THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
Câu 1. Hãy chỉ ra biện pháp tu từ chêm xen và nêu tác dụng của biện pháp ấy trong các trường hợp dưới đây:
a.”- Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
“- Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy”
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).
(Hoàng Nhuận Cầm)
Gợi ý trả lời:
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)
- Tác dụng: bổ sung thông tin về niềm vui, sự tưng bừng của lớp học đồng thời bộc lộ cảm xúc yêu mến của nhân vật trữ tình khi nhắc về kỉ niệm thời học sinh.
b. Đoạn ông mở gói giấy, lấy ra cục a ngùy – cái thứ thuốc dẻo quánh, màu vàng xỉn mà tôi đã thấy dạo trước – véo một miếng gắn vào đầu một cọng sậy. (Đoàn Giỏi)
Gợi ý trả lời:
– cái thứ thuốc dẻo quánh, màu vàng xỉn mà tôi đã thấy dạo trước –
=> tác dụng: bổ sung thông tin về cục a nguỳ
c. Tôi thì không bao giờ quên cô ấy, mặc dù thực ra là có gì đâu một tình cờ như thế, một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật mà năm tháng cuộc đời cứ mãi chồng chất lên muốn xóa nhòa. (Bảo Ninh)
Gợi ý trả lời: mặc dù thực ra là có gì đâu một tình cờ như thế, một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật mà năm tháng cuộc đời cứ mãi chồng chất lên muốn xóa nhòa
- Tác dụng: bổ sung thông tin về cuộc gặp gỡ giữa nhân vật “tôi” và Giang cũng như tình cảm, ấn tượng của “tôi” dành cho Giang
Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ liệt kê và nêu tác dụng của biện pháp ấy trong các trường hợp sau:
a. Cái lành lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ẩm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh. (Đoàn Giỏi)
Gợi ý trả lời: của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ẩm và dưỡng khí thảo mộc
=> Tác dụng: diễn tả chi tiết, đầy đủ cái lành lạnh thở ra từ bình minh xuất phát ở khắp mọi nơi.
b. Mấy con kì nhông nằm vươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh… (Đoàn Giỏi)
Gợi ý trả lời: từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh..
=> Tác dụng: diễn tả đầy đủ trạng thái của con kỳ nhông với những màu sắc biến hoá không ngừng.
c. Bà con xem, Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán. (Trích sử thi Đăm Săn)
Gợi ý trả lời: uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán
=> Tác dụng: diễn tả chi tiết niềm vui của Đăm Săn trong ngày mở hội ăn mừng chiến thắng. Từ đó tạo ấn tượng mạnh mẽ về người anh hùng và sự yêu mến, cảm phục của nhân dân.
d. Tôi đã cầm cây xà gạc phát rẫy mới này, tôi rạch rừng, tôi giết tê giác trong thung, giết cọp beo trên núi, giết kên kên, quạ dữ trên ngọn cây, chém ma thiêng quỷ ác trên đường đi. (Trích sử thi Đăm Săn)
Gợi ý trả lời: tôi rạch rừng, tôi giết tê giác trong thung, giết cọp beo trên núi, giết kên kên, quạ dữ trên ngọn cây, chém ma thiêng quỷ ác trên đường đi
=> Tác dụng: diễn tả đầy đủ, chi tiết hành động dũng cảm, sức mạnh tài năng của Đăm Săn trên đường tìm đến nữ thần Mặt Trời. Tạo ấn tượng đẹp về người anh hùng Đăm Săn.
Câu 3. Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi nó ngày càng có tính chất trí tuệ hóa và quốc tế hóa. Điều này rất quan trọng khi ta đặt tiếng Việt trong bối cảnh thời đại ngày nay: thời đại của thông tin, của trí tuệ; thời đại của hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu,…
(Phạm Văn Đồng)
Thử đảo thứ tự các bộ phận trong những phép liệt kê trong đoạn văn trên rồi rút ra kết luận: xét về ý nghĩa, các phép liệt kê ấy có gì khác nhau?
Gợi ý trả lời: Phép liệt kê trong đoạn văn:
- trí tuệ hóa và quốc tế hóa
- thời đại của thông tin, của trí tuệ;
- thời đại của hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu
Nếu đảo các bộ phận trong phép liệt kê:
- quốc tế hoá và trí tuệ hoá (1)
- thời đại của trí tuệ, thời đại của thông tin. (2)
- thời đại củ hội nhập toàn cầu, hội nhập khu vực (3)
- Xét về ý nghĩa, trật từ phép liệt kê (1) và (2) không thay đổi ý nghĩa so với ban đầu. Phép liệt kê (3) có thay đổi ý nghĩa. Như vậy có thể thay đổi trật từ từ trong phép liệt kê không tăng tiến. Với phép liệt kê tăng tiến nếu thay đổi sẽ làm mất đi ý nghĩa lô gic, thứ tự trước sau hoặc phát triển của sự việc.
TỪ ĐỌC ĐẾN VIẾT
Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) trong đó có sử dụng biện pháp liệt kê và chêm xen về một trong hai nội dung dưới đây:
- Kể lại ấn tượng của bạn về một vùng đất mà bạn đã đi qua.
- Nêu cảm nghĩ về một nhân vật đã để lại cho bạn ấn tượng rõ rệt khi đọc hai văn bản Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi) và Giang (Bảo Ninh)
Gợi ý trả lời:
Đoạn văn 1: Ấn tượng về vùng đất mũi Cà Mau
Có những nơi dù đi qua trăm lần nhưng vẫn không thể nhớ nổi nhưng cũng có những nơi dù chỉ ghé thăm một đôi lần đã không thể nào quên được. Với tôi đó là vùng đất Cà Mau với bạt ngàn những dãy rừng đước, sú, vẹt chen chúc nhau, vươn chiếc rễ dài bám lấy đất quê. Rời xa chốn ồn ào đô thị, tôi nghĩ bản thân sẽ buồn chết mất nếu theo người bà con về thăm vùng đất Năm Căn, một huyện hẻo lánh của Cà Mau, điểm cuối cùng tuyến quốc lộ 1A , xa chợ, vắng người. Vậy mà tôi lại bị thiên nhiên trù phú của vùng đất này níu chân. Cảm giác thích thú khi xung quanh mình toàn một màu xanh của trời, của nước, của rừng và màu nâu của bộ rễ đước vươn trên đất bùn. Đặc sản của nơi đây có cơ man nào là những chú còng nhiều màu sắc chẳng thể mang nổi hai chiếc càng to nên đành nhận một càng to và một càng bé. Lũ cá thòi lòi nằm dài trên bãi tưởng chừng ngủ quên nhưng chỉ cần động tĩnh một chút, chúng đã biến mất trong hang sâu. Tôi thích thú mỗi lần nhìn thấy loài cá này biểu diễn trên mặt nước không khác gì thợ lướt sóng chuyên nghiệp. Thiên nhiên Năm Căn vận động theo lẽ riêng của nó mà chỉ có con người gắn bó nơi này mới nắm bắt được quy luật. Những con người hiền lành, đời sống tuy không giàu có nhưng lại phóng khoáng, lạc quan. Tự dưng, lòng tôi chợt xôn xao lời bài hát mà thuở bé mẹ vẫn thường ru tôi ngủ: “Anh đến quê em đất biển Cà Mau”.
Đoạn văn 2: Cảm nghĩ về một nhân vật trong truyện Giang
Nỗi buồn chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm khảm một người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến sống còn, được mất. Bảo Ninh, một ngòi bút luôn trăn trở về phận người, nỗi đau cá nhân đã có những dòng suy tư khi viết về Giang, một nhân vật trong truyện ngắn cùng tên, nồng hậu, yêu thương. Giang, cái tên dài như một dòng sông. Dù chỉ thoáng qua trong ký ức người lính trẻ nhưng cũng đủ gợi bao nỗi niềm. Cô gái ấy trong sáng như viên pha lê, chân tình và ấm áp. Giang có sự mạnh mẽ, quyết đoán của một cô gái trẻ hiểu biết, có cả niềm tin vào trực giác của bản thân. Điều đó thôi thúc cô sẵn sàng giúp đỡ người lính và mời anh về nhà, nhiệt tình giữ anh ở lại dùng cơm, tận tâm đưa anh đến đơn vị. Trong nhân vật này, ta cảm nhận được tình người chân thành, giản dị xen vào đó là sự dịu dàng, ý vị của cô thiếu nữ. Trong lúc ngồi sau xe người lính mới quen, Giang muốn mở lòng trò chuyện để tìm được một sự đồng cảm, thấu hiểu và cũng để gợi mở một tình yêu. Vậy mà chiến tranh, đau thương và xa cách đã khiến hai con người kia chẳng nói được lời nào hẹn ước cùng nhau, dẫu mỗi người đều mang trong lòng tình cảm đẹp.