THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
Câu 1: Tìm và sửa lỗi dùng từ trong các trường hợp sau:
a. Thời cơ đã chín mùi nhưng họ lại không biết nắm bắt
b. Nó không hề giấu giếm với ba mẹ chuyện gì
c. Ngày mai , lớp em sẽ đi thăm quan động Hương Tích
d. Những bài hát bất tử ấy sẽ còn lại mãi với thời gian
đ. Tôi rất thích bài ”Thơ duyên” của xuân Diệu vì bài ”Thơ duyên” của xuân Diệu rất hay
e. Tôi xin phiền Ban Giám hiệu xem xét và giải quyết vấn đề này giúp tôi
Gợi ý trả lời:
a. Lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm.
Sửa lại: Thời cơ đã chín muồi nhưng họ lại không biết nắm bắt.
b. Lỗi sai: Lỗi dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp (từ “giấu giếm” là động từ, sau nó “ba mẹ” là danh từ không thể kết hợp từ “với”)
Sửa lại: Nó không giấu giếm ba mẹ chuyện gì.
c. Lỗi sai: Lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm: thăm quan, tham quan
Sửa lại: Ngày mai, lớp em sẽ đi tham quan động Hương Tích.
d. Lỗi sai: Lỗi dùng từ không đúng nghĩa (“bất tử “là từ chỉ con người, “bất hủ” chỉ hình thức nghệ thuật)
Sửa lại: Những bài hát bất hủ ấy sẽ còn lại mãi với thời gian.
đ. Lỗi sai: Lỗi lặp từ “Thơ Duyên”
Sửa lại: Tôi rất thích bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu bởi nó rất hay.
e. Lỗi sai: Lỗi dùng từ không phù hợp với kiểu văn bản. Đây là văn bản hành chính công vụ nên không dùng những từ sinh hoạt như “phiền”
Sửa lại: Tôi mong Ban Giám hiệu xem xét và giải quyết vấn đề này giúp tôi.
Câu 2: Lựa chọn từ ngữ ở cột A với nghĩa tương ứng ở cột B.
A | B |
đề xuất | Đưa một người giữ chức vụ cao hơn
|
đề cử | Trình bày ý kiến, nguyện vọng lên cấp trên
|
đề đạt | Giới thiệu ra để lựa chọn mà bầu
|
đề bạt | Đưa ra một ý kiến, giải pháp
|
Gợi ý trả lời:
- Đề xuất- đưa ra một ý kiến, giải pháp
- Đề cử- giới thiệu ra để lựa chọn mà bầu
- Đề đạt- trình bày ý kiến, nguyện vọng lên cấp trên
- Đề bạt- đưa một người giữ chức vụ cao hơn
Câu 3: Đặt câu với các từ sau để thấy rõ sự khác biệt về ý nghĩa của chúng
a. Làm bộ, làm dáng, làm cao.
b. Nhẹ nhàng, nhè nhẹ, nhẹ nhõm
c. Nho nhỏ, nhỏ nhoi, nhỏ nhen, nhỏ nhặt.
Gợi ý trả lời:
a.
Làm bộ: giả vờ, làm cho ra vẻ như thật
Ví dụ: Con bé chống gậy làm bộ như dáng đi của bà nó.
Làm dáng: làm cho hình thức bên ngoài đẹp hơn, điệu đà, chăm chút bề ngoài
Ví dụ: Vừa thấy đám con trai đi qua ngõ, Lan chải chuốt làm dáng.
Làm cao: kiêu căng, tự cho mình có giá trị
Ví dụ: Chị Hồng đã chấp nhận anh nhưng còn làm cao để được chiều chuộng.
b.
Nhẹ nhàng: tính chất nhẹ, không gây cảm giác nặng nề, không áp lực, không vướng bận
Ví dụ: Công việc của anh nhẹ nhàng
Nhè nhẹ: nhẹ vừa phải, hơi nhẹ
Ví dụ: Con bé bước nhè nhẹ vào nhà
Nhẹ nhõm: Cảm giác khoan khoái, sung sướng, thoải mái khi không có gánh nặng trong lòng
Ví dụ: Anh thấy lòng nhẹ nhõm khi đã nói ra bí mật
c.
Nho nhỏ: hơi nhỏ, xinh xắn, đáng yêu
Ví dụ: Cô bé nhận được món quà nho nhỏ từ bạn.
Nhỏ nhoi: nhỏ bé, ít ỏi, chủ sự yếu ớt, mỏng manh
Ví dụ: Thân phận người phụ nữ phong kiến thật nhỏ nhoi giữa dòng đời.
Nhỏ nhen: sự ích kỷ, tính cách chi li, hẹp hòi
Ví dụ: Bà ta là người phụ nữ nhỏ nhen
Nhỏ nhặt: những việc vụn vặt không đáng để tâm, hẹp hòi trong cách đối xử, nhìn nhận
Ví dụ: Những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình anh đều bỏ qua.
TỪ ĐỌC ĐẾN VIẾT
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) thể hiện niềm giao cảm với thiên nhiên và con người, trong đó có sử dụng các từ ngữ gợi cảm xúc.
Gợi ý làm bài:
Con người không thể sống nếu thiếu đi thiên nhiên, thiếu đi những thành tố tạo nên xã hội. Thiên nhiên bao gồm tất cả những gì xung quanh con người như không khí, đất đai, biển cả, sông ngòi, hệ động thực vật…Thiên nhiên bao đời nay đem đến cho con người nguồn lợi, nơi để ở, thực phẩm để sống, tài nguyên để phát triển…Không chỉ như thế, con người có một mối giao cảm tuyệt vời với thiên nhiên. Mối giao cảm này bắt đầu bằng sự hiểu biết về nhau, sau đó nâng lên thành gắn bó, san sẻ, đồng cam và cuối cùng là tình yêu, sự giao hoà cảm xúc. Chẳng ai lại có thể dửng dưng trước một thiên nhiên tươi đẹp, một dòng sông xanh mát in bóng mây trời, một hàng dừa nghiêng mình đong đưa trong gió. Để rồi thả tâm hồn vào với không trung, để rồi thốt lên rằng: Chao ôi! những chiếc lá tựa hồ một trái tim của thiên nhiên. Người xưa và đời nay có khác nhau trong lối sống, cách nghĩ nhưng giống nhau về cảm xúc trước thiên nhiên. Mảnh trăng đó, bóng hoa dưới nguyệt, “nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông” hay “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” cũng là nỗi niềm thương nhớ, xuyến xao, xúc động. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, tâm trạng của con người chi phối tâm trạng thiên nhiên bởi vì con người ấy đã trót mang ưu hoài mà chẳng biết gửi gắm vào đâu, đành mượn cảnh vật làm tri kỷ. Còn nhớ chàng trai năm nào khăn đóng, áo dài đứng ngoài bờ ao thở than với sao trời, với nhện.
“Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?”
Thế đấy, mới thấy cái vui, cái buồn, cái giận của thiên nhiên là cái buồn, cái khổ, cái đau của con người.