VĂN BẢN 2
THƠ DUYÊN
(Xuân Diệu)
Trước khi đọc
Câu 1 : Bạn hãy chia sẻ những cảm xúc đặc biệt, hoặc những quan sát, phát hiện thú vị của bản thân về thiên nhiên quanh ta.
Gợi ý trả lời: Thiên nhiên chưa bao giờ mất đi vị trí thứ nhất về tầm quan trọng đối với cuộc sống chúng ta. Trải nghiệm cùng thiên nhiên là sự trải nghiệm thú vị nhất tôi từng có. Khi được hoà mình vào biển cả, được thả trí tưởng tượng của mình trên nền trời cao rộng, được gối đầu trên bờ cỏ xanh mới cảm thấy được cuộc sống này thật đẹp biết bao. Bầu trời ngoài kia rộng lớn biết bao và đời sống của chúng ta chính là sự sống diệu kỳ nhất mà tạo hoá đã dựng nên. Thiên nhiên còn dạy cho con người những bài học sâu sắc, một cánh chuồn chuồn mỏng manh dạy cho chúng ta cách giữ đường bay giữa bão giông, một bụi cỏ ngoài đường nói với tôi rằng bản thân mình cũng là loài cỏ, hãy kiên cường và sống mạnh mẽ, không sợ bàn chân giẫm đạp của người đời, hãy cứ ngẩng đầu mà vươn lên ánh sáng.
Câu 2: Trong hình dung của bạn, bức tranh mùa thu có những hình ảnh, sắc màu, đường nét đặc trưng nào?
Gợi ý trả lời:
Trong trí tưởng tượng của em, bức tranh mùa thu có màu xanh trong của bầu trời cao rộng, có những đám mây trắng thong thả trôi qua, có cánh chim đang vội vã bay về phương Nam chuẩn bị cho mùa đông sắp đến. Mùa thu vàng rợp với màu lá, những cơn gió heo may xào xạc rụng rơi. Bên hiên nhà ai có khóm cúc vàng đang nở rộ.
Đọc văn bản
1: Lưu ý những từ ngữ chỉ mối quan hệ giữa các sự vật trong khổ 1. Đó là mối quan hệ như thế nào?
Gợi ý trả lời: Từ ngữ chỉ mối quan hệ giữa các sự vật trong khổ 1:
- Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
- Cây me…cặp chim chuyền
- Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
- Các sự vật chiều mộng – nhánh duyên, cây me – cặp chim chuyền, trời xanh ngọc – muôn lá đều gắn kết với nhau bằng mối quan hệ dung chứa, từng đôi, từng cặp, hoà quyện chặt vào nhau tạo nên bức tranh hài hoà, duyên dáng.
Câu 2: Trong khổ 4, cảnh vật có sự thay đổi như thế nào so với khổ 1,2 ?
Gợi ý trả lời: Trong khổ thơ 4, cảnh vật có sự thay đổi rõ rệt thông qua những sự vật có phần lẻ loi: mây biếc, con cò, chim, hoa và cảnh vật mất đi tính kết nối, mỗi vật đều mang trong mình trạng thái gấp gáp, lo lắng, e dè nhưng báo trước sự chia lìa thông qua một số từ như : gấp gấp, cánh phân vân, hoa rụng chiều thưa..
Sau khi đọc
Câu 1: Bạn hiểu thế nào về từ ”duyên” trong nhan đề ”Thơ duyên” ?
Gợi ý trả lời: Chữ duyên trong nhan đề bắt nguồn từ mối tương giao, gặp gỡ theo quy luật tự nhiên, nằm ngoài sự sắp đặt của con người. Chính vì sự tình cờ tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ, gắn kết giữa các sự vật trong tự nhiên và giữa lòng người với nhau.
Câu 2 : Phân tích, so sánh tác dụng của từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp,… trong việc gợi tả cảnh sắc thiên nhiên chiều thu ở khổ 1 và khổ 4.
Gợi ý trả lời:
Khổ 1:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
- Hình ảnh: chiều mộng, nhánh duyên, cây me- cặp chim chuyền, trời canh ngọc – muôn lá đều là các sự vật đi với nhau có đôi, có cặp trong quan hệ hài hoà.
- Từ láy: ríu rít, nơi nơi tả gợi không gian tưng bừng, rộn rã cùng những thanh âm tươi vui của cuộc sống.
- Cách gieo vần bằng: duyên, chuyền, huyền tạo cảm giác thư thái, ôn hoà, êm dịu của không gian.
=> bức tranh chiều thu được cảm nhận bằng cả thị giác, thính giác với hình ảnh, màu sắc, âm thanh vui tươi, sống động, khắc sâu vào rung cảm con người mối tương giao của vật với vật, người với người.
Khổ 2:
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”
- Nhiều hình ảnh xuất hiện như mây, con cò, chim, hoa nhưng dường như mất đi sự kết nối mà trở nên đơn độc. Đặc biệt hơn là những sự vật đều mang trong mình linh hồn con người nhiều suy tư bằng phép nhân hoá mây bay gấp gấp, con cò phân vân cánh, chim nghe trời rộng, hoa lạnh.
- Từ láy gấp gấp diễn tả trạng thái khẩn trương, vội vàng của mây bay về một phương trời nào đấy không định hướng. Phân vân khai thác nét tâm trạng lo sợ, nghĩ ngợi nhiều chiều của con cò trên ruộng.
- Biện pháp đối lập giữa cánh chim và trời rộng: lấy cái nhỏ bé để nói cái rộng lớn khiến cho cánh chim như chở cả bầu trời, đó là sự đối lập giữa đời người hữu hạn và cái vô cùng của thời gian.
- Cảnh vật mùa thu được nhìn ở không gian cao rộng và soi vào thời gian vô tận để nổi bật nỗi buồn xa cách vốn hiện hữu ngay sau lúc sum vầy, nỗi cô đơn luôn tồn tại cùng cảnh đoàn viên.
Câu 3 : Trước những sắc thái và thời khắc khác nhau của bức tranh thiên nhiên chiều thu, duyên tình giữa “anh” và “em” có sự thay đổi như thế nào theo các khổ thơ. Có thể trả lời dựa vào bảng sau (làm vào vở):
Gợi ý trả lời:
Khổ thơ
|
Sắc thái thiên nhiên
|
Duyên tình “anh” – “em”
|
Khổ 1 | Thiên nhiên có đôi có cặp tạo nên một bức tranh hữu tình, hữu ý đặt trong mối tương hợp, hài hoà.
Thủ pháp mơ hồ hoá khiến cho cảnh thực trở nên thơ mộng, huyền ảo. |
Trên nền thiên nhiên hữu duyên cũng là gợi mở một mối duyên của con người |
Khổ 2 | Không gian có bước chuyển từ mơ hồ sang gần gũi, thực tế thông qua hình ảnh con đường. Những từ láy gợi cảm giác không gian tinh tế, vừa khéo duyên dáng, tính tứ trong trạng thái say men tình ái.
Cảnh vật cũng còn có đôi, có cặp vì nhau mà thay đổi để hài hoà nhau. |
Con người bước qua ranh giới mơ hồ của cảm giác thứ tình chẳng thể gọi tên mà bắt đầu với những rung động đầu tiên nhẹ nhàng, ý vị. |
Khổ 3 | Thiên nhiên không hiện lên bằng hình ảnh cụ thể nhưng lại hoá thành cuộc đời, thành bài thơ đời làm nền cho đôi lứa | Anh và em tưởng chừng vô tâm nhưng lại hữu ý, tưởng chừng xa cách mà lại hoá gần. Chính vì mối duyên đất trời khéo sắp bày đẩy hai con người vào chung một mối duyên tình như một cặp vần. |
Khổ 4 | Cảnh vật mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, có linh hồn nhưng là linh hồn ưu tư, nhiều trăn trở, đượm nỗi buồn xa cách, chia lìa | Tuy anh và em không xuất hiện nhưng thông qua bức tranh thiên nhiên mang một nỗi buồn vạn cổ, cũng là nỗi sợ cô đơn, chia lìa cố hữu trong mỗi con người. Sợ một mình, sợ lẻ loi chính là nỗi sợ lớn nhất mang con người ta mạnh mẽ hơn để đón nhận tình duyên, cần tình duyên. |
Khổ 5 | Cảnh chiều thu êm đềm, thơ mộng | Mối giao hào giữa anh và em ngày thêm gắn chặt bởi từ cưới. Đó chính là sự đính ước ngầm giữa hai trái tim, hai tâm hồn đồng điệu. |
Câu 4 : Cảm xúc của “anh”/“em” trước thiên nhiên chiều thu giữ vai trò như thế nào trong việc hình thành, phát triển duyên tình gắn bó giữa “anh” và “em”.
Gợi ý trả lời:
Cảm xúc của “anh và “em” trước thiên nhiên chiều thu đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt, chi phối quá trình hình thành, phát triển duyên tình gắn bó giữa hai người. Từ tình cờ gặp gỡ trong một buổi chiều thu khi mà mỗi cảnh vật đều như hữu ý kết nối nhau bằng mối duyên mà tạo hoá sắp bày. Rung động đầu tiên nảy nở trong lòng mỗi người, cảm xúc bỡ ngỡ lần đầu trong sáng ấy nhẹ nhàng kết nối anh và em lại cùng nhau trên một con đường. Dẫu bên ngoài còn e ngại, còn tỏ ra vô tư, hờ hững nhưng cái dáng đi lững thững của anh và điềm nhiên của em đã vấn vương, đã hồi hợp, đợi chờ người bên cạnh. Rồi khi bắt nhịp được khoảnh khắc chia lìa, cô đơn của thiên nhiên, con người mới càng cuống quýt nỗi sợ một mình, từ đấy thúc đẩy anh và em vượt qua rào cản của khoảng cách, của sự e dè ban đầu mà đính ước cùng nhau trong đáy tâm hồn đã giao cảm từ lâu.
Câu 5 :Xác định chủ thể trữ tình và nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Gợi ý làm bài:
- Chủ thể trữ tình: nhân vật anh
- Cảm hứng chủ đạo: Tình yêu và những rung đầu đầu tiên trong sáng, đẹp tươi chính là cảm hứng chủ đạo trong bài thơ. Nhà thơ đã dùng thiên nhiên như một tạo vật đã kết nối con người với con người. Và cũng vì thiên nhiên mà con người tìm đến nhau để giữ mãi cảm xúc rộn ràng của mùa yêu.
Câu 6: Chỉ ra nét độc đáo trong cách cảm nhận và miêu tả thiên nhiên mùa thu của Xuân Diệu qua Thơ duyên ( Có thể so sánh với một vài bài thơ khác để làm rõ nét độc đáo ấy)
Gợi ý trả lời:
Thiên nhiên là tạo vật đã được tạo hoá định sẵn nằm ngoài ý thức con người. Tuy vậy cảm quan của mỗi con người về thiên nhiên lại không giống nhau. Nhất là một nhà thơ được mệnh danh “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” như Xuân Diệu thì lăng kính của ông đậm đà màu sắc cá nhân, màu sắc thi vị, độc đáo, sáng tạo và cũng thật là tinh tế. Cũng bằng những hình ảnh buổi chiều, cây me, cánh chim, lá cây, bầu trời…nhưng Xuân Diệu thổi vào một hồn cốt thật tình tự, vừa thực mà cũng vừa ảo mộng. Thiên nhiên trong mắt Ông hoàng thơ tình không chỉ đẹp mà còn quyến rũ, mỗi vật đều cựa mình trong chất ngất men tình. Đến nhánh me cũng duyên, chiều không chỉ là chiều mà còn là mộng, là mơ và tiếng thu là một tiếng huyền đánh thức cả tâm tư xao động của con người. Ngay bức tranh đầu tiên đã đưa độc giả đến thế giới của cảm xúc, nơi ấy thực và hư không phân định rõ. Đúng như nhận xét của Hoài Thanh: “mất đi một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng” .