Phân tích 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao Duyên (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Trăm năm ấy không chỉ nói về thời gian hữu hạn của một con người mà còn là sự biến thiên muôn đời của kiếp người. Trước một cuộc bể dâu, sao dời vật đổi, Nguyễn Du đã nhìn ra được nỗi đoạn trường ở “cõi người ta” để rồi nỗi xót xa thấm ướt Văn chiêu hồn và tiếng khóc thương tâm vận vào đời nàng Kiều suốt 15 năm lưu lạc. Đọc Truyện Kiều, ta lại thương cho cuộc đời lắm truân chuyên của cụ Nguyễn Du. Nghĩ về con người tài hoa bạc mệnh, ta lại đau đáu nhớ Kiều. Đứng trên góc độ nghệ thuật “Truyện Kiều là một thành tựu đạt đến giá trị mẫu mực cổ điển. Kiệt tác văn học đã trở thành sự kiện văn hoá lớn thành một tổng thể giá trị văn hoá cộng đồng xuất hiện và tái sinh trong nhiều lĩnh vực văn hoá khác của một đất nước”. (GS. Đặng Thanh Lê). Tuy nhiên cái gốc nhân đạo vẫn là yếu tố hàng đầu quyết định sự bất tử của Truyện Kiều mà ở đoạn trích Trao duyên ta thấy được tấm lòng cảm thông, trân trọng đối với nỗi bất hạnh lớn nhất của nàng Kiều khi phải giằng xé tâm can mà hy sinh mối duyên tình, trao lại cho em. Trong đó 12 câu thơ đầu tiên chính là những dòng tâm trạng của Kiều khi thuyết phục em mình để trao duyên.
Shakespeare từng viết:“Đồng tiền lăn tròn trên lưng con người. Đồng tiền làm cho trái hoá phải, đen hóa trắng và người đàn bà góa phụ trở thành cô dâu mới”. Cũng sức mạnh ghê gớm của đồng tiền đã khiến tai ương bất ngờ ập đến gia đình họ Vương. Bị tên bán tơ vu oan, gia sản cũng bị chúng thừa cơ cướp sạch, Vương viên ngoại và Vương Quan bị quan sai bắt bớ, nếu không có tiền để chuộc thì họ sẽ rơi vào kiếp tù đày, khổ sai. Trước cảnh tình sầu khổ, Kiều phải bán mình để cứu nguy, Nàng đau đớn khi nghĩ đến mình là kẻ bội vong cùng chàng Kim Trọng. Thế nên trước lúc dấn thân vào con đường nghịch cảnh, nàng Kiều đã tha thiết trao lại mối duyên tình cho em mình. Đoạn trích Trao duyên từ câu 723 đến câu 756 trong phần Gia biến và lưu lạc. Ngoài sự thành công về mặt ngôn ngữ, thể thơ dân tộc kết hợp với nghệ thuật tự sự thì đoạn trích Trao duyên còn thể hiện một cách sinh động, tinh tế những giằng xé của nội tâm và nỗi đau đớn của nàng Kiều thông qua ngôn ngữ đối thoại và hành động.
Đêm khuya, một mình trong canh vắng, chịu đựng nỗi đau khổ đang từng cơn giày xéo lòng mình, Thuý Kiều như tơ vò trăm mối. Giữa tình và hiếu nàng buộc đã lựa chọn rồi chẳng thể làm khác được. Để trọn tình với người đã thề nguyền, nàng đành trao lại duyên cho Thuý Vân. Cuộc đấu tranh giữa lý trí và tình cảm khiến Kiều gần như kiệt sức. Bi kịch tình yêu tan vỡ đã định sẵn hồi và qua khỏi đêm nay, Kiều còn hứng chịu bi kịch cuộc đời lưu lạc nhuốm những chua cay của một kiếp hoa bị gió dồi sóng dập. Trong 34 câu lục bát, có thể tạm chia thành ba phần. Trong đó 12 câu thơ đầu đã miêu tả tâm trạng của Thuý Kiều khi nàng thuyết phục và trao lại mối duyên tình cho Thuý Vân.
“Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa,
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc, em’’.
Đoạn trích mở đầu với một lời cầu xin đầy thẩn khiết và trang trọng. Kiều cầu xin em mình chấp nhận để mình trao lại mối duyên tình. Xưa nay chữ duyên chữ nợ là do ông Tơ bà Nguyệt se mối chỉ hồng. Theo nhà Phật, duyên không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của tiền kiếp, của những oán tình trước đây mà mỗi người có được. Thế nên dân gian cũng có câu “Ruộng ai thì nấy đắp bờ/ duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công”. Cũng vì nhân duyên có trong tay mỗi con người mà chi phối duyên phận của họ ngắn hay dài, bền chặt như keo sơn hay mỏng mong như tơ tằm. Chuyện tình yêu của Kim Kiều của vì chữ duyên mà bén lại, nay thuyền đã không theo dòng cũ, cũng xem như duyên tình chẳng thể tiếp tục vậy mà Kiều không theo phận số an bày lại tự tay mình trao lại mối duyên dang dở, nhờ Thuý Vân nối lại tình xưa cùng chàng Kim Trọng. Một việc làm khác thường phải đi kèm với cử chỉ và lời nói khác thường
“Cậy em, em có chịu lời”,
ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”.
Đến đây, ta thấy rõ Nguyễn Du quả là bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ. Chỉ bằng một từ “cậy” cùng với hình ảnh “em” xuất hiện hai lần trong cùng một câu thơ đã bày ra trước mặt Thuý Vân một cuộc trao duyên trang trọng. Chị “cậy” em chứ không phải nhờ em bởi vì điều chị sắp nói ra đây là điều thiêng liêng chị giữ gìn như báu vật. Chỉ có thể là “cậy” mới có đủ sức nặng của một thanh trắc vốn có để nói hộ Kiều tâm trạng u uất, nặng nề đồng thời sức nặng ấy cũng chính là trọng trách quá lớn lao Kiều đặt vào em. Cũng có nghĩa là nhờ vả một ai đó làm điều gì giúp mình như “cậy” khác “nhờ” ở chỗ nó hàm chứa cả niềm mong mỏi tha thiết, niềm tin tưởng gần như tuyệt đối. Đâu chỉ riêng “cậy” Thuý Kiều cho Thuý Vân hiểu rằng nàng là chỗ bám víu cuối cùng của chị mình và không thể chối từ được mà phải “chịu”. “Chịu lời” là nhận lời, là đồng ý chấp thuận nhưng từ “chịu” cũng mang sắc thái nặng nề như từ “cậy”. Việc Kiều trao gửi cho Vân, Vân không thể nghĩ suy, cũng không thể đồng ý hoặc không đồng ý vì nó mang tính nài ép của chị mình, bắt buộc Vân chấp nhận.
Đi kèm với lời nói có dụng ý, hành động “lạy rồi sẽ thưa” của Thuý Kiều cũng là việc ngược đời. Thông thường chúng ta chỉ thấy người bề dưới lạy người bề trên, xét theo vai vế, tôn ti xã hội phong kiến thì hành động này đúng là bất thường. Theo Tam quốc chí, xưa kia có Tư đồ Vương Doãn quỳ lạy Điêu Thuyền vì ông muốn con gái thay mình nhận lấy trọng trách lớn lao, nguy hiểm là dùng mỹ nhân kế để ly gián cha con Đổng Trác. Nay nàng Kiều ý thức được việc Vân thay mình kết mối duyên tình với Kim Trọng cũng khó khăn và thiệt thòi cho em muôn phần nên Kiều đã lạy trước mới thưa chuyện sau. Đây là hành động hoàn toàn sáng tạo của Nguyễn Du không có trong Kim Vân Kiều truyện. Hành động này Kiều buộc Vân vào tâm thế của cuộc trò chuyện nghiêm trang mà hơn hết là Vân không thể chối từ. Chỉ rơi vào đường cùng, bế tắc và đau khổ, Kiều mới cậy Vân như thế. Suy cho cùng mọi việc Kiều làm cho dù có khác thường cũng xuất phát từ tấm lòng cao thượng trong tình yêu. Tình cảm mà nàng dành cho Kim Trọng cao quý và đẹp đẽ, nàng day dứt biết mấy khi không thể giữ đúng lời nguyền nên mới xin em nhận lấy phần trách nhiệm.
Có thể thấy việc làm của Kiều là việc làm có suy tính, có chủ đích và được đặt trong một kế hoạch. Điều khó khăn nhất là Kiều phải làm sao hoàn thành đúng kế hoạch ban đầu, nói cách khác Kiều đang cố gắng đóng cho xong vở kịch chứa đựng nhiều giằng xé, mâu thuẫn buộc nàng phải lèo lái cảm xúc của bản thân vào quỹ đạo. Lý trí nàng sắp đặt nàng phải làm gì, nói những gì để thuyết phục Thuý Vân còn tình cảm thì luôn có xu hướng chống đối, dùng dằng. Cho dù nàng có đủ tỉnh táo đề mà quyết định thì mọi lời nói của nàng đều bị ám ảnh bởi nỗi đau chia lìa sắp sửa. Kiều bỏ qua logic tự nhiên của lời nói, đi thẳng vào đề.
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
Thông thường để khiến cho người nghe chuẩn bị sẵn tâm lý, người ta sẽ mở đầu bằng những chuyện trước đó, từ cổ chí kim. Lẽ ra Kiều nên làm vậy, nên nhắc lại cho em nghe mối duyên tình của mình và Kim Trọng. Kể cho Vân nghe lời thề nguyền của đôi lứa và nỗi đau khổ khi phải chọn chữ hiếu. Dựa trên những điều ấy mới đầy đủ dữ liệu cho người nghe từng bước nhận ra mấu chốt câu chuyện và tình thế khiến người nói nhờ cậy đến mình. Những điều diễn ra theo lẽ tự nhiên này đương nhiên một cô gái thông minh như Kiều sẽ hiểu. Vậy mà Kiều lại đảo ngược trình tự, gây ra sự bất ngờ cho Vân. Điều này cũng nằm trong sự tính toán thuận theo tâm lý của nhân vật. Hãy nhớ rằng Kiều đang lo lắng nhất là làm sao để trao lại mối duyên cho Vân và làm sao Vân có thể đồng ý. Điều đó trở thành nỗi ám ảnh khiến cho tâm trạng mỗi lúc thêm rối bời. Thế nên ngay lập tức Kiều đã nói ra vấn đề trọng tâm là “keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Chỉ có cách nói này mới thể hiện đúng tâm trạng của Kiều.
Truyện Kiều đâu chỉ là mảnh đất của văn chương bác học, ngay cả những thành ngữ dân gian cũng được Nguyễn Du vận vào một cách tinh tế. “Đứt gánh tương tư” là cách nói đầy hình ảnh chỉ những mối duyên tình trắc trở, đương lúc nồng đượm thì phôi phai, đang trong buổi thề non hẹn biển thì bỗng chốc lại chia lìa. Tình cảnh này đúng với mối duyên tình tưởng rằng trăm năm của Kim Kiều. Chỉ ngắn gọn thôi cũng đủ để diễn tả cảnh tình trớ trêu của Thuý Kiều. Vì chữ hiếu, vì xưa nay hiếu tình đâu dễ vẹn đôi đường nên nàng đành phải ngậm ngùi mà nhờ Vân nối lại mối duyên “keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Mượn điển tích từ “Hán võ ngoại truyện” kể về Hán Võ Đế trong lúc bắn cung bị đứt dây, được người miền Tây Hải đem dâng keo làm từ máu chim loan để nối lại dây. Từ chuyện chắp lại dây cung đã đứt, nàng Kiều cậy em thay mình chắp mối tơ tình với chàng Kim. Tơ tình đã đứt có thể chắp lại nhưng phải là tự mình làm. Bản thân Kiều đã không thể làm điều đó nên tơ duyên trở thành đoạn “tơ thừa”. Khi thốt ra điều này, hẳn nàng Kiều đã phải uất nghẹn đến dường nào mà thương cho cảnh ngộ của bản thân. Mối duyên nồng đượm mình trân quý, xem đó là sinh mệnh lại là đoạn tơ thừa. Thừa ở đây không có nghĩa là thừa thải, dư thừa mà là đoạn nhân duyên ngổn ngang người trao không nỡ dứt mà người nhận cũng chẳng thể dễ dàng đồng thuận.
Đối với Kiều, mối duyên tình cùng Kim Trọng là cao đẹp nhưng còn nàng Vân thì sao? Liệu nàng ấy có hài lòng với sự sắp đặt của chị mình khi tuổi còn đang xuân sắc, đời còn nhiều mơ mộng. Chàng Kim nữa? Chàng ấy sẽ yêu thương Vân như đã yêu Kiều hay nếu miễn cưỡng đồng ý nối duyên cũng chỉ là trọn nghĩa tình với người xấu số. Xét ở mặt nào thì cũng nhận ra Thuý Vân chấp nhận duyên tình là chấp nhận thiệt thòi về mình. Có lẽ thế nên khi dùng từ “tơ thừa” Kiều đã ngầm ý hàm ơn Vân khi đặt trọng trách quá lớn lên Vân cũng là Kiều đứng trong tình cảnh em mình mà đề cao sự hy sinh của Vân. Thế nên duyên tình này là của em, liệu thế nào là “mặc em”. Hai từ “mặc em” là sự phó thác tất cả vào Vân.
Một khi chuyện khó nói nhất đã nói ra thì những phần còn lại sẽ bộc bạch dễ dàng. Kiều quay lại với trình tự câu chuyện, thuật cho Vân nghe mối duyên tình của mình. Cái hay của lời tự thuật này ở chỗ dù bị cảm xúc chi phối nhưng không hề lang man, dông dài mà hàm súc qua các hình ảnh “khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”. Chỉ đôi dòng thế thôi, Nguyễn Du đưa nhân vật mình sống lại ký ức những tưởng tươi đẹp nhất cuộc đời Kiều trong đêm Kiều “vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa”. Khoảnh khắc ấy, Kim Kiều kề hai mái đầu xanh, có vầng trăng chứng giám lời thề son sắt.
“Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi”
Hai từ “khi” lặp lại cùng một câu thơ như một nỗi xót xa khi Kiều nghĩ về
thời gian hạnh phúc ngắn ngủi đời mình để rồi tiếp tục với dòng tâm sự, Kiều nhắc đến cảnh gia đình xảy ra tai biến để nàng phải chới với giữa dòng hiếu và tình “hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”. Lời nói của Kiều vẫn đủ khéo léo, sắc sảo để từng bước đề cao mục đích và ý nghĩa trọng đại của việc nhờ Thuý Vân “xót tình máu mủ thay lời nước non”.
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
Một lần nữa Kiều đặt mình vào tình của em để thấu hiểu em. “Ngày xuân” là cách nói hoán dụ cho tuổi đời của Thuý Vân. Ngày xuân em còn dài vì em vẫn còn trẻ, khoảng trời mơ mộng trước mắt có bao điều tươi đẹp đang đợi em. Vậy mà chị nỡ đem một cuộc tình duyên đã đứt đoạn để nhờ em chắp nối keo loan. Kiều biết mình làm thế là có phần không hợp tình nhưng chắc chắn Vân sẽ hiểu bản thân Kiều cũng đã không còn sự lựa chọn nào. Nói về tuổi xuân của em để từ đó ngầm chuyển đến Thuý Vân sự so sánh về tuổi xuân của Kiều. Kiều cũng có hơn gì Vân, cũng xuân sắc đang phơi phới vậy mà nàng phải chọn cách chôn vùi quãng thanh xuân để tròn chữ hiếu, để giữ ấm êm cho gia đình, để bảo vệ khoảng thanh xuân êm ấm của Vân. Kiều đã vì tình máu mủ mà cam lòng bẻ chữ đồng làm đôi thì việc Vân chấp nhận thay chị nối duyên tình cùng chàng Kim vẫn là một việc Vân không thể chối từ.
Để tăng tính thuyết phục, Kiều đã đặt mình vào hoàn cảnh của một người sắp lìa cõi đời để bày tỏ ước nguyện lớn lao nhất đời mình. Nếu đã là lời trăn trối thì ai nỡ nào chối từ. Khi nói về cái chết, Nguyễn Du đã khéo đưa hình ảnh “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối” để đánh một đòn tâm lý vào người đối diện đặc biệt người ấy lại là “tình máu mủ” thì thử hỏi làm sao một cô gái giàu tình cảm như Vân lại không mủi lòng. Những lời nói ấy tuy xuất phát từ sự tính toán của lý trí nhưng đồng thời cũng là tiếng nói tình cảm chân thành xuất phát từ nỗi đau gần như tuyệt vọng của một tình yêu tan vỡ.
Chỉ trong 12 câu thơ đầu chúng ta đã thấy Nguyễn Du có cái nhìn thấu đáo về diễn biến tâm lý của nàng Kiều. Thoát ra ngoài bút pháp ước lệ tượng trưng trung đại, nhân vật trong đoạn trích có sự nhất quán về tính cách, nội tâm, đó là sự khám phá mới mẻ của Nguyễn Du xuất phát từ tấm lòng nhân đạo sâu sắc đối với thân phận người phụ nữ. Những giằng xé nội tâm, những quyết liệt trong cuộc chiến giữa trái tim đang rung lên đau đớn và lý trí gắng gượng tỉnh táo của nàng Kiều đã bộc lộ được tâm hồn một cô gái cao thượng trong tình yêu.
Có thể thấy 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao duyên đã hoàn thành xuất sắc vai trò nghệ thuật của mình trong việc đưa diễn biến tâm lý của Kiều vừa tự nhiên vừa sắc sảo lại vừa mở ra một khúc nhạc sầu bi bắt đầu cho bản nhạc chia lìa mà đời Kiều trót vận vào. Khúc đoạn trường ấy sẽ là tiếng nói đau thương của một kiếp hoa nhỏ nhoi giữa cơn lốc tàn nhẫn của xã hội phong kiến.