Phân tích bài “Tựa trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương – Văn Mẫu 10 HK2
Trong suốt tiến trình văn học Việt Nam, văn học trung đại đã ghi lại dấu ấn lịch sử bằng những sáng tác tập trung vào các thể loại: chiếu, biểu, hịch, cáo, truyền kỳ, ký sự, tiểu thuyết chương hồi, phú, thơ Đường luật.. Nhìn chung thể loại văn học có phong phú nhưng vẫn còn khiêm tốn trong các tác phẩm lý luận, phê bình. Nói chính xác hơn việc tìm ra một tác phẩm mang tính chất lý luận văn học là rất hiếm. Có chăng chỉ nằm ngắn gọn trong một số lời bạt, tự ở cuối sách. Rất may cho hậu thế khi Hoàng Đức Lương đã đưa những ý kiến, quan điểm về văn chương trong lời Tựa trích diễm Thi tập. Dù không phải là một công trình lý luận chuyên sâu nhưng thông qua Tựa trích diễm thi tập, Hoàng Đức Lương đã cho chúng ta hiểu thêm về nguyên nhân tác giả thực hiện bộ sách cũng như tình cảm chân thành và niềm tự hào của tác giả đối với nền văn chương, học thuật nước nhà.
Trích diễm thi tập là một trong ba bộ hợp tuyển thơ ca trong thế kỷ XV bao gồm: Việt âm thi tập của tác giả Phan Phu Tiên – Chu Xa, Tinh tuyển chư gia luật thi của tác giả Dương Đức Nhan. Tiếp nối những hoài vọng của người đi trước, Hoàng Đức Lương đã sưu tầm, tuyển chọn những bài thơ hay thời Lý, Trần và Lê Sơ để làm quyển sách căn bản, hậu thế không cần tìm kiếm đâu xa ngữ liệu vay mượn. Nhờ vào công trình này mà chúng ta ngày nay còn lại được 6 quyển với 200 bài thơ tứ tuyệt.
Tựa (tự) được hiểu là bài viết ở đầu sách do chính tác giả hoặc một người có uy tín trong lĩnh vực soạn ra. Trích diễm thi tập do Hoàng Đức Lương tự viết cho tựa sách của mình. Phần tựa này đã nói lên cái hay của tác phẩm và trình bày ngắn gọn những đóng góp của tác giả. Tựa trích diễm thi tập sử dụng lối văn nghị luận không gò bó như văn tứ lục, có sự kết hợp giữa chất trữ tình và tự sự để diễn đạt được mong muốn tha thiết của tác giả trong phạm vi tác phẩm mang lại.
Điều đáng chú ý của phần đầu bài tựa là tác giả không dẫn dắt xa xôi, vay mượn mà nói thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Hoàng Đức Lương đã bộc bạch nguyên nhân quan trọng thôi thúc ông thực hiện bộ sách này là nhận thức được thực trạng nghiêm trọng về việc sách vở, thơ ca bị mất mát “thơ không lưu truyền hết ở đời”. Dù không nói qua nhưng lịch sử văn hoá dân tộc đã cho hậu thế sự nuối tiếc khôn cùng trước những mất mát của các sáng tác mang tính tinh hoa có thể kể đến như sự mất tích của tập thơ Thuỷ vân tùy bút của Trần Anh Tông, sự hao hụt đáng kể trong những tác phẩm còn lại của Nguyễn Bỉnh Khiêm và nỗi mất mát không gì thay thế được ở những sáng tác mà Nguyễn Trãi còn để lại sau vụ án Lệ Chi Viên. Nỗi trăn trở làm sao có thể giữ gìn được các tác phẩm thời đại trước và thời đại mình đã khiến cho Hoàng Đức Lương, một người có tinh thần dân tộc tự cảm thấy hổ thẹn khi có lỗi với những tinh hoa mà tiền nhân để lại.
Theo Hoàng Đức Lương, có bốn lý do làm thơ văn không thể lưu truyền được hết ở đời. Bắt đầu từ nguyên nhân thứ nhất chính là thơ văn không phải ai cũng có thể cảm, hiểu và thưởng thức. Tác giả đã nói “Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi”. Điều này nằm trong quan niệm sáng tác và thưởng thức của người xưa. Do một số đặc thù, thời trung đại đối tượng sáng tác và thưởng thức chỉ gói gọn trong vương tôn, quý tộc, thiền sư hoặc trí thức. Tầng lớp bình dân không thể thưởng thức càng không thể thẩm định giá trị thơ văn. Vì thế mà những sáng tác giai đoạn này chỉ lưu truyền ở một phạm vi hẹp. Dần dần cái hay, cái đẹp bị chôn vùi.
Nguyên nhân thứ hai khiến cho thơ văn không truyền hết ở trên đời vì những nhà thơ, nhà văn không thể toàn tâm, toàn thời gian mà dành cho thơ. “Những bậc danh nho làm quan to ở trong quán, các, hoặc vì bận việc không rỗi thì giờ để biên tập, còn viên quan nhàn tản chức thấp cùng những người phải lận đận về khoa trường, thì đều không để ý đến.” Bậc danh nho, những viên quan nhàn trong triều là lực lượng sáng tác chủ yếu trong thời gian này. Tuy nhiên họ lại vì nhiệm vụ chính trị hoặc công danh, sự nghiệp mà không thể quan tâm sâu sắc đến thơ văn. Điều đó xuất phát từ việc trong thời đại ấy sáng tác thơ văn chỉ là thú vui không phải nghề nghiệp nên chỉ được thực hiện trong lúc rảnh rỗi hoặc phẫn chí, ngay cả việc ghi chép tên tác giả, ngày tháng cũng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn, sai sót.
“Thỉnh thoảng, cũng có người thích thơ văn, nhưng lại ngại vì công việc nặng nề, tài lực kém cỏi, nên đều làm được nửa chừng rồi lại bỏ dở.” Đó là nguyên nhân thứ ba khiến thơ văn khó mà lưu giữ được. Công việc sưu tầm nặng nề, mất nhiều công sức và cũng không được ủng hộ nên không nhiều người dấn thân nhận lấy phần việc khó khăn này. Phan Huy Chú tác giả của Lịch triều hiến chương loại chí đã phải mất mười năm để tìm kiếm, chọn lọc, sắp xếp các văn bản cổ. Lê Quý Đôn cũng đã trải lòng với những khó khăn này khi viết trong lời tựa Toàn Việt thi lục: “Nay thần biên tập đành dựa vào những điều tai nghe mắt thấy mà sắp xếp thành thứ loại. Nếu có gặp đoạn thơ còn sót lại trong hòm nát hay tấm bia hoang trong động sâu thì cũng nhặt nhạnh sao chép mà đưa vào”.
Nguyên nhân thứ tư dẫn đến thơ văn không thể lưu truyền được hết là quá trình in ấn khó khăn, thậm chí là nguy hại tính mạng. Thời trung đại, để một bài thơ, một áng văn ra đời phải qua quá trình kiểm duyệt khắt khe của cung đình. Nếu tác giả nào có những sai sót dù chỉ là nhỏ bé cũng không thể thông qua mà còn bị trừng phạt “còn như thơ văn, nếu chưa được lệnh vua, không dám khắc ván lưu hành.”
Từ bốn nguyên nhân đã trình bày trước đó, tác giả dẫn thêm một nguyên nhân nữa nằm ngoài ý muốn nhưng lại là nguyên nhân quan trọng tác động trực tiếp đến sự thất thoát không dấu vết của thơ văn, ấy chính là chiến tranh. Những tan thương mà chiến tranh đem đến đâu chỉ là mạng người mà còn là một nền văn hoá bị tiêu tán, hư hao. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã xót xa mà viết “Từ khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, sách vở trong cả nước trở thành một đống tro tàn”.
Với cái nhìn khách quan cùng lập luận khá chặt chẽ, Hoàng Đức Lương đã trình bày những nguyên nhân gây khó khăn cho công việc sưu tầm, in ấn. Nhìn ở góc độ văn chương, bốn yếu tố này liên quan mật thiết đến: độc giả, tác giả, người sưu tầm và người kiểm duyệt. Chỉ cần một trong các yếu tố này gặp vấn đề thì một tác phẩm văn học khó mà tồn tại và phát triển được. Bên cạnh lý do chủ quan thì tác giả còn nhận ra lý do khách quan đến từ những cơn binh biến liên miên trong lịch sử. Có lẽ thế mà văn chương trung đại Việt Nam rơi vào hoàn cảnh bi thương khi chẳng thể giữ được sự phong phú ban đầu.
Sống trong thời đại muốn nói điều gì, muốn bày tỏ quan điểm nào cũng phải vịn vào sách sử nước người, Hoàng Đức Lương không khỏi băn khoăn, trăn trở. Đâu phải nước mình không đủ nhân tài, không nhiều học giả hay tác phẩm hay. “Than ôi! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn nhà Đường. Như thế chả đáng thương xót lắm sao!” Suy cho cùng mục đích đầu tiên tác giả sưu tầm thơ văn là muốn bảo tồn di sản văn chương nước nhà, ấy là dấu ấn cha ông, là tâm hồn Đại Việt. Cũng là để thoát khỏi sự ảnh hưởng độc tôn của thơ ca Trung Hoa khẳng định nước Nam đâu hề thua kém họ. Việc biên soạn sách còn xuất phát từ tình cảm yêu quý, trân trọng trước văn thơ nước nhà và hy vọng đóng góp sức mình vào phục hưng nền văn học.
Tuy phần cuối trình bày ngắn gọn nhưng Hoàng Đức Lương cũng đã nói lên được suy nghĩ về cách thức soạn sách. Ông mạnh dạn đi đầu nhận lấy phần trách nhiệm nặng nề “dù tài hèn sức yếu”. Tiến hành khắc phục những hạn chế của người đi trước “muốn sửa lại điều lỗi cũ”. Để có được tư liệu, tác giả cũng đưa ra cách thức tìm kiếm của mình. “Tìm quanh hỏi khắp” là góp nhặt trong dân gian ở đền chùa, miếu mạo, thư viện cá nhân…Tác giả còn sưu tầm thơ của các vị quan đương thời. Sau đó biên soạn, phân loại, chia mục, đặt tên…Và cuối cùng là chép thêm những bài thơ của tác giả ở cuối quyển kết hợp làm sách dạy trong gia đình. Cách làm này cơ bản khá hợp lý, khoa học có thể vận dụng sau này.
Tựa trích diễm thi tập nhìn chung là một bài nghị luận có bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận khá chặt chẽ. Tuy là luận nhưng vẫn có nhiều hình ảnh sinh động khiến câu văn không khô khan, cứng nhắc. Đọc đến phần cuối của Tựa trích diễm thi tập, chúng ta thấy lời văn của tác giả có phần khiêm tốn, dè dặt trong cách trình bày ý kiến cá nhân. Điều này cũng xuất phát từ sự thấu hiểu công việc sưu tầm rất khó khăn cần phải vận dụng nhiều nguồn lực, thời gian trong khi bản thân có giới hạn. Như thế để thấy Hoàng Đức Lương cũng là một bậc sĩ phu có tâm, có tài và luôn hướng đến khát vọng cống hiến cho xã hội.
Tựa trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương đã giải thích được nguyên nhân khiến tác giả biên soạn sách để thông qua đó tác giả bộc lộ được tình cảm của bản thân đối với nền văn học thời Lý Trần nói riêng và văn học nước nhà nói chung. Hoàng Đức Lương hiện ra với bức chân dung của một học giả tâm huyết với văn hoá dân tộc, văn chương đất nước. Tinh thần trân quý giá trị văn hoá, học thuật của nước nhà của tác giả mới thật sự đáng quý. Tấm lòng ấy càng phải được phát huy trong thời đại hôm nay, khi mà văn hoá dân tộc đứng trước cơn bão táp của sự hòa nhập thì trách nhiệm góp công sức bé nhỏ của mỗi người thầm lặng bảo tồn phát huy di sản văn chương của tiền nhân mới là trách nhiệm hàng đầu cần được chú tâm thực hiện.