VIẾT
VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT MỘT TÁC PHẨM TỰ SỰ HOẶC TÁC PHẨM KỊCH
Đọc ngữ liệu tham khảo
Đối chiếu ngữ liệu tham khảo với tri thức về kiểu bài, hãy cho biết:
Câu 1. Ngữ liệu trên đã là một bài viết hoàn chỉnh hay chưa? Những dấu hiệu nào giúp bạn xác định như vậy?
Gợi ý trả lời: Ngữ liệu trên chưa phải là một bài viết hoàn chỉnh. Dựa trên bố cục ba phần của một bài văn nghị luận và căn cứ vào kí hiệu […] để xác định điều đó.
Câu 2. Luận điểm được tập trung phân tích, đánh giá trong ngữ liệu là gì?
Gợi ý trả lời:
Luận điểm: Lối kể xen kẽ giữa thực tế và mộng tưởng trong Cô bé bán diêm có tác dụng rất lớn để đưa người đọc xâm nhập vào thế giới mộng tưởng của nhân vật.
Câu 3. Chỉ ra sự kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng trong ngữ liệu
Gợi ý trả lời:
- Lí lẽ: Sự chuyển biến từ thế giới bên ngoài vào thế giới tâm trạng của em bé được dẫn dắt dần dần
- Dẫn chứng: Người kể đôi lúc dừng lại, nhắc về cảnh ngộ thực tại của em bé: “Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em đi bán diêm”
- Lí lẽ: thực tế đó càng tăng thêm phần nghiệt ngã với em và vì thế càng thôi thúc em tìm đến với chốn bình yên: cõi mộng ảo
- Dẫn chứng: Ngay sau khi que diêm cháy hết “lò sưởi biến mất”, em lại tiếp tục quẹt diêm để được sưởi ấm, để được sống trong bầu không khí ấm áp dễ chịu
- Lí lẽ và bằng chứng kết hợp chặt chẽ, ngay sau khi đưa ra lí lẽ, người viết kèm theo bằng chứng để làm sáng tỏ lí lẽ.
Câu 4. Người viết đã có những nhận xét gì về tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm?
Gợi ý trả lời: Người viết đã có những nhận xét về tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm:
– Lối kể xen kẽ có tác dụng rất lớn để đưa người đọc xâm nhập vào thế giới mộng tưởng của nhân vật.
– Ánh sáng từ ngọn lửa que diêm đảm nhận hai chức năng: vừa sưởi ẩm (chức năng này không quan trọng vì ngọn lửa diêm thì quá nhỏ nhoi trước trời tuyết mênh mông), vừa thắp sáng lên thế giới mộng ảo, cái thế giới mang lại hạnh phúc cho em.
– Những trạng từ sử dụng kèm theo trạng từ “tắt” càng tăng thêm nỗi hụt hẫng kia: “lửa vụt tắt”, “que diêm vụt tắt”, “que diêm tắt phụt”
– Toàn bộ câu chuyện là bức tranh sáng tối của một cuộc đời. Điểm khép mở hay cũng chính là vùng giao thoa kia chập chờn theo ngọn lửa diêm toả sáng.
Thực hành viết theo quy trình
Đề 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện.
Phân tích truyện ngắn Giang – Bảo Ninh
Chiến tranh không chỉ được nhắc đến bằng những trang thơ hào hùng, bi tráng, bằng cái nhìn của cộng động về chất anh hùng ca, chất sử thi của thời đại. Chiến tranh còn được nhìn ở góc độ ý thức cá nhân, bằng nỗi đau số phận con người và những éo le, cách trở trong tình yêu. Với cái nhìn của một nhà văn trong giai đoạn đổi mới văn học, đồng thời cũng là một người lính bước ra từ khói lửa, Bảo Ninh cho người đọc điểm tiếp cận sâu sắc hơn về ký ức thời hậu chiến qua những cảm xúc rung động, xót xa, cay đắng, hạnh phúc của con người đã từng gửi lại tuổi thanh xuân nơi chiến tuyến. Giang – một trong những truyện ngắn đặc sắc của Bảo Ninh được in trong tập truyện Bảo Ninh – Những truyện ngắn với 36 truyện. Bằng giọng kể điềm đạm, giàu suy tư, Giang lay động tình cảm con người bằng một mối tình trong trẻo, man mác buồn vừa chóng vánh lại vừa day dứt cả cuộc đời.
Tập truyện Bảo Ninh – Những truyện ngắn được tác giả viết trong nhiều thời điểm khác nhau trải dài từ 1980 đến 1990, đây là giai đoạn chuyển giao của văn học từ thời chiến sang văn học thời bình và được gọi chung với tên văn học hậu chiến. Cũng từ đây, văn học chuyển vần, phạm vi phản ánh mở rộng, nhà văn có cái nhìn đa chiều, bám sát vào mọi ngóc ngách trong đời sống tình cảm của con người. Là cây bút hàng đầu viết về thời hậu chiến, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ về quan niệm của bản thân: “Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui”. Tìm hiểu truyện ngắn Giang là hành trình độc giả chiêm nghiệm những giá trị về tình người, tình yêu được đặt trong bối cảnh éo le của cuộc chiến.
Câu chuyện kể về một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật “tôi” và Giang, một nữ sinh Hà Nội. Nhân vật “tôi” là một anh binh nhì, 17 tuổi, trong chuyến về thăm nhà trở lại đơn vị, nhân vật “tôi” găp một sự cố nhỏ, cũng vì thế gặp được Giang đang gánh nước. Giang ân cần, hồn nhiên giúp đỡ anh lính trẻ rồi mời anh về nhà chơi, mời ở dùng cơm với Giang. Ở đây, nhân vật “tôi” gặp gỡ bố Giang – một trung tá cởi mở nhưng kỷ luật. Giang ngỏ ý đưa nhân vật “tôi” về đơn vị bằng xe đạp. Trên con đường rừng quanh co, lanh lẽo, “tôi” chở Giang ở phía sau và cảm nhận những rung động trong veo nơi tâm hồn. Giang chia sẻ về hoàn cảnh của mình trong một nỗi buồn dịu dàng và ngỏ ý muốn được gặp lại “tôi” trong Tết. Thế rồi họ chia tay mà chẳng kịp nói lời nào. “Tôi” hành quân về Tây Nguyên, trước giờ nổ súng, “tôi” gặp lại bố Giang trên cương vị tham mưu trưởng sư. Ông ấy vui mừng nhắc về Giang. Đó cũng là lần gặp cuối cùng vì trong chiến dịch, bố Giang đã hy sinh. Ba mươi năm sau, nhân vật “tôi” vẫn còn nhớ mãi ký ức về Giang.
Chủ đề về chiến tranh, người lính là chủ đề chính xuyên suốt dòng văn học sau Cách Mạng và kéo dài đến thời hậu chiến. Hoà mình vào chủ đề đất nước trong đau thương, kế thừa truyền thống sử thi lãng mạng, khúc anh hùng ca thế kỉ XX, chủ đề trong truyện ngắn Giang là bản đàn trong trẻo của tình yêu, tình người, được ví như một “bông hoa lạ bên lề cuộc chiến”. Người lính trẻ đã phải lòng một cô em gái trong một dịp tình cờ. Câu chuyện đẹp, thơ mộng như dòng suối mát giữa lửa đạn chiến trường, để lại cho con người một miền ký ức rất xa mà cũng rất gần, dẫu có thoáng qua, chưa lời thề hẹn nhưng lại bám chặt vào nỗi nhớ suốt một đời. Những mối tình chớm nở trong cuộc đời người lính có khác gì một sợi chỉ xanh mỏng manh nhưng dẻo dai, bền chặt “cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá..” (Mảnh trăng cuỗi rừng – Nguyễn Minh Châu). Chủ đề chiến tranh và tình yêu trong Giang phảng phất hương vị trinh nguyên của buổi ban đầu nhưng lại không mở ra một kết thúc có hậu hoặc khiến cho người ta hy vọng về một sự hội ngộ. Chủ nghĩa lãng mạn trong truyện ngắn của Bảo Ninh luôn đặt trong mối tương giao với hiện thực, một hiện thực tàn nhẫn, éo le không cho phép “tôi” và Giang đi đến kết cục đoàn viên. Nhà văn luôn trăn trở về thân phận tình yêu, những mất mát, đau buồn thường trực. Thế nên tình yêu trong truyện ngắn Giang dẫu đẹp mà đượm buồn, khiến người ta khắc khoải, tiếc nuối cho những dang dở trong đời. Cũng từ đấy, tác giả muốn nói hộ nhân vật mình những khát khao về tình yêu và hạnh phúc, tiếng nói của những con người không thuộc về chiến tuyến nào mà thuộc về những con người cần sống, muốn sống và thiết tha với sự sống.
Dù không dày đặc các yếu tố chiến trận như những truyện ngắn khác, “Giang” vẫn phần nào phản ánh được sự tàn khốc của hiện thực chiến tranh. Đời người lính chẳng ai có thể chắc chắn những gì thuộc về ngày mai bởi lẽ sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào. Tham mưu trưởng cũng là bố Giang đã mãi mãi nằm lại chiến trường trong một mùa khô. Đau thương không ở phía tiền tuyến mà nghiêng hẳn về phía hậu phương bởi lẽ người mất mát nhiều nhất vẫn là cô gái tội nghiệp bị chiến tranh gạt lại đằng sau. Còn nhớ giọng ngậm ngùi của Giang khi tâm sự hoàn cảnh của mình với người lính trẻ trong đêm đưa người ấy về đơn vị. Tiếng thở dài của cô gái trẻ là nỗi buồn chất chứa khi mẹ đã qua đời, anh trai lên đường vào chiến trường miền Nam. Nhà chỉ mỗi hai bố con mà bố thì không rời đơn vị. Chiến tranh đã cướp đi người thân yêu duy nhất còn lại trên đời của Giang, giành lấy mất cả cơ hội chào nhau lần cuối với bố và cả người con trai cô dành một tình cảm đẹp. Xoáy sây vào khía cạnh này, nhà văn muốn người đọc có cái nhìn đa chiều về chiến tranh và người lính để thấy rằng chiến tranh là đi ngược lại với ước mơ hạnh phúc của con người. Và cũng thấy rằng cái giá của hoà bình đổi bằng xương máu và nước mắt bao thế hệ. Vậy nên được sống trong hoà bình đừng quên lãng những gì mà người đi trước đã giữ gìn.
Tái hiện chủ đề tình yêu và chiến tranh, trong tác phẩm Giang, Bảo Ninh sử dụng kết cấu khá quen thuộc trong 36 truyện ngắn, không nhiều yếu tố xung đột, mâu thuẫn, kịch tính. Câu chuyện đơn giản, xây dựng theo sự kiện gặp gỡ và chia li. Nhân vật “tôi” một người lính trẻ về phép, khi trở lại, sự cố trượt chân, lấm lem bùn đất khiến “tôi” tìm đến giếng nước đầu trấn để rửa ráy và xâu lại dép. Tình cờ ở đây, “tôi” gặp một cô gái trẻ tên Giang. Rất tự nhiên như quen biết từ lâu, hai con người xa lạ bỗng vì một duyên cớ nào đó mà xít lại gần nhau. Sự gặp gỡ vô tình lại thành ra hữu ý mà cái hữu ý đầu tiên là dụng ý nghệ thuật mà nhà văn khéo sắp xếp cho mọi tình cảm được bộc lộ một cách tự nhiên. Đâu chỉ thế, đặt trong bối cảnh chiến tranh, khi mà cuộc gặp gỡ nào cũng có thể là lần gặp gỡ sau cùng, người ta luôn trân trọng từng giây phút mình có, từng người bên cạnh mình và “tôi” cùng cô gái nhỏ Giang đã nâng niu thời gian ít ỏi cạnh nhau, nói cùng nhau những điều muốn nói và lắng nghe cả những gì chưa thể nói. Sự tình cờ này đã khiến chúng ta dâng lên niềm xúc động khi bắt gặp câu chuyện của anh lái lính lái xe quân sự Lãm và cô công nhân giao thông Nguyệt trên đường đến chỗ hẹn.
Điểm khác biệt làm nên chất văn của Bảo Ninh chính là gặp gỡ rồi chia li. Một cuộc chia li không hẹn ước thế nên kết cấu câu chuyện đâu chỉ mang đến một sự ngẫu nhiên tươi sáng, hy vọng mà thấm đượm nỗi buồn day dứt. Dường như những cuộc gặp gỡ trong tác phẩm của nhà văn đều gặp để mà chia li. Kết cấu này tạo nên cốt truyện đơn giản nhưng vẫn đủ điểm tựa để tâm lí nhân vật bộc lộ chân thật.
Kết cấu tâm lí theo dòng hồi ức của nhân vật “tôi” đã phát huy tác dụng nghệ thuật trong truyện ngắn Giang. Câu chuyện được kể theo dòng hồi tưởng của “tôi”, ngôi kể thứ nhất này đã hé mở một bức tranh hiện thực khách quan sinh động và chân thực, bởi vì “tôi” đã từng nghe, từng nhìn và từng trải. Nhân vật “tôi” tạo nên sự tín nhiệm rất lớn trong lòng người đọc. Và cũng chỉ thông qua cách trần thuật này mới thực sự đi sâu vào những diễn biến tinh tế trong tâm hồn của nhân vật, từ đấy, nhà văn dễ dàng gửi gắm những thông điệp, cái nhìn cá nhân vào câu chuyện.
Một nét đặc sắc nghệ thuật không thể bỏ qua trong truyện ngắn Giang chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nhân vật trung tâm của văn chương kháng chiến là hình tượng người lính, người nông dân yêu nước , người mẹ anh hùng…Trong tác phẩm Giang, nhân vật không chỉ ở tiến tuyến mà còn là cô gái ở lại hậu phương. Cả nhân vật “tôi” và Giang đều còn rất trẻ, tuổi đời chưa quá đôi mươi. Cả hai nhân vật đều có sự trong trẻo, tràn đầy sức sống và thánh thiện. Nhân vật trong truyện không được khắc hoạ qua ngoại hình nhưng lại được chú tâm xây dựng qua tên tuổi, quê quán, lời nói và hành động, cử chỉ. Cách xây dựng nhân vật như thế, nhà văn chủ đích nói đến số phận cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. Họ không nằm ngoài guồng quay của chiến tranh nhưng mỗi người lại không ai giống ai về hoàn cảnh. Phạm Nhật Giang, trò Trưng Vương vừa tốt nghiệp, nay là sinh viên trường Tổng hợp. Nhà cô ở ngõ chợ phố Khâm Thiên. Mẹ Giang vừa mất năm ngoái, anh trai thì vào Bê tháng trước. Túp nhà nơi nhân vật “tôi” được mời về là của một người quen bố Giang mượn tạm để rước con gái vào ăn Tết. Tính cách của Giang dần hiện lên qua cái nhìn của nhân vật “tôi” và trong những hoàn cảnh khác nhau. Lúc gặp ở giếng nước, Giang toát lên một vẻ đẹp tinh khiết với tính cách hồn nhiên, nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ người khác và có chút dễ tin người. Nhận ra anh bộ đội tay chân lấm lem bùn đất, Giang không chút ngần ngại múc nước hộ anh, chủ động giành lấy gàu rồi ân cần kỳ cọ bùn đất ở chân cho nhân vật “tôi” một cách rất tự nhiên như người ta đã thân tình với nhau lâu lắm. Cô gái trẻ còn mời nhân vật “tôi” ghé lại thăm nơi mình ở dù chỉ là lần đầu gặp đầu tiên.
Ở hoàn cảnh của người chủ nhà, Giang tỏ ra hiếu khách, chu đáo lại còn đảm đang, tinh tế. Bàn tay khéo léo của một người con gái giúp nhân vật “tôi” xâu lại đôi dép. Biết người lính đi đường xa lại chiều tối nên cô mời cơm với tình cảm nồng nhiệt nhất “Giang nài tôi chịu khó chờ cô xuống bếp hâm lại cơm canh”. Với anh lính, cô gái hồn nhiên, thật thà vậy mà khi gặp tình huống khó xử, cô không hề lúng túng, ngược lại còn ứng xử rất khéo. Cô gỡ rối cho người lính bằng một lai lịch rất dễ cảm thông “đây là Hùng bạn học lớp 10 của con”. Một ông bố trung tá khá khiêm khắc như bố Giang cũng phải chịu thua với lời lẽ của cô con gái. Chẳng ai nỡ chối từ một người bạn lâu ngày gặp gỡ, nhất là khi anh ấy lại là một người lính thì cuộc gặp gỡ nào cũng là đáng quý. Đến đây chúng ta thấy Giang có một chút ma mãnh, tinh quái nhưng sự tinh quái này hoàn toàn đáng yêu, nó xuất phát từ việc Giang được sự thương yêu hết mực của người bố.
Lúc chỉ còn hai người trên chiếc xe đạp băng qua đoạn đường rừng tối và lạnh, Giang trở về với tâm hồn một thiếu nữ nhiều ưu tư, khao khát tìm được sự cảm thông và sợ hãi với cô đơn. “Tết ra chơi với bố con em anh nhé. Nhà chỉ có hai bố con mà cái thị trấn khỉ ho cò gáy này thì buồn ơi là buồn”. Từng lời tâm sự của Giang cũng là lời của những cô gái bị chiến tranh bỏ lại bên lề, dù bên ngoài tươi trẻ nhưng đâu đó một góc khuất của tâm hồn đã sớm những nỗi buồn che lấp. Đoạn đối thoại trên chuyến đi về đơn vị giữa Giang và “tôi” không nhiều nhưng khả năng gói cảm xúc trong từng câu chữ lại tuyệt đối. Đặc biệt là ở câu hỏi cuối trước khi hai người chia tay nhau ẩn chứa nỗi niềm khắc khoải: “Hay là Tết em trốn vào đây với anh?” câu hỏi kèm theo tiếng thở dài. Tiếng thở dài lẽ ra không nên có ở một cô gái trẻ đang tràn đầy tuổi mộng với bao nhiêu dự tính nếu người lính không vào chơi cùng cô được thì cô sẽ đến tìm anh. Chỉ tiếc là dự tính thì ở hiện tại còn tương lai cách xa một đoạn đường dài phủ đầy bom đạn, hy sinh.
Hình tượng người lính trong truyện ngắn Giang có những nét tính cách của một người lính Hà Nội trẻ trung, hào hoa, đa tài, nhiệt huyết. Mười bảy tuổi, binh nhìn, nhân vật “tôi” vừa đạt điểm cao nhất trong kỳ kiểm tra xạ kích nên được thưởng hai ngày phép. Lúc gặp cô gái bên giếng nước, anh lính trẻ tỏ ra tinh ranh trộm nhìn tên cô mà vẫn vờ thản nhiên như từng gặp gỡ. Anh lính luôn cư xử đúng mực, lịch sử và thân tình, có một chút lúng túng khi đối diện với người con gái chân thành như Giang. Ở nhân vật “tôi” nhà văn đã xây dựng một con người vừa của chủ nghĩa anh hùng vừa của những tình cảm cá nhân, những suy tư, trăn trở. Một con người hoàn toàn bằng xương, bằng thịt nên cũng sẽ có những rung động, những xúc cảm “tôi đứng yên, sững lặng cảm nhận cái ân tình hồn nhiên và bất ngờ ấy”. Trong lúc cần nói, cần thủ thỉ những điều sâu kín thì “tôi” đã im lặng và lắng nghe nhiều hơn. Nhân vật “tôi” có chiều sâu tâm lý và sự từng trải hơn là tuổi 17. Người lính ấy trân trọng sự chân thành, tình cảm đẹp mà Giang đã dành cho mình. Thế nhưng trong hoàn cảnh cuộc chiến người ta đâu dễ hứa với nhau một điều gì. “Tôi” đã không hứa hẹn cũng không dám tìm hiểu về cô gái mình sắp phải xa vì chẳng ai dám chắc chắn điều gì ở tương lai. Những lời hứa trong chiến tranh đôi khi sẽ bóp nát cuộc đời ai đó, nhất là với cô gái trong sáng, dễ tin mà cũng trọng nghĩa tình như Giang. Cách xây dựng nhân vật tự nhiên, Bảo Ninh đã cho người đọc nhận ra những điều phi thường vẫn ẩn mình trong cái đời thường mà điều phi thường nhất của con người trong chiến tranh là tình người. Cách cư xử của mỗi nhân vật đều xuất phát từ tình người nồng hậu, sự san sẻ, cảm thông, thấu hiểu cần có để chiến thắng cái ác, cái dữ dội của đạn bom.
Cái đẹp của truyện ngắn Giang nói riêng và những sáng tác của nhà văn Bảo Ninh nói chung còn được tạo bởi lớp ngôn ngữ phong phú, uyển chuyển, giàu sức gợi tả và nồng nàn chất thơ. Nhà văn đan xen nhiều biện pháp nghệ thuật như từ láy “lướ quớ”, “trật trưỡng”, “gấp gáp” “nấn ná”…cùng lối mô tả chi tiết, tài tình “Tôi guồng cẳng đạp, bám theo vệt trắng mập mờ của con đường, lên dốc, xuống dốc, quành rẽ, lạng tránh, lao rất nhanh và phanh giật cục..”đã tạo cho ngôn ngữ chất gợi hình và gợi cảm xúc. Phép điệp nhẹ nhàng tuôn trào theo dòng tâm tư của người lính trẻ như một ký ức miên man, day dẳng: “Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng nhanh nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm”. Không chỉ đẹp, ngôn từ trong tác phẩm còn khéo qua cách liên tưởng, so sánh tài tình. “Trời mưa nhưng rất mỏng, như sương, và chưa tối hẳn nên từ khá xa tôi đã nhận ra một cái dáng con gái”. Có những đoạn, những câu cứ như lấy từ một bài hát giàu nhạc điệu, nhịp nhàng, luyến láy: “thực ra là có gì đâu một tình cờ như thế, một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật mà năm tháng cuộc đời cứ mãi chồng chất lên muốn xóa nhòa”. Có lẽ bởi chất thơ, chất trữ tình trong truyện ngắn Giang đã tạo nên mạch cảm xúc âm ỉ truyền từ tác giả sang độc giả.
Viết về những năm tháng đau thương mà hào hùng, nhà văn đã chọn giọng điệu ngậm ngùi kết hợp khách quan, dẫu vậy trong cái khách quan vẫn phảng phất nỗi suy tư, trăn trở. Giọng điệu này xuất phát từ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của nhà văn, đau nỗi đau thời đại, xót cho những thân phận chịu nhiều mất mát, hy sinh. Cũng chất giọng này, nhà văn bộc lộ chất triết lý về cuộc đời người lính, tình yêu và số phận con người trong chiến tranh. Lắng nghe những câu văn cuối tác phẩm như tiếng thở dài man mác nỗi buồn: “Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng nhanh nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm.” Thế đấy, cái sự mất mát trong đời không chỉ là cái chết mà là sống trong xa cách, trong chia ly và day dứt không thể tỏ bày. Cũng như Giang và “tôi” một cuộc gặp gỡ tình cờ, thoáng qua như mây nhưng để lại lòng mỗi người bao bâng khuâng, hoài niệm có muốn xoá cũng chẳng thể nào xoá được.
Đọc “Giang” để thấy rằng ký ức đẹp không phải lúc nào cũng vui, để cảm nhận rằng có những nỗi buồn rất đẹp. Đẹp bởi lòng người, tình đời, sự thuỷ chung, ân nghĩa của những con người. Tác phẩm còn là điểm hội tụ một phong cách nghệ thuật rất riêng với kết cấu là những dòng hồi ức đầy suy tư được tạo bởi giọng điệu trầm ngâm, lắng đọng, xây dựng nhân vật tự nhiên, ngôn ngữ giàu chất tạo hình, mang dư vị sâu xa.
Có một thời đại đã trôi qua như thế. Có một nhà văn đã âm thầm sống trong miền hồi tưởng để chắt ra từ những vết thương đau một thứ mật ngọt dịu dàng của tình thương, sự thấu hiểu và nồng hậu. Truyện ngắn Giang phải là loại mật ngọt tình người dễ khiến người ta rung động, dù chỉ là những rung động nhẹ nhàng nhưng lại bền chặt và day dẳng. Với thông điệp mà nhà văn gửi gắm về thái độ trân trọng cuộc sống, biết ơn thế hệ đã ngã xuống cho hôm nay, Bảo Ninh xứng đáng là ngòi bút hàng đầu trong mảng văn viết về hậu chiến.