Phân tích 8 câu thơ cuối trong đoạn trích Trao duyên (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
“Tiếc như sông, để thương người như biển
Từ hay Kim đều lận đận phong trần
Lưỡi gươm cường bạo Hồ Tôn Hiến
Có khi nào vắng bên cửa phòng văn!”
(Nguyễn Vũ Tiềm)
Lưỡi gươm tàn bạo và những bất công của bộ mặt xã hội phong kiến thối nát đã giết chết quãng đời Nguyễn Du, dìm thân Kiều vào chốn bùn nhơ. Lưỡi gươm ấy cũng chính là miệng đời và sự hà khắc của thời gian lúc nào cũng trực chờ làm mai một giá trị của văn chương. Ấy vậy mà Truyện Kiều cùng với gương mặt nàng Kiều đến thời điểm này lại rạng rỡ hơn bao giờ hết. Có lẽ để có được sức sống bất diệt ấy phải kể đến tài nghệ điêu luyện và tấm lòng vị tha của Nguyễn Du. Nỗi đau đời, thương người con gái tài hoa bạc mệnh đã giúp Tố Như nhận ra những chuyển biến sâu sắc về mặt tâm lý của Kiều khi nàng phải trao lại mối duyên tình thắm thiết cho em. Đoạn trích Trao duyên vừa thống thiết vừa ai oán mà tám câu thơ cuối lại là nỗi đau đớn tột cùng của nàng Kiều khi biết mình thật sự đã không thể tròn duyên cùng chàng Kim Trọng.
Truyện Kiều được viết khoảng thời gian đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam cuối Lê đầu Tây Sơn. Trước những cơn binh biến bất ngờ mà người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là nhân dân, người chịu nhiều đau khổ của thói đời đen bạc lên ngôi vẫn là phụ nữ. Mặc dù cốt truyện được lấy từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, bối cảnh câu chuyện vẫn ở xứ người nhưng cái tài của Nguyễn Du là biến hoá câu chuyện đầy chất giáo huấn thành 3254 câu thơ lục bát dân tộc đậm tình người.
Một tài nữ như nàng Kiều là nạn nhân của xã hội phong kiến suy đồi, ở đó giá trị của người phụ nữ chỉ được tính bằng vàng bạc. Vì cứu cha, cứu em khỏi cảnh tù đày, hành hạ của bọn quan sai, Kiều buộc lòng đem thân mà làm vợ lẽ cho người. Chữ hiếu phần nào nàng đã vẹn còn chữ tình với chàng Kim thì Kiều cũng day dứt không thể một dao mà cắt đứt chữ đồng. Bởi thế mà dù trao duyên lại cho Vân, nhờ em kết nghĩa vợ chồng với Kim Trọng mà tấc lòng Kiều vẫn không thể nguôi ngoai. Đoạn trích Trao Duyên có 34 câu bắt đầu từ câu 723 đến câu 756 là sự mâu thuẫn trong tình cảm và lý trí của Kiều khi quyết định trao duyên và kỉ vật lại cho em. Cứ ngỡ rằng sau khi đã trao hết những gì mình gìn giữ, lòng Kiều sẽ nhẹ nhõm nhưng dường như sau đó tâm trạng Kiều càng lúc càng bi thiết để rồi 8 câu thơ cuối Kiều để cảm xúc lấn át hoàn toàn.
“Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Vai trò của lý trí đã theo nàng đến cùng khi đã hoàn tất việc trao duyên và trao kỉ vật cho Thuý Vân. Dù trong lúc trao kỉ vật, nhắc lại chuyện thề nguyền cùng Kim Trọng và xót xa khi nghĩ về phận bạc, Kiều đã không giấu được tình cảm nhưng nàng đã gắng gượng để vượt qua. Giờ đây mọi thứ đã không còn, bầu tâm sự cùng Vân đã trút cạn, Kiều chỉ còn tiếng lòng nức nở quên mất mình đang đối diện cùng em mà độc thoại với nỗi đau của chính mình.
Đâu chỉ am tường tâm lí nhân vật, Nguyễn Du còn khám phá tâm trạng của nhân vật theo dòng thời gian đặc biệt, ở đó có sự biến đổi tinh vi mà không vịn vào bất cứ thời gian, không gian khách quan nào. Hai tiếng “bây giờ” thốt lên đâu chỉ là thời gian thực. “Bây giờ” như một cánh cửa chia cuộc đời Kiều làm hai nửa thế giới. Một nửa thuộc về quá khứ tươi đẹp, nửa còn lại là những ngày tháng lưu lạc chưa biết về đâu. Những gì Vân có thể hiểu, Kiều đã tỏ bày, còn lúc này, điều còn lại trong lòng Kiều là nỗi chiêm nghiệm sâu sắc về thân phận mình, về nỗi đau cuộc đời mà khó ai có thể thấu hiểu.
Nguyễn Du sử dụng hàng loạt những thành ngữ mà mỗi thành ngữ như thế gắn với những ý nghĩa biểu tượng về sự chia lìa “trâm gãy gương tan”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi”. Từ xưa, trâm và gương là hai vật đi kèm không thể thiếu trong khuê phòng của người phụ nữ. Ngoài tượng trưng cho người con gái đến tuổi cập kê thì trâm và gương còn là câu chuyện của tình yêu thuỷ chung, son sắt. Thế nên “trâm gãy gương tan” trước hết mang ý nghĩa của cảnh chia lìa, duyên tình tan vỡ. Sau nữa là ám chỉ sinh mệnh của người con gái ấy cũng như trâm như gương mà gãy đổ.
Soi mình vào thời gian tâm tưởng, Kiều phút chốc nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp khi duyên đầu chớm nở, yêu thương nồng nàn, niềm tin đầy ắp và hy vọng cũng dâng tràn. Thế nên “kể làm sao xiết muôn vàn ái ân” là vậy. Kiều nhận thức được sự đối lập gay gắt giữa cái hữu hạn của đời mình, nhất là tuổi xuân sẽ không còn tươi đẹp nữa và cái “vô vàn” của tình yêu có đi suốt kiếp cũng không sao “kể xiết”.
Trong nỗi đau tột cùng ấy, Kiều nghĩ về chàng Kim, như một lẽ tự nhiên của cảm xúc vì chính lúc này chàng Kim là chiếc phao bám víu cuối cùng để Kiều tựa nương mảnh hồn dần tắt lịm.
“Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”
Thực tế thì Kim Trọng đang chịu tang chú ở Liêu Dương, nơi xa xôi cách trở đâu biết được người mình yêu đau đớn gọi tên mình. Đến đây, Kiều đã để nỗi xúc động dẫn đường khiến cho bản thân không màng đến thực tại mà tưởng tượng ra Kim Trọng đang đứng trước mặt mình. Lời của nàng lúc này là lời thở than cho thân phận mình và thân phận tình yêu “tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”. Ngày tháng đẹp tươi nhất đời Kiều có lẽ là tháng ngày bên chàng Kim “khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”. Càng hạnh phúc người ta lại càng thấy quá ngắn ngủi, nhất là khi sắp phải mất đi vĩnh viễn mà không còn cơ hội tương phùng thì thời gian ấy đúng là “có ngần ấy thôi”. Bao nhiêu nuối tiếc trong giọng thơ ngập ngừng như thốt ra từ đáy lòng quặn thắt.
Tơ duyên dù đã trao nhưng hơn ai hết Kiều hiểu chuyện tình cảm đâu dễ gì trao đổi huống chi Kiều vẫn đang nặng ân tình mà chàng Kim thì không hề hay biết có chuyện sắp bày như thế. Đặt mình vào Kim Trọng, Kiều cảm thấy day dứt như chính bản thân đã phụ rẫy tình chàng. Trong nỗi đau khổ tràn ngập không gian, thời gian, Kiều nghĩ mình là người có tội. Thế nên nàng lạy tạ chàng Kim. Cái “lạy” trước khi trao duyên cho em là lạy người mình chịu ơn, lạy van xin cầu khẩn, còn “lạy” Kim Trọng thì Kiều lạy tạ tội và cũng là lạy tạ từ. Không phải một lạy mà “trăm nghìn”, một con số vô hạn cũng là nỗi lòng đang rối ren, sầu khổ của Kiều. Cũng chỉ có “trăm nghìn” lạy mới tương xứng với “muôn vàn ái ân” mà Kim Kiều đã có cùng nhau.
Đâu chỉ thế, người “mệnh bạc” ở đoạn thơ trước đã trở lại với phép so sánh “phận bạc như vôi. “Phận bạc” là phận mỏng, duyên số hẩm hiu, ngắn ngủi chứ không phải có nghĩa thực phận trắng như vôi. Cách nói này kết hợp với điệp từ “phận” và câu hỏi tu từ “phận sao phận bạc như vôi” đã khiến cho câu thơ mang cả tiếng thở dài ngao ngán. Tiếng thở này đâu chỉ là tiếng thở thương cho thân mình mà là tiếng than lớn của thời đại cũng là tiếng nói nhân đạo của Nguyễn Du
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh ấy là lời chung”
“Thân” chỉ một đời, một người còn “phận” nâng lên thành số đông, cả guồng quay của dòng đời. “Phận” là phần số rủi may mà con người buộc phải nhận lấy. “Phận” còn là số kiếp chung của những mảnh hồng nhan sinh ra đã vốn đa truân. Dường như ở thời đại mà người phụ nữ không thể làm chủ được đời mình thì nỗi ám ảnh về thân phận càng dày đặc. Thân là của họ nhưng phận lại là chuyện của tạo hoá xoay vần.
“Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
Vậy nên ý thức về bản thân, về số mệnh thì Kiều lại càng lo sợ. Rồi đây hoa sẽ không còn được ở gần cành, lá cũng chẳng còn xanh “cũng đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”. “Hoa” là ẩn dụ cho vẻ đẹp của người con gái còn xuân sắc. Và cũng như hoa, tuổi xuân vốn đã ngắn ngủi nay lại rơi vào tay kẻ khác, biết cánh hoa có giữ được sắc màu hay tan tác theo dòng nước. Thành ngữ “nước chảy hoa trôi” chỉ cảnh xuân tàn, hoa rụng như dấu hiệu của sự tàn tạ một kiếp người. Biết là phận hẩm duyên hiu nhưng ngoài oán than cho số kiếp cũng không thể làm gì khác mà đành buông xuôi chấp nhận “cũng đành”. Từ láy “lỡ làng” vừa là sự tiếc nuối cho một đời hoa bị vùi dập vào bể trầm luân vừa thương xót cho tình duyên đã gãy đổ của Kim Kiều.
Cặp lục bát cuối cùng của đoạn trích như một lời trăng trối, ly biệt và cũng là tiếng khóc nấc nghẹn khi Kiều thảng thốt gọi “Kim lang”
“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
Đến đây cách xưng hô của Thuý Kiều có sự chuyển biến rõ rệt. Ở đoạn đầu khi nhắc về Kim Trọng với Thuý Vân, Kiều gọi là “chàng Kim”. Đến lúc tưởng chừng Kim Trọng đang đối diện với mình thì Kiều gọi là “tình quân” và lúc sắp ngất đi vì đau đớn tột cùng, Kiều thảng thốt gọi “Kim lang”. Những cách xưng hô này đều chỉ chung một người, đều nồng nàn trìu mến nhưng sắc thái ý nghĩa lại có phần khác nhau. “Chàng Kim” đơn thuần ở mối quan hệ sơ giao cũng có thể gọi nhưng “tình quân” thì đã quá rõ ràng chàng ấy chính là người yêu, là người trong mộng của Kiều. Đến lúc cơn sóng lòng đã vỗ tơi bời tâm hồn người con gái đa sầu thì Kiều đã gọi “Kim lang”, đây là cách xưng hô thân mật của người vợ gọi chồng mình. Dù thực tế hai người chưa thành chồng vợ nhưng với Kiều khi đã đính ước, thề nguyền là đã tự nguyện gắn bó đời mình vào đời nhau. Dẫu duyên tình đã trao nhưng tơ lòng còn vương và tình yêu đối với Kim Trọng càng thống thiết.
Nguyễn Du cũng đã viết “Sầu đông càng lắc càng đầy
Ba thu gom lại một ngày dài ghê”
Kiều càng cố quên thì lại càng nhớ, càng gạt đi tình cảm để trao lại nhân duyên cho em thì lòng mình càng nhớ mong Kim Trọng. Đó là lẽ tự nhiên của con người. Trong hoàn cảnh này khó mà có thể dùng lý trí suy xét nhất là khi Kiều đã nghĩ mình chết đi rồi, đã nhìn thấy linh hồn mình phảng phất đâu đây thì Kiều đã chẳng còn là Kiều mà là tâm sự của một người mang nặng nỗi đau khi mình là kẻ bội vong.
Tiếng kêu bi thiết xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều kết thành làn sóng dữ nhấn chìm sức lực của Kiều “thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. “Thôi thôi” trước hết là tiếng than, tiếng kêu trời tiếc thương cho duyên tình đã “lỡ làng”. “Thôi thôi” còn là lời phủ nhận Kiều đã không còn gì nữa cả và cũng là lời xác nhận Kiều chính kẻ phụ tình. Sau tiếng khóc não nùng ấy thì Kiều đã ngất đi.
“Cạn lời hồn ngất máu say
Một hơi lặng ngắt, đôi tay lạnh đồng”
Đó chính là quá trình tăng tiến của cảm xúc đạt tới đỉnh điểm nỗi đau đớn khiến Kiều không còn sức chống chọi nữa.
Đoạn thơ cho thấy tính chất căng thẳng của cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm mà Kiều chính là chủ nhân cũng là nạn nhân của những xung đột ấy. Qua đó ta thấy rằng Kiều đã nỗ lực biết mấy và cũng thảm thương biết mấy. Sự cố gắng của lý trí cho chúng ta hiểu nàng Kiều là cô gái có phẩm chất hy sinh cao cả trong tình yêu còn những thắng thế của tình cảm lại vẻ ra chân dung một Kiều rất thật. Kiều không hề giả dối, không hề tỏ ra mình cao thượng. Sự cao thượng ấy xuất phát từ những cung bậc tình cảm mà Kiều đã trải qua. Đoạn thơ còn cho thấy tài năng miêu tả tâm trạng của nhân vật và sự thấu hiểu tâm tư một cách sâu sắc ở Nguyễn Du. Thêm vào đấy là việc xây dựng dòng thời gian tâm lý để từ một cuộc đời nhà thơ khái quát thành số phận chung của phụ nữ trong xã hội đương thời.
Bằng tài năng và tấm lòng tha thiết với cuộc đời, Nguyễn Du đã để những người phụ nữ bất hạnh, số kiếp truân chuyên bộc lộ được tấm lòng thuỷ chung, son sắt và những nét đẹp trong phẩm chất cần có ở bất cứ thời đại nào. Qua nói bút của Nguyễn Du thì “Thúy Kiều không còn là con người bình thường mà phải là một nhân cách một thước đo một nguyên lý cuộc sống để mọi giá trị thực hay giả của đời sống đối chiếu với nó hay soi mình vào đó sẽ bộc lộ tất cả những bản chất tuyệt vời cao đẹp hay bỉ ổi xấu xa không thể ngụy trang che dấu được”. (Nguyễn Lộc)