Thực hành viết theo quy trình
Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể (thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích.
Gợi ý làm bài
“Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm”
(Truyện cổ nước mình – Lâm Thị Mỹ Dạ)
Có những mối tình theo thời gian càng lắng sâu, càng bền chặt, càng đi nhiều, nghe nhiều, hiểu nhiều lại càng yêu thêm bằng một cảm xúc vẹn nguyên như thuở ban đầu. Đó là tình yêu của chúng tôi, thế hệ hôm nay với nếp nghĩ, văn hoá đậm đà dân gian của người xưa. Một văn hoá chú trọng nghĩa tình, sự công bằng, lẽ phải ở đời. Nhìn vào truyện xưa tích cũ để quý tấm lòng của thế hệ người đi trước, để thương cho thân phận nàng Tấm chịu nhiều gian truân và tự hào hơn nữa chiến thắng của cái thiện với cái ác, của sự công bằng đối với những bất công. Trước đây sự thích thú của tôi khi nghe Tấm Cám tập trung vào những phép mầu kỳ lạ thì bây giờ hiểu ra ý nghĩa nhân văn của chủ đề truyện cùng với đặc sắc nghệ thuật, tôi lại càng thán phục sự tinh tế, tài năng của các tác giả dân gian.
Mỗi dân tộc, đất nước có riêng cho mình nếp sống, nếp nghĩ và tạo nên văn hoá, tín ngưỡng không giống nhau. Đời sống tín ngưỡng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng được nhân dân ta gửi gắm vào những sáng tác tập thể, truyền miệng từ thuở khai thiên, mở cõi. Chính vì các tác phẩm văn học dân gian lưu truyền bằng hình thức truyền miệng nên khó mà giữ được nguyên bản ban đầu. Truyện cổ tích Tấm Cám, một câu chuyện ăn sâu vào tiềm thức của dân gian cũng là truyện có nhiều dị bản trải dài từ Bắc vào Nam. Quê hương của cô Tấm làng Mai gắn với câu chuyện vua Đinh Tiên Hoàng nhặt được chiếc hài gấm và nên mối duyên kỳ ngộ cùng người con gái xinh đẹp, dịu dàng Hà Nội. Đến mảnh đất quan họ Bắc Ninh, cô Cám hiện ra nửa thực nửa hư với giai thoại về Thái phi Ỷ Lan vang danh một thời…Để khám phá những nét đẹp về chủ đề, nghệ thuật tiêu biểu của truyện cổ tích thần kỳ Tấm Cám, chúng ta dựa trên nội dung truyện Tấm Cám được in trong Sách giáo khoa Ngữ văn 10.
Truyện cổ tích Tấm Cám kể về Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm hiền lành, chăm chỉ còn Cám đanh đá, lười biếng vì được nuông chiều. Cha mất, dì ghẻ càng ức hiếp Tấm, bắt Tấm làm mọi việc trong nhà. Cám lừa chị lấy hết tôm tép để có được yếm đỏ. Tấm nuôi cá Bống mà Bụt cho nhưng cũng bị mẹ con Cám bắt làm thịt. Bụt thương Tấm nên bảo Tấm tìm xương cá rồi chôn dưới chân giường. Làng mở hội, hai mẹ con Cám đi dự hội. Được sự giúp đỡ của Bụt, Tấm đã hoàn thành phần việc dì ghẻ giao và có quần áo đẹp đến hội. Trên đường về, Tấm đánh rơi chiếc hài, vua nhặt được nên mở hội thử hài để tìm vợ. Chiếc hài đã tìm thấy chủ nhân nên Tấm được vua đưa vào cung trở thành hoàng hậu. Mẹ con Cám ghen tức nên tìm cách hãi hại. Hết lần này đến lần khác, Tấm chết hoá thành chim hoàng anh, cây xoan đào, khung cửi, cuối cùng là quả thị. Tấm sống cùng người mẹ nuôi cho đến khi gặp lại vua. Mọi chuyện sáng tỏ, Tấm trở lại cung xưa, mẹ con Cám bị trừng phạt.
Chủ đề truyện xoay quanh những mâu thuẫn thường gặp trong gia đình người Việt. Mâu thuẫn giữa mẹ ghẻ con chồng, giữa con của người vợ sau và con người vợ trước. Đúng với câu ca dao “Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dù ghẻ mà thương con chồng”
Mâu thuẫn này sẽ dẫn đến những xung đột mang tính đố kỵ, gánh ghét ở mức độ nhẹ như mẹ con Cám bắt Tấm làm hết việc nhà. Cám xảo quyệt lấy hết công xúc tép của Tấm, giành yếm đỏ. Hết lần này đến lần khác, sự mâu thuẫn trong gia đình không có dấu hiệu dừng lại khi dì ghẻ vẫn xem Tấm là cái gai trong mắt. Dì ghẻ bắt Tấm đi chăn trâu đồng xa để hai mẹ con âm mưu giết cá bống làm thịt. Hành động này cho thấy sự ích kỷ đến nhỏ nhen của hai mẹ con Cám đến nỗi không thể nhìn thấy niềm vui của người khác, bằng mọi giá phải giành lấy, cướp lấy, dồn Tấm vào nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Tấm càng đau khổ, mất mát thì mẹ con dì ghẻ càng hả dạ. Mầm mống của cái ác bao giờ cũng bắt nguồn tính so đo, ghen ghét, đố kỵ. Đó cũng là nguyên khởi của những mâu thuẫn nội tại trong mỗi gia đình dì ghẻ con chồng, cha dượng con riêng. Không dừng lại ở đấy, nếu Tấm hiện thân cho cái tốt, sự hiền lương thì mẹ con Cám lại là đại diện cho những kẻ áp bức, cho cái ác, cái xấu đang ngự trị ở bất cứ xã hội nào. Vì thế mà chủ đề truyện vượt ra ngoài phạm vi gia đình trở thành mâu thuẫn của xã hội. Thời cổ, khi mà pháp luật chỉ thuộc về tay giai cấp thống trị, nếu có thì cũng là “phép vua thua lệ làng” nên con người, nhất là những người thế cô, mồ côi, nghèo khổ…như Tấm dễ rơi vào bất hạnh. Cán cân công lý luôn nghiêng về những kẻ quyền thế thì sự bất công luôn hiện hữu chà đạp hạnh phúc con người, phá nát ước mơ nhỏ bé của tầng lớp thấp cổ bé họng. Xung đột xã hội xuất phát từ lợi ích của một giai cấp nào đó liên tục bị phá vỡ, bị kẻ khác thống chế. Biểu hiện của xung đột ấy ban đầu là nỗi oán hận, tiếng kêu thương nhưng đến một lúc nào đó sẽ trở thành làn sóng đấu tranh gay gắt.
Từ chủ đề những mâu thuẫn, xung đột xuất phát trong gia đình, người xưa muốn phản ánh những hệ luỵ tồn tại bao đời thường thấy trong xã hội phụ hệ. Khi mà người đàn ông nắm vai trò chủ chốt, có quyền hành nhất trong gia đình thì các con của mình phải “tại gia tòng phụ”. Dẫu người mẹ bất hạnh có mất sớm cũng phải vâng lời cha, xem mẹ kế như mẹ ruột mà nghe theo mọi lời sai bảo. “Khác máu tanh lòng” quy luật này hiển nhiên len lỏi trong những gia đình có mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng, chị em khác mẹ. Không riêng gì phản ánh mối quan hệ mẹ kế con chồng, Tấm Cám là tiếng nói phản ánh những khoảng cách, đố kỵ, xung đột của chị em cùng cha khác mẹ Tấm và Cám. Nhất là trong chế độ đa thê thì việc nảy sinh mâu thuẫn này trong mỗi gia đình có nhiều dòng con là khó mà tránh khỏi.
Phản ánh hiện thực với mong muốn thay đổi hiện thực, người xưa gửi gắm vào cuộc đời cô Tấm bao ước mơ, khát vọng mà họ mong mỏi tìm kiếm ngay đời thường. Ước mơ ấy cũng là niềm an ủi, gieo hạt mầm hy vọng cho những ao đời lẩn quẩn chốn bất công. Ước mơ đầu tiên đấy chính là được sống trong một xã hội công bằng, công lý, chính nghĩa. Ở đó người hiền lương, chịu thương, chịu khó như cô Tấm sẽ nhận lấy phần thắng. Còn kẻ ác độc, thủ đoạn như mẹ con Cám dù có lộng quyền, có tàn nhẫn đến đâu thì cũng không thể thoát khỏi lưới trời. Thông qua những đau khổ mà Tấm phải chịu cũng như những thắng thế mà mẹ con Cám có được, nhân dân còn muốn nói đến một quy luật trong đời sống: con người ai cũng trải qua những thử thách, đặc biệt là khi ai đó trải qua đau khổ càng nhiều thì ắt kết cục càng vinh quang. Cái ác, cái xấu có khi trở nên lớn mạnh, lấn lướt mọi giá trị tốt đẹp, đương nhiệm xã hội nhưng không vì thế mà cái tốt đẹp bị triệt tiêu. Dù có phát triển đến mức độ nào thì vẫn không thể giành thắng lợi cuối cùng. Giấc mơ thứ hai mà người xưa muốn gửi gắm qua câu chuyện còn là ước mơ hạnh phúc gia đình. Với người con gái bất hạnh thiếu cả tình mẹ lẫn cha như Tấm rồi sẽ tìm được bến đỗ hạnh phúc bên người đàn ông thuỷ chung hết mực. Nhà vua thương yêu Tấm, dẫu Tấm có hoá kiếp vua vẫn chỉ nhớ thương nàng. Song song với ước mơ hạnh phúc, nhân dân ta còn thầm gửi vào giấc mơ đổi đời. Người nghèo khổ sẽ có được cuộc sống sung túc, an nhàn, nàng Tấm đã thoát khỏi cuộc đời cơ cực, thiếu cơm, thiếu áo mà trở thành một hoàng hậu uy quyền bậc nhất. Tấm Cám còn là khát vọng đề cao lối sống nghĩa tình, sự thuỷ chung, son sắt. Sự hồi sinh của Tấm cũng nhờ vào tấm lòng thương người của bà lão ăn xin. Tình cảm chân thành giữa hai con người xa lạ không gì khác ngoài tình người, nghĩa tình tử tế mà con người đối đãi với nhau trong lúc gặp khó khăn, hiểm nghèo. Tình cảm thuỷ chung son sắt đã gắn kết nhà vua và nàng Tấm. Dẫu hoá thành chim hoàng anh vẫn tìm về với người thương, có biến thành cây xoan đào vẫn quấn quýt không rời. Để thay đổi xã hội, để bảo vệ được công lý, chính nghĩa, hạnh phúc và những đạo lý ở đời, buộc con người ta phải đấu tranh. Chỉ có đấu tranh Tấm mới có con đường sống. Khả năng tái sinh của Tấm chính là ước mơ sự bất tử của cái thiện, khả năng chiến đấu kiên cường, bất khuất của người lao động, không cúi đầu trước cường quyền, không chấp nhận sống chung với cái ác.
Trong bất cứ một tác phẩm văn học nào thì nghệ thuật vẫn là con thuyền chở giá trị nội dung. Ngay trong những sáng tác dân gian dẫu không phải là một tác phẩm thiên nghệ thuật nhưng chính đời sống nội tâm phong phú cùng tấm lòng yêu quý, cảm thông trước số phận con người đã tạo những nét đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu trong lối kể truyện cổ tích mà Tấm Cám là một điển hình. Trong Tấm Cám, chúng ta phải kể đến những nét nghệ thuật đặc sắc làm nổi bật chủ để, ý nghĩa câu chuyện như: yếu tố kỳ ảo kết hợp yếu tố hiện thực, gần gũi, thi pháp xây dựng nhân vật, cốt truyện và kết cấu câu chuyện.
Truyện Tấm Cám trở nên ly kỳ hấp dẫn với sự xuất hiện của nhiều yếu tố kỳ ảo, không hề bất động mà có những chuyển biến khôn lường tạo ra một thế giới đầy màu sắc huyền thoại, huyễn hoặc vừa hư vừa thực kích thích trí tò mò và cảm giác trải nghiệm với những điều nằm ngoài khả năng thực của con người. Các yếu tố kỳ ảo có mặt xuyên suốt truyện trở thành một nhân vật có khi hiện thân thông qua phép mầu của Bụt giúp Tấm có được cá bống, quần áo đẹp để đến dự hội. Có khi lại ẩn thân trong những điều bất ngờ mà Tấm biến thành: chim vàng anh, câu xoan đào, khung cửi, cây thị. Yếu tố kỳ ảo tham gia vào diễn biến câu chuyện, thúc đẩy quá trình đấu tranh của cái thiện với cái ác và sự chiến thắng của công bằng với bất công. Cùng ý nghĩa thể hiện ước mơ về một bàn tay thần kỳ nào đấy trợ giúp những người cô thế, yếu tố kỳ ảo được xây dựng trước vào sau khi Tấm chết lại không giống nhau. Trước khi Tấm trèo cau và bị dì ghẻ chặt cây hãm hại, phép mầu mà Bụt ban cho Tấm là phương tiện chính giúp Tấm tìm đến hạnh phúc, công bằng. Nhưng càng về sau, phép mầu này lại chi phối bởi ý thức tự thân của nhân vật. Suy cho cùng cái quyết định cho những lần hoá thân từ chim vàng anh đến cây xoan đào, khung cửi và cây thị chính là khát khao bất tử của người lương thiện. Nhân vật ông Bụt thường xuất hiện trong truyện cổ tích thần kỳ. Hình tượng ông Bụt trong trí tâm trí người Việt gắn với tín ngưỡng thờ Phật, tin vào những điều ngay thẳng, đức độ, công bằng. Với tấm lòng rộng mở, thương khắp những người cùng khổ, thấu đời và đạt đạo, Bụt đã nhìn trước mọi sự đời, cho Tấm cá bống ắt là để Tấm có người bầu bạn, bày cho Tấm chôn xương cá ẩn chứa sự huyền bí những bất ngờ xuất hiện sau đó. Thế nên hình tượng thần kỳ nhất vẫn là Bụt, sự xuất hiện của Bụt tạo nên một phần thưởng xứng đáng cho những ai bất hạnh, hiền lành. Xây dựng nên nhân vật tưởng tượng này, nhân dân ta muốn nói đến ước mơ sống trong xã hội có đấng uy quyền tài trí, đức độ để bảo vệ lẽ phải, chở che giúp đỡ, khai con đường sáng cho nhân dân nghèo thoát khỏi cảnh sống cơ hàn. Bụt còn là mong muốn những điều tốt đẹp, những tấm lòng thương người, biết cảm thông, chia sẻ đến từ vạn tấm lòng trong xã hội. Bên cạnh những yếu tố thần kỳ mang màu sắc hoang đường, Tấm Cám còn gần gũi với đời sống nhân dân Việt Nam bởi nhiều chi tiết đời thường. Cảnh Tấm mò cua bắt ốc, chăn trâu đồng xa, nuôi cá bống trong giếng nhà, cây thị đầu làng, cây xoan đào sum suê cành lá, khung cửi dệt vải…chính là hiện thân của lao động, của sinh hoạt diễn ra đời sống nhân dân. Đâu chỉ thế chi tiết hái cau cúng cha ngày giỗ cùng miếng trầu têm cánh phượng lại là hình ảnh đẹp có chiều sâu văn hoá, gợi chúng ta nghĩ đến tục lệ ăn trầu cau của người xưa cùng ý nghĩa miếng trầu nhân duyên chồng vợ trong đời sống văn hoá dân gian.
Với lối xây dựng nhân vật quen thuộc của cổ tích, Tấm Cám phát triển câu chuyện dựa trên hành động, tính cách nhất quán của hai tuyến nhân vật. Một bên đại diện cho cái thiện như Tấm, Bụt, nhà vua, bào lão ăn xin. Một bên là hình ảnh của cái ác: mẹ con Cám. Nhân vật trong truyện cổ tích là nhân vật chức năng, tập trung thể hiện hành động, lời nói theo nguyên lý của cái thiện hoặc cái ác và số phận nhân vật cũng xây dựng trên cơ sở: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Tuy vậy điều thú vị trong Tấm Cám là mỗi tuyến nhân vật có sự thay đổi theo thời gian, ngày càng tô đậm bản chất, tính cách có sự phát triển tăng dần. Điều này ta có thể thấy thông qua những âm mưu từ đố kỵ của mẹ con Cám hiếp đáp Tấm, bắt Tấm làm mọi việc, cướp công sức của Tấm, giết mất người bạn duy nhất của Tấm. Đến khi mối ghen hờn ngày một tăng dần khi Tấm được vào cung, mẹ con Cám cũng tăng dần sự nham hiểm, mưu mô. Những việc làm hại Tấm ngày một ác độc, thủ đoạn tàn nhẫn hơn, có kế hoạch rõ ràng khi bảo Tấm trèo cau, bắt chim vàng anh làm thịt, đốn cây xoan, đốt khung cửi…Việc làm này là tội ác, bắt Tấm phải chết. Tính cách và thái độ phản ứng trước hành vi xấu xa của dì ghẻ ở Tấm cũng phát triển theo thời gian. Ban đầu khi chịu sự hà hiếp, bất công, Tấm chỉ biết khóc, vấn đề được giải quyết cũng nhờ sự hỗ trợ của Bụt. Tuy vậy, từ lúc Tấm bị hại chết hoá thành chim vàng anh, Tấm đã có ý thức chủ động để giành lấy hạnh phúc, đòi lại công bằng khi vẫn quay về cung vua dù trong hình hài một con chim, lên tiếng nhắc nhở về chủ quyền “chồng tao”, đe doạ trả thù “lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra” và cuối cùng là hành động trừng phạt cái ác. Ý thức phản kháng của Tấm xuất phát từ nỗi đau thân phận bị chà đạp, bị hãm hại đến chết đi sống lại. Bốn lần chết đi cũng là bốn lần được hồi sinh, qua những lần ấy, tính cách của Tấm không đơn nhất là chỉ biết cam chịu, thụ động và hiền lương như ban đầu nữa. Điều này không đồng nghĩa với việc Tấm trở nên ác đi mà thuận theo quy luật tất yếu của xã hội có áp bức thì có đấu tranh, cũng là mong muốn công lý thuộc về tay dân nghèo. Để có được công bằng thì buộc phải tự mình đứng dậy bảo vệ chính mình, phải là người tiêu diệt cái ác, cái xấu chứ không phải lúc nào cũng trông đợi vào thế lực siêu nhiên giải quyết.
Kết cấu câu chuyện theo mô tip truyện cổ thường gặp, nhân vật chính có xuất thân nghèo khó, mồ côi, bị bỏ rơi…nhưng vẫn xinh đẹp, hiền lương.
Trải qua nhiều khó khăn, hãm hại bởi mẹ kế hoặc chị em khác mẹ, cuối cùng gặp được hoàng tử, đức vua…có cuộc sống hạnh phúc mãi mãi. Dù trải qua nhiều biến cố nhưng kết thúc câu chuyện vẫn tuân theo quy luật nhân quả, có hậu cho những người tốt. Riêng Tấm Cám ngoài việc tuân theo kết cấu quen thuộc vẫn có những nét đặc trưng của lối truyện đậm đà triết lý dân gian thể hiện thông qua những lần Tấm luân hồi, chuyển kiếp. Điều ấy xuất phát từ niềm tin có kiếp sau, có quy luật nhân quả và khao khát một cuộc sống mạnh mẽ, bất diệt. Không thể bỏ qua cách kể chuyện mà người kể đứng ngoài câu chuyện, hiểu biết hết mọi tình tiết và kể theo trình tự trước sau.
Thời gian và không gian truyện là một nét đặc sắc nghệ thuật cần nói đến. Cũng như hầu hết truyện cổ tích. Thời gian Tấm Cám là thời gian không xác định, mang tính khép kín. Các yếu tố thời gian “ít lâu sau”, “một hôm”, “từ đó”..gắn liền với chuỗi sự kiện, mỗi sự kiên tương ứng mốc thời gian. Truyện cũng không có thời gian quá khứ, tương lai mà chỉ có hiện tại kéo dài. Không gian trong truyện Tấm Cám ít được chú trọng thường gắn với không gian chung như sân đình, cung vua, đầu làng…và rất mờ nhạt, cũng không có sự thay đổi theo thời gian. Điều này bị chi phối bởi kết cấu truyện cổ tích là chuyện kể chú trọng vào tình tiết, diễn biến hơn là thời gian, hoàn cảnh, cũng là khả năng xâm nhập đời sống của cổ tích không cố định trong thời gian, thời điểm nào.
Tấm Cám là tiếng nói của đời sống, bước ra từ đời sống lam lũ mà nhiều mơ ước của nhân dân. Dẫu được xây dựng bằng nghệ thuật cổ tích, có nhiều yếu tố kỳ ảo nhưng nàng Tấm bước ra từ truyện vẫn là cô gái chân phương, đẹp nét đẹp thôn quê, dân dã gắn với bờ ao, ruộng đồng, cây đa, bến nước. Ngẫm đời nàng Tấm khác chi số phận của người nông dân Việt Nam, trải qua bao phen chìm nổi, bị cái ác thống trị, bị kẻ xấu dồn vào đường cùng mà vẫn tái sinh mạnh mẽ, vẫn khao khát được giành lấy công bằng, hạnh phúc.