ÔN TẬP
Câu 1. Hãy khái quát:
a. Một số đặc điểm chính của văn chính luận Nguyễn Trãi qua Bình Ngô đại cáo, Thư lại dụ Vương Thông.
b. Một số nét đặc sắc của thơ Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới – bài 43, Dục Thúy sơn.
c. Những nét nổi bật về tư tưởng, con người Nguyễn Trãi qua văn thơ của ông.
Gợi ý trả lời:
a. Một số đặc điểm chính của văn chính luận Nguyễn Trãi:
- Hệ thống luận điểm rõ ràng, kết nối chặt chẽ, các phần, các đoạn logic với nhau phục vụ chủ đề
- Sử dụng nhiều lí lẽ đanh thép, dẫn chứng cụ thể, sinh động, rõ ràng
- Sử dụng hợp lý những biện pháp tu từ, nhiều hình ảnh biểu cảm
- Giọng văn thay đổi linh hoàn theo từng đối tượng, hướng đến, từng hoàn cảnh giao tiếp.
b. Đặc sắc thơ của Nguyễn Trãi
- Cách cảm nhận, quan sát, miêu tả thiên nhiên tinh tế, độc đáo
- Cảnh vật được cảm nhận qua phương thức nhân hoá, liên tưởng tăng thêm giá trị biểu cảm, sinh động
- Trong cảnh vật luôn có tình cảm, tình và cảnh đan xen nhau
c. Những nét nổi bật:
- Nguyễn Trãi hiện lên với tâm thế một nhà hiền triết, nhà chính trị, nhà văn hoá lớn của dân tộc Việt Nam. Một con người ưu tú giữa thế kỉ XV và là một huyền thoại trong lịch sử. Nguyễn Trãi luôn đề cao nhân nghĩa, tấm lòng yêu nước thương dân, đem đại nghĩa thắng hung tà, lấy chí nhân thay cường bạo chính là tư tưởng xuyên suốt sự nghiệp thơ văn và chính trị của ông.
- Nguyễn Trãi còn là người yêu thiên nhiên, sống chan hoà và gắn bó với thiên nhiên.
Câu 2. Nêu những điểm lưu ý khi thực hiện bài viết và bài nói thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.
Gợi ý trả lời: Khi thực hiện bài viết và bài nói thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hay quan niệm cần lưu ý:
- Nêu rõ thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ, mục đích, lí do viết bài luận.
- Trình bày tác hại của thói quen, lợi ích của việc từ bỏ thói quen, quan niệm đó, giải pháp thực hiện
- Sử dụng lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục có tình có lí
- Diễn đạt mạch lạc, gãy gọn lời lẽ chân thành.
- Lưu ý khi nói: cần xác định đối tượng hướng đến để sử dụng từ ngữ giao tiếp, dẫn dắt cho phù hợp hoàn cảnh, giọng thuyết trình to, rõ ràng.
Câu 3. Nêu một số kinh nghiệm của bạn trong việc nhận biết lỗi dùng từ Hán Việt và cách sửa các lỗi này.
Gợi ý trả lời:
Để nhận biết lỗi dùng từ Hán Việt và sửa lỗi cần lưu ý:
- Xem xét hình thức ngữ âm của từ Hán Việt đúng hay chưa. Nếu chưa đúng thì sửa hình thức ngữ âm.
- Xem xét nghĩa của từ Hán Việt có phù hợp với nghĩa của cả câu, hoàn cảnh nói. Nếu chưa đúng ngữ nghĩa thì thay đổi từ Hán Việt khác phù hợp
- Xem xét các từ ngữ dùng có đúng khả năng kết hợp không. Nếu không đúng thì điều chỉnh lại
- Xem xét các từ ngữ trong câu có từ nào dùng sai phong cách ngôn ngữ không. Nếu sai thì thay thế từ đúng phong cảnh.
Câu 4. Từ các văn bản đã học, đã đọc, cho biết Nguyễn Trãi đã cống hiến những gì cho đất nước với tư cách là người anh hùng và người nghệ sĩ?
Gợi ý trả lời:
Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá, một danh nhân của dân tộc. Ông đã cống hiến rất nhiều cho đất nước với tư cách là một anh hùng và người nghệ sĩ.
- Với tư cách một anh hùng: Nguyễn Trãi vâng mệnh cha nuôi chí lớn, trả thù nhà, đền nợ nước. Ông kiên trì với lí tưởng “trừ bạo” để “yên dân”. Nguyễn Trãi tham gia nghĩa quân Lam Sơn, là cánh tay đắc lực của Lê Lợi, soạn thảo sách lược chống giặc, dùng ngòi bút để đánh giặc. Khi hoà bình, Nguyễn Trãi tiếp tục dùng ngòi bút của mình để giúp vua trong việc dạy bảo thái tử, răn quan lại không tham ô, lười biếng.
- Với tư cách một người nghệ sĩ, Nguyễn Trãi là một ngòi bút tiên phong trong sáng tác thơ Nôm, một người tạo ra nhiều giá trị mới mẻ trong thơ ca, trong cả văn chính luận và một số đóng góp về tài liệu địa lý, lịch sử quan trọng.
- Người chiến sĩ anh hùng thấm nhuần trong người nghệ sĩ tài hoa đã làm nên một Nguyễn Trãi mang cốt cách thanh cao, một nhà hiền triết, nhà chính trị tài ba.