Phân tích hình tượng nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Khi bàn về những vấn đề ước mơ, lý tưởng trong văn học, có ý kiến cho rằng “Ở một nhà văn, ước vọng là hiện thân của tính khí thực, bị dồn ép không được quyền phát triển”. Soi mình vào tác phẩm thơ Nôm bậc nhất – Truyện Kiều, chúng ta nhìn nhận khách quan về ước mộng Từ Hải được Nguyễn Du gửi gắm thông qua nhân vật anh hùng này. Từ Hải, người anh hùng được Nguyễn Du cất công xây dựng mang đậm dấu ấn thời đại lại mở ra cách nhìn mới mẻ gắn với lý tưởng đấu tranh vì tự do, công lý. Có thể nói Từ Hải là nhân vật chiếm nhiều tình cảm của nhà thơ trong suốt thiên truyện và cũng là hình tượng trung tâm trong đoạn trích Chí khí anh hùng.
Sống trong thời đại đầy biến động khi mà những cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra liên tục, chỉ trong một thời gian ngắn từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến đầu XIX mà sự đổi ngôi của các vương triều có thể đếm được, Nguyễn Du đã thấm thía nỗi đau phận mình, phận người. Có lẽ thế mà Truyện Kiều ra đời không chỉ do ảnh hưởng của nội dung tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện mà còn xuất phát từ sự ưu thời mẫn thế của Nguyễn Du.Truyện Kiều vượt ra ngoài giới hạn của một tiểu thuyết bằng thơ trở thành câu chuyện của cuộc đời, về lòng người và đặc biệt thông qua việc xây dựng nhân vật Từ Hải, Nguyễn Du cho chúng ta cái nhìn mới lạ về hình mẫu người anh hùng lý tưởng.
Đoạn trích Chí khí anh hùng gồm 18 câu từ câu 2213 đến câu 2230, nằm trong phần hai Gia biến và lưu lạc. Sau khi Từ Hải đã cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, giúp nàng có được danh phận và báo ân, báo oán. Khoảng thời gian hạnh phúc lứa đôi chưa được bao lâu thì Từ Hải từ biệt Kiều lên đường. Theo cấu trúc thông thường của đoạn trích Chí khí anh hùng, có thể chia thành ba phần: Phần một: giới thiệu khái quát về Từ Hải, phần hai: cuộc đối thoại giữa Kiều và Từ Hải, phần ba: Hình ảnh Từ Hải lên đường. Tuy nhiên để thấy rõ những nét đẹp trong phẩm chất của người anh hùng này, chúng ta nên cảm nhận đoạn thơ theo từng nét tính cách tiêu biểu tìm thấy ở nhân vật.
“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”
Trước hết Từ Hải là có hoài bão lớn lao và tầm vóc phi thường. Trong văn chương trung đại, hình tượng người anh hùng luôn nổi bật với lý tưởng, ước mơ to lớn “vá trời lấp biển”. Hình tượng này bắt nguồn từ tư tưởng Nho giáo đặt vào người được cho là trang nam nhi. Đã sinh ra là một nam nhi thì phải lấy công danh, sự nghiệp làm trọng, sau đó là mong tên tuổi lưu danh thiên cổ.
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
(Phạm Ngũ Lão)
Nhìn ở góc độ này thì hình tượng Từ Hải cũng chưa thoát khỏi hình mẫu của người anh hùng lý tưởng thời xưa. Ở hai câu thơ đầu những từ ngữ “trượng phu”, “lòng bốn phương” đã cho thấy tầm vóc cao bằng trời, to bằng bể của Từ Hải. “Trượng phu” là cách gọi tôn kính đối với những bậc nam nhi gánh vác trọng trách lớn. Trong cả thiên Truyện Kiều có nhiều nhân vật nam như Từ Hải, Kim Trọng, Hồ Tôn Hiến…trong số họ vẫn có những người đáng mặt làm trai nhưng Nguyễn Du chỉ duy nhất dùng “trượng phu” để gọi Từ Hải. Điều đó cho thấy tấm chân tình mà Nguyễn Du đặt vào nhân vật này không dừng ở sự ngưỡng mộ mà còn là kỳ vọng.
Trọng trách làm trai là vùng vẫy bốn phương cho thỏa chí tang bồng và cũng là không phụ tấm lòng mong mỏi của gia đình. Để khắc hoạ tầm vóc phi thường của Từ Hải, Nguyễn Du đặc biệt dùng từ “thoắt”. “Thoắt” nhanh chóng, vội vàng, lập tức, đây được xem là sự trỗi dậy mãnh liệt của hùng tâm tráng chí trong lúc “hương lửa đang nồng”. Sống cùng với tri âm, tri kỷ trong thời gian son sắt hạnh phúc nhất của lứa đôi “nửa năm”, thời gian ấy còn chưa thỏa nỗi yêu thương vậy mà Từ Hải “thoắt” lên đường. Cách nói ước lệ “hương lửa đang nồng” ngoài chỉ hạnh phúc lứa đôi nồng thắm thì còn làm nền để bộc lộ được chí khí làm trai của Từ Hải. Nếu không có ước vọng lớn lao, không có lý tưởng sống thì làm sao Từ Hải có thể đành lòng mà ra đi. Sức mạnh ý chí phải là sắt đá, lòng kiên định phải là núi cao thì mới “động lòng bốn phương” trong lúc người ta dễ bị hạnh phúc lứa đôi làm cho mềm lòng.
“Lòng bốn phương” là hình ảnh tượng trưng, ước lệ cho chí nguyện lập nên công danh, sự nghiệp. Đoạn thơ còn sử dụng hình ảnh ước lệ “trời bể mênh mông” để chỉ khoảng không gian rộng lớn, vùng trời cao xa, nơi mà người làm trai có thể lập công danh, làm nên sự nghiệp. “Thanh gươm, yên ngựa”biểu tượng cho khát khao chinh phục, chiến đấu và chiến thắng cường quyền. Cả ánh mắt “trông vời” cũng tượng trưng cho chí hướng cao cả, tâm hồn lộng gió, yêu tự do, căm thù bất công.Từ những ước lệ của thiên nhiên mang kích thước to lớn, nhà thơ muốn nâng tầm Từ Hải sánh ngang trời đất, làm chủ của thiên nhiên, vũ trụ.
Dù mang nhiều nét ước lệ, gần giống với hình tượng người anh hùng trong văn chương trước đó nhưng Nguyễn Du đã tài tình ở chỗ tìm ra được điểm mới ngay trong cái cũ. Sự khác biệt của Từ Hải là mục đích lên đường. Nhìn chung, lý tưởng của người anh hùng thời phong kiến là hết lòng vì nghĩa lớn, phò vua, giúp nước theo kiểu “trung quân, ái quốc”. Mục đích này luôn luôn được Nho giáo đề cao và nhà nước phong kiến cổ suý. Tuy vậy riêng Từ Hải không ra đi vì mục đích ấy. Nguyễn Du đã cố tình làm mờ đi mục đích cho sự ra đi của Từ Hải chỉ thông qua vài hình ảnh mơ hồ “lòng bốn phương”, “trời bể mênh mông”. Ngay ở đoạn thơ sau cũng chỉ tìm thấy những chi tiết, dấu hiệu chung chung “thanh gươm, yên ngựa, thẳng giong..” Để làm rõ điều này chúng ta cần quan tâm đến thời cuộc mà Nguyễn Du đang sống. Bấy giờ đâu đâu cũng nổ ra những cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại sư cường hào, áp bức của giai cấp thống trị. Trong bối cảnh ấy bóng dáng của người anh hùng nhân dân xuất hiện. Đó là người anh hùng đứng về phía nhân dân, đấu tranh cho tự do, công lý, lật đổ bọn cường hào, đem đến lẽ phải cho kẻ yếu thế. Ở góc độ chính quyền phong kiến thì những kẻ lãnh đạo nhân dân lật đổ chính quyền là giặc. Thế nên hình mẫu anh hùng này đi ngược với cái nhìn chính thống . Riêng Nguyễn Du và một số nhà chí sĩ có tư tưởng tiến bộ thì đây chính là luồng gió mới tác động sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm của họ. Đến lúc này chúng ta mới hiểu vì sao Từ Hải không được tô đậm mục đích ra đi trong đoạn trích đồng thời khẳng định rằng nhân vật Từ Hải chính là tiếng nói đòi tự do, công lý của Nguyễn Du.
Đâu chỉ tạo ấn tượng đặc biệt với hoài bão, ước vọng lớn lao, Từ Hải còn được khắc hoạ với khẩu khí ngang tàng, kiêu bạt thông qua đoạn đối thoại giữa Kiều và Từ Hải.
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”.
Quyết định ra đi đột ngột của Từ Hải khiến Kiều ngạc nhiên. Theo tâm lý của một người vợ, nhất là khi người vợ trẻ còn đang say sưa trong hương lửa thì Kiều đã ngỏ lời mong muốn được theo chồng để “nâng khăn sửa túi”. Nàng vịn vào đạo đức của Nho gia cũng là lẽ nên làm của người vợ “xuất giá tòng phu” để được sự đồng ý của Từ Hải. Thế nhưng Từ Hải đã từ chối. Nàng với ta là tâm phúc tương tri, hiểu nhau rõ về nhau, cớ sao không cổ vũ, động viên ta thực hiện ý nguyện của mình mà lại dùng thói nữ nhi thường tình mà làm bận lòng khách giang hồ? Ngay trong lúc này giọng điệu của Từ Hải hào sảng, đầy khí khái nhưng với một người chân tình như Kiều, Từ Hải vẫn giữ sự ôn tồn. Chàng trách cứ nhẹ nhàng, lời nói quyết liệt chứng tỏ Từ Hải không hề có chút do dự hay nao núng lúc lên đường cũng không vì tình cảm cá nhân mà làm cho bịn rịn. Sự quyết liệt này không đồng nghĩa với sự tàn nhẫn hay lạnh lùng mà cũng xuất phát từ sự quan tâm của Từ Hải dành cho Kiều. Điều này chúng ta thấy rõ ở những lời động viên, hứa hẹn đầy thuyết phục phía sau.
“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”
Những hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng”, “bóng tinh”, “rõ mặt phi thường” đều có ý nghĩa tạo dựng một viễn cảnh không xa ngày Từ Hải trở về. Hình ảnh ấy cũng là nét phác thảo cho mong muốn và quyết tâm cao độ chàng phải đạt được trong chuyến hành trình. Trước hết là phải tập hợp được “mười vạn tinh binh”, cách nói ước lệ của đội quân hùng hậu, đông đảo. Qua đó chúng ta thấy khẩu khí ngang tàng và ý nghĩ táo bạo của một anh hùng dám nói, dám làm, dám nghĩ đến những chuyện kinh thiên động địa và quan trọng vẫn là ý chí thực hiện cho bằng được khát vọng ấy.
Hãy nhớ rằng trước khi ra đi, Từ Hải chỉ một mình với yên ngựa, thanh gươm và phía trước là bốn bể “bằng nay bốn bể không nhà”. Bản thân Từ Hải còn chưa biết đi về đâu nên mới không muốn Kiều lưu lạc chân trời góc biển cùng mình. Dù vậy Nguyễn Du vẫn cho chúng ta cái nhìn rất tin tưởng ở nhân vật này bằng một lời thề quả quyết nếu không thành công thì sẽ không về. Vậy có thể nói Từ Hải ra đi không phải do bị ức hiếp, phẫn chí hay sự liều lĩnh tự phát mà là sự ra đi có chủ đích, có những tính toán, hoạch định rõ ràng. Động lực cho cuộc hành trình là tính cách mạnh mẽ, khát vọng thực hiện đại nghiệp. “Làm cho rõ mặt phi thường” chính là cách nói tượng trưng cho mong muốn chứng tỏ tài nghệ, chí tang bồng hồ thỉ.
Với đôi tay trắng như Từ Hải chỉ trong vòng một năm “Chầy chăng là một năm sau vội gì” đạt được mục tiêu xây dựng lực lượng vạn tinh binh đúng là khó mà thực hiện. Tuy nhiên cách nói dứt khoát, giọng điệu hào hùng, khẩu khí vững vàng của Từ Hải không chỉ tạo một niềm tin tưởng tuyệt đối cho Kiều mà còn là sự khéo léo để nàng an tâm chờ đợi “đành lòng chờ đó ít lâu”. Điều này còn chứng minh sự nhất quán trong tính cách phi thường của người anh hùng đối với hoài bão lớn và tình cảm sâu đậm dành cho Thuý Kiều.
Ở hai câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn Du đã khắc hoạ chân dung một người anh hùng có hành động quyết đoán và phóng khoáng.
“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”
Đời Kiều đã trải qua nhiều tan hợp, phận má hồng hơn một lần đưa tiễn người thương lên đường. Ngày Thúc Sinh từ giã nàng để về lại quê hương, không gian và cả thời gian như nhuốm màu u sầu.
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
Cuộc chia tay của Từ Hải và Kiều lại không có chút gì dùng dằng, níu kéo bởi vì Từ Hải rất quyết đoán. “Dứt áo ra đi” một hành động thể hiện tính cách khẳng khái, mạnh mẽ của người anh hùng đội trời, đạp đất. Điều đó cũng cho thấy Nguyễn Du đã xây dựng một Từ Hải nhất quán về suy nghĩ và hành động. Dường như trong con người ấy là một ngọn lửa kiên định không có bất cứ lý do nào dập tắt. Đó mới thật là chí khí anh hùng, chí khí của những trang nam nhân làm nên đại nghiệp. Câu thơ cuối “gió mây bằng đã tới kì dặm khơi” nhắc đến hình tượng cánh chim bằng, đó là hình tượng ước lệ trong thơ xưa để nói đến chí hướng của người làm trai phải làm chuyện lớn lao, dựng công danh, sự nghiệp. Cánh chim bằng cùng với “gió mây”, “dặm khơi” đã tôn người anh hùng giữa không gian mênh mông, kỳ vĩ của gió mây. Cánh chim ấy cũng là tâm hồn tự do, phóng khoáng của Từ Hải. Không có chiếc lồng chật hẹp nào của tình cảm cá nhân có thể giam giữ được khát vọng bay cao ấy.
Đoạn trích Chí khí anh hùng sử dụng cách miêu tả ước lệ, ngôn từ đậm chất trang nhã, uyên bác kết hợp với nhiều hình tượng cổ điển đã làm nổi bật người anh hùng Từ Hải. Trong cả thiên Đoạn trường tân thanh ai oán thì hình tượng nhân vật này chính là ánh sáng lấp lánh của khát vọng tự do, công lý mà Nguyễn Du đã gửi gắm. GS. Nguyễn Lộc có cái nhìn rất xác đáng về hai nhân trung tâm của Truyện Kiều: “Thúy Kiều và Từ Hải không những là hai nhân vật chính diện trung tâm, mà về một phương diện nào đó, cũng là hai mặt của một quan niệm về cuộc sống: Thúy Kiều là bản thân cuộc sống, và Từ Hải là ước mơ về cuộc sống. Bản thân cuộc sống là hiện thực; còn ước mơ về cuộc sống là lãng mạn, cho nên hình ảnh Từ Hải căn bản là lãng mạn”
Không bi thiết như nỗi đau khổ xé lòng khi Kiều trao duyên cho em, không chán chường, tuyệt vọng lúc Thuý Kiều giam mình nơi lầu Ngưng Bích. Chí khí anh hùng là một hơi thở mới đem đến cảm giác phấn chấn, niềm hy vọng của những người khao khát vẫy vùng giữa trời bể mênh mông để giành lấy sự công bằng, bác ái. Truyện Kiều cũng từ đấy mà mới lạ, Từ Hải cũng từ đấy mà hiện thân cho tấm lòng yêu mến, cảm phục của Nguyễn Du dành cho các vị anh hùng vượt qua sức mạnh cường quyền mà đi về phía tự do.