ÔN TẬP
Câu 1. Tóm tắt những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của hai văn bản theo bảng dưới đây (làm vào vở):
Văn bản
|
Nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật
|
Chiếc lá đầu tiên
|
Nội dung: Bài thơ là dòng ký ức nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình về trường xưa, lớp cũ và bao trùm tất cả là nỗi nhớ tiếc về một mối tình đầu không trọn vẹn.
Nghệ thuật: hình ảnh thơ gần gũi, dung dị có chiều sâu cảm xúc, suy tưởng. Sử dụng nhiều phép nhân hoá, điệp kết hợp cách ngắt nhịp tạo nên mạch cảm xúc tự nhiên, lắng đọng. |
Tây Tiến
|
Nội dung: nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến. Qua đó, khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc.
Nghệ thuật: Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Hình ảnh thơ sáng tạo,độc đáo, ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách; ( trang trọng, cổ kính; sinh động, dùng nhiều tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm. Giọng điệu phong phú vừa tha thiết bồi hồi vừa hồn nhiên vui tươi, lúc bâng khuâng man mác, trầm lắng, suy tư.
|
Câu 2. Trong bốn văn bản đã đọc của bài học này, văn bản nào gợi cho bạn nhiều cảm xúc nhất? Vì sao?
Gợi ý trả lời
Văn bản gợi cho em nhiều cảm xúc nhất là “Chiếc lá đầu tiên” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Bài thơ với giọng điệu tâm tình, hình ảnh mộc mạc nhưng giàu sức gợi cảm, nhà thơ đã gieo vào lòng em những ký ức tươi đẹp của một thời áo trắng. Tiếng thơ nói hộ tiếng lòng về một tình yêu chân thành, đằm thắm tuổi học trò còn nhiều vụng dại, ngây thơ. Mảng ký ức ấy sẽ là hành trang để chúng em tiến bước về phía trước, nhắc nhở mỗi học sinh biết trân trọng khoảng thời gian hiện tại, sống yêu thương, chan hoà với mái trường để sau này có tiếc nhớ cũng không cảm thấy mình đã bỏ lỡ quá nhiều.
Câu 3. Sau khi học xong bài học này, bạn thu nhận thêm được điều gì mới về những kĩ năng sau:
– Cách đọc một văn bản thơ.
– Cách sắp xếp trật tự từ trong câu.
– Cách viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng.
– Cách giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học.
– Cách nghe người khác trình bày ý kiến, quan điểm và trao đổi, nhận xét, đánh giá về các ý kiến đó.
Gợi ý trả lời:
- Cách đọc văn bản thơ:
+đọc tìm hiểu nhan đề
+đọc kỹ và hiểu ý nghĩa hình ảnh, biện pháp tu từ, cách gieo vần, ngắt nhịp..
+ xác định nhân vật trữ tình
+ Cảm hứng chủ đạo bài thơ
- Cách sắp xếp trật tự từ trong câu
+ Đảm bảo tính lô gic, trật tự của sự việc
+ Đảm bảo đúng ngữ pháp
- Cách viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng
+ Xác định chủ đề, cảm hứng chủ đạo, nội dung chính của tác phẩm văn học
+ Xác định những đặc sắc nghệ thuật như tình huống truyện, cách xây dựng nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện… (đối với truyện kể) và hình ảnh, biện phép tu từ, nhịp thơ..(đối với thơ).
+ Xây dựng bố cục theo yêu của của một bài văn nghị luận với ba phần rõ ràng, liên kết chặt chẽ giữa các phần, các đoạn.
- Cách giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học
+ Chuẩn bị bài giới thiệu, đánh giá chu đáo, có thể lập dàn ý chi tiết
+ Chú ý đối tượng hướng đến và hoàn cảnh giao tiếp để sử dụng ngôn ngữ xưng hô thích hợp
+ Tạo sự kết nối với người nghe bằng phần giới thiệu tóm lược, phần ý kiến cá nhân
+ Thuyết trình to, rõ, có nhấn nhá, biểu cảm
- Cách nghe người khác trình bày ý kiến, quan điểm và trao đổi, nhận xét, đánh giá về các ý kiến đó
+ Lắng nghe và ghi chép những điểm người nói đã đạt được và những điều cần trao đổi
+ Tôn trong cái tôi cá nhân và cảm nhận riêng của người nói
+ Trao đổi với tinh thần xây dựng
Câu 4. Kỉ niệm có giá trị gì đối với cuộc sống của chúng ta?
Gợi ý trả lời:
Trong cuộc sống con người, ký ức, kỷ niệm sẽ là điểm tự, là động lực tinh thần để con người có thể tựa vào đấy mà bước vững vàng hơn trên con đường phía trước, trân trọng cuộc sống hôm nay. Một đời sống có quá khứ, hiện tại, tương lai thì mới là một đời sống đúng nghĩa, có chiều sâu.