THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
Câu 1. Chỉ ra và sửa lại lỗi về trật tự từ trong các câu sau:
a. Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) chỉ có duy nhất ở Việt Nam trên kênh VTC.
b. Tên trộm khai nhận đã thực hiện nhiều vụ trộm ở trụ sở công an.
c. Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều. (Dẫn theo Nguyễn Đức Dân)
d. Anh ấy đóng cửa lại, từ tốn nói lời chào tôi rồi đi vào nhà.
đ. Đây là bộ phim về ngày tận thế nổi tiếng của Mỹ.
e. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp kiên cường, nhân dân ta đã thể hiện một sức sống mãnh liệt.
Gợi ý trả lời:
a. Sắp xếp cụm từ “chỉ có duy nhất” ở vị trí trước “ở Việt Nam” khiến câu bị hiểu sai nghĩa là giải bóng đá chỉ có duy nhất ở Việt Nam, sửa lại:
=> Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) ở Việt Nam chỉ có duy nhất trên kênh VTC.
b. Cách sắp xếp cụm “ở trụ sở công an” sau “nhiều vụ trộm” khiến cho người đọc hiểu nhầm tên trộm thực hiện vụ trộm ở trụ sở công an, sửa lại:
=> ở trụ sở công an, tên trộm khai nhận đã thực hiện nhiều vụ trộm.
c. Các hành động trong câu sắp xếp không hợp lý, sửa lại là:
=> Họ nằm xuống, úp cái nón lên mặt, ngủ một giấc cho đến chiều. (Dẫn theo Nguyễn Đức Dân)
d. Các hành động trong câu sắp xếp không hợp lý, sửa lại là:
=> Anh ấy từ tốn nói lời chào tôi rồi đi vào nhà, đóng cửa lại.
đ. Cách sắp xếp cụm “nổi tiếng của Mĩ” đặt sau “ngày tận thế” gây khó hiểu, mơ hồ, sửa lại:
=> Đây là bộ phim nổi tiếng của Mĩ về ngày tận thế
e. Sắp xếp cụm từ “kiên cường” sau thực dân Pháp không đúng nghĩa, gây mơ hồ, sửa lại:
=> Trong cuộc đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã thể hiện một sức sống mãnh liệt.
Câu 2. Bạn hãy tìm 2 câu sai về trật tự từ trên một tờ báo và chữa lại cho đúng.
Gợi ý trả lời:
- Vào dịp lễ hội đền Trần Nam Định ,phóng viên một đài truyền hình tường thuật tại hiện trường rằng thành phố Nam Định đã bố trí những “2.000 lực lượng” người bảo đảm an ninh. Trật tự từ này không hợp lý, tạo cách hiểu mơ hồ.
- Trật tự đúng: thành phố Nam Định đã bố trí những “2.000 người trong lực lượng bảo đảm an ninh
Câu 3. Đọc các câu sau:
a1. Chàng lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao. (Thạch Lam)
a2. Chàng cúi mình nhìn ra phía ao, lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ.
b1. Thanh lách cách cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. (Thạch Lam)
b2. Thanh nhẹ nhàng bước vào, lách cách cửa gỗ để khép.
c1. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. (Thạch Lam)
c2. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân của Nga xinh xắn, ngày nào, đi trên đó.
Câu a2, b2, c2 đã thay đổi trật tự từ so với câu a1, b1, c1. Việc thay đổi như vậy có phù hợp không? Vì sao?
Gợi ý trả lời: Câu a2, b2, c2 đã thay đổi trật tự từ so với câu a1, b1, c1. Việc thay đổi như vậy không phù hợp. Vì:
– Với câu a2, b2 không đảm bảo được trật tự các hành động trước sau của sự việc.
– Câu c2 không đảm bảo về mặt hài hoà âm thanh.
Câu 4. Nhận xét về việc sắp xếp trật tự các vế trong câu sau:
Thanh bước lên thềm, đặt va li trên chiếc trường kỉ, rồi ngó đầu nhìn vào trong nhà: bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ chàng đem ở ngoài trời vào; Thanh chưa nhìn rõ thấy gì cả; một lát, quen bóng tối, chàng mới nhận thấy cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày chàng đi xưa.(Thạch Lam)
Gợi ý trả lời: trật tự các vế câu trong đoạn đúng với trật tự diễn biến trước sau của sự vật, hành động.
Câu 5. Phân tích nét độc đáo của các từ ngữ được sử dụng trong câu thơ:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
(Quang Dũng)
Gợi ý trả lời: Cái độc đáo của câu thơ:
- Thanh điệu: nhiều thanh trắc tạo cảm giác nặng nề, trúc trắc về con đường hành quân mà người đi qua.
- Dấu phẩy đặt giữa khiến câu thơ bẻ đôi ra đột ngột như cái nhìn bất ngờ từ dưới lên cao và từ trên xuống.
- Từ láy “khúc khuỷu, thăm thẳm” tăng sức gợi hình cho sự hiểm nguy, xa xôi của vùng đất
Câu 6. Đọc đoạn thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến và thực hiện các yêu cầu:
- Chỉ ra hiệu quả của việc sử dụng các từ Hán Việt trong đoạn thơ.
- Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong cụm từ “về đất”và phân tích hiệu quả của biện pháp đó.
Gợi ý trả lời:
- Các từ Hán Việt trong đoạn thơ “biên cương”, “mồ viễn xứ”, “chiến trường”, “áo bào”, “khúc độc hành” => tạo sắc thái trang trọng khi nói đến sự hy sinh của các anh. Đồng thời giảm cảm giác đau buồn, bất tử hoá sự ra đi ấy. Yếu tố Hán Việt còn gợi cho người đọc cảm giác người lính mang sự oai hùng, tầm vóc vĩ đại của ông cha từ thời mở cõi, âm vang hùng thiêng sông núi.
- Cụm từ “về đất” là cách nói giảm nói tránh => giảm bớt đau thương cho người ở lại, bất tử hoá hình tượng người lính, an ủi vong linh người đã khuất.
TỪ ĐỌC ĐẾN VIẾT
Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) kể về một kỉ niệm có ý nghĩa sâu sắc đối với bạn.
Gợi ý trả lời: Kể về kỉ niệm cùng người bà
Ai rồi cũng mang trong lòng những kỉ niệm. Dẫu vui hay buồn cũng là quá khứ, chỉ có điều quá khứ kia không nằm yên ở ngày tháng đã qua mà thường xuyên sống dậy để nhắc nhở chúng ta bài học hôm nay. Tôi cũng có một kỉ niệm sâu sắc về người bà thân yêu trong những ngày còn ngây dại. Năm ấy tôi chỉ học lớp hai, còn là một đứa trẻ chỉ biết đòi hỏi vì được cưng chiều. Tôi sống cùng cha mẹ ở một thành phố miền Tây, gia đình tôi tạm gọi là khá giả, tôi thì chẳng thiếu thứ gì. Lần sinh nhật của tôi 8 tuổi cũng là những ngày sắp Tết, mẹ tôi chuẩn bị mọi thứ chu đáo và mời nhiều bạn bè tôi đến dự. Bà từ quê lên dự sinh nhật cũng là thăm gia đình tôi khi cả năm tôi chẳng về thăm bà. Tôi háo hức mở các phần quà mà mọi người tặng, nào là đồ chơi điện tử, quần áo, rô bốt, có cả những món rất đắt tiền từ các cô chú bạn của cha, mẹ. Mẹ tôi bảo tôi mở phần quà của bà ngoại. Tôi nghĩ bà ở xa lên chắc phải tặng cháu một món quà quý giá. Sự háo hức của tôi hoàn toàn mất đi khi trong tay mình là một chiếc áo đan màu xám xịt, đơn điệu, chẳng bằng với bất cứ món quà nào tôi vừa nhận được. Tôi thất vọng bỏ sang một bên. Mẹ tôi đã hối thúc tôi mặc vào để bà được vui. Bất đắc dĩ tôi phải mặc trong sự miễn cưỡng. Bạn bè tôi nhìn thấy tôi trong chiếc áo bèn cười trêu tôi quê mùa. Tôi xấu hổ, cởi vội áo rồi ném vào góc tường, vùng vằng. Tôi đâu biết mẹ tôi rất buồn, còn bà tôi thì rơi nước mắt nhặt lại chiếc áo. Sau khi bữa tiệc tàn, cha tôi đã dẫn tôi ra bên ngoài trò chuyện. Cha tôi đã kìm cơn nóng giận để phân tích cho tôi rõ chiếc áo là tấm lòng của bà ngoại đã tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ. Nó là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được nhưng tôi lại hành xử trẻ con, vô tâm đến thế. Hôm ấy về nhà, tôi đã ôm lấy bà mà khóc. Bà vẫn bao dung tha thứ cho tôi, không hề giận hờn tôi. Tôi đã ân hận vì làm bà buồn, đó là bài học khiến tôi nhớ mãi, nhắc nhở trân trọng tình cảm những người thân yêu, trân trọng giá trị tinh thần hơn những đòi hỏi về vật chất. Mọi thứ có thể mất đi chỉ còn tình thương là mãi mãi.