VIẾT
VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ MỘT BÀI THƠ
Đọc ngữ liệu tham khảo
Câu 1: Ngữ liệu trên có phải một bài văn hoàn chỉnh không? Căn cứ vào đâu để nhận định như vậy?
Gợi ý trả lời: Ngữ liệu trên không phải là một bài văn hoàn chỉnh vì chỉ tập trung vào phân tích từng vấn đề trong thân bài mà chưa có phần mở bài giới thiệu khái quát vấn đề và phần kết bài đánh giá chung về vấn đề.
Câu 2: Nội dung phân tích , đánh giá được trình bày theo cách tách riêng chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật hay kết hợp hai nội dung? cách trình bày như vậy có ưu điểm gì?
Gợi ý trả lời:
Nội dung phân tích, đánh giá được trình bày theo cách kết hợp nội dung chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
Cách trình bày này tạo ra sự hài hoà, cân đối làm sáng tỏ luận điểm chính của từng đoạn. Để có cái nhìn toàn diện về vẻ đẹp của thơ, phải tìm hiểu hình thức nghệ thuật. Nó như một phương tiện để thể hiện chủ đề, nội dung, cảm hứng của bài thơ, phục vụ cho ý tưởng nhà thơ. Nghệ thuật và nội dung không tách rời nhau mà làm sáng tỏ nhau nên khi cảm nhận thơ nên lựa chọn cách kết hợp này.
Câu 3: Xác định các ý chính được trình bày trong ngữ liệu
Gợi ý trả lời:
Các ý chính được trình bày trong ngữ liệu:
– Khung cảnh tinh khiết của ao thu trong và lạnh
– Phong cảnh ao thu tươi tắn, yên tĩnh
– Không gian cao rộng, vắng lặng
Câu 4: Để làm sáng tỏ sức gợi tả của hình ảnh trong bài thơ Thu điếu, tác giả đã dùng những lí lẽ dẫn chứng nào
Gợi ý trả lời: Những dẫn chứng, lí lẽ được tác giả sử dụng để gợi tả hình ảnh trong bài thơ Thu điếu:
- Lạnh lẽ, trong veo: không khí và làn nước của mùa thu, gợi khung cảnh tinh khiết.
- Sóng biếc tương phản lá vàng: màu sắc nổi bật, tươi sáng, mĩ lệ
- Khẽ đưa vèo: lá vàng rơi khẽ, nhanh, không gây được một xao động nhỏ trong cái tĩnh mịch xung quanh.
- Tầng mây lơ lửng: trời trong xanh yên tĩnh cao vút thăm thẳm như mở ra chiều cao sâu vô tận
- Ngõ trúc quanh co: ngõ dài, uốn khúc, có chiều sâu
- Vắng teo: không gian cao rộng đều vắng lặng tuyệt đối.
- Khách vắng teo: biểu trưng cho khung cảnh thanh tao, thoát tục
Câu 5: Việc đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật có xuất phát từ đặc trưng thể loại của tác phẩm?
Gợi ý trả lời: Việc đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật xuất phát từ đặc trưng thể loại. Ví dụ khi đánh giá về thơ ca, các thể loại trữ tình cần quan tâm đến những hình ảnh, từ ngữ gợi hình, gợi cảm, mang tính biểu trưng thông qua các biện pháp nghệ thuật: từ láy, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, điệp..Đối với phân tích một tác phẩm truyện cần dựa trên đánh giá về cốt truyện, xây dựng nhân vật, lối trần thuật…
Thực hành viết theo quy trình:
Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ (thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt).
Gợi ý làm bài: Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương
Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, thể hiện một bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường” (Lê Trí Viễn) Tâm tình ấy, không gì khác là tâm sự của một kiếp hồng nhan đa truân, vui buồn, đau khổ, hạnh phúc đều đặt trong guồng quay hà khắc của xã hội phong kiến. Dẫu vậy, vượt qua nỗi đau thân phận, Hồ Xuân Hương vẫn cất giọng thơ lanh lảnh tự hào về vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất của người phụ nữ đồng thời ngầm lên án những bất công đã gieo vào đời họ. Bánh trôi nước đã đi sâu vào khai thác vẻ đẹp phẩm chất và những bi kịch của người phụ nữ phong kiến bằng lối thơ mạnh mẽ, hình ảnh ngôn ngữ đậm chất Bà chúa thơ Nôm.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Hồ Xuân Hương – một nữ sĩ tài hoa sống trong khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Câu chuyện cuộc đời bà còn là một dấu chấm hỏi lớn cũng như những án thơ để lại chưa bao giờ chịu ngủ yên trong dòng chảy của thời gian. Nỗi đau phận mình càng sâu sắc hơn khi hoà với nỗi đau phận người, phận đời. Tâm sự chua cay khi nói về đời người phụ nữ không ở đâu lại thực như thơ bà, chẳng phải nỗi sầu muộn của người con gái nơi lầu son gác tía hay niềm u hoài của thiếu phụ có chồng chinh chiến, thơ Hồ Xuân Hương hướng về tâm sự chung của hầu hết những người phụ nữ bình dân, những người phải chịu kiếp chồng chung, chịu cảnh bất hạnh do những ràng buộc, bất công.
Bài thơ Bánh trôi nước được viết theo thể Thất ngôn bát cú Đường luật. Tuy vậy, Hồ Xuân Hương đã từng bước Việt hoá để cũng từng ấy niêm, luật nhưng Bánh trôi nước hiện lên thật gần gũi, dung dị đời thường, phảng phất âm hưởng dân gian. Ngay trong việc lựa chọn hình ảnh để ví von cho người phụ nữ, thi sĩ chọn chiếc bánh trôi, một món bánh quen thuộc phổ biến ở miền Bắc được làm từ bột nếp bên ngoài và đường phên bên trong. Với những nét tương đồng ẩn sâu bên trong giữa chiếc bánh trôi và thân phận người phụ nữ, nữ sĩ đã cho chúng ta cái nhìn thú vị về hình tượng nghệ thuật này.
Mở đầu bài thơ Hồ Xuân Hương đã dùng mô túy quen thuộc trong ca dao than thân“Thân em..” Những bài ca dao thân em bao giờ cũng man mác một nỗi buồn cho thân phận người con gái Việt ngày xưa. Ấy là tấm thân ngà ngọc, đài cát, liễu yếu “Thân em như tấm lụa đào” hay tấm thân hèn mọn, bé nhỏ “Thân em như trái bần trôi”. Dù họ là ai, chỉ cần sinh ra làm con gái thì xem như số phận đã ghi tên họ vào sổ đoạn trường. Đại thi hào Nguyễn Du – người sống cùng thời Hồ Xuân Hương cũng đã đau đớn mà kêu lên:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Vượt qua ngoài “thân” là cuộc đời một người, số ít thì số kiếp người phụ nữ chịu chung chữ “phận”. Thuyết thiên mệnh chẳng chừa một ai, thế nên dẫu là tiểu thư đài cát hay cô gái nông thôn vẫn phải “phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” hoặc “gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”.
Dù mang âm hưởng ca dao nhưng câu thơ không man mác nỗi buồn, không tự ti, mặc cảm hay thở dài than vắn, nữ sĩ thổi vào đấy một cá tính mạnh mẽ bắt đầu bằng niềm tự hào khi ý thức được những giá trị tuyệt vời mà người phụ nữ có được.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Nhắc đến thân em vừa là nhắc đến hình ảnh chiếc bánh trôi lại cũng là nhắc về hình ảnh người phụ nữ. Vì hai lớp nghĩa không tách rời nhau, đan xen vào nhau nên người viết chọn cách đọc từng câu khám phá từng lớp nghĩa. Trước hết câu thơ đầu tiên, nhà thơ dùng tính từ trắng, tròn vừa là hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi được làm từ bột nếp trắng tinh và được người khéo léo nặn thành hình tròn. Đó cũng vừa là hình ảnh ví von, miêu tả vẻ đẹp tài sắc, trong trắng vẹn tròn nhân phẩm của người con gái. Sử dụng hình ảnh liên tưởng mộc mạc, độc đáo tác giả vừa phô ra hết cái vẻ đẹp bao quát hình thể lại vừa cho người đọc thấm được cái chiều sâu cao thượng, phúc hậu và sắt son thủy chung trong tâm hồn người phụ nữ Việt. Điệp từ “vừa” nối kết giữ “trắng” và “tròn” như một lời khẳng định chắc nịch rằng người phụ nữ không chỉ đẹp về hình thể bên ngoài mà còn đẹp ở phẩm chất bên trong. Cái tròn và trắng bên ngoài không phải cụ thể hoá vẻ đẹp sắc sảo “làn thu thuỷ, nét xuân sơn” mà gợi nên vẻ đẹp của sự hài hoà, phúc hậu, dễ thương, dễ cảm mến. Một từ “tròn” gợi cho chúng ta những nét nghĩa khác nhau, nhìn chung đều là tiếng nói ca ngợi cách ứng xử, thái độ, lối sống của phụ nữ. Vuông tròn trong phận làm dâu, làm mẹ, vẹn bề trong nghĩa xóm tình làng, khéo léo trong vun vén cuộc sống hằng ngày…Và sắc “trắng” kia phải chăng là sự trắng trong, trinh bạch trong hồn cốt, trong tình cảm chứ.
Phụ nữ Việt Nam bao đời nay đều được ngợi ca về vẻ đẹp bên ngoài lẫn tâm hồn, trí tuệ. Họ lẽ ra phải được cuộc sống sung túc, yên vui. Thế nhưng khi đọc câu thơ thứ hai chúng ta lại xót xa trước bi kịch cuộc đời mà sự bất công của chế độ đã dành cho họ. Thuyết tài mệnh tương đố trong Truyện Kiều đã vận vào số phận những kiếp má hồng.
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Câu thơ diễn tả trạng thái chiếc bánh trôi nước trong lúc đang luộc. Những chiếc bánh trắng phao bị nước sôi khuấy động làm cho nổi lên chìm xuống liên tục “bảy nổi ba chìm”. Nhà thơ đã sử dụng thành ngữ “ba chìm bảy nổi” đảo thành “bảy nổi ba chìm” dùng để chỉ về một cuộc đời nổi trôi, lênh đênh, vô định. Người phụ nữ trong xã hội xưa không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu, sẽ đến đâu, và gặp những ai. Họ bị sóng gió của chế độ phong kiến cổ hủ, lạc hậu với suy nghĩ trọng nam khinh nữ nhấn chìm. Họ không có quyền lên tiếng quyết định cho số phận cuộc đời, cho hạnh phúc của chính mình. Họ chỉ biết nghe theo sự sắp đặt từ người khác, từ xã hội. Xót họ, ta nhớ đến thân nàng Vũ Nương trong cuộc hôn nhân sắp đặt, sự gia trưởng và thói vũ phu của người đàn ông tự cho mình cái quyền quyết định cuộc đời phụ nữ đã đẩy một người con gái “tư dung tốt đẹp” phải tìm đến cái chết oan khuất. Sự sắp xếp khéo léo của Hồ Xuân Hương đã tạo ra một âm thanh thương cảm, day dứt từ một thanh bằng đặt giữa câu thơ “chìm”. Phải chăng đây là nốt trầm nhạt nhòa trong cuộc đời lắm giông nhiều bão của người phụ nữ truân chuyên. Câu thơ dù là một tiếng thở than, oán trách cuộc đời nhưng lại phảng phất sự sống mạnh mẽ trong tiềm thức ở người phụ nữ. Cái thế đứng “với nước non” đâu phải là cái cúi đầu, cam chịu với tấm thân hèn mọn mà phảng phất chút ngang tàng của chí nam nhi tang bồng hồ phỉ, sánh ngang trời đất. Điều này làm nên chất Hồ Xuân Hương, dẫu chua cay nỗi buồn nhưng không bi luỵ, dẫu thống khổ nhưng không chịu đầu hàng.
“Thân lươn bao quản lấm đầu”, đã sinh ra trong lề thói vững vàng bám sâu vào nếp nghĩ, cách trị quốc của những bậc bề trên thì dù có oán hận hay phản kháng cũng không thể một mình đạp đổ bức tường rào phong kiến. Thế nên Hồ Xuân Hương đã từng ngậm ngùi chấp nhận đời mình, phó thác cho con tạo.
“Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công”
(Làm lẽ)
Trong Bánh trôi nước, nhà thơ đã thể hiện sự phó mặc ấy vào hai chữ “mặc dầu”
“rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Câu thơ này bên ngoài diễn tả cách làm bánh và số phận những chiếc bánh, có tròn méo, có đẹp hay xấu thì phụ thuộc vào người nhào bột, nặn bánh. Nhưng đằng sau ấy lại là tiếng lòng của người phụ nữ khi nhìn về thân phận thấp mọn của mình.Nhà thơ đã khéo léo sử dụng nghệ thuật đảo ngữ tài tình để nhấn mạnh về cuộc đời người phụ nữ. “Rắn nát” là tính từ chỉ mức độ, ở đây để nói về sự khổ đau hay hạnh phúc viên mãn trong những năm tháng cuộc đời. Sự khổ đau hay hạnh phúc ấy lại không do chính bản thân họ được định đoạt mà lại phụ thuộc vào người khác : “mặc dầu tay kẻ nặn” . Tay kẻ nặn phải chăng đang nói về người đàn ông và những định kiến xã hội.“tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” . Những người phụ nữ sinh ra đã là thân phận yếu thế, trong xã hội và rồi buồn đau hay yêu thương, hạnh phúc họ cũng chỉ còn biết trông chờ vào chính những người đàn ông. Hồ Xuân Hương đã không hề giấu diếm không hề trốn tránh mà đứng lên nhìn thẳng vào hiện tại, nhìn thẳng vào cuộc đời chính mình để rồi dấy lên tiếng nói, dấy lên một nỗi lòng thương cảm, sẻ chia nghẹn ngào trăm bề.
Dù rằng là đau khổ, dù rằng là đời bạc bẽo nhưng vẫn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vẫn thật đẹp, vẫn thật cao quý qua câu thơ cuối của bài.
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Đối chiếu với câu 2 và câu 3, ta thấy được phép tương phản được được đặt trong mối quan hệ “mặc dù…mà”. Mặc dù “thân em” có chìm nổi trước cuộc đời, phận em có phụ thuộc vào “tay kẻ nặn” nhưng chưa bao giờ người phụ nữ chấp nhận để phẩm hạnh của mình lấm lem, hoen ố.Tấm lòng son được gắn với lớp nghĩa thứ nhất có thể hiểu là khi bánh chín, bên trong nhân chuyển sang màu đỏ. Màu sắc ấy tượng trưng cho tấm lòng thủy trong, son sắt của người phụ nữ. Câu thơ cuối như một lời tuyên thệ, lời khẳng định chắc nịch cho phẩm chất sáng trong của người phụ nữ, rằng dù có lênh đênh, có bị vùi dập, có đặt trong hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa trong họ vẫn luôn ngời lên đức tính cao đẹp, đức hạnh đáng quý mà cốt lõi ở sự thuỷ chung. Tấm lòng son đã theo nàng Kiều suốt 15 năm lưu lạc “tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Cũng chính câu son sắt đã khiến Vũ Nương chẳng thể trọn niềm hạnh phúc khi sống dưới thuỷ cung mà đau đáu nhớ về đất cũ, người xưa. Nói như thế tấm lòng thuỷ chung, son sắt là một đức hạnh của người phụ nữ, để giữ gìn nó, người phụ nữ buộc phải hy sinh. Như viên ngọc trai được thành hình từ sự đớn đau của con trai, lòng thuỷ chung càng qua thử thách của “bảy nổi ba chìm” lại càng sáng ngời, vĩnh cửu.
Bài thơ khép lại nhưng phận đời người phụ nữ lại hiện ra trước mắt chúng ta. Cái hay của bài thơ là “ý tại ngôn ngoài” tức là hình thức cô đọng, hàm xúc nhưng ý nghĩa lại đa chiều. Đọc Bánh trôi nước, ta bắt gặp tiếng nói của cha ông qua ca dao, thành ngữ được Hồ Xuân Hương vận dụng vào. Tuy vậy, cái tôi cuốn hút của nữ sĩ đã tạo ra tiếng nói khác biệt đầy niềm tự hào, cảm thông, trân trọng trước số phận bi kịch và đức tính tốt đẹp của người phụ nữ. Bánh trôi nước mang hương vị quê nhà , chan chứa tiếng nói của người phụ nữ muốn bộc lộ thân phận của mình, muốn minh oan và đòi lại sự công bằng cho thế hệ mình. Qua Bánh trôi nước, nhà thơ muốn lên tiếng cho phụ nữ, đòi quyền được sống, được yêu thương.
Không chỉ là nhà thơ có sức phản kháng, Hồ Xuân Hương trước hết là nhà thơ nhân đạo. Bằng sự thấu hiểu từ cuộc đời từng trải, nhà thơ đã cất tiếng nói cảm thông, chia sẻ với thân phận người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước. Từng dòng thơ như một dây đàn khơi gợi sự xúc cảm của người đọc mãi sau này. Thương người nữ sĩ tài hoa nhưng mệnh khổ, ta lại cảm thương cho những thiệt thòi, hy sinh mà những người phụ nữ quanh mình nhận lấy để thấy bản thân cần trân trọng, bảo vệ quyền được hạnh phúc, quyền được yêu thương của phụ nữ ngày nay.