VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Đọc ngữ liệu tham khảo
Câu 1: Ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội hay chưa?
Gợi ý trả lời:
Ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục của kiểu bài nghị luận xã hội:
Có bố cục ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài
- Mở bài: Nêu được vấn đề cần nghị luận và sự cần thiết khi bàn về vấn đề đó
- Thân bài: Trình bày các luận điểm là sáng tỏ ý kiến và thể hiện thái độ của người viết. Sử dụng lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục.
- Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa vấn đề và thái độ, lập trường của người viết.
Câu 2: Việc tác giả dành đoạn đầu trong thân bài để đưa ra cách hiểu về ”khái niệm” thần tượng có tác dụng như thế nào trong việc triển khai vấn đề ?
Gợi ý trả lời:
Việc tác giả dành đoạn đầu trong thân bài để đưa ra cách hiểu về ”khái niệm” thần tượng sẽ giúp cho vấn đề được nói đến trong bài văn sáng tỏ hơn. Người đọc cũng tiếp cận dễ dàng hơn về nội dung mà người viết đề cập. Từ khái niệm sẽ tạo nền tảng để bài viết tiếp tục đưa ra những biểu diện, dẫn chứng…và các luận điểm khác.
Câu 3 : Nhận xét về cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản.
Gợi ý trả lời:
Người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng rất chặt chẽ, hợp lý trong từng luận điểm. Ở phần thân bài, người viết chia làm ba luận điểm. Ngay sau luận điểm là hệ thống các lí lẽ và dẫn chứng đan cài nhau, kết hợp làm sáng tỏ nội dung luận điểm.
Câu 4: Nêu một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình, nhận xét về cách thể hiện ấy
Gợi ý trả lời: Một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình:
Ví dụ: “Xung quanh vấn đề này, theo tôi, có mấy câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng”, “Câu trả lời này, theo tôi, phải là cả hai”, “với nhận thức như trên, theo tôi, mỗi người trẻ chúng ta cần..”
Nhận xét: Cách người viết dùng những từ ngữ như thế là cách khéo léo để bày tỏ quan điểm cá nhân. Trong một bài nghị luận về cách nhìn nhận, đánh giá xã hội thì dù có khách quan thế nào cũng có những suy nghĩ xuất phát từ chủ quan, để tránh đánh đồng lời của bản thân với tiếng nói chung cần dùng những từ ngữ như thế cho sự báo trước về ý kiến chủ quan của mình. Từ đó tìm sự kết nối với người đọc.
Câu 5: Bạn rút được kinh nghiệm hay lưu ý gì trong cách trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống từ ngữ liệu trên ?
Gợi ý trả lời: Khi trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống cần lưu ý:
- Xác định đúng vấn đề cần bàn và tìm ý, lập ý
- Xây dựng bố cục, chia luận điểm
- Triển khai lí lẽ, dẫn chứng dựa trên những luận điểm
- Trình bày mạch lạc, liên kết chặt chẽ giữa các phần.
- Chú ý sử dụng những từ ngữ thể hiện tính chủ quan khi bày tỏ quan điểm.
Thực hành viết theo quy trình
Hãy viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về một trong những vấn đề sau:
– Tầm quan trọng của động cơ học tập;
– Ứng xử trên không gian mạng;
– Quan niệm về lòng vị tha;
– Thị hiếu của thanh niên ngày nay,…
Gợi ý làm bài: Quan niệm về lòng vị tha
“Và sao không là gió là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư”
(Khát vọng – Trọng Tấn)
Sống như gió như mây để trải lòng với bầu trời, sống như phù sa lắng đọng để nuôi nấng mầm xanh, ngọt ngào như một khúc ca và vô tư như hạt nắng để đem đến ánh sáng diệu kỳ của yêu thương, hy vọng. Và sống trên đời, cần lắm những tấm lòng biết rộng mở, yêu thương, biết dẹp bỏ cá nhân ích kỷ mà vươn đến thái độ vị tha, sống vì người khác. Có thể khẳng định, vị tha chính là phẩm hạnh quý giá nhất của con người, nó là biểu hiện cao nhất của lòng tốt và tình người.
Mỗi con người trong đời đều sống với những mục đích khác nhau. Nhiều người ra sức học tập lao động để bản thân được sung sướng, đủ đầy, người lại cố công làm nhiều việc với mong muốn đem đến hạnh phúc cho những người xung quanh, cho xã hội. Sống vì mình, làm việc, học tập vì mình đó là nền tảng, là cách nhìn, cách nghĩ thực tế mang tính phổ biến. Tuy vậy mỗi cá nhân trong một gia đình, một tập thể, một xã hội không phải là biển chết chỉ khép mình cho chính mình. Sự giao hoà, cho và nhận, chia sẻ và cảm thông, tha thứ và khoan dung mới thật sự là cuộc đời. Ấy cũng là vị tha, một lối sống không phải tự nhiên mà có, vị tha như một chìm hoa toả hương phải trải qua cả quá trình cây bám rễ sâu hút nhựa sống của tình thương, lòng nhân hậu. Thế nên vị tha, hiểu theo cách cắt nghĩa Hán Việt, có nghĩa là vì người khác. Người khác ở đây chỉ nhiều đối tượng, đó là gia đình, là những người xung quanh, là xã hội, tuyệt nhiên không phải chỉ vì mình. Vị tha chính là chỉ thái độ sống, thái độ ứng xử đặt lợi ích của mọi người lên hàng đầu, sống rộng mở, nhân ái, yêu thương, giúp đỡ mọi người. Ở góc nhìn khác, vị tha là tính cách của một người có tấm lòng từ bi, không chấp nhặt chuyện nhỏ, dễ tha thứ cho những lầm lỗi của người khác, kể cả việc người đó gây ra phiền hà, xúc phạm đến mình. Trên nét nghĩa này, vị tha gần với sự độ lượng, bao dung.
Vị tha là một trang sức tinh thần của ai đó, chỉ cần bên cạnh những người có lòng vị tha sẽ nhìn thấy được vẻ đẹp lấp lánh ngời sáng từ cách cư xử, lời ăn, tiếng nói, việc làm của người ấy đối với người khác. Khi vị tha người ta không sống và làm việc dựa trên mục đích vì lợi ích của cá nhân. Người vị tha trong công việc luôn biết gánh vác trọng trách lớn, làm vì lợi ích chung tập thể, không so đo thua thiệt, việc nhiều hay ít. Những người vị tha khi gặt hái thành công sẽ không nhận hết về mình mà cho đó là thành công chung của mọi người. Trong cuộc sống, người vị tha luôn biết lắng nghe, đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm thông thấu hiểu, luôn biết nhìn nhận điểm tốt của mọi người mà không công kích vào những cái chưa tốt ở họ. Người vị tha luôn trăn trở trước cuộc đời, luôn có khát vọng muốn sống tốt, hướng thiện, có suy nghĩ giúp đỡ mọi người, họ dễ mủi lòng, xót thương với ai đó gặp hoạn nạn. Sống vị tha đồng nghĩa với việc không thù dai, không chuốt oán, cũng không biết trả thù. Họ sẵn sàng tha thứ cho việc làm của ai đó sai trái chỉ cần họ biết lỗi.
Sống vị tha là lối sống cho đi, sống hướng đến những điều tốt lành, đến phẩm hạnh cao nhất của con người. Khi bạn sống vì người khác, vì những mục đích cao cả, tự khắc bản thân sẽ tiếp thêm sức mạnh để vượt lên nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, trở ngại. Thế nên với chính bản thân người vị tha, đức tính này sẽ khiến mỗi cá nhân có động lực hoàn thiện nhân cách, sống giá trị hơn. Rèn luyện lòng vị tha sẽ là cách tốt nhất để mỗi chúng ta chiến thắng phần con nhỏ nhen, ích kỷ, tư lợi, dễ thù hằn. Khi chiến thắng điều đó, chúng ta sẽ không bị cám dỗ, không rơi vào cái xấu, không bị cái ác ngự trị. Trong cuộc đời không ít những chuyện gây cho bạn phiền hà, đau khổ, căm phẫn, hoặc không may gặp ai đó đem đến nỗi oán hận cho bạn, nếu cứ mãi ôm oán hận thì rốt cục người đau khổ, thiệt thòi vẫn là bạn. Nhớ đến câu chuyện về túi khoai tây và bài học mà thầy giáo thông thái đã dạy cho cô cậu học trò mình để thấy rằng: khi chúng ta mang theo lòng ghen ghét, thù hằn, cá nhân và ích kỷ trong người cũng giống như mang theo túi khoai tây ngày càng mục rửa. Cho đến một khi bản thân chúng ta cũng bị vấy bẩn, mệt mỏi, khổ sở vì túi khoai hận thù ấy. Bỏ chiếc túi đi là quẳng hết những tư thù, sống vị tha, bao dung để nhận được sự nhẹ nhỏm, thanh thản nơi tâm hồn. Thế nên sống vị tha chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong tâm hồn, không có gì quý hơn một tâm hồn bình yên, nó là chìa khoá cho sức khoẻ, giúp con người chiến thắng nỗi sợ cô đơn, căng thẳng, áp lực.
Đối với những người được người khác chia sẻ, đồng cảm, quan tâm sẽ là một phép mầu giúp họ vực dậy bản thân trong lúc khốn cùng. Bao nhiêu hoàn cảnh cơ nhỡ ngoài kia đã tái sinh khi nhận được sự giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần của những tấm lòng vàng vị tha, nhân ái. Đặc biệt với những người gây lầm lỗi, biết ăn năn, sự tha thứ, khoan dung của mọi người sẽ là chiếc phao cuối cùng để họ bám víu vào đấy mà tìm về với cuộc sống đời thường. Với những ai hướng thiện, sự tha thứ sẽ tác động đến tâm hồn của họ, giúp họ hoàn lương, phục thiện, có cơ hội sửa chữa sai lầm. Một gia đình có những thành viên sống vì người khác sẽ là một gia đình hạnh phúc, ổn định về vật chất, bền vững về cốt lõi nhân cách của những đứa con. Tấm lòng vị tha có sức lan toả mạnh mẽ như hương thơm của một đoá hoa. Một xã hội có những người sống vị tha, nhân hậu sẽ thúc đẩy những hành động tốt hướng đến mọi người, tạo nên sợi dây đoàn kết người với người, xã hội dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, sang hèn, đấy mới là một xã hội đáng sống. Đâu chỉ thế, lòng vị tha thuộc về bản chất của sứ giả hoà bình, vị tha xoá nhoà ranh giới của quốc gia, dân tộc, trong đôi mắt của vị tha sẽ không có sự phân biệt màu da, tôn giáo hay chủng tộc mà chỉ có những con người bình đẳng, đáng được yêu thương.
Sống vì người khác, biết tha thứ, yêu thương là một đức tính tốt của con người. Tuy vậy cái tốt bao giờ cũng nên được đặt đúng hoàn cảnh thì mới phát huy giá trị. Có những cái ác, cái xấu không thể bao dung, tha thứ mà phải đấu tranh triệt để mới có thể bảo vệ được điều tốt đẹp. Cũng không nên khoan dung, hy sinh cho những kẻ chỉ biết lợi dụng, vô ơn, những kẻ bốc lột sức lao động, sống dựa vào lòng tốt của người khác. Nếu cha mẹ, ông bà hy sinh vô điều kiện, tha thứ mãi cho những đứa con ngỗ nghịch thì không khác nào tiếp sức để chúng ngày càng xấu đi. Cũng cần phê phán những kẻ vô cảm, ích kỷ, vị kỷ chỉ biết nghĩ đến tư lợi mà không hề có sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương. Họ chỉ thích nhận của người mà không hề biết đến cho đi, chỉ đòi hỏi mà không đền đáp. Họ biến mình thành kẻ vô ơn, không phẩm hạnh, nếu có giàu có, quyền thế cũng chỉ là những cỗ máy vơ vét, bóc lột mà thôi.
So với việc sống ích kỷ, tư lợi, thù hằn thì vị tha không phải là dễ dàng. Bởi lẽ mỗi con người chúng ta đều có một phần “con” cá nhân, bản năng trong ấy. Sự ích kỷ, tỵ hiềm luôn hiện hữu trong mỗi con người, chỉ là nó không nên và không được thể hiện ra bên ngoài, lấn át đi tính người. Để có được điều đó mỗi chúng ta cần là một chiến binh dũng cảm, không ngừng chiến đấu với bản thân để lòng tốt, tính vị tha lên ngôi. Trong công việc, nên đặt lợi ích chung của tập thể lên hàng đầu mà gánh vác trọng trách. Luôn nhớ rằng bản thân không thể sống một mình mà cần phải biết sẻ chia, hành động đẹp để nhận được những cái đẹp từ cuộc sống. Mở rộng lòng để hướng đến những người bất hạnh, những ai đang thiếu thốn, khó khăn. Biết cảm thông, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh của người để tìm được tiếng nói chung. Xây dựng cho bản thân tính phóng khoáng, bỏ qua những suy nghĩ hẹp hòi, toan tính, không nên chấp nhặt, để bụng những việc nhỏ nhặt, nên nhìn nhận điểm tốt của người khác, cũng đừng áp đặt lối sống của mình lên mọi người mà dựa trên đấy đánh giá, phê phán họ. Là một học sinh, chúng ta phải hiểu rằng sống yêu thương, chan hoà cùng bè bạn mới là cách tốt nhất để chúng ta có được một môi trường tốt đẹp. Hãy thể hiện rằng bản thân bạn không chỉ là người giỏi tri thức mà còn có một tâm hồn biết sống vì người khác, như thế giá trị sống của bạn sẽ được khẳng định.
Mỗi chúng ta không ai có thể lựa chọn cho mình hoàn cảnh sống nhưng hoàn toàn quyết định thái độ sống của bản thân. Có bao giờ bạn tự hỏi lòng mình điều gì làm bên sự khác biệt? Câu trả lời nằm ngay lồng ngực trái. Đấy là tiếng nói của tình yêu, của một khát khao sống đẹp, sống ý nghĩa. Và hơn hết, tôi nghĩ rằng chỉ cần chúng ta sống vị tha, nhân ái, gạt đi chủ nghĩa ích kỷ của cá nhân mà hướng đến cộng đồng, hướng đến mọi người chính là lối sống tươi đẹp nhất của một con người.