VIẾT
VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ MỘT TÁC PHẨM TRỮ TÌNH
Đọc ngữ liệu tham khảo
Đối chiếu ngữ liệu tham khảo với tri thức về kiểu bài và cho biết:
Câu 1. Ngữ liệu trên là một bài viết hoàn chỉnh hay trích đoạn? Dựa vào đâu để nhận định như vậy?
Gợi ý trả lời: Ngữ liệu trên là một đoạn trích, dựa vào ký hiệu chỉ nghĩa là lược thuật. [ …], ngoài ra xét theo bố cục, đoạn trích là nội dung của phần thân bài vẫn còn thiếu mở bài và kết bài.
Câu 2. Xác định luận điểm được nêu trong ngữ liệu.
Gợi ý trả lời: các luận điểm trong ngữ liệu:
- Bài thơ sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, điệp ngữ, …để biểu đạt những ý nghĩa sâu sắc
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một em bé rất đáng yêu với trái tim tràn đầy yêu thương, trí tưởng tượng phong phú và giàu óc sáng tạo.
Câu 3. Luận điểm đó được làm sáng tỏ bằng những lí lẽ, bằng chứng nào?
Gợi ý trả lời:
Luận điểm: Bài thơ sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, điệp ngữ, …để biểu đạt những ý nghĩa sâu sắc có những lĩ lẽ, dẫn chứng:
- Hình ảnh mây và sóng ẩn dụ cho thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, đầy hấp dẫn.
- Nhà thơ kết hợp danh từ bình minh và tính từ vàng (golden)
- Biện pháp ẩn dụ buổi sớm mai vàng (the golden dawn)
- Sự kết hợp giữa danh từ vầng trăng với từ vừa chỉ chất liệu bạc vừa chỉ màu sắc ánh bạc.
- Sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, lặp từ con và lăn (roll on, roll on and roll on)
Luận điểm: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một em bé rất đáng yêu với trái tim tràn đầy yêu thương, trí tưởng tượng phong phú và giàu óc sáng tạo
- Khi nghe những người trên mây và trên sóng kể và tả về xứ sở tuyệt đẹp và cuộc sống vui vẻ của họ, em thốt lên những câu hỏi: Nhưng tôi làm sao mà đến đó được? Nhưng làm cách nào mà tôi đến đó được?
- Em đã từ chối những lời mời của người trên mây và trong sóng vì nhớ ra: Buổi chiều, mẹ tôi luôn muốn tôi trở về với mẹ.
- Lời của em đã nói hộ tấm lòng của mỗi chúng ta đối với mẹ của mình: Đi đâu mà bỏ mẹ già/ Gối nghiêng ai sửa, mẹ già ai nâng”.
Câu 4. Nêu tác dụng của câu cuối trong ngữ liệu.
Gợi ý trả lời: câu cuối trong ngữ liệu:
- Khẳng định bài thơ không chỉ là tiếng lòng của em bé mà là thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng đối với mỗi con người. Đó chính là sức khái quát, giá trị bất tử của văn học.
- Mở rộng liên tưởng để thấy được sự giao thoa giữa văn học dân gian Việt Nam và văn học thế giới xuất phát từ sự đồng điệu tình cảm, tâm hồn con người.
Thực hành viết theo quy trình
Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm thơ hoặc văn xuôi trữ tình.
Gợi ý làm bài: Nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm Chiếc lá đầu tiên – Hoàng Nhuận Cầm
Cảm nhận về bài thơ Chiếc lá đầu tiên – Hoàng Nhuận Cầm
“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng”.
(Áo Trắng – Huy Cận)
Có một thời mộng ước trinh nguyên như tà áo trắng. Có một thời người ta không con ngây dại để giữ mãi mối tình câm nhưng chẳng biết làm sao bày tỏ khi một mai này thời gian trôi, hiện tại rồi sẽ là quá khứ, kỷ niệm nào cũng thành ký ức. Thời áo trắng đọng lại trong những luyến nhớ khôn nguôi, thổn thức mãi trong vần thơ đẹp, duyên dáng đến lạ kỳ của một nhà thơ Hà Nội hào hoa, Hà Nội thơ mộng suốt mùa lá đổ. Chiếc lá đầu tiên – chiếc lá mang trái tim trong ngần của biết bao tình cảm đẹp mà nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã giữ mãi trong lòng ngần ấy thời gian. Tình yêu, sự gắn bó với trường lớp, lòng biết ơn với thầy cô, những kỷ niệm vui vẻ bên bè bạn và cảm giác rung động đầu đời đã nhẹ nhàng in sâu vào trang thơ, như một tiếng lòng đầy xúc động tìm đến tiếng lòng bao thế hệ học trò.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cộng hưởng với quê hương anh hùng, quê hương lao động, thơ Hoàng Nhuận Cầm sục sôi nhiệt huyết của tuổi đôi mươi bước vào đời, trầm lắng chiều sâu của những suy tư mà vẫn dịu dàng xúc cảm của một viên xúc xắc mùa thu. Cũng như những nhà thơ trưởng trong thời kỳ kháng Mỹ oanh liệt, Hoàng Nhuận Cầm có những trang thơ viết về người lính hào hoa. Tuy vậy, cái tên Hoàng Nhuận Cầm đến với bạn đọc, nhất là đông đảo nữ sinh vẫn là mảng thơ viết về kỉ niệm, tình yêu tuổi học trò. Dù ở đề tài nào, thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn vang lên trong âm ba rung động được tạo bởi nhạc tính và chiều sâu cảm xúc. Không cầu kỳ, bóng bẩy, không rối rắm ở các tầng lý luận, thơ Hoàng Nhuận Cầm nói chung và Chiếc lá đầu tiên nói riêng thiên về cảm xúc, có độ ngân vang, dễ nhớ, dễ cảm và dễ dàng lắng đọng trong lòng người đọc. Bài thơ Chiếc lá đầu tiên ban đầu có tên là Trường ơi, chào nhé. Sự ra đời trọn vẹn của bài thơ đã trải qua 10 năm thai nghén, khoảng thời gian bắt đầu từ lúc chàng trai trẻ rời ghế nhà trường mãi đến khi hoà bình, chàng trai năm nào tìm về với sân trường cũ. Thế nên chiều dài của bài thơ là chiều dài của thời gian, là chiều dài của gần một thập kỷ những đổi thay, biến động. Cái được mất hẳn đã qua nhiều mà tấm lòng ưu hoài, nhớ trường, thương bạn vẫn còn đong đầy trong trái tim thi nhân nặng nghĩa tình.
So với những đoạn thơ còn lại, hai khổ thơ đầu được viết trong khoảng thời gian rất nhanh, cứ như ấy là cảm xúc, là tâm trạng điều khiển ngọn bút, những câu thơ dạt dào tình cảm tuôn trào bộc lộ sự nuối tiếc trước bước đi vội vàng của thời gian.
“Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”.
Mở đầu bài thơ là lời tâm tình nhẹ nhàng, trìu mến của nhân vật trữ tình với “em”. Lối tâm tình này vẫn thường gặp trong thơ ca khi chủ thể trữ tình muốn mượn một đối tượng để bộc lộ cảm xúc, gửi gắm nỗi niềm hoặc “em” chính là người thực, tình thực mà “tôi” hướng đến. Cách mở đầu tự nhiên như chính tình cảm tất đỗi tự nhiên của một con người đang bất giác lo sợ trước “tất cả đã xa rồi”. “Tất cả” là bao nhiêu khoảnh khắc đã từng là hiện tại, là khoảng thời gian đã từng là sum vầy. Mọi thứ đều dần lùi lại phía sau khi mà thời gian thì vẫn miệt mài chảy về phía trước. Bởi vì dòng sông thời gian không bao giờ chảy ngược nên muốn níu giữ “tất cả” buộc lòng người phải ngược lối đi về. Trong cái nhìn tinh tế của thi nhân, thời gian là con người nên nhà thơ sử dụng phép nhân hoá “tiếng thở” để nhờ thời gian nói hộ tiếng thở dài buồn bã của mình. Cũng bởi một điều thời gian trôi “rất khẽ”, một sự trôi nhẹ nhàng, vô hình dường như không dấu vết nên khiến con người dễ lầm tưởng nó dài vô tận. Vậy mà một lúc nào đó bất giác nhận ra “tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế”. Đọc câu thơ, nhất là ngẫm nghĩ về từ “cao ngạo” được nhà thơ khéo léo đặt vào mà cứ ngỡ mình vừa đánh mất tuổi thơ. Cái “cao ngạo” kia được đặt trong phép nhân hoá mà tuổi thơ mang dáng vấp con người. Tuổi thơ“cao ngạo” bởi lẽ nó ý thức được ấy khoảng thời gian đẹp nhất, trong sáng nhất của đời người mà lại ngắn ngủi vô cùng. Sự quý giá khiến người ta cứ mãi xin được kéo dài, xin được trở về nên cứ thế, tuổi thơ hờ hững, mặc kệ mọi van nài mà kiêu ngạo bước đi. Khổ đầu tiên khép lại trong màu tím “mê say” của hoa sung, một loài hoa dân dã, dung dị mà gợi thương, gợi nhớ. Màu tím ấy phải chăng chính là sự bừng cháy một lần cuối để rồi mãi mãi chia xa. Màu tím của thời mực tím với nhiều mơ mộng dẫu có xa nhưng vẫn đọng lại trong khoé mắt, in ngần tâm đáy tâm hồn.
Từng hình ảnh lần lượt hiện ra, mỗi lúc thêm nặng ưu hoài khi giờ phút chia tay sắp sửa cần kề cùng tiếng ve kêu, màu hoa phượng cháy đỏ như máu con tim tuổi trẻ.
“Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”
“Phượng hồng”, “tiếng ve” là thiên sứ của mùa hè cũng là dấu hiệu báo trước ngày chia tay không còn bao lâu nữa. Với những học trò cuối cấp thì phượng hồng đong đầy kỉ niệm. Cái màu đỏ như là con điểm trên bài thi, là miền ước mơ cháy bỏng phía trước và nỗi bồi hồi nung nấu trong lòng. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng ngơ ngác nhìn theo vòng bánh xe chở một mùa đã qua mang theo cành hoa phượng:
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?”
(Chút tình đầu)
Cái nhìn nhân hoá của nhà thơ đã để âm thanh tiếng ve trở thành một kẻ nắm giữ thời gian mà vô tình, hờ hững “xé đôi hồ nước”, “con ve tiên tri”. Như một lẽ tự nhiên của đất trời, lúc hoa phượng chớm nỏ nụ đầu tiên thì ve đã ngân nga khúc hát. Ve giục hoa phượng đỏ cả cành, đỏ cả khoảng trời. Với cậu học sinh sắp phải xa trường, ve đủ sức “xé đôi” làm tan vỡ mặt hồ tĩnh lặng. “Hồ nước” kia là phép ẩn dụ cho tâm hồn, tình cảm, đáy lòng của nhân vật trữ tình. Âm thanh da diết của ve đã xáo trộn sự tĩnh lặng, bình yên, mặt hồ trong trẻo dậy sóng. Cơn sóng lòng cuộn trào theo từng nhịp ve kêu. Con ve “tiên tri” báo trước thời gian là thuận thời quy luật tự nhiên sao lại trở thành “vô tâm”? Phải chăng sự vô tâm kia là do cách cảm nhận của học trò. Vì tiếng kêu hè mà thời gian như trôi nhanh chóng, nỗi buồn sắp phải xa trường, xa lớp và nỗi buồn bỏ lại một thời hoa mộng đã biến thành lời trách móc nhẹ nhàng “con ve vô tâm”. Tình yêu là cảm xúc cao nhất, nồng nàn nhất mà con người có được. Với tuổi học trò, tình yêu còn mang cả sự háo hức, mới mẻ trong trái tim nhiều mơ mộng. Sự mơ mộng cùng trí tưởng tượng dễ khiến cho lứa tuổi này nhầm lẫn, mơ hồ trước một cảm xúc khác thường len lỏi trong lòng. Đó là tình bạn, tình thân mến hay sự rung động của tình yêu đầu đời? Khi mọi thứ còn chưa được thời gian minh chứng thì đặt trong tình thái từ “có lẽ” là hợp lý. Câu thơ như một sự bối rối của anh chàng “Chỉ một cây đàn nhỏ/ Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm” (Đỗ Trung Quân). Tình yêu thường hay bắt đầu ở đoạn cuối của cuộc chia tay. Khi người ta sắp phải xa nhau, nói lời chào nhau lần cuối thì những cảm xúc đẹp về nhau cứ thế tuôn trào. Người ta lo sợ một mai không còn cơ hội, người ta luyến tiếc vì bỏ dở những ngày qua. Vậy nên khi ve kêu, phượng nở cũng là lúc “bắt đầu yêu”.
Ở khổ thơ tiếp theo, nhà thơ khơi lại bức tranh đầy xúc động của ngôi trường, lớp học thân quen cùng những giờ sinh hoạt, từng hình ảnh gần gũi mà ai cũng đã trải qua.
“Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rũ
Sân trường đêm, rụng xuống trái bàng đêm”.
Bằng phép điệp cấu trúc “muốn…bao nhiêu”, “muốn…bao nhiêu” đã diễn tả dồn dập cảm xúc đang từng cơn vỡ tung ra sau bao ngày dồn nén, chờ đợi và thổn thức. Chẳng còn bao lâu nữa để có thể giữ sự lặng im đến cuối cùng, cô cậu học trò tha thiết được bộc lộ tình cảm chân thành của mình trước lần cuối cùng nhau chia cành phượng đỏ. Ngay trong lúc này đây, dường như mọi lời phân tỏ đều không đủ. “Bao nhiêu” là danh từ chỉ số lượng nhiều, không đếm xuể, chỉ có “bao nhiêu” mới bày tỏ được hết những điều còn chưa thể bộc lộ bằng lời nói và nước mắt.
Thơ Hoàng Nhuận Cầm cứ êm đềm như ru và thánh thót như một khúc hát chạm vào đáy tâm hồn. Cứ thế khổ thơ mở ra theo điệu nhạc của bài hát đầu tiên về trường cũ. Bài hát ấy nhắc nhở nhân vật trữ tình về khoảng thời tuổi mộng có lớp học, có sân trường và trái bàng rụng trong nỗi nhớ. Không có tư ngữ nào thích hợp hơn từ láy “bâng khuâng” khi diễn tả nỗi nhớ không thể định hình, nỗi nhớ mơ hồ, xen lẫn luyến tiếc làm cho lòng dạ ngẩn ngơ. Nhà thơ đã chọn một màu sắc “xanh rũ” màu của rêu phong, màu của nỗi buồn hoài cổ, màu của dấu tích thời gian để báo trước những nhạt nhoà, phai sắp sửa.“Rồi một ngày đá cũng phủ rêu phong” (Dương Hoàng). Khổ thơ chùng xuống với hình ảnh trái bàng đêm rụng xuống sân trường. Phép đảo ngữ “rụng xuống trái bàng đêm” như một dấu lặng bồi hồi của tâm trạng. Cảm giác sân trường kia mang cả tâm tư trong ngần của thi nhân, chỉ đợi trái bàng rụng xuống như tiếng gõ nhịp của một nốt trầm xao xuyến cũng đủ làm cho chàng trai năm nào tiếc nuối vẩn vơ.
Nếu xem cả bài thơ là một điệu đàn thì sau những cung bậc du dương, nhẹ nhàng sẽ là luc cảm xúc cao trào, cung đàn réo rắt với nỗi nhớ cất vào đâu cũng không vừa.
“Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Có nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi”
Điệp ngữ “nỗi nhớ” và điệp từ “nhớ” xuất hiện với tần suất đậm đặc chi phối cảm xúc của khổ thơ. Có thương thì mới nhớ, thương càng đậm sâu nhớ càng day dẳng. Chỉ tiếc là nỗi nhớ ấy đâu phải lúc nào cũng hướng về nhau, tìm gặp nhau. Chủ thể trữ tình hiện thân trong “anh” để đối diện với chính “em” mà không phải thông qua “một người” nào đấy. Cũng “anh” và “em” cùng “nỗi nhớ” nhưng hai câu thơ lại không đi cùng hướng. “Anh” hướng về “em” trong khi em lại hướng về với “mẹ”. Anh đã biết vương vấn, bắt đầu trong lòng một tình yêu, còn em thì quá đỗi thơ ngây chưa hề thể hiện mình đã biết nhớ “anh”. Chuyện đời có những lần dang dở, nụ hoa tình đầu mong manh cũng vì lỡ hẹn mà rụng rơi tơi tả “bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi” (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến – Hoàng Nhuận Cầm). Cùng với điệp từ nhớ, “có” xuất hiện hai lần trong hai câu thơ cuối khổ tạo nên câu hỏi tu từ “bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi”. “Có” tạo sức vang như một câu hỏi da diết không thể kìm nén ngay phút chia xa. Hỏi cũng là để cầu khiến “Bạn có nhớ trường, nhớ lớp thì hãy nhớ tên tôi”. Hỏi cũng là cách bày tỏ tình cảm của mình lúc nào cũng nhớ về trường, lớp nhớ bạn. Câu thơ là nỗi niềm chung của những thế hệ học sinh đã qua mùa phượng cuối. Những mùa phượng âm thầm ép cánh bướm vào trang nhật ký, viết tặng nhau vài dòng lưu niệm, gửi cho nhau lời chúc và căn dặn “đừng quên tôi nhé”.
Nhớ về trường xưa, lớp cũ là nhớ đến những khoảnh khắc vui nhộn, tươi vui từ những trò nghịch ngợm, đáng yêu của “thứ ba học trò”
- “Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi”
Với lại bảy chú lùn rất quấy
- “Mười chú chứ nhìn xem trong lớp ấy”
(Ôi những trận cười tinh mắt đến mê say)
Nhà thơ đã có dụng ý tái hiện không khí rộn ràng, tưng bừng của lớp học với cách dẫn lời thoại trực tiếp. Cách dẫn này gợi những giờ ra chơi trên, đám bạn quây quần trong lớp học, hay những giờ tan trường còn nán lại để kể nhau nghe câu chuyện vui và cười tít mắt. Hoàng Nhuận Cầm khéo đưa cổ tích vào trang thơ mơ mộng để chuyện năm nào sống lại bằng hình hài mới. Nàng Bạch Tuyết kia đâu chỉ xinh đẹp mà còn dịu dàng, là điểm sáng thu hút mọi ánh nhìn để “bảy chú lùn” quây quanh ai cũng muốn lấy lòng người đẹp. Tình bạn trong thế giới xưa bước ra rất thực mang cả sự dí dỏm, duyên dáng của tuổi áo trắng tinh khôi. Rất lạ và cũng rất quen, chính là thế giới mà nhà thơ mở ra để người đọc bước vào còn chưa hết bất ngờ:
“Lông ngỗng bay như số phận giữa trời
Trọng Thuỷ đứng suốt đời không hết lạ”
(Viên xúc xắc mùa thu – Hoàng Nhuận Cầm)
Câu cảm thán “Ôi những trận cười tinh mắt đến mê say” được đặt trong dấu ngoặc đơn như lời lý giải, bổ sung cho niềm vui mà mỗi người nhận được không chỉ rộn ràng trong phút chốc mà dư âm của nó còn kéo dài theo nỗi “mê say”, sự thích thú nhiệt thành tạo thành động lực để bao lứa học sinh thêm yêu thích việc đến trường mỗi ngày.
Trong dòng hồi tưởng của nhà thơ, ta ngỡ như câu chuyện ấy, niềm vui ấy vừa mới hôm qua hoặc ở ngay hiện tại. Mọi ấn tượng về thời gian không có ranh giới khi dòng xúc cảm trong lòng thi nhân cứ luôn ở thì hiện tại.
“Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm”
Phép điệp cấu trúc “những chuyện năm nao, những chuyện năm nào” đặt ở đầu khổ thơ như một thước phim tua ngược để ký ức bộn bề lần lượt hiện ra nguyên vẹn từng mẩu chuyện. Thước phim này có đạo diễn là cảm xúc thế nên không phải cứ muốn trở về là có thể nhớ lại. Phải có cảm xúc, tâm trạng mà cảm xúc, tâm trạng kia lúc nào cũng ở trạng thái đong đầy nhất để có thể bật ra thành thanh âm. Điệp từ “cứ” kết hợp với từ láy “xôn xao”, tình thái từ cảm thán “biết mấy” cứ xoắn chặt lấy nhau trong nỗi “xúc động” trào dâng khoé mắt. Hai câu thơ đầu dù phép điệp dồn dập nhưng nhịp thơ 4/4 và 3/5 được tạo bởi hai vế rõ rệt đã khiến câu thơ như chậm lại, chở nặng tâm sự, cũng như sự nấn ná của suy tưởng muốn bám víu vào mảng ký ức ấy không rời. Thời gian chuyển vần từ xuân hạ đến thu đông, mỗi mùa mang một nhịp điệu khác nhau như đặc tính không giống nhau của nó. Với tuổi học trò, có lẽ mùa thu ngày khai trường và mùa hạ ngày chia tay là hai mùa mang nhiều nỗi vấn vương. Trong thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng có mùa thu, nhưng là những mùa thu đã mất “chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi” (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến). Thế nên thời gian nén lại trong hai mùa xuân hạ. “Mùa hoa mơ”, mùa phượng cháy” là cách nói hoán dụ cho bước đi của thời gian, sự nối tiếp không ngừng của những thay đổi thuận theo quy luật. Giật mình trước dòng sông thời gian, nhà thơ bàng hoàng nhận ra ngày tháng không đâu chỉ vun bồi cho sự trưởng thành của tuổi trẻ mà còn lấy mất đi tuổi thanh xuân của những người lặng lẽ lái đò.
“Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh
Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rồi
Thời gian trôi nhanh mau
Cầu Kiều thầy đưa qua sông
Tuổi ấu thơ như hoa nở dưới mái trường”
(Khi tóc thầy bạc trắng – Trần Đức)
Câu cầu khiến “tóc chớ bạc thêm” vang lên như mong muốn thiết tha của cô cậu học trò sợ một ngày kia tóc thầy bạc trắng bởi màu bụi phấn hay màu thời gian in hằn trên đôi mắt. Xin tóc thầy chớ bạc thêm là mong mỏi được níu giữ thời gian cũng là tấm lòng thương yêu, kính trọng của thế hệ học trò dành cho những kỹ sư tâm hồn.
Bất cứ sự níu kéo nào cũng không thể dài đi vô tận. Đã đến lúc trao cho nhau lời cuối, khổ thơ tiếp theo như đoạn sau của điệp khúc nhớ thương, nhịp thơ vội hơn, nhanh hơn để sau đó trở về trong nỗi ngậm ngùi.
“Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng trên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi”
Khổ thơ làm sống dậy bao trò nghịch ngợm, những chuyện thường xuyên xảy ra trong lớp học. “Bím tóc trắng” hoán dụ cho cô học trò nào đó với một bím tóc xinh xăn cài hoa trắng, màu trắng tinh khôi của tuổi ban đầu để ai đó cứ mải miết nhìn rồi giả vờ như vô tình chạm mắt. Hay kỷ niệm về trò nghịch phá của bọn con trai, muốn lưu lại chút gì để nhớ nên cứ khắc lăng nhăng trên những bàn ghế đã cũ, trên cả gốc cây phượng già sân trước. Những trò vui ngây dại cũng chỉ một thời, thời học sinh, thời áo trắng cũng là khoảng thời gian tươi đẹp nhất. Vậy mà điệp ngữ “hết thời” lại phủ nhận tất cả đã không còn nữa. Thời không thể quay lại như dấu chấm xanh đặt xuống cuối dòng. Sự ám ảnh của thời gian không phút nào buông tha những ai đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời dần khép lại. Điệp từ “đã” kết hợp với hình ảnh “quả”, “cành đu đủ”, “hoa mướp” “đã ngọt”, “đã vàng” chỉ độ thời gian chín muồi của thời gian. Đây là lúc trời đất chuyển vần, con người cũng bước sang một hành trình mới. Hoàng Nhuận Cầm đã sử dụng những hình ảnh thơ giản dị, đời thường đọng lại trong ánh mắt người đọc một sắc vàng rực rỡ của quả đu đủ chín trên cành và màu hoa mướp trên giàn. Ấy là màu của nắng hạ chói chang, đốt cháy cả tâm hồn ngây dại.
Bao năm chinh chiến, ngày hoà bình, chàng trai trẻ năm nào mang màu áo lính phong sương trở về trường xưa, lớp cũ để nhận mặt tháng năm trôi.
“Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên”
Đứng ở thời điểm hiện tại để nhớ về dĩ vãng, nhưng đã là dĩ vãng vẫn mãi mãi ở thì quá khứ. Điệp từ “đã” như tiếng nấc nghẹn ngào của người trở lại nhớ tiếc về một người đã ra đi. Càng xót xa hơn khi hai tâm hồn kìa chưa kịp chạm vào nhau, chưa lần nào tìm thấy nhau nên “anh” và “em” cứ như hai đường thế giới đầy cách trở. Lúc “nỗi nhớ đầu anh nhớ về em” thì “nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ”. Đến khi “em đã yêu anh” cũng là lúc “anh đã xa rồi”. Những mối tình đầu như cơn mưa ngang qua vội đến cũng vội đi, thứ còn lại chỉ là một tâm hồn đã ướt.
“Mối tình đầu của tôi
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại…mang về”
(Chút tình đầu – Đỗ Trung Quân)
Phép nhân hoá “câu bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi” đã thổi hồn vào cho cảnh vật để câu bàng kia không chỉ là nơi lưu dấu kỷ niệm mà còn là nhân chứng cho thời gian. Cây bàng là nơi ta hẹn hò, cây bàng chìa đôi tay che chở và cũng dang cánh tay để nói lời chào tạm biệt bao thế hệ học trò đã ra đi. Cây bàng còn đó mà người xưa đã biệt tăm, nỗi nhó dâng cao khiến “anh” bật lên thành câu cảm thán “Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại”. Câu thơ bẻ đôi bởi dấu chấm than thành hai nỗi nghẹn ngào, rưng rưng. Từ “mà” đặt đầu câu thứ hai tạo nên sự đối lập trong cảm xúc. Khi người ta nhớ về ai đó, về nơi nào đó, người ta sẽ ngoảnh lại hồi tưởng, ghi khắc vào lòng, đó là thuận theo lẽ tự nhiên. Thế nhưng sự thật thì có những nơi, những người không phải cứ nhớ lại chạy đến tìm, không thể cứ gặp là thoả lòng mong đợi. Sân trường vẫn đó, cây bàng hẹn hò năm cũ là đây, nhưng lớp học có nàng Bạch Tuyết và mười chú lùn nghịch ngợm, có bím tóc trắng ngủ quên không thể là của hôm nay. Chẳng có tấm vé khứ hồi nào cho ngày qua. “Anh” cũng không còn là “anh” như ngày trước. Sự thay đổi là bản chất cuộc đời, thế nên câu thơ như một tiếng thở dài thổn thức, lỡ làng. Những chiếc lá bàng vẫn còn đó, tuy nhiên trong đôi mắt của của một người lính đa tình, chiếc lá bàng phải là của hôm qua, phải là chiếc lá buổi hẹn hò đầu tiên “chiếc lá buổi đầu tiên”. Chiếc lá ấy nương mình trong phép ẩn dụ để mở ra một chiều sâu liên tưởng. Ấy là khoảnh khắc đầu tiên chạm vào mắt nhau để “anh” biết “có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. Chiếc lá đong đầy tình bạn, niềm vui tuổi học trò, sự gắn bó với mái trường và lòng kính yêu với thầy cô. Chiếc lá đầu tiên chỉ còn ở lại trong một miền nhung nhớ, cứ tinh khôi, trong trắng và bất tử “Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời” (Phương ấy – Hoàng Nhuận Cầm).
“Cân bằng giữa yếu tố lãng mạn và hiện thực, hòa trộn tác phẩm bằng những gam màu đa sắc của ngôn ngữ, Hoàng Nhuận Cầm đã đi rất hay trên ranh giới sáng tạo của văn chương.” Bài thơ dài nhưng dường như không một câu thừa. Cảm xúc cứ tự nhiên tuôn trào không hề cường điệu, cao giọng nhưng lại đủ sức lay động tình cảm của đọc giả. Chiếc lá đầu tiên như tiếng lòng thứ nhất, tròn đầy của bao lớp học trò giả từ trường lớp, chia tay bè bạn, cách trở mối tình đầu.
Tình yêu với Hoàng Nhuận Cầm bao giờ cũng là tình yêu đầu tiên vì thế mà chiếc lá cũng chỉ duy nhất màu xanh trong đầu tiên. Đọc thơ, ta như bắt gặp gương mặt phúc hậu với đôi mắt ngập tràn tình cảm của “Bác sĩ hoa súng” – một người sống trọn vẹn cho thơ cho những mối tình vương vấn tuổi học trò. Lần đầu tiên đọc được bài thơ trong một quyển lưu bút chép tay lòng tôi đã nghe bâng khuâng cảm xúc khó tả về trường lớp, bạn bè. May mắn hôm nay bài thơ được đưa vào sách giáo khoa trang trọng. Tôi tin rằng, bài thơ sẽ bắt nhịp cầu nối kết cảm xúc của nhà thơ và bạn đọc để từ đó, thế hệ trẻ thêm yêu quý ngôi trường mình được học, gìn giữ khoảng thời gian quý báu trong đời như giữ gìn tình cảm đẹp tuổi mộng mơ.