VIẾT
VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN THUYẾT PHỤC NGƯỜI KHÁC TỪ BỎ MỘT THÓI QUEN HAY MỘT QUAN NIỆM
Đối chiếu ngữ liệu tham khảo với tri thức về kiểu bài và cho biết:
- Các phần mở bài, thân bài, kết bài trong ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm chưa?
Gợi ý trả lời:
Các phần mở bài, thân bài, kết bài trong ngữ liệu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.
- Bài viết đã chỉ ra tác hại của thói quen và lợi ích của việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động bằng các lí lẽ, bằng chứng nào? Các lí lẽ, bằng chứng ấy có được sắp xếp hợp lí không?
Gợi ý trả lời:
- Lí lẽ: Lạm dụng điện thoại di động là sử dụng điện thoại di động một cách thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
- Bằng chứng:
+ Những bạn trẻ chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại bất kể thời gian, nơi chốn, dù là đang đi bộ trên đường..
+ Trong lớp học, lén sử dụng điện thoại di động lên mạng, chơi game
+ Thức đến hai, ba giờ sáng để theo dõi những dòng cập nhật trên mạng xã hội.
+ Việc lạm dụng điện thoại di động khiến chúng ta mất tập trung trong giờ học, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập.
- Lí lẽ: Việc lạm dụng điện thoại di động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta.
- Bằng chứng:
+ ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại gây tổn thương mắt
+ rối loạn giấc ngủ
- Lí lẽ: Nếu ta từ bỏ được thói quen lạm dụng điện thoại di động, tức là sử dụng một cách có ý thức, đúng nơi, đúng lúc, thì chiếc điện thoại di động lại trở thành công cụ hữu ích cho cuộc sống của chúng ta.
- Bằng chứng: Các ứng dụng trên điện thoại di động giúp ích cho con người trong việc soạn thảo văn bản, chụp ảnh, dựng phim, phục vụ đắc lực cho các bài thuyết trình trên lớp.
- Quan điểm, thái độ của người viết về vấn đề có được thể hiện rõ ràng, nhất quán không?
Gợi ý trả lời: Quan điểm, thái độ của người viết về vấn đề có được thể hiện rõ ràng, nhất quán. Từ luận điểm, các lí lẽ và dẫn chứng đều phục vụ cho vấn đề khuyên các bạn từ bỏ thói quan lạm dụng điện thoại di động.
- Cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu của người viết đã phù hợp với mục đích của bài luận hay chưa?
Gợi ý trả lời: ngôn ngữ, giọng điệu của người viết gần gũi, thuyết phục, hướng tới đối tượng thông qua cách sử dụng từ ngữ dễ hiểu, rõ ràng, bố cục lập luận chặt chẽ, giọng điệu nhẹ nhàng, phân tích, khuyên nhủ.
- Bạn rút được kinh nghiệm hay lưu ý gì khi thực hiện một bài luận tương tự?
Gợi ý trả lời: Khi thực hiện một bài luận cần:
- Nêu rõ thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ, mục đích, lí do viết bài luận.
- Trình bày tác hại của thói quen, lợi ích của việc từ bỏ thói quen, quan niệm đó, giải pháp thực hiện
- Sử dụng lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục có tình có lí
- Diễn đạt mạch lạc, gãy gọn lời lẽ chân thành.
Thực hành viết theo quy trình
Đề: Hãy viết một bài văn thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá điện tử
Gợi ý làm bài
Cuộc sống mỗi con người bị chi phối bởi những thói quen. Thói quen tốt sẽ hình thành nên tính cách tốt. Thói quen xấu không chỉ khiến chất lượng cuộc sống con người bị ảnh hưởng mà một số thói quen xấu còn tạo ra tính cách xấu đẩy con người vào con đường tệ nạn. Hút thuốc lá điện tử là một thói quen xấu của các bạn học sinh hiện nay. Trong khi môi trường học đường cần được xây dựng trên tinh thần học tập nghiêm túc, rèn luyện thói quen lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt thì một số bạn đi ngược lại, phá bỏ những quy định, tạo cho mình một thói quen vô cùng tệ hại là hút thuốc lá điện tử.
Câu chuyện về thuốc lá chắc không còn xa lạ gì đối với mỗi chúng ta. Thuốc lá từ lâu đã được cảnh báo trên toàn thế giới về mức độ gây nghiện và gây hại đến sức khoẻ của nó đối với cả bản thân người hút và những người hít phải khói thuốc. Theo sự biến đổi không ngừng của thời đại, từ một điếu thuốc lá thông thường chuyển thành một dạng thuốc lá điện tử với hình thức cũng hiện đại, mới lạ hơn. TLĐT được quảng cáo trên thị trường là một phương pháp an toàn để thay thế hút thuốc truyền thống. Nhưng thực tế không phải vậy. Có thể hiểu, TLĐT là một dạng thiết bị chạy pin thông thường được thiết kế để người hút thấy và cảm nhận như thuốc lá bình thường. Nó sử dụng các hộp nạp bên trong chứa nicotine, hương liệu và một số loại hóa chất khác. Có một thiết bị đốt bên trong thuốc lá điện tử giúp chuyển đối các chất lỏng thành hơi nước để người hút hít vào. Chất nicotine là một hoá chất độc hại có trong thuốc lá thông thường và cũng là một nhân tố cơ bản gây hại đến sức khỏe cơ thể. Đâu chỉ vậy, TLĐT còn chứa thêm một số chất khác nguy hại không kém như những hạt siêu mịn hít vào phổi tạo sự bám chặt gây ung thư, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, các kim loại nặng niken, thiếc, chì đều là kim loại gây hại khi vào cơ thể. Ngoài ra chất tạo mùi trong TLĐT còn diacetyl là tác nhân liên quan bệnh phổi.
Theo một số khảo sát và thống kê của Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ năm 2020, có đến 2807 ca tổn thương phổi xuất phát từ thuốc lá điện tử, trong đó có những ca chuyển biến nặng dẫn đến tử vong. Trên thế giới tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT đang ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, năm 2019, khoảng 2,6% thanh, thiếu niên độ tuổi 13-17 sử dụng TLĐT, trước đó chỉ 0,2%. Tỷ lệ sử dụng TLĐT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn, đối tượng thuộc nhóm người trẻ tuổi, có mức sống khá. Không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn học sinh. Anh chị sinh viên đang vô tư thả khói với đủ mùi hương khác nhau, trong số đó có không ít các trường hợp vẫn còn mặc bộ quần áo đồng phục trên người. Gần đây, thuốc lá điện tử (còn gọi là vape) len lỏi vào trường học. Vape được bán với giá ‘học sinh’ khoảng 120.000 – 150.000 đồng dưới dạng son môi, bút, viết, USB…Những loại này đa dạng hương vị dâu, cam, xoài… bán trôi nổi, có nicotine và cần sa gây nghiện.
Nhiều bạn trẻ vẫn lầm tưởng rằng thuốc lá điện tử (hay còn gọi là vape) an toàn hơn thuốc lá truyền thống, nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy thuốc lá điện tử gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt, đặc biệt là đối với sự phát triển toàn diện của học sinh. Nạn nhân đầu tiên của chất nicotin là não bộ. Chất này gây ra những biến đổi hoá học kéo dài và nguy hiểm nhất là gây nghiện. Ngoài ra, người dùng còn có thể bị đau đầu, chóng mặt hoặc run lẩy bẩy. Nicotin và diacetyl-một chất tạo hương- được tìm thấy trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử tăng nguy cơ mắc bệnh phổi và ung thư phổi. Các bạn trẻ hút thuốc lá điện tử sẽ khiến tăng huyết áp về lâu về dài, bạn đã tự đặt mình vào hiểm họa máu cơ tim và đột quỵ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc lá điện tử tàn phá hệ miễn dịch của bạn còn hơn cả hút thuốc truyền thống. Chẳng những ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, hút thuốc lá điện tử nghĩa là bạn đang đầu độc những trẻ em và những thai nhi quanh đó. Ngoài tác hại trực tiếp đến sức khỏe, TLĐT sẽ gây rối loạn thần kinh Những người hút thuốc có thể sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, hoặc cáu kỉnh khi không được hút . Lâu dài dẫn đến rối loạn hành động ,gây giảm khả năng kiểm soát bản thân trong thời gian dài, khiến các bạn học sinh mắc các vấn đề với khả năng chú ý và suy luận điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập. Chưa kể đến những tác hại ngoài ý muốn của TLĐT do pin gây cháy nổ mà ra. Những hình thức dùng chung khi hút thuốc lá điện tử sẽ tạo cơ hội lây lan các bệnh truyền nhiễm từ đường hô hấp trong đó có Covid. Chẳng những thế, giá thành của thuốc lá điện tử khá cao, muốn mua được loại thuốc này các bạn học sinh không thể xin tiền ba mẹ nên dẫn đến tình trạng gian lận, trộm cắp. Từ những hành vi lệch lạc sẽ là con đường của tệ nạn xã hội.
Khi các bạn bỏ thói quen hút thuốc lá điện tử nghĩa là các bạn đang tạo cho mình một và mọi người một môi trường học đường lành mạnh, trong sáng. Trong môi trường ấy chúng ta chỉ dành thời gian cho việc xây dựng tình cảm bạn bè, nghiên cứu học tập, tham gia các hoạt động chung của trường…Ngừng hút thuốc lá điện tử bạn sẽ bảo vệ được sức khoẻ của mình, có sức khoẻ chúng ta mới có thể tập trung học hành, sống vui tươi, hạnh phúc. Từ chối sự rủ rê, lôi kéo hút thuốc lá điện tử từ những người khác là bạn đang bảo vệ lối sống lành mạnh, tạo cho mình nhân cách tốt đẹp. Không chỉ thế, bỏ thói quen xấu này bạn không phải mất tiền một cách vô bổ. Gia đình bạn sẽ không lo lắng, xáo trộn vì thói xấu của bạn, thầy cô sẽ không còn gánh nặng với những học sinh cá biệt.
Để đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá điện tử trong học sinh, cần có sự quan tâm phối hợp giữa các cấp các ngành. Cơ quan chức năng nhà nước, cục thực phẩm cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc mua bán các loại hình thuốc lá điện tử dành cho đối tượng trẻ em. Nhà trường nên thường xuyên có những buổi học ngoại khoá để tuyên truyền, giáo dục các em học sinh tránh xa TLĐT, cần nghiêm khắc hơn trong việc học sinh, giáo viên hút TLĐT. Gia đình cần quan tâm hơn nữa đến con em mình. Không nên nuông chiều, dễ giải với những hành vi gian lận tiền bạc, thời gian vào những việc vô bổ, ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe. Quan trọng nhất vẫn là phía giới trẻ chúng ta nói chung và học sinh nói riêng. Chúng ta nên hiểu rõ về tác hại của TLĐT và tránh xa chúng. Nên dành thời gian cho việc học tập, vui chơi lành mạnh. Cùng chung tay với nhà trường trong việc đẩy lùi nạn hút TLĐT ra khỏi học đường.
Cuộc sống này là của chúng ta. Tương lai mai sau là kết quả của những gì chúng ta làm hôm nay. Hãy tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa những tệ nạn xã hội, tránh xa những tác nhân gây hại đến sức khỏe, ảnh hưởng việc học hành. Nói không với TLĐT để trả lại môi trường trong sáng của học trò cũng là để giới trẻ chúng ta có được một nền tảng tốt rèn luyện và phát triển.