Học Văn Cùng Cô Quyền Trang
  • Trang chủ
  • Văn Mẫu
    • Văn Mẫu Lớp 12
    • Văn Mẫu Lớp 11
    • Văn Mẫu Lớp 10
    • Văn Mẫu Lớp 9
    • Văn Mẫu Lớp 8
    • Văn Mẫu Lớp 7
    • Văn Mẫu Lớp 6
  • Soạn Văn
    • Soạn Văn Lớp 12
    • Soạn Văn Lớp 11
    • Soạn Văn Lớp 10
    • Soạn Văn Lớp 9
    • Soạn Văn Lớp 8
    • Soạn Văn Lớp 7
    • Soạn Văn Lớp 6
  • Kênh Youtube
No Result
View All Result
Học Văn Cùng Cô Quyền Trang
No Result
View All Result
Home Văn Mẫu Văn Mẫu Lớp 11

Cảm nhận bài thơ Chiều tối (Mộ) – Hồ Chí Minh – Văn Mẫu 11

Hồ Quyền Trang by Hồ Quyền Trang
in Văn Mẫu Lớp 11

Cảm nhận bài thơ Chiều tối (Mộ) Hồ Chí Minh – Văn mẫu 11

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già”

(Bác ơi! – Tố Hữu)

Theo chân Bác, ta tìm thấy một vị lãnh tụ đã dành cả cuộc đời mình cho dân cho nước, một chiến sĩ cách mạng kiên trung với lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và một vị cha già dành trọn tình thương cho toàn thể đồng bào. Theo những vần thơ ta lại lần nữa bắt gặp chân dung một con người có tầm vóc lớn. Tầm vóc này đặt trong ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, tụ ý mà vẫn rộng mở tấm lòng lộng gió trước thời đại, bao la trước số phận con người. “Trong thơ Bác, trữ tình và tự sự, lãng mạn và hiện thực, cổ động và giáo dục, phản ánh và triết lý…đã kết hợp với nhau thật chặt chẽ, một cách nghệ thuật” (Hoàng Trung Thông) Điều này ta nhìn thấy ở tập thơ Ngục trung nhật ký mà bài thơ Chiều tối (Mộ) là minh chứng tiêu biểu cho lối thơ ý tại ngôn ngoại đậm chất hiện đại pha lẫn bút pháp cổ điển của Bác. Bài thơ là tiếng nói yêu thiên nhiên, yêu tự do và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của người tù cách mạng đang trong lúc bị cảnh lưu đày nơi đất khách.

          Sinh thời, Hồ Chí Minh không cố tâm trở thành một người nghệ sĩ gầy dựng một sự nghiệp văn chương lớn lao. Điều mà Bác muốn là dùng ngòi bút đắc lực của văn chương phục vụ cho sự nghiệp cách mạng “nhà thơ cũng phải biết xung phong”. “Trong mạch máu chảy ra phải là máu” (Lỗ Tấn), chất thơ tuôn ra từ một con người tầm vóc phải là kết tinh của một tiếng nói lớn, một tấm lòng lớn giữa cuộc đời. Tập thơ Nhật ký trong tù là tiếng nói phản ánh bộ mặt gian xảo, lố bịch, rỗng tuếch của bọn cầm quyền Tưởng Giới Thạch, là lời kêu gọi tự do, công bằng, bác ái cho tầng lớp cùng khổ và cũng là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Bác thông qua tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống.

          Với 134 bài thơ bằng chữ Hán (kể cả bài thơ đề từ), Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù) được xem là kết tinh rực rỡ của dòng văn học chữ Hán ở giai đoạn cuối cùng. Tuy vậy, những sáng tác của Bác trong tập thơ này được xem là “bình cũ rượu mới” vẫn đậm chất Đường thi mà không hề Đường thi, vẫn giàu hình ảnh cổ điển mà lại mang tâm hồn thời đại. Trong chất văn chương bác học vẫn có chỗ đứng cho hình ảnh thơ nôm na, bình dị.

          Chiều tối (Mộ) là một trong những bài thơ tiêu biểu được rút ra từ Nhật kí trong tù được Bác viết trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Người xưa thường xuất khẩu thành văn trong lúc thưởng nguyệt, thưởng hoa, đối ẩm cùng tri kỷ. Vậy mà Hồ Chí Minh lại viết thơ trên đường chuyển lao gian khổ và liên tục trong suốt 13 tháng tù đày. Phải bản lĩnh phi thường và cốt cách thanh cao mới vượt qua mọi hoàn cảnh, tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng, vào sự tất thắng của cách mạng. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật nhưng cách chuyển ý trong mạch thơ lại không hoàn toàn theo cấu trúc chung: khai, thừa, chuyển, hợp. Sự vận động trong mạch ngầm của ý, mạch riêng của tình tạo nên cái riêng, độc đáo và mới lạ trong phong cách Hồ Chí Minh, ấy cũng là điểm nổi bật cần khám phá của bài thơ. Có thể chia bài thơ thành hai phần, hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên trên đường chuyển lao được cảm nhận bằng tâm hồn thi nhân giàu cảm xúc, hai câu thơ sau là bức tranh đời sống được nhìn thông qua đôi mắt của một người tù Cách mạng có tấm lòng nhân đạo cao cả.

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

 

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.”

(Nam Trân)

Trong chiếc rễ xanh hút nhựa sống từ tình yêu với thiên nhiên, Hồ Chí Minh quên mất hoàn cảnh bị tù đày, người tù phi thường ấy, tay đeo gông cùm còn đôi mắt thì hướng lên bầu trời nơi có đám mây và cánh chim chiều.

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Những nét vẽ quen thuộc của Đường thi “quyện điểu”, “cô vân” đã mở ra một bức tranh rộng lớn, ở đó có chiều cao của bầu trời và phản chiếu cả chiều rộng của mặt đất. Lấy cái cao xa để nói cái rộng lớn, lấy cái rộng lớn để nói cái bé nhỏ cũng là bút pháp cổ điển. Trong cảnh có tình, nhìn cảnh ta thấy được bước đi của thời gian. Cánh chim và chòm mây đang vận động trong vũ trụ bao la, sự rộng lớn của bầu trời đối lập với sự bé nhỏ của đôi cánh đã tạo nên cho bức tranh một nét vẽ mang màu sắc ảm đạm, đầy tâm sự. Cánh chim ấy như chở cả trời chiều, như vận vào người cả hoàng hôn phủ xuống. Câu thơ không có dấu hiệu của thời gian nhưng vẫn diễn tả được bước đi của thời gian là cái hay của thơ Đường mà ta vẫn tìm thấy trong tiếng lòng của cụ Nguyễn Du.

“Chim hôm thoi thót về rừng

Đóa trà my đã ngậm trăng nửa vành”

(Truyện Kiều)

Cái tôi cá nhân giấu vào giữa vũ trụ, đặt mình trong cái vô cùng của không gian và những chuyển biến mang tính tượng trưng của thời gian. Vậy nên cái “thiên không” đã chiếm quá nửa bức tranh thiên nhiên mà điểm xuyết chỉ có “quyện điểu” và “cô vân”. Để thấy tâm và cảnh không tách rời mà hoà quyện vào nhau, tâm sinh cảnh, cảnh vẽ tâm. Nhìn vào vũ trụ vô tận để thấy được sự đối lập của cánh chim và chòm mây cũng là sự đối lập giữa người tù đang bước những bước mỏi mòn trên đường chuyển lao dường như kéo dài, triền miên mà thời gian hay không gian đều đối lập lại con người.

          Không thể phủ nhận độ hàm súc và khả năng dồn nén ý tình của thơ Đường. Đôi khi chỉ cần độc vận là có thể mở ra nhiều nét nghĩa. Trường hợp điển hình cũng là kí hiệu rất đặc biệt của thơ xưa đó là chữ “cô”. Khi “cô” kết hợp với một số danh từ và hiếm với động từ sẽ tạo ra những cụm từ mang ý nghĩa cô đơn, lẻ loi, trơi trọi: cô đăng (ngọn đèn lẻ loi) cô thuyền (con thuyền đơn độc), cô bồng (mồ côi, lẻ loi)…Riêng cô vân thì đã nhiều lần xuất hiện trong thơ Đường.

“Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn”

(Độc tọa Kính Đình sơn)

“Chim bầy vút đi mất

Mây lẻ đi một mình”

(Lý Bạch)

Hay tâm sự của người thầy Chu Văn An ví thân mình như áng mây cô đơn lưu luyến chốn xưa, lòng không vướng bận chuyện công danh thế sự.

“Thân dữ cô vân trường luyến tụ,

Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan”.

(Xuân Đán)

Trong câu thơ của Bác, chính xác không phải một chòm mây trôi nhẹ thong dong mà là một áng mây cô độc, lẻ loi “cô vân”. Áng mây này là áng mây tâm trạng, nó là một thực thể trong vũ trụ bao la nên cũng thấm đẫm tâm hồn vũ trụ. Nói cách khác nỗi buồn man mác của vũ trụ đã khiến áng mây đơn độc kia trở nên càng trơ trọi, càng chở nặng tâm sự con người. Vậy ở hai câu thơ này, nếu chỉ lấy hình ảnh áng mây và cánh chim làm trung tâm, chúng ta chỉ nhìn được thơ Bác đã kế thừa tinh hoa thơ Đường. Tuy vậy trong trí tuệ của một con người hiểu biết sâu rộng về Hán học còn là một nhà chiến sĩ có tâm hồn rộng mở của thời đại và một nhân cách đậm đà Việt Nam. Vì thế mà ngay những chất liệu tưởng chừng đã cũ, Bác cũng khiến nó có sức sống mới, lối đi mới.

          Trước hết ở hình ảnh cánh chim. Thơ xưa chú trọng vẽ những cánh chim với sự chuyển động vật lý mà mắt thường có thể nhìn thấy. Sự chuyển động này kéo theo bước đi của thời gian và trở thành một phần của vũ trụ. Cánh chim trong thơ Bác mới lạ ở sự chuyển động tâm lý chỉ có thể dùng tâm lý mà cảm nhận được. “Quyện điểu” nghĩa là chim mỏi mở ra chiều sâu tâm trạng của một người tù đang chịu cảnh xiềng xích mà vẫn có thể mở lòng để cảm thương cho số kiếp một cánh chim trời. Tình thương mến chan hòa của một con người đặt mình vào vạn kiếp phôi pha đã tạo nên sợi dây đồng cảm giữa cánh chim nhỏ bé kia và tâm hồn nhạy cảm của người thi sĩ.

          Nếu nhìn theo góc độ này thì rõ ràng cảnh vật không chi phối tâm trạng hoàn toàn như thơ xưa mà chính tâm thế của con người mới làm chủ được cái buồn, vui của cảnh vật. Dẫu chim có mỏi vẫn làm chủ được chuyến hành trình chứ không lạc lõng giữa khoảng không vô định. Cái mới lạ ở cánh chim là dù có lẻ loi vẫn tìm thấy đích đến “tầm túc thụ” tìm chốn nghỉ ngơi ở rừng. Từ cái nhìn thương cảm, Bác đã tìm thấy sự đồng cảm nơi cánh chim trời và hoàn cảnh của bản thân hiện tại. Bác có khác gì cánh chim kia đang bay mỏi giữa xa lạ không trung sau những chuyến giải lao bất kể thì giờ, sau những đoạ đày thể xác mà bọn cầm quyền cố tình làm trì hoãn chuyến hành trình của Bác.

“Lại thương nỗi: đọa đày thân Bác

Mười bốn trăng tê tái gông cùm

Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc

Mà thơ bay… cánh hạc ung dung!”

(Theo chân Bác – Tố Hữu)

Thế nên dẫu cánh chim kia có mỏi thì đôi mắt vẫn hướng về phía rừng tìm chốn ngủ. Một chiếc tổ yên bình, một không gian quen thuộc của nơi mình sinh ra, lớn lên sẽ là mơ ước cháy bỏng của cánh chim chiều. Niềm an ủi lớn nhất sau một chuyến bay đường dài chẳng thể là nơi nào khác ngoài chốn ngủ. An ủi cánh chim tội nghiệp, Bác cho chúng ta thấy được chính tinh thần lạc quan đối với hoàn cảnh hiện tại của bản thân. Sự mệt nhọc của thể xác không ngăn được trái tim nôn nóng hướng về quê hương, tổ quốc. Phía chiếc tổ của cánh chim hẳn là khoảng trời bình yên xứ sở, hẳn là dòng sông xanh, cây đa, bến nước và những đôi mắt trẻ thơ mong mỏi vị cha già. Cái nhìn bao dung ấy ẩn chứa cả cái nhìn tin tưởng vào con đường Cách mạng, cái nhìn kiên quyết không một phút lung lay của người chiến sĩ thành đồng. Chỉ bằng chi tiết “tầm túc thụ” Bác Hồ đã gửi gắm vào đây bao nhiêu hy vọng, mong một ngày cơm no áo ấm đến khắp muôn nhà, mong dân tộc sớm được yên bình để cánh chim lẻ loi kia là cánh chim reo vui giữa bầu trời hòa bình. Không còn là một tù nhân trên đường giải lao nữa, câu thơ nâng đôi chân Bác thành một hành nhân đang đi tiếp con đường tìm hình cho đất nước.

“Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất

Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai

Thế đi đứng của toàn dân tộc

Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người”

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

          Để hiểu rõ cái hay của hai câu thơ đầu và cả bài thơ, chúng ta nên bám sát vào ý nghĩa của phần phiên âm hơn là dừng lại ở bản dịch thơ. Do công việc dịch thơ muôn phần khó khăn. Thông thường để chuyển tải được linh hồn nguyên bản thì cần phải đảm bảo chuyển cả ý và cả vần điệu, luật thơ. Nếu nghiêng về vần thì lỗi ý, thiên về ý thơ thì lại không đảm bảo vần điệu. Vậy nên ở phương diện bản dịch thơ thì có những chỗ chưa thật sự toát lên được cái linh hồn, cấu tứ của nguyên tác vẫn là chuyện có thể hiểu được. “Mạn mạn” chỉ sự chuyển động chậm không chỉ do sức nặng mà còn do quãng đường xa. Một số trường hợp khác mạn mạn được dùng với nghĩa chỉ độ dài vô tận: mạn mạn trường dạ (đêm dài dằng dặc)  Bản thân từ láy hiếm gặp trong Hán Việt này mang thanh điệu tiếng Việt nên chuyển tải được cả ý nghĩa của sức nặng ngay ở hình thức. Thanh nặng như đè nén từng bước đi của “cô vân” để từ đấy người tù mượn ngôn ngữ mà phản ảnh chế độ, mượn hình ảnh thiên nhiên mà bộc lộ tiếng nói đấu tranh. Chính bọn Tưởng Giới Thạch vô lý bắt bớ người tù như Bác rồi chúng cũng vô cớ giải đi khắp nơi trong những lúc nửa đêm mắt mờ, chân mỏi, ngày chỉ ăn được ít cháo lỏng mà phải chịu cảnh sương tuyết bên ngoài. Bọn chúng xem sự tự do của con người như một trò đùa.

“Đã giải đến Nam Ninh,

Lại giải về Vũ Minh;

Giải đi quanh quẹo mãi,

Kéo dài cả hành trình.

Bất bình!”

(Giải vãng Vũ Minh)

Sự bất bình trước cái ác cái xấu luôn thường trực trong con người đề cao tự do, bác ái như Bác. Nên trong nhiều bài thơ khác bộ mặt xấu xa của bọn cầm quyền được lột tả bằng giọng điệu bông lơn.

“Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.”

(Lai Tân – Bản dịch Nam Trân)

Chất hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh dù nằm ngay trong hình thức thơ Đường vẫn như một chồi non liên tục cựa mình sau lớp vỏ để đợi đến lúc thích hợp sẽ bật lên thành chiếc nụ xanh tươi. Hai câu thơ cuối bài chất hiện đại nằm ngay ở chủ thể con người trở thành tâm điểm của bức tranh chứ không phải thiên nhiên nữa. Con người, cụ thể là một thiếu nữ miền sơn cước hiện ra rõ nét với công việc xay ngô thường nhật.

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Hình ảnh con người vẫn xuất hiện trong thơ xưa nhưng chỉ thấp thoáng qua vài chi tiết phác hoạ như:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

(Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

Nay con người trong thơ Bác hiện lên chiếm trọn bức tranh sinh hoạt. Đâu chỉ thế nếu người xưa thường tập trung vào một bối cảnh không gian vũ trụ hoặc không gian đời sống trong cùng một tác phẩm thơ thì Hồ Chí Minh lại đem hai không gian một cao rộng một gần gũi, phạm vi nhỏ của cảnh sinh hoạt trong một gia đình trong cùng một bài thơ vỏn vẹn 28 âm tiết. Sự thay đổi không gian diễn ra một cách tự nhiên thuận theo phía đôi mắt và trái tim lúc nào cũng đập vì cuộc sống của Bác. Tuy không gian sống có thu nhỏ lại đối lập với bầu trời cao rộng ban đầu nhưng không hề cảm thấy chật hẹp, nhỏ bé mà lại ấm áp, thân quen đến lạ. Sự thân quen này là do cuộc sống lao động của “sơn thôn thiếu nữ”. Xay ngô là công việc mỗi ngày không thể không làm dù cho thời gian không còn sớm, dù đã đến lúc nghỉ ngơi.

Vẻ đẹp lao động bao giờ cũng khiến người ta tìm được chút bình yên dù cho Bác đang ở nơi xa xôi đất khách thì tấm lòng hướng về cuộc đời vẫn không ranh giới địa lý nào cản trở. Trong trái tim của người cộng sản, không có người đất nước này, dân tộc khác mà chỉ có giai cấp vô sản và những kẻ cầm quyền bóc lột. Tình người hòa quyện với tình yêu giai cấp đã khiến câu thơ thấm đẫm giá trị nhân đạo nhân văn. Nét đẹp nằm ngay trong bàn tay lao động, trong hạt ngô xay thấm ướt mồ hôi. Giấc mộng cơm no, áo ấm của giai cấp cần lao ở đâu cũng đáng trân trọng. Người tù quên mình là cánh chim mỏi, chòm mây đơn độc mà hướng đến sự sống đang ủ “hồng” bếp lửa.

          Cái hay của hai câu thơ nằm ngay ở phép điệp “ma bao túc”, “bao túc ma hoàn” tạm dịch ra là “xay ngô”, “ngô vừa xay xong”. Hình ảnh thơ không có từ nào biểu thị nghĩa “tối” như trong phần dịch thơ “xay ngô tối”. Điểm đặc biệt của bài thơ Chiều tối nằm ở chỗ trong cả bài dù không có bất cứ từ ngữ nào chỉ thời gian tối mà ta vẫn nhận ra sự chuyển biến này. Phép điệp liên hoàn có tính gợi hình và gợi cảm ấn tượng. Trước hết nó diễn tả được những vòng quay của chiếc cối đều đặn, liên tục, theo chu kỳ và tưởng chừng không dứt của công việc xay ngô. Từ đấy mà bộc lộ được tấm lòng cảm thông của Bác trước sự vất vả, chăm chỉ của người lao động sống nơi miền sơn cước heo hút này.

          Nhịp điệu luân chuyển của cối xay ngô tạo cho chúng ta cảm giác rằng thời gian cũng từ đấy mà luân chuyển từ chiều đến tối. Thời gian không theo sự thay đổi của nhịp điệu thiên nhiên mà vận hành theo nhịp điệu làm lao động mới thật sự rất mới mẻ, đời thường. Điệp ngữ “ma bao túc” còn tạo ra một vòng quay thu nhỏ không gian từ thiên nhiên cao rộng của bầu trời đến không gian nhỏ của cảnh bếp lửa hồng.

          Không dừng lại ở những ý nghĩa trên, phép điệp vòng gợi cảm giác về cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống con người thấp cổ bé họng, những kiếp cần lao vất vả quanh năm mà vẫn quanh năm nghèo đói. Sự ngột ngạt, tù túng không lối thoát này do bọn cầm quyền Tưởng Giới Thạch mà ra. Thế mới thấy chất thép trong thơ người đâu chỉ là tinh thần kiên trung, quả cảm cần có nơi người chiến sĩ cách mạng mà còn là tính chiến đấu, tính phản ánh hiện thực và tố cáo những việc làm phi nghĩa, những con người phi nhân và những chế độ phi đạo đức. Điều này Bác đã ngầm nói ra khi cất tiếng khóc thương cho thân phận một đứa trẻ phải lớn lên trong ngục tối chỉ vì cha mình chịu tội trốn lính.

“Oa… oa… oa…

Cha trốn không đi lính nước nhà

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

Phải theo mẹ đến ở nhà pha”

(Tân Dương ngục trung hài)

Tâm điểm của cả bài thơ quy tụ lại vẫn là chữ “hồng”. Với nhan đề chiều tối nhưng sự vận động của mạch thơ lại từ bóng tối ra ánh sáng chứ không từ hoàng hôn đến tối. Nghệ thuật lấy ánh sáng để nói bóng tối rất thú vị vì chỉ có khi bóng tối đã dày đặc thì ánh sáng mới càng bừng lên rực hồng. Tuy vậy chỉ nhìn “hồng” ở góc độ màu sắc thì vẫn chưa hiểu hết dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Dựa trên nguyên tác bằng chữ Hán thì chữ “hồng” ở bài thơ này có bộ hoả chỉ nghĩa nhóm lửa lên, đốt lên, cháy lên chứ không phải chữ “hồng” có bộ mịch chỉ màu sắc. Nếu vậy câu thơ cuối lại cho chúng ta một tín hiệu sum vầy trong cảnh chiều tà khi mà thời điểm này chính là lúc sum họp gia đình trong bữa cơm tối, lúc ngô vừa xay xong, lửa đã rực cháy.

          Ánh sáng của bếp lửa đỏ rực mới thật sự tạo nên sự rung động cho người đọc về niềm hy vọng được nhóm lên từ chính bàn tay lao động, chính cuộc sống cần lao. Phải chăng trong lúc tù đày người chiến sĩ vẫn nhìn ra được thành quả khi mình đã kỳ công nhóm bếp. Bếp than hồng cách mạng đang âm ỉ ở quê nhà đợi thời cơ đang đến. Chẳng còn bao lâu nữa, chỉ cần sự kiên định của Bác chiến thắng bọn cường quyền sẽ là ngày Bác trở lại quê hương để tiếp tục thổi bếp than hồng tinh thần yêu nước cháy bừng.

          Ngọn lửa từ chữ “hồng” còn là ngọn lửa của tình yêu con người luôn thường trực trong trái tim ấm nóng của Bác. Không gì khác tình thương rộng lớn đã làm nên đức hi sinh, sự vĩ đại của tấm lòng vị lãnh tụ nhân dân, một người cộng sản có cuộc đời gần gũi với nhân dân thế giới. Có lẽ thế mà không ít những nhà thơ, nhà văn trên thế giới ngợi ca về Bác. Trong đó có lời của một nhà văn người Haiti sang thăm Bác năm 1961 đã nói: “ Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình một anh hùng của thời đại chúng ta”.

          Bài thơ Chiều tối (Mộ) là sự kết tinh của bút pháp cổ điển kết hợp hiện đại trong tập thơ Nhật kí trong tù. Thể thơ Đường luật, chất liệu Đường thi mà vẫn toát lên được tinh thần thời đại do thế đứng của con người trước thiên nhiên, vũ trụ. Sự vận động của không gian, sự luân chuyển thời gian cũng tạo ra cái nhìn mới mẻ qua đôi mắt luôn tin tưởng, lạc quan ở tương lai, quy luật tất yếu của cuộc sống hết đông tàn sẽ đến mùa xuân, hết bóng tối sẽ trở về ánh sáng. Nhiều biện pháp tu từ hiện đại như láy, điệp ngữ vòng, ẩn dụ cũng xuất hiện trong bài thơ để hoàn tất nhiệm vụ tạo nên nhiều tầng ý nghĩa trong bài thơ. Cũng từ các tầng ý nghĩa này mà chúng ta hoàn tất những phác thảo về chân dung Hồ Chí Minh, một người “đại nhân, đại trí, đại dũng”.

Hồ Chí Minh – tên người là cả một niềm thơ, một niềm hy vọng, niềm tin yêu tất thắng của lẽ phải, công bằng và bác ái. Theo chân Bác để từ “Chiều tối” đất nước đi về phía bình minh, phía những bước chân thế hệ nối tiếp nhau giữa hoa nở đời thường.

“Nước Việt Nam nghìn năm Đinh, Lý, Trần, Lê

Thành nước Việt nhân dân trong mát suối

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc mới

Những đời thường cũng có bóng hoa che”

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

ShareTweetShare

Related Posts

Cảm nhận bức tranh phố huyện nghèo lúc chiều tối truyện ngắn Hai đứa trẻ – Thạch Lam

Cảm nhận bức tranh phố huyện nghèo lúc chiều tối trong truyện ngắn Hai đứa...

Cảm nhận chuyến tàu đêm qua phố huyện – Cảnh đợi tàu – Truyện ngắn Hai đứa trẻ – Thạch Lam

Cảm nhận về hình tượng chuyến tàu hy vọng đi qua phố huyện trong đêm...

Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử – Văn Mẫu 11

Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử - Văn Mẫu...

Cảm nhận Khổ 3, 4 bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu – Văn Mẫu 11

Cảm nhận khổ 3 và khổ 4 bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu -...

Cảm nhận 2 khổ thơ cuối Tràng Giang – Huy Cận – Văn mẫu 11

Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài thơ Tràng giang – Huy Cận - Văn...

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu Tràng Giang – Huy Cận – Văn mẫu 11

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang – Huy Cận - Văn...

Load More

Để lại một bình luận Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

No Result
View All Result

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Kể (trải nghiệm) về việc tốt em đã làm – Văn Mẫu lớp 6 (hoặc lớp 8)

Soạn bài Ôn tập cuối kì II – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Ôn tập trang 113 – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Thuyết trình về sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay

Soạn bài Viết bài luận về bản thân – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Tôi có một giấc mơ – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 100 – Chân trời sáng tạo

Soạn bài Đất nước – Chân trời sáng tạo

DMCA.com Protection Status
No Result
View All Result
  • Trang chủ
  • Văn Mẫu
    • Văn Mẫu Lớp 12
    • Văn Mẫu Lớp 11
    • Văn Mẫu Lớp 10
    • Văn Mẫu Lớp 9
    • Văn Mẫu Lớp 8
    • Văn Mẫu Lớp 7
    • Văn Mẫu Lớp 6
  • Soạn Văn
    • Soạn Văn Lớp 12
    • Soạn Văn Lớp 11
    • Soạn Văn Lớp 10
    • Soạn Văn Lớp 9
    • Soạn Văn Lớp 8
    • Soạn Văn Lớp 7
    • Soạn Văn Lớp 6
  • Kênh Youtube

error: Content is protected !!