bị cái xa cách, chia lìa làm ra tê tái, đến cả dòng nước cũng mang tâm trạng sầu khổ của thi nhân. “Dòng nước buồn thiu” là phép nhân hoá để dòng nước sông Hương mang diện mạo một người đầy tâm sự mà cái tâm sự này dường như ngưng đọng lại không lối thoát. “Buồn thiu” là phương ngữ Nam Trung bộ cũng là cách nói đậm chất dân gian để diễn tả nỗi buồn chơi vơi, hiu quạnh. Nỗi buồn này là nỗi buồn của chính thi nhân đang âm ỉ khi lòng mình đã nhuốm màu quan san thì mọi vật xung quanh đều là lời tiễn biệt.
“Mùi tháng năm còn rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Trong cái ngưng đọng của không gian, thời gian chỉ có hoa bắp là chuyển động “hoa bắp lay”. “Lay” một sự chuyển động nhẹ nhàng chỉ thấy hình mà không nghe tiếng. Cảnh vật không vì cái “lay” rất khẽ này làm sống động mà bỗng trở nên trầm mặc hơn như cái “gợn” của sóng lòng khi chàng trai Huy Cận đứng trước tràng giang. Bút pháp lấy động tả tĩnh cho phép nhà thơ bắt được khoảnh khắc chơ vơ của tâm hồn đầy xúc động. Hoa bắp kia đang cố gắng níu giữ chút gì thuộc về hy vọng trước cảnh tình chia phôi của gió và mây. Chỉ tiếc là cái “lay” không đủ sức ngăn thực tế mà chỉ khiến cho dòng nước sầu hơn.
Thơ Hàn Mặc Tử tràn ngập trăng. Tuy vậy trăng không khoáng đạt tươi vui cũng không tròn đầy viên mãn. Trăng của nhà thơ là niềm ước mong khoắc khoải, là thế giới kỳ bí, siêu thực cũng là nỗi đau bất tận cho phận đời bạc bẽo. Dẫu vậy với trăng nhà thơ vẫn một lòng thuỷ chung như chung thuỷ với niềm hy vọng đã cạn khô cùng máu và thơ. Vầng trăng vàng trăng ngọc ấy hoá thân thành “bến sông trăng” nơi “thuyền ai” neo đậu. Câu thơ bừng sáng với màu của ánh trăng. Trăng ở khắp nơi, trên thuyền đầy trăng, bầu trời cũng trăng và mặt nước cũng vàng trăng. Phải chăng trong bức tranh đìu hiu tranh sáng tranh tối thì ánh trăng đã bừng lên niềm hy vọng, sự mong mỏi dẫu cho nó cũng hư hư thực thực như bến sông trăng kia.
Vì ánh trăng mờ ảo kia không thực nên thuyền chở trăng cũng đầy ý nghĩa biểu tượng. Sao con thuyền không chở người mà lại chở trăng? Phải chăng vì người xa xôi quá, đã chia lìa đôi nơi như mây và gió nên bến sông chờ đợi chỉ còn là niềm mong mỏi hoá con thuyền cô độc? Cách nhà thơ kết hợp từ phiếm chỉ “ai” với con thuyền mới thật độc đáo. “Ai” là tất cả đối tượng trong khả năng cô gái xứ Huế hay chính nhà thơ cũng có thể không phải người nào. “Ai” có nghĩa xác thực hướng về một người nhưng “ai” cũng là lời phủ định vốn chẳng có con thuyền và chẳng có bóng hình nào chờ đợi.
Vậy nên tâm trạng của thi nhân vừa nhen nhóm hy vọng vừa lo lắng tột cùng về niềm hy vọng mỏng manh kia mà thốt lên một câu hỏi xé lòng “Có chở trăng về kịp tối nay?” Câu hỏi tư từ như cái giật mình thảng thốt của một người tha thiết yêu đời, khát khao được sống, được hạnh phúc mà lại nhận ra đời mình bạc bẽo, tạo hoá trớ trêu. Tiếng “kịp” như thanh âm được cất lên từ đau khổ chôn chặt tận đáy lòng. Nỗi lo sợ đã choáng ngợp tâm hồn thi nhân, giày vò thể xác lẫn linh hồn người con trai đơn độc giữa sông trăng chờ đợi. Làm sao cho kịp chở niềm hạnh phúc về bến khi mà thời gian còn lại không nhiều nữa. Thương cho Hàn Mặc Tử ta lại nhớ đến Ông hoàng thơ tình, yêu và khao khát được yêu cho hết tuổi trẻ đẹp tươi, tận dụng từng giờ từng khắc để sống để yêu “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” (Vội vàng) Với Xuân Diệu dẫu sao vẫn còn thời gian để mà tận hưởng để mà sống hết mình. Còn Hàn Mặc Tử, bệnh tật từng ngày cướp mất đi cái thanh sắc trong trẻo của trái tim yêu đời, cướp cả niềm hy vọng trắng trong của người con trai đa tài, đa cảm mà cũng đa truân.
Nhìn ở góc độ khác, trăng là niềm thơ là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của Hàn Mặc Tử cũng là tri âm tri kỷ của nhà thơ. Vậy thuyền chở trăng còn được hiểu là cảm hứng sáng tác nghệ thuật, là sợi dây rung cảm để thi nhân tạo ra những vần thơ đẹp. Bệnh tật chẳng những lấy đi sức khỏe, hao mòn tâm trí mà còn ám ảnh thi nhân về nỗi sợ mất đi cảm hứng thơ ca, mất đi sự trong sáng của ngôn từ. Với nhà thơ, được sáng tác, được cháy với câu thơ của mình đó cũng là tình yêu là sự sống. Sự sống của thơ cũng là sự sống của linh hồn.
“Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ!
Từ nay trong gió, – trong mây gió,
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.”
(Trút linh hồn – Hàn Mặc Tử)
Dù nhìn ở góc độ nào thì phải khẳng định một điều hình tượng bến sông trăng và con thuyền chở trăng cũng như cả đoạn thơ là tiếng lòng vừa thiết tha hy vọng được sống, được giao hoà, được yêu của thi nhân nhưng cũng chất chứa mối sầu khổ, luyến tiếc xen lẫn tiếng thở dài ngao ngán.
Từ niềm tin, hy vọng nhỏ bé mà vẫn cháy bỏng lòng thi nhân ở câu thơ “có chở trăng về kịp tối nay?” Hàn Mặc Tử tiếp tục khát khao về hạnh phúc tình yêu không trọn vẹn xen lẫn trong nỗi mặc cảm về thân phận.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Cả khổ thơ được đặt sau chữ “mơ” và chữ “mơ” cũng thật khéo khi làm nhãn tự cho cả đoạn thơ chan chứa hoài mộng, ước mơ này. “Mơ” ở đây đâu chỉ là ước mơ mà còn là mộng mị, là chiêm bao, là hai bờ hư thực dẫn tâm hồn nhà thơ vào cõi mơ của tình yêu dang dở. Trong cùng một câu thơ có đến hai lần “khách đường xa” lặp lại. Phép điệp này làm nhịp điệu câu thơ như chùng xuống, kéo dài để giấc mơ lạc sâu vào trong hình ảnh vị “khách đường xa”. Chủ thể “khách đường xa” có thể hiểu chỉ bản thân nhà thơ và cũng có khi chỉ người con gái mà thi nhân mơ đến thăm mình. Nếu là chính bản thân Hàn Mặc Tử thì vị khách đường xa này không gì khác ngoài nỗi nhớ mong da diết của thi nhân về vùng đất thôn Vĩ đẹp tươi, tình thương mến dâng trào với con người xứ Huế. Đấy chính là ước mơ cháy bỏng của thi nhân về một miền quê yêu mến có hình bóng giai nhân anh mong đợi. Nếu “khách đường xa” kia là cô gái thôn Vỹ thì nỗi chờ đợi này càng thêm héo mòn vì vốn người con gái kia chẳng nặng lòng tha thiết với Tử như Tử đã thiết tha với người. “Khách đường xa” còn gợi khoảng cách địa lý và khoảng cách hai trái tim không chung đường chung lối mộng. Tình yêu và người mà nhà thơ yêu ở xa xôi, mông lung quá dù trong giấc mơ cũng không thể đến gần.
Bởi vì mộng và đời là hai lối nên không thể dùng đôi mắt thực tế để nhìn đời “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Cái màu trắng trong tà áo dài hẳn là được lấy cảm hứng từ tấm bưu thiếp mà Hoàng Cúc đã gửi cho Hàn Mặc Tử. Trắng mộng ban đầu, trắng tinh khôi như tâm hồn không vẩn đục không hề lay động của nàng thơ đối với mối tình đơn phương của Tử. Vậy nên “nhìn không ra” không phải là nhà thơ không nhớ mặt, nhớ người mà là nhà thơ không dám nhớ đến, nghĩ đến dù rất nóng lòng gặp gỡ. Màu trắng của áo còn chi phối bởi hoàn cảnh thực tại bản thân mình bệnh tật nên không dám tin, không dám nghĩ và không dám mộng mơ.
“Quá” trong câu thơ là phó từ chỉ mức độ lớn vượt xa khả năng của nhà thơ. Cái trắng “quá” càng tô đậm sự nhạt nhoà của “em” trong Hàn Mặc Tử. Sự nhạt nhoà này không phải do nhà thơ không yêu, không nhớ mà vì quá yêu, quá nhớ và hy vọng nên càng tự tách mình ra trong nét lạ lẫm, ngỡ ngàng. Sự đơn phương trong tình yêu khiến nhà thơ tự ti, mặc cảm nên âm thầm chịu nỗi đau không lối thoát.
Để lý giải về sự nhạt nhoà và màu trắng khiến người ta bỡ ngỡ, nhà thơ đã vịn màu sương khói. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Quả thực, xứ Huế mộng mơ cũng bởi vì làn sương mờ đục trong hơi thở của nước sông Hương, trong tiếng canh gà của vùng ngoại ô cô tịch
“Bốn bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên”
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Thì ra làn sương khói mờ đục là khoảng trống trong cõi lòng mênh mông của thi nhân. Vậy nên “ở đây” không nên hiểu là ở xứ Huế thôn Vĩ hay ở nơi nhà thơ sinh sống hiện tại mà là ở trong cõi lòng mênh mông vô vọng ấy. Cũng chỉ trong tâm khảm thi nhân mới thổn thức khi mãi ôm ấp một bóng hình chẳng thuộc về mình như thế. Sương khói xứ Huế dẫu thực hay hư cũng quyện vào tâm trạng nhà thơ khiến mọi vật “mờ nhân ảnh”. Vì “mờ nhân ảnh” nên nhà thơ không thể nhận ra bóng hình những tưởng đã thân quen.
Tình đất, tình người dẫu cho có bị khoảng cách địa lý, khoảng cách tâm lý làm cho mờ nhạt thì lòng Tử vẫn không nguôi thương về chốn xưa. Đối với người con gái ấy cũng thế, dẫu biết người và mình đã thật sự chia lìa, một tình yêu đã qua đời khi nụ hoa tình còn chưa nảy nở, thế mà thi nhân vẫn khắc khoải nuôi hy vọng, vẫn tha thiết với chữ “tình”.
“Ai biết tình ai có đậm đà?”
Đến cuối cùng, qua hết nỗi bi ai cho thân phận, nỗi chia phôi cho một mối tình vô vọng thì cái còn lại trong thi nhân vẫn là tình cảm son sắt thuỷ chung với xứ Huế, với thôn Vĩ. Tình yêu ấy lắng sâu chôn chặt vào tận đáy tâm hồn để rồi câu hỏi tu từ bật lên chơi vơi như tiếng hỏi khôn thấu tâm can. “Tình ai” là tình cô gái hay tình của nhà thơ? Chữ “ai” gây sóng gió cho những cung bậc tâm trạng còn bỏ ngỏ để thấy rằng nỗi hy vọng vẫn ươm mầm sự mông lung, ngờ hoặc. Đến cuối cùng vẫn là tình anh sâu đậm còn tình người thì hững hờ, mờ nhạt. Lời thơ cũng là lời oán trách, trách người cũng là trách mình vì tình thì không thể cưỡng cầu, hạnh phúc không thể gieo mầm khi chỉ xuất phát từ một phía.
Chữ “ai” được hiểu theo hai cách, ai là cô gái và ai là nhà thơ. Cách hiểu thứ nhất nếu “ai” đầu chỉ cô gái, “ai” thứ hai chỉ nhà thơ thì có nghĩa là nhà thơ muốn hỏi rằng người ấy có biết tình chàng Tử đậm đà hay không? Cách hiểu thứ hai ngược lại, “ai” thứ nhất chỉ nhà thơ và “ai” thứ hai chỉ cô gái thì câu thơ hướng về nghĩa: bản thân nhà thơ đâu biết tình cảm người ta đối với mình thế nào có đậm đà hay chỉ là thứ tình thoáng qua, thứ tình thương hại hoặc thứ tình nhạt nhòa như mây khói. Nếu hiểu theo cách này thì câu thơ cuối đúng là lời lý giải cho câu hỏi đầu tiên. Anh không về thôn Vĩ là vì “ai biết tình ai có đậm đà?”. Dùng một câu hỏi tu từ để đáp lại một câu hỏi tu từ quả thật chạm đến đáy lòng. Câu hỏi kia ngổn ngang trong lòng thi nhân đang tha thiết được yêu, được sống cũng đau đáu trong một nỗi bi thương tuyệt vọng. Bi kịch tình yêu cũng từ đây, bi kịch phận đời cũng do đây. Dù hiểu có góc độ nào thì điệp từ đa sắc thái “ai” cũng riêng lẻ, xa cách không thể chạm vào nhau như hai người ở hai thế giới khác nhau có gọi mãi cũng không thể nào đồng điệu.
Thơ Hàn Mặc Tử bao giờ cũng là tiếng lòng tha thiết với cuộc đời dù cho đó là thanh âm trong trẻo đầy sắc màu của khu vườn xanh tươi buổi bình minh hay nhuốm màu chia lìa của cảnh đêm trăng mộng mị. Cái hay của Đây thôn Vĩ Dạ tạo được nên bởi ngôn ngữ mộc mạc đậm chất dân gian hoà điệu với nhịp thở về quê hương réo rắt. Tính bí ẩn trong từng hình ảnh thơ, câu thơ vẫn là câu hỏi có sức bám riết day dẳng khiến cho trang thơ đã khép lại rồi mà vẫn âm ba mãi “lá trúc che ngang mặt chữ điền” và “có chở trăng về kịp tối nay”. Thật thiếu sót khi bỏ qua ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn, văn chương siêu thực phương Tây trong thơ Hàn Mặc Tử. Tất cả đã tạo nên cái tôi hợp tan vô định và những vẻ đẹp khác thường trong trái tim đập vì cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh.
Đây thôn Vĩ Dạ là một sáng tác độc đáo của một người nghệ sĩ có cuộc đời quá khác thường. Tuy hạnh phúc và tình yêu không trọn vẹn nhưng thi nhân đã cháy hết mình trong quãng đời ngắn ngủi. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Với Đây thôn Vĩ Dạ cùng tình yêu quê hương, yêu người, yêu đời tha thiết quả thật Hàn Mặc Tử đã có một phút huy hoàng. Tuy vậy sợi dây đồng cảm mà người nghệ sĩ để lại không bao giờ tắt cũng không hề le lói. Nó âm ỉ trong lòng bao thế hệ, nó bừng cháy trong mối tương giao của người đi trước và người kế tục sự nghiệp văn học nước nhà.