ÔN TẬP CUỐI KÌ II
Câu 1. Kẻ vào vở hai cột A, B theo mẫu dưới đây, sau đó nối tên thể loại ở cột A với đặc điểm phù hợp được nêu ở cột B; giải thích lí do bạn tạo ra các đường nối giữa hai cột.
A | B | |
Truyện | có cốt truyện.
|
|
sáng tạo nhân vật, sự việc liên quan đến lịch sử theo trí tưởng tượng dân gian.
|
||
Sử thi | đề cập đến người thật, việc thật.
|
|
bộc lộ trực tiếp tình cảm cảm xúc của tác giả; ngôn ngữ cô đọng.
|
||
Thơ | có miêu tả, kể chuyện, biểu cảm.
|
|
Văn bản tổng hợp | thường kết hợp sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ.
|
|
Văn bản nghị luận | coi trọng lí lẽ, bằng chứng.
|
Truyện: có cốt truyện; có miêu tả, kể chuyện, biểu cảm.
Sử thi: sáng tạo nhân vật, sự việc liên quan đến lịch sử theo trí tưởng tượng dân gian.
Thơ: bộc lộ trực tiếp tình cảm cảm xúc của tác giả; ngôn ngữ cô đọng.
Văn bản tổng hợp: đề cập đến người thật, việc thật; thường kết hợp sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ.
Văn bản nghị luận: coi trọng lí lẽ, bằng chứng.
Sự kết hợp trên dựa vào đặc điểm chính của các thể loại truyện, thơ, văn bản tổng hợp, sử thi, văn bản nghị luận đã được học.
Câu 2. Theo bạn, cần lưu ý những điều gì khi đọc hiểu văn bản thuộc các thể loại dưới đây (có thể dùng bảng để tóm lược các điều cần lưu ý)?
a. Văn nghị luận
b.Thơ
c. Truyện
Gợi ý trả lời:
a. Khi đọc hiểu văn bản thơ cần lưu ý: cảm hứng chủ đạo, nhân vật trữ tình, nhịp thơ, giọng điệu thơ, gieo vần, các biện pháp tu từ (điệp, nhân hoá, ẩn dụ, hoá dụ..)
b. Khi đọc văn nghị luận cần lưu ý: mục đích của bài viết, quan niệm của người viết, các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng, một số yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận.
c. Khi đọc hiểu văn bản truyện cần lưu ý: cốt truyện hoặc tình huống truyện, chủ đề, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôi kể, điểm nhìn, tư tưởng, thông điệp.
Câu 3. Nhận xét về tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) và cho biết chất “hùng văn” của tác phẩm này chủ yếu toát ra từ đâu.
Gợi ý trả lời:
Tư tưởng “nhân nghĩa” bắt nguồn từ Nho giáo đề cao mối quan hệ giữa người với người dựa trên lòng yêu thương con người và đạo lý làm người. Nguyễn Trãi kế thừa những tư tưởng tích cực của Nho giáo nhưng không đề cao vai trò người quân tử mà hướng đến nhân dân. Với ông, việc nhân nghĩa là việc làm đem đến lợi ích cho nhân dân, bảo vệ nhân dân. Góc nhìn tích cực này so với thời đại phong kiến thật đáng trân trọng. Điều này cũng mở ra những chuyển biến tích cực trong quan niệm về vai trò của nhân dân đối với đất nước.
Chất hùng văn của tác phẩm toát ra từ:
- Thể loại: đại cáo là một áng văn chính luận được vua chúa, thủ lĩnh dùng tuyên bố một sự kiện trọng đại, lí lẽ sắc bén, đanh thép, giọng văn hùng hồn. Bình Ngô Đại Cáo là lời tuyên bố về quá trình đánh đuổi giặc Minh, giành lấy độc lập dân tộc.
- Quy mô lớn, dung lượng dài, phân chia thành những luận đề rõ ràng.
- Nội dung, tư tưởng: tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt tác phẩm. Lời tuyên bố hùng hồn, đanh thép về quyền độc lập, tự chủ của đất nước qua nhiều phương diện văn hoá, phong tục, địa lý…Bình Ngô Đại Cáo là bản cáo trạng quyết liệt về tội ác kẻ thù, bài ca chiến đấu, chiến thắng của nghĩa quân Lê Lợi lãnh đạo, là niềm tự hào dân tộc.
Câu 4. Văn bản Nguyễn Trãi – nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ (A-ma-đu Ma-ta Mơ Bâu) giúp bạn hiểu thêm những gì về con người anh hùng và con người nghệ sĩ ở Nguyễn Trãi? Nhận xét về cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả bài viết này
Gợi ý làm bài: Văn bản Nguyễn Trãi – nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ (A-ma-đu Ma-ta Mơ Bâu) giúp tôi hiểu thêm:
- Con người anh hùng: Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, ngoại giao toàn tài, hết lòng trung quân, ái quốc, lấy nhân nghĩa, trí dũng làm nền.
- Con người nghệ sĩ: trải lòng với thiên nhiên, nỗi lòng ưu thời mẫn thế.
- Để chứng minh điều này tác giả dùng những lí lẽ, bằng chứng xác thực, tin cậy.
+ Khái quát một số nét chính về cuộc đời và bối cảnh xã hội để tìm ra yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến tư tưởng của Nguyễn Trãi
+ Tác giả nói về Quân trung từ mệnh tập, tập văn chính luận nổi bật của Nguyễn Trãi để thấy được Nguyễn Trãi là nhà chính trị, ngoại giao, nhà hiền triết lấy nhân nghĩa, trí dũng làm nền.
+ Tác giả đi vào một số bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Trãi để thấy được trí tuệ sáng suốt, cái nhìn tinh tế về vai trò của nhân dân đối với vận mệnh đất nước, tình cảm chan hoà với thiên nhiên, nỗi niềm ưu thời, mẫn thế.
Câu 5. Qua việc đọc ba văn bản nghị luận Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Nam quốc sơn hà – bài thơ Thần khẳng định chân lí độc lập của đất nước (theo Nguyễn Hữu Sơn), nêu một số điểm khác biệt giữa:
a. Văn bản nghị luận văn học và văn bản nghị luận xã hội?
b. Văn bản nghị luận trung đại với văn bản nghị luận hiện đại?
Gợi ý trả lời:
a. Một số điểm khác biệt giữa văn bản nghị luận văn học và văn bản nghị luận xã hội:
Phương diện so sánh | Văn nghị luận văn học | Văn nghị luận xã hội |
Đối tượng cần nghị luận | Những vấn đề, khía cạnh trong tác phẩm văn học như chủ đề, đề tài, tư tưởng, cốt truyện, đặc sắc nghệ thuật… | Những vấn đề, khía cạnh trong đời sống xã hội bao gồm tư tưởng, đạo lý, hiện tượng xã hội |
Phạm vi đề tài | Phạm vi trong những tác phẩm văn học đã được học hoặc tìm hiểu | Bên ngoài đời sống, nhiều góc cạnh, lĩnh vực |
Mục đích nghị luận | Thấy được cái hay, đẹp của tác phẩm văn học | Trình bày quan niệm, suy nghĩ về những đúng, sai, tốt, xấu của đời sống. |
Cách đưa lí lẽ dẫn chứng | Dựa trên tác phẩm văn học cần nghị luận hoặc tác phẩm cùng chủ đề | Bám sát vào đời sống, dẫn chứng thực tế, khách quan. |
b. Một số điểm khác biệt giữa văn bản nghị luận trung đại với văn bản nghị luận hiện đại
Phương diện so sánh | Văn nghị luận trung đại | Văn bản nghị luận hiện đại |
Hình thức | Sử dụng các thể loại nghị luận cổ như chiếu, hịch, tấu, cáo
Dùng văn vần hoặc văn biền ngẫu, sử dụng nhiều điển cố, điển tích, vă, sử, triết bất phân |
Ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi, câu văn phong phú, kết hợp các yếu tố biểu cảm, tự sự.
|
Nội dung | Nội dung, tư tưởng chịu sự chi phối của Phật giáo, Nho giáo: tư tưởng thiên mệnh, đạo thần chủ, tâm lý sùng cổ..
Bàn về những vấn đề to lớn, quốc gia
|
Nội dung, tư tưởng mang tính khoa học, khách quan, bắt nhịp thời đại.
Đề tài phong phú ở mọi lĩnh vực đời sống. |
Câu 6. Nhận xét về cách quan sát, miêu tả thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của Nguyễn Trãi trong bài thơ Dục Thúy sơn hoặc Bảo kính cảnh giới – bài 43.
Gợi ý trả lời: Cách miêu tả thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trong bài Bảo kính cảnh giới – bài 43
Bức tranh mùa hè qua đôi mắt nhà thơ tươi vui, sinh động, mọi thứ như căng tràn nhựa sống. Nguyễn Trãi huy động nhiều giác quan để cảm nhận cảnh vật từ gần đến xa, từ những cảnh nhìn thấy đến những cảnh chỉ hình dung qua âm thanh. Cái hay của bài thơ là không có từ nào nhắc đến hè mà mỗi câu thơ đều tràn ngập sắc hè.
- Hình ảnh: ngày trường (ngày dài, đặc điểm của mùa hè là ngày dài hơn đêm)
- Màu sắc: hoè lục, thạch lựu, hồng liên trì (những màu sắc xanh lục của cây hoè, đỏ của hoa lựu và hồng của hoa sen gợi sức sống của cây cối trong mùa hè. Mùa hè cũng là lúc hoa sen sắp tàn “tịnh mùi hương”)
- Các từ: đùn đùn, giương, phun, tịnh gợi trạng thái căng tràn sức sống của cảnh vật
- Từ láy: lao xao, dắng dỏi tái hiện cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, tưng bừng của con người trong một buổi chiều ở làng chài.
Câu 7. Chỉ ra một vài điểm khác nhau trong cách ngắt nhịp, gieo vần, dùng biện pháp tu từ,… tạo âm điệu thể hiện niềm thương nhớ giữa hai bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm.
Gợi ý trả lời:
Phương diện so sánh | Tây Tiến | Chiếc lá đầu tiên |
Cách ngắt nhịp | Nhịp 4/3 đều đặn như bước hành quân của người lính: “Sông Mã xa rồi /Tây tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi/ nhớ chơi vơi
Có những câu nhịp bẻ đôi nhịp 3/3: ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống tạo ấn tượng về sự hiểm trở của địa hình. |
Ngắt nhịp ¾:
Em thấy không/ tất cả đã xa rồi |
Gieo vần | Vần chân liền: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Vần chân cách: Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
|
Vần chân liền:
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
|
Biện pháp tu từ | Sử dụng nhiều biện pháp tu từ như từ láy, nhân hoá, phép đối…
Từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” kết hợp với những hình ảnh đặc tả “sương lấp”, “dốc”, “cồn mây” => đã gợi nên độ cao của núi và sâu của vực, đấy là địa hình hùng vĩ nhưng vô cùng hiểm trở. Hình ảnh nhân hoá sáng tạo “súng ngửi trời” => độ cao của núi Phép đối “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, cùng nhiều vần trắc => địa hình nguy hiểm, trúc trắc Câu thơ mang vần bằng “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” => cảm giác dịu dàng, không gian như mở ra rộng thêm, khoáng đạt
|
điệp từ “muốn”, “bao nhiêu” trong khổ 3=> nhấn mạnh cảm xúc dâng trào trong lòng nhân vật trữ tình về những ký ức ngày xa mái trường dẫu có khóc có nói cũng không thể nào bày tỏ hết cũng không thể níu giữ được thời gian.
“Rụng xuống trái bàng đêm”: đảo ngữ “rụng xuống” được đảo lên phía trước => phù hợp nhịp điệu thơ, tạo cảm giác trầm lắng cho dòng cảm xúc luyến nhớ của nhân vật trữ tình. “Mùa hoa mơ”: ẩn dụ cho mùa xuân; “mùa phượng cháy” : ẩn dụ cho mùa hạ => chỉ dòng thời gian trôi nhanh không bao giờ ngừng nghỉ.
|
Câu 8. Nhận xét về cách sử dụng vai kể, điểm nhìn của hai trong số các văn bản truyện sau đây: Đất rừng phương Nam, Giang, Buổi học cuối cùng, Dưới bóng hoàng lan,..
Gợi ý trả lời: vai kể và điểm nhìn của các tác phẩm:
- Đất rừng phương Nam: Vai kể và điểm nhìn từ cậu bé An, một nhân vật trong chuyện, kể lại câu chuyện trực tiếp xưng “tôi”. Vai kể và điểm nhìn từ một cậu bé lần đầu đi rừng lấy mật háo hức, tò mò sẽ khiến cho bức tranh thiên nhiên và nội dung câu chuyện được bộc lộ theo cách tươi mới, hấp dẫn.
- Giang: Trong văn bản ngôi kể được lựa chọn là ngôi thứ nhất (nhân vật xưng tôi và kể lại câu chuyện có sự tham gia của bản thân) ngôi kể này tạo cảm giác chân thành, tin cậy vì người kể chuyện cũng là người trong cuộc. Ngôi kể này giúp nhân vật kể bộc lộ tâm sự, tình cảm, những cảm giác rung động đầu đời, nỗi xót xa, trăn trở về tình yêu, con người trong cuộc chiến. Điểm nhìn của tác phẩm có: điểm nhìn nhân vật tôi, điểm nhìn của Giang và điểm nhìn của bố Giang, trong đó điểm nhìn của nhân vật tôi là quan trọng nhất. Việc kể chuyện qua nhiều điểm nhìn sẽ giúp tác phẩm hiện lên nhiều khía cạnh, đầy đủ, sâu sắc hơn.
- Buổi học cuối cùng: Câu chuyện về buổi học cuối cùng được kể qua điểm nhìn của nhân vật Phrăng. Điểm nhìn này tạo sự chân thật, sinh động khi nhân vật kể chuyện là nhân vật tham gia câu chuyện. Bằng những cảm nhận, sự thay đổi tâm trạng của Phrăng, một cậu bé vừa nhận ra bài học quan trọng đời mình, thông điệp sẽ đến với người đọc tự nhiên bằng con đường tình cảm.
- Dưới bóng hoàng lan: Vai kể trong truyện là nhân vật toàn tri, ngôi kể thứ ba. Điểm nhìn từ nhân vật Thanh. Lựa chọn điểm nhìn và ngôi kể này phát huy được tính khách quan, bao quát câu chuyện lại vừa thông qua nhân vật Thanh có những cảm nhận tinh tế, tự nhiên.
Câu 9. Từ một số tác phẩm truyện và trích đoạn chèo/ tuồng đã học, hãy chỉ ra ít nhất 3 điểm khác nhau về cách xây dựng nhân vật giữa hai thể loại này (có thể sử dụng mẫu bảng sau, làm vào vở):
Gợi ý trả lời:
STT | Nhân vật trong truyện | Nhân vật trong chèo/ tuồng |
1 | Nhân vật được xây dựng dựa trên hoàn cảnh, công việc, ngoại hình, tình huống truyện, mối quan hệ với những nhân vật khác. | Nhân vật được xây dựng thông qua trang phục, lời nói, cử chỉ, nét mặt trên sân khấu |
2 | Tính cách, tâm lí nhân vật được khắc hoạ qua đối thoại, độc thoại nội tâm | Tính cách, tâm lí nhân vật được khắc hoạ qua đối thoại, bàng thoại |
3 | Ngôn ngữ của nhân vật là ngôn ngữ đời thường | Ngôn ngữ của nhân vật xen giữa ngôn ngữ đời thường và lời ca. |
Câu 10. Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(1) Thứ nhất, đọc sách giúp chúng ta mở mang kiến thứ. (2) Sách là kho tàng trí thức vô tận của nhân loại. (3) Sách cung cấp cho chúng ta những hiểu biết ở nhiều lĩnh vực như toán học, vật lí, lịch sử, địa lí, văn học,… (4) Sách làm cho tâm hồn ta phong phú, trí óc ta rộng mở và cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn. (5) Đọc sách giúp chúng ta phát triển kĩ năng ngôn ngữ. (6) Chúng ta có thể mở rộng vốn từ vựng thông qua việc đọc sách. (7) Ngoài ra, chúng ta còn có thể cải thiện khả năng viết của mình thông qua việc đọc sách. (8) Thêm vào đó, khi đọc sách thường xuyên, bạn sẽ được trau dồi các từ vựng mới cũng như cải thiện khả năng viết lách mà đôi khi chính bạn cũng không hề nhận ra điều đó.
a. Chỉ ra lỗi dùng từ trong câu (2) và sửa lại cho đúng.
b. Có thể viết lại các câu (6), (7), (8) như thế nào để văn bản ngắn gọn, súc tích hơn?c. Chỉ ra lỗi liên kết trong đoạn trích trên và sửa lại cho đúng.
Gợi ý trả lời:
a. Lỗi dùng từ không đúng nghĩa: trí thức chỉ người có hiểu biết, câu văn phù hợp phải là tri thứ.
b. Viết lại câu (6), (7), (8): khi đọc sách thường xuyên, bạn sẽ được mở rộng và trau dồi các từ vựng mới cũng như cải thiện khả năng viết lách mà đôi khi chính bạn cũng không hề nhận ra điều đó
c. Đoạn văn không sử dụng từ ngữ liên kết và không tách đoạn
Sửa lại:
Thứ nhất, đọc sách giúp chúng ta mở mang kiến thứ. Sách là kho tàng trí thức vô tận của nhân loại. Sách cung cấp cho chúng ta những hiểu biết ở nhiều lĩnh vực như toán học, vật lí, lịch sử, địa lí, văn học,… Sách làm cho tâm hồn ta phong phú, trí óc ta rộng mở và cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn.
Thứ hai, Đọc sách giúp chúng ta phát triển kĩ năng ngôn ngữ. khi đọc sách thường xuyên, bạn sẽ được mở rộng và trau dồi các từ vựng mới cũng như cải thiện khả năng viết lách mà đôi khi chính bạn cũng không hề nhận ra điều đó.
Câu 11: Lập bảng tóm tắt yêu cầu đối với các kiểu bài: viết một bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, viết một bài luận về bản thân
Gợi ý trả lời:
Phương diện so sánh | Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm | Bài luận về bản thân
|
Yêu cầu đối với kiểu bài | Nêu rõ thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ, mục đích, lí do viết bài luận
Trình bày các luận điểm: tác hại của thói quen/ quan niệm, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/ quan niệm, giải pháp thực hiện Sử dụng lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục có tình, có lí Diễn đạt mạch lạc, gãy gọn, lời lẽ chân thành.
|
Người viết trình bày được đặc điểm tiêu biểu của bản thân
Bài viết đưa ra những bằng chứng để làm rõ cho đặc điểm bản thân Các thông tin đưa ra xác thực đáng tin cậy
|
Bố cục | Mở bài: nêu thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ, lí do hay mục đích viết bài luận.
Thân bài: lần lượt đưa ra ít nhất hai luận điểm (lí lẽ, bằng chứng) làm rõ mặt trái, tác hại của thói quen hay quan niệm, lợi ích, giải pháp khắc phục từ bỏ thói quen hay quan niệm. Kết bài: khẳng định lại lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm, thể hiện niềm tin vào sự cố gắng thành công của người thực hiện. |
Mở bài: Giới thiệu được đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân
Thân bài: Giới thiệu khái quát thông tin về bản thân, phân tích các đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân, đưa ra những bằng chứng làm rõ cho những đặc điểm ấy. Kết bài: khẳng định lại các đặc điểm của bản thân, nêu một thông điệp ý nghĩa
|
Câu 12. Tìm ý, lập dàn ý cho một trong hai đề dưới đây:
Đề a. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong các bài thơ mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng.
Đề b. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong những tác phẩm truyện mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng.
Gợi ý làm bài
- Dàn ý chi tiết phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Nắng mới – Lưu Trọng Lư
Mở bài: Lưu Trọng Lư là cây bút tiên phong nổi bật trong phong trào Thơ Mới. Thơ ông vang lên như một thanh âm rất lạ vừa trong veo, vừa xốn xang, ngơ ngác giữa cuộc đời. “Nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”. “Nắng mới” chính là một tác phẩm thơ như thế. Bài thơ được in trong tập Tiếng thu (1939) là tiếng lòng bồi hồi, xúc động của một người con khi nhớ về quê hương, nhớ bóng dáng mẹ thân thương.
Thân bài:
Khái quát một số vấn đề về phong cách nghệ thuật của nhà thơ, đặc điểm chính của bài thơ
- Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét: “Lư có làm thơ đâu Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy”. Tấm lòng của một người nghệ sĩ mở đường cho phong trào Thơ mới đã thấm đẫm những sầu và mộng của thời đại. Tuy nhiên cái sầu và mộng của Lưu Trọng Lư thông qua những tác phẩm thơ trong tập Tiếng thu nói chung và bài thơ Nắng mới nói riêng không khiến người ta tuyệt vọng, bi luỵ mà nó là tiếng nói trân trọng, nâng niu bao hoài niệm, tình thương ở cuộc đời và con người.
- Bài thơ viết theo thể thất ngôn, nhịp thơ đều đặn thích hợp mở ra một dòng hồi ức êm dịu nhưng cũng man mác nỗi buồn. Mạch cảm xúc là dòng hồi tưởng đan xen giữa quá khứ và hiện tại.
- Thời gian, không gian nghệ thuật đời thường, bình dị, một buổi trưa buồn ngồi bên song cửa, đây là hoàn cảnh chi phối tâm trạng, dẫn dắt mạch kỷ niệm từ hiện thực trở về quá khứ.
Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ:
Ý nghĩa nhan đề: Nắng mới: nắng mới là thời điểm trong một năm, nó bắt đầu một mùa và kết thúc những ngày thời tiết lạnh. Trên bình diện thời gian không ngừng, nắng mới là một thời điểm mà khi ấy con người sẽ đón nhận bằng những sự thay đổi. Nắng mới trong ký ức tuổi thơ đã từng là những ngày rất tươi đẹp, nó gợi cảm giác ấm áp, sum vầy, vui tươi. Ở bình diện không gian, nắng mới chỉ cái nắng vàng ươm, nắng tươi ngon đầy sức sống hiện diện khắp nơi.
- Nắng mới là một khoảng trời của ký ức, nơi mở ra bao nhiêu kỷ niệm, đánh thức tâm hồn nhà thơ như một cố nhân. Thế nên bắt gặp nắng mới, nhà thơ lại dâng lên niềm xúc động.
Khổ thơ 1: Ký ức tuổi thơ sống dậy theo dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình
- “Nắng mới” hình ảnh mở đầu cho mạch tâm trạng và cũng là nối tiếp nhan đề, trở thành nhân vật đặc biệt có sức lay động lớn. “Nắng mới” gắn với thời gian thường xuyên, lặp lại “mỗi lần” như một nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, làm nên một cuộc trở về trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình.
- “Nắng mới” lẽ ra phải là màu nắng của vui tươi như “nắng hàng cau” tinh khôi, trong biếc nhưng lại kết hợp với động từ “hắt” chỉ sự phản chiếu của nắng nên nắng chẳng còn đến với vẻ đẹp nguyên vẹn của nó lúc hiện tại mà hiu hắt của thời quá vãng, mang một sắc màu ảm đạm, mông lung. Điều này cũng do tâm trạng con người chi phối thế nên “hắt” không chỉ riêng trạng thái của nắng mà còn tâm thái của nhân vật trữ tình. Cái nắng hắt từ dĩ vãng từ nỗi nhớ thương, luyến tiếc.
- “Bên song”, khung cửa sổ, nơi giao nhau giữa bên ngoài và bên trong căn nhà, cũng là nơi giao nhau giữa bên trong tâm hồn và bên ngoài ngoại cảnh. Song cửa dễ gợi cho lòng người nỗi nhớ, một nỗi nhớ len lỏi trong tâm hồn, dai dẳng buồn như thiếu nữ tựa cửa nhìn mùa thu đến:
“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”
Và ray rứt như nỗi nhớ của cô gái lấy chồng xa ra đứng cửa sau trông về quê mẹ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
- Từ láy “xao xác”, “não nùng” đặc tả âm thanh của tiếng gà trưa. “Xao xác” gợi tiếng gà hoảng loạn, dáo dác tìm nhau, cũng là tiếng gà nhưng không mang cảm giác bình yên như tiếng gà trưa trong kí ức của Xuân Quỳnh : “Tiếng gà ai nhảy ổ/ cục, cục tác, cục ta/ nghe xao động nắng trưa/ nghe bàn chân đỡ mỏi”. Tiếng gà hoang hoải mang theo cả sự “não nùng”. Chỉ bằng từ láy “não nùng”, nhà thơ đã diễn tả cái nỗi buồn tê tái, ám ảnh như âm thanh tiếng khóc thương của hiện tại về những ngày đã mất. Từ láy “xao xác”, “não nùng” như được chắt ra từ đáy tâm hồn của thi nhân. Vậy nên tiếng gà như tiếng lòng đang vọng lại từ hôm nào chứ không phải hôm nay. Cái tĩnh mịch của không gian không vì tiếng gà mà trở nên náo nhiệt. Cái động chỉ là bút pháp để tả cái tĩnh lặng của tâm hồn, sự tĩnh lặng chuẩn bị cho một chuyến đi nhiều cảm xúc.
- “Rượi buồn” là cách nói đảo ngữ của “buồn rười rượi” một nỗi buồn choáng ngợp cả tâm hồn bật ra trong đôi mắt, nét mặt. Từ “rượi” đặt phía trước để cụ thể hoá nỗi buồn, nỗi buồn man mác thấm vào khắp cả không gian, thời gian.
- Từ láy “chập chờn” rất khéo để diễn tả những ký ức bất chợt đến, bất chợt đi, khi mờ khi tỏ, lúc ẩn lúc hiện.
- “Những ngày không” chỉ những ngày thơ bé, những ngày không vướng bận phiền lo, ưu tư, những ngày không biết sầu muộn và cũng không phải nhớ tiếc như hôm nay. Cách nói “những ngày không” đầy mới lạ và mang nhiều dư vị. Theo mạch cảm xúc của bài thơ có thể hiểu ấy là những ngày không quên.
Khổ 2: Ký ức xưa theo “nắng mới” và “tiếng gà” trở về trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình không chỉ là “chập chờn” ẩn hiện mà rõ rệt bằng những hình ảnh về người mẹ khắc sâu trong nỗi nhớ. Mạch cảm xúc đã neo đậu ở bến bờ quá khứ.
- Dòng kỉ niệm từng chút một trở về nguyên vẹn thông qua lời kể tự nhiên, giọng điệu tâm tình pha lẫn ngậm ngùi: “Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/ lúc người còn sống, tôi lên mười”. Cách gọi mẹ là “me” đặc trưng cho khoảng thời gian trước năm 1975 chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Pháp. Ở đây, nhân vật trữ tình dùng “me” tạo nên dấu ấn đặc biệt về người mẹ, cách gọi trìu mến, nhẹ nhàng.
- Nhà thơ đã phác thảo một lát cắt đặc trưng của dòng ký ức bằng những cụm từ chỉ thời gian: “thuở thiếu thời”, “lúc người còn sống”, “tôi lên mười”, “mỗi lần”. Những mốc thời gian này có chung một đặc điểm là vừa cụ thể lại vừa mơ hồ. Cụ thể ở thời điểm tuổi thơ gắn với năm nhân vật “tôi” vừa chỉ là một cậu bé lên mười. Tuy vậy khổ thơ không đóng khép, cố định khi đặt trong “mỗi lần”. Như vậy khoảng thời gian mở ra theo chiều tâm tưởng rồi dừng lại ở năm lên mười và liên tục trong chuỗi ngày của dĩ vãng.
- “Nắng mới” là gương mặt thân quen mỗi mùa lại đến, mỗi năm lại sang nhưng lúc nào cũng “mới”. “Mới” ở đây là cảm giác mới mẻ, tươi vui như thuở ban đầu, như lần thứ nhất trong đời. Kết hợp với động từ “reo” tạo nên sự đối lập với câu thơ ở khổ đầu “nắng mới hắt bên song”. Cùng là những sắc thái của tâm trạng nhưng nếu từ “hắt” tạo nên âm hưởng buồn thương, luyến tiếc, ảm đạm thì “reo” lại là một âm thanh cao vút, vui tươi.
- Phép nhân hoá “nắng mới reo” đã thổi cho cảnh vật một không khí rộn ràng cũng là tiếng lòng reo vui của nhân vật trữ tình khi bắt gắp sắc nắng. Chỉ bằng một từ “reo” đã nói hộ sự phấn khởi xen lẫn chút ngạc nhiên, hồ hởi của một cậu bé với đôi mắt trong veo ở đằng sau khung cửa nhìn ra bên ngoài để rồi nhìn thấy người mẹ đang bên bờ giậu phơi áo.
- “Áo đỏ” là hình ảnh rực rỡ nhất bài thơ, đồng thời cũng là hình ảnh có sức dồn nén cảm xúc đắt nhất. Sắc đỏ dễ làm người ta rung cảm, một nỗi rung cảm sâu sắc, nồng nhiệt, cháy không nguôi trong những giây phút sắp chia xa hoặc những giây phút chỉ còn là quá vãng. “Chiếc áo đỏ rực như than lửa/ cháy không nguôi trước cảnh chia ly” (Cuộc chia ly màu đỏ – Nguyễn Mỹ). Phải chăng màu đỏ của chiếc áo người mẹ phơi ngoài bờ giậu được thứ nắng mới trong veo kia làm cho nổi bật hay màu đỏ kia cũng làm màu của tâm hồn nồng đượm, thương yêu của tình mẫu tử. Chỉ bằng một màu áo đỏ đã tô điểm cho bức vẽ ấu thời một sức sống, một linh hồn.
Khổ 3: Nhân vật trữ tình trở về thực tại, thế nhưng cảm xúc về người mẹ và ký ức hãy còn sống trong lòng, bồi hồi, thổn thức.
Trở về hiện tại, nhà thơ dẫn dắt mạch cảm xúc tự nhiên và từ đó hình dáng người mẹ thuở sinh thời hiện ra mồn một từ dáng người, bước đi đến nụ cười, hàm răng. Nhân vật trữ tình trải lòng với lời tâm sự chân thành “Tôi nhớ me tôi”, “hãy còn mường tượng”. Dường như mỗi góc sân, bờ ao, bậu cửa, giậu thưa…đều thấp thoáng hình bóng mẹ ngày nào. Cũng là song cửa, bờ giậu và nắng mới nhưng quá khứ chẳng thể song hành cùng hiện tại. Nếu có chỉ là những nỗi nhớ ngập tràn mọi không gian, chiếm lấy thời gian, khiến con người nao lòng, ngậm ngùi nhìn cảnh cũ mà người xưa không còn. Nguyễn Duy cũng đã từng theo hương huệ và làn khói mà tìm về thuở nào có mẹ ở trần gian:
“Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”
- Bài thơ là nỗi nhớ thương về người mẹ của nhân vật trữ tình, dẫu vậy hình ảnh người mẹ chỉ thấp thoáng sau bờ giậu phơi áo đỏ và hiện lên lần duy nhất trong “nét cười đen nhánh sau tay áo”. Bút pháp đặc tả đã đạt đến mức điêu luyện trong hình ảnh này. Không phải một nụ cười, miệng cười mà là một nét cười. Bằng từ “nét” đã vẽ được sự duyên dáng, xinh tươi của cả gương mặt. “Nét cười” chỉ là khoảnh khắc bất chợt của niềm vui đọng lại chưa thành hình cụ thể nhưng đủ sức làm nên vẻ đẹp cho cả gương mặt.
- “Nét cười đen nhánh” làm sống lại một vẻ đẹp cổ truyền của người phụ nữ Việt Nam cùng với tập tục ăn trầu, nhuộm răng đen. Ký ức về người mẹ khơi gợi ký ức về một thời đã xa trong cái nhìn trìu mến, đầy tiếc rẻ. Năm ấy, những cô gái da trắng, răng đen duyên dáng thu hút bao ánh nhìn của người đối diện:
“Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng.
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
- “Sau tay áo” cái mà nhà thơ nắm bắt không phải là một nụ cười trọn vẹn, nụ cười “tỏa nắng” mà là một nét cười lại còn được đặt phía sau tay áo. Nghệ thuật làm mờ tạo ra khoảng trống cho những dư âm còn đọng lại trong đáy mắt của nhân vật trữ tình. Hoài Thanh từng nhận xét:“câu thơ mất đi một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều mơ mộng”. Cũng cái sự thấp thoáng mờ ảo kia là làm nên một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, hiền từ của người mẹ trong những trưa êm ả, bên bờ giậu thưa.
- Hình ảnh “nắng mới”, “ánh trưa hè”, “giậu”, “giậu thưa” trở đi trở lại như sự đồng điệu cùng với người mẹ thân yêu, trở thành một không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật không thể tách rời có sức lay động đến nao lòng.
Bàn luận:
- Nhà phê bình Hoài Thanh từng rất trân trọng những vần thơ của Lưu Trọng Lư, mỗi lần nhắc đến là ông lại thốt lên bằng sự cảm mến, thán phục. Hoài Thanh gọi thơ Lưu Trọng Lư là “những khúc đàn xưa”. Xưa từ trong thể thơ bảy chữ, nhịp điệu điều đặn, trong những hình ảnh dung dị, đời thường không phô trương, phá cách. Bài thơ không quá nhiều hình ảnh, chủ đề về người mẹ nhưng người mẹ chỉ hiện lên với vài ba nét vẽ, Tuy vậy mỗi nét vẽ là một sự dồn nén cảm xúc cao độ, mỗi hình ảnh đều có tính gợi cảm rất cao.
Kết bài: Nắng mới bày ra một nỗi buồn nhưng lại rất đẹp. Đẹp trong trái tim một người con nặng tình thương với mẹ, sâu ân nghĩa với nơi chôn nhau cắt rốn. Đọc Nắng mới chúng ta bắt gặp hình bóng của thi nhân, một con người giản dị, chân tình, chân tình từ trong cảm xúc đến từng câu chữ không gò bó, tỉa gọt. Ấy vậy mà từng lời thơ không hề thừa, nó tinh tế như chính tâm hồn tinh tế của thi nhân. Dòng xúc cảm từ Nắng mới đã tìm được sự đồng điệu từ bao thế hệ người đọc về một nỗi ưu hoài, thương tiếc đấng sinh thành. Truyền cho chúng ta lời nhắc nhở hãy trân trọng hiện tại, trân trọng người đã mang nặng đẻ đau mình để mỗi thời khắc đi qua sẽ còn ở lại.
Câu 13. Tập trình bày các nội dung chính đã thực hiện ở câu 12.
Gợi ý trả lời: Trình bày phần mở bài hoặc kết bài của dàn ý đã có ở câu 12.
Mở bài: Lưu Trọng Lư là cây bút tiên phong nổi bật trong phong trào Thơ Mới. Thơ ông vang lên như một thanh âm rất lạ vừa trong veo, vừa xốn xang, ngơ ngác giữa cuộc đời. “Nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”. “Nắng mới” chính là một tác phẩm thơ như thế. Bài thơ được in trong tập Tiếng thu (1939) là tiếng lòng bồi hồi, xúc động của một người con khi nhớ về quê hương, nhớ bóng dáng mẹ thân thương.
Kết bài: Nắng mới bày ra một nỗi buồn nhưng lại rất đẹp. Đẹp trong trái tim một người con nặng tình thương với mẹ, sâu ân nghĩa với nơi chôn nhau cắt rốn. Đọc Nắng mới chúng ta bắt gặp hình bóng của thi nhân, một con người giản dị, chân tình, chân tình từ trong cảm xúc đến từng câu chữ không gò bó, tỉa gọt. Ấy vậy mà từng lời thơ không hề thừa, nó tinh tế như chính tâm hồn tinh tế của thi nhân. Dòng xúc cảm từ Nắng mới đã tìm được sự đồng điệu từ bao thế hệ người đọc về một nỗi ưu hoài, thương tiếc đấng sinh thành. Truyền cho chúng ta lời nhắc nhở hãy trân trọng hiện tại, trân trọng người đã mang nặng đẻ đau mình để mỗi thời khắc đi qua sẽ còn ở lại.
Câu 14. Tóm tắt nội dung của ít nhất một văn bản theo yêu cầu đọc mở rộng với mỗi thể loại: thần thoại, sử thi, chèo/ tuồng, truyện, văn bản nghị luận, văn bản thông tin (nếu là tác phẩm lớn, nhiều chương/ khúc: tóm tắt tối thiểu 1 chương/ khúc), trong đó có sử dụng biện pháp chêm xen hoặc liệt kê.
Gợi ý trả lời:
Tóm tắt văn bản Cuộc tu bổ các giống vật (thần thoại)
Trước khi sáng tạo con người, Ngọc Hoàng tạo ra các giống vật. Thế nhưng vì vội vàng, thiếu nguyên liệu nên ngài tạo ra những con vật không đầy đủ bộ phận như: con thiếu chân, con thiếu cánh, con thiếu mắt…Ngọc Hoàng sai ba vị Thiên Thần xuống trần chỉnh sửa lại. Ba vị Thiên Thần gần hoàn tất công việc tu sửa nhưng còn chó và vịt thiếu chân, các vị đã bẻ chân ghế thay vào. Còn các loài chim vẫn không có chân nên Thiên Thần lấy chân nhang gắn vào cho chúng. Vì chân yếu nên các loài chim sau này đều chới với ba lần mới đặt chân đậu.
Biện pháp liệt kê: con thiếu chân, con thiếu cánh, con thiếu mắt…
Tóm tắt văn bản Đăm săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời (sử thi)
Đoạn trích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời kể về việc Đăm Săn tìm được đến nhà nữ Thần Mặt Trời, một vị thần tuyệt đẹp và kiêu sa, để hỏi cưới nàng làm vợ. Vươt qua chặn đường nguy hiểm, khó khăn, chàng đã được gặp nữ thần. Tuy nhiên nữ thần Mặt Trời không đồng ý. Đăm săn tủi hổ ra về. Nữ thần khuyên chàng đừng về ngay lúc này vì nàng sắp bắt đầu ngày mới, chặn đường Đăm săn đi sẽ nguy hiểm khi qua rừng sắp đen. Đăm săn không nghe, thúc ngựa về. Ngựa càng chạy thì càng ngập đến không cựa quậy được.
Biện pháp chêm xen: Đoạn trích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời kể về việc Đăm Săn tìm được đến nhà nữ Thần Mặt Trời, một vị thần tuyệt đẹp và kiêu sa, để hỏi cưới nàng làm vợ
Tóm tắt nội dung của văn bản Xã trưởng – Mẹ Đốp ứng với thể loại chèo:
Xã trưởng – Mẹ Đốp là một trong những lớp chèo hay của vở Quan âm Thị Kính. Đoạn trích xoay quanh việc xã trưởng, một tên quan lại có chức vị thấp nhưng kiêu căng, hách dịch, đến nhà vợ chồng mõ để giao việc cho anh mõ đi rao về chuyện Thị Mầu có chửa hoang. Không có anh mõ ở nhà chỉ có chị mõ hay gọi là vợ Đốp. Xã trưởng có màn trò chuyện đầy thú vị, hài hước với mẹ Đốp. Thông qua cách nhìn của hai nhân vật về nghề mõ đã khắc hoạ được sự thiếu hiểu biết của tên xã trưởng và bộc lộ mẹ Đốp, một người phụ nữ bình dân, lại nhanh nhẹn, hoạt ngôn, đáo để.
Biện pháp chêm xen: Đoạn trích xoay quanh việc xã trưởng, một tên quan lại có chức vị thấp nhưng kiêu căng, hách dịch, đến nhà vợ chồng mõ để giao việc cho anh mõ đi rao về chuyện Thị Mầu có chửa hoang
Tóm tắt nội dung văn bản Buổi học cuối cùng ứng với thể loại truyện:
Câu chuyện kể về buổi học tiếng Pháp cuối cùng của một ngôi trường tại vùng An dát – nước Pháp. Sau ngày hôm ấy An dát sẽ là lãnh thổ của Đức, trẻ con ở đây sẽ học bằng tiếng Đức. Cậu bé Phrăng cảm nhận được sự thay đổi khác lạ của buổi học này qua thái độ của thầy Ha – men và mọi người. Thầy Ha men – người thầy đáng kính đã cống hiến mấy mươi năm cho nghề – dùng hết tâm huyết của mình để cố khắc sâu vào tâm trí học trò mình về tình yêu quê hương và yêu tiếng mẹ đẻ trong buổi học cuối cùng. Cậu bé Phrăng cảm thấy hối tiếc, xúc động nên đã rất tập trung. Đồng hồ nhà thờ điểm 12 tiếng, tiếng kèn của bọn lính Phổ vang lên. Thầy Ha-men dùng hết sức viết lên bảng bốn chữ “Nước Pháp muôn năm” và kết thúc buổi học.
Biện pháp chêm xen: Thầy Ha men – người thầy đáng kính đã cống hiến mấy mươi năm cho nghề – dùng hết tâm huyết của mình để cố khắc sâu vào tâm trí học trò mình về tình yêu quê hương và yêu tiếng mẹ đẻ trong buổi học cuối cùng.
Tóm tắt nội dung văn bản Nguyễn Trãi – nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ ứng với thể loại văn bản nghị luận:
Văn bản Nguyễn Trãi – nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ của tác giả A-ma-đu Ma-ta Mơ Bâu được viết nhân dịp UNESCO tổ chức 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi.Văn bản đã khẳng định Nguyễn Trãi vừa là một nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà chính trị, nhà đạo đức dựa trên cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng nhân nghĩa, trí dũng của Nguyễn Trãi. Để làm sáng tỏ điều đó, tác giả đã đưa ra cách nhìn khách quan thông dựa trên các tác phẩm Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo. Không chỉ thể, Nguyễn Trãi còn là một người gắn bó với thiên nhiên, giao cảm với với đời thông qua các tập thơ tiêu biểu. Kết thúc bài viết, tác bộc lộ niềm hoài cảm, trân trọng với cuộc đời và số phận của Nguyễn Trãi.
Biện pháp liệt kê: Văn bản đã khẳng định Nguyễn Trãi vừa là một nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà chính trị, nhà đạo đức dựa trên cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng nhân nghĩa, trí dũng của Nguyễn Trãi
Tóm tắt nội dung văn bản Chợ nổi – nét văn hóa sông nước miền Tây ứng với thể loại văn bản thông tin:
Văn bản cho chúng ta cái nhìn tổng quan về những khu chợ sầm uất trên sông ở miền Tây Nam Bộ như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang)…Những thông tin bổ ích về phương tiện tham gia, các loại mặt hàng, cách rao hàng độc đáo bằng cây bẹo. Kết thúc bài viết, tác giả chia sẻ những cảm nhận khi tham gia chợ nổi như một sự trải nghiệm đang nhớ trong đời.
Biện pháp liệt kê: Văn bản cho chúng ta cái nhìn tổng quan về những khu chợ sầm uất trên sông ở miền Tây Nam Bộ như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang)
Câu 15. Đọc diễn cảm (theo trí nhớ) một số đoạn văn, đoạn thơ/ bài thơ mà bạn yêu thích và mới tìm hiểu được trong năm học lớp 10.
Gợi ý trả lời: Học sinh có thể đọc bất cứ bài thơ nào trong chương trình mà mình thích như Chiếc lá đầu tiên (Hoàng Nhuận Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng)..