ÔN TẬP CUỐI HỌC KỲ I
Câu 1. Kẻ vào vở hai cột A và B theo mẫu dưới dây, sau đó nối tên thể loại ở cột A với đặc điểm phù hợp được nêu ở cột B, giải thích lí do bạn tạo ra các đường nối giữa hai cột A và B
Gợi ý trả lời
Thần Thoại: Có cốt truyện đơn giản, nhân vật đã tạo ra thế giới và con người
Sử thi : Có cốt truyện xoay quanh những cuộc phiêu lưu, có nhân vật là hiện thân của cộng đồng
Thơ: Không có cốt truyện, giàu tính trữ tình và tính nhạc
Văn bản thông tin tổng hợp: Có thể lồng ghép yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm; Thường kết hợp sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
Chèo cổ / tuồng đồ: Thường dựa vào tích truyện có sẵn. Có nhân vật, cốt truyện, không có người kể chuyện
Câu 2. Nếu tóm tắt những điểm cần lưu ý khi đọc hiểu một văn bản theo các thể loại dưới đây(có thể tóm tắt dưới hình thức lập bảng):
- Thần thoại
- Sử thi
- Chèo (hoặc tuồng)
- Văn bản thông tin (thuyết minh có lồng ghép…)
- Thơ
Thể loại văn bản
|
Những điểm cần lưu ý
|
Thần thoại
|
Nắm được thần thoại là gì, những yếu tố của thần thoại như không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật
|
Sử thi
|
Nắm được thể loại sử thi và các yếu tố sử thi như: nhân vật sử thi,cốt truyện sử thi, bối cảnh, không gian, thời gian sử thi,tình cảm, cảm xúc của tác giả.
|
Chèo( hoặc tuồng)
|
Hiểu được đặc điểm của chèo và tuồng như đề tài, tích truyện, cảm hứng, nhân vật, cách khắc hoạ nhân vật điển hình, các yếu tố ngôn ngữ.
Nắm được tính dị bản do lưu truyền bằng miệng và khuyết danh của tuồng.
|
Văn bản thông tin( thuyết minh có lồng ghép)
|
Nhận biết một số dạng đặc điểm của từng văn bản thông tin
Có thể lồng ghép yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm Thường kết hợp sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
|
Thơ
|
Cảm nhận được vẻ đẹp thơ qua nhịp và cách gieo vần của bài thơ. Hiểu được từ ngữ hình ảnh cũng như chủ thể trữ tình
|
Câu 3. Hãy tóm tắt hai trong số các văn bản đã đọc ở học kì I, trong đó có:
- Một văn bản thần thoại hoặc sử thi:
- Một văn bản thông tin tổng hợp, thuyết minh có lồng ghép yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm
Gợi ý trả lời:
Tóm tắt thần thoại Prô-mê-tê và loài người:
Vì thấy thế gian vắng vẻ nên hai vị thần Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê đã tạo nên muôn loài. Ê-pi-mê-tê tranh phần việc nhào nặn, tạo hình dáng còn Prô-mê-tê kiểm tra, sửa chữa. Mỗi loài đều được Ê-pi-mê-tê ban cho những đặc ân để sinh tồn nhưng vị thần này lại quên mất con người. Prô-mê-tê đã sửa lại cho con người hình dáng đẹp đẽ gần giống các thần, dáng đứng thẳng đi bằng hai chân. Để giúp con người sinh tồn, vị thần đã lấy lửa từ cỗ xe của thần Mặt Trời Hê-Li-Ôx để trao cho loài người. Có lửa mà con người tạo dựng được cuộc sống an toàn, vui vẻ.
Tóm tắt văn bản Tranh Đông Hồ – Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam
Tranh Đông Hồ có đề tài dân dã, hình tượng sinh động, ngộ nghĩnh. Nhiều hình ảnh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt như gà, trâu, bò, lợn…đều trở nên đáng yêu, mới lạ trong tranh. Chất liệu làm nên tranh Đông Hồ tự nhiên, sắc màu bình dị, ấm áp. Để làm nên tranh cần giấy điệp, chổi thông để quét. Có bốn gam màu chủ đạo được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên: màu đen từ than xoan hay than lá tre; màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm; màu vàng từ hoa hòe; màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang. Quá trình chế tác tranh khéo léo, công phu với những bước chính: vẽ mẫu, can lại rõ ràng từng nét rồi xếp vào bản khắc gỗ, im màu. Tranh Đông Hồ rộn ràng nhất là khoảng tháng 7, tháng 8 chuẩn bị mùa tranh Tết. Chợ tranh họp vào tháng Chạp trong các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Tranh Đông Hộ thịnh hành vào khoảng cuối thế kỉ XIX đến những năm 40 của thế kỉ XX .Xu thế thương mại hóa thời kinh tế thị trường đã làm chúng dần mai một, thất truyền. Tuy vậy, vẫn có những nghệ nhân tâm huyết với nghề, cố gắng để duy trì, nuôi dưỡng nghề tranh Đông Hồ này.
Câu 4. Theo bạn, vì sao cách giải thích của người xưa về đặc điểm, tập tính một số loài vật trong Cuộc tu bổ lại các giống vật (thần thoại Việt Nam) vẫn có thể mang lại sự thích thú đối với người đọc, người nghe trong thời đại phát triển của khoa học?
Gợi ý trả lời:
Cách giải thích của người xưa dù không dựa trên cơ sở khoa học nhưng cũng không mang nhiều màu sắc huyễn hoặc, xa lạ. Ngược lại cách giải thích ấy lại cụ thể, hình tượng, dễ hình dung và thú vị. Những đặc tính, ngoại hình của các con vật có nét riêng thông qua cách giải thích đầy tính sáng tạo, dí dỏm vẫn khiến cho chúng ta ngày nay thấy thích thú. Đặc biệt lý do đưa ra cho những thiếu sót ấy là do Ngọc Hoàng nóng vội, mắc lỗi để thấy hình tượng vị thần tối cao cũng gần gũi, có nét tính cách không hoàn hảo của con người.
Câu 5. Theo bạn, hai nhân vật anh hùng Đăm Săn (sử thi Đăm Săn) và Ô-đi-xê (sử thi Ô-đi-xê) có những điểm gì giống nhau và vì sao có sự giống nhau ấy?
Gợi ý trả lời:
- Sự giống nhau của Đăm Săn và Ô – đi -xê: Hai nhân vật này đều là hình tượng người anh hùng, đại diện cho vẻ đẹp sức mạnh của một cộng đồng. Họ đều thể hiện mình là người tài giỏi, có lòng dũng cảm, có nghị lực phi thường, có những chiến công đóng góp cho cộng đồng.
- Giải thích sự giống nhau: xuất phát từ khát vọng chung của nhân dân về một người lãnh đạo tập thể, cộng đồng với những vẻ đẹp đại diện cho cộng đồng, dân tộc.
Câu 6. Theo bạn, trong Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời, việc tác giả nói nhiều về nhân vật nữ thần Mặt Trời có làm mờ đi tính cách anh hùng của Đăm Săn trong văn bản hay không? Vì sao?
Gợi ý trả lời:
Tác giả nói nhiều về nữ thần Mặt Trời với ngoại hình, cử chỉ, lời nói toát lên cốt cách quý phái, yêu kiều: “Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp. Mái tóc nàng vén bên tai trông thật là đẹp. Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng. Nàng đi trông như diều bay ó lượn, như nước lững lờ trôi cũng không bằng..tiếng nàng lanh lảnh, người chưa tới mà tiếng đã vẳng lại” không làm mờ đi tính cách của Đăm Săn mà còn tạo ra sự đồng vọng, phản chiếu làm hình tượng Đăm Săn nổi bật không kém: “Khách này mặc một áo lụa đẹp, thêm một áo chiến cũng thật là đẹp. Lông chân như chải, lông đùi như chuốt. Tiếng nghe như chong chóng gõ mỏ. Khắp các tù trưởng đầu làng không có một ai như khách cả”.
Cũng chính vì vẻ đẹp, tài năng của nữ thần Mặt Trời đã thúc đẩy Đăm Săn không ngại nguy hiểm, khó khăn được chinh phục nàng. Dù có đối mặt với cái chết nhưng với những gì xứng đáng, Đăm Săn không cúi đầu.
Câu 7. Nêu một số điểm giống nhau và khác nhau về đề tài, nhân vật trong chèo cổ và tuồng đồ.
Gợi ý trả lời:
Điểm giống nhau:
+ Đề tài: chèo cổ và tuồng đồ thường lấy cảm hứng từ cuộc sống và phản ánh những chuyện đời, thói đời, mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống giữa bối cảnh xã hội xưa.
+ Nhân vật: mang tính ước lệ, thường thấy có kép, đào, mụ. Tính cách nhân vật nhất quán không thay đổi.
Điểm khác nhau
Chèo cổ
|
Tuồng đồ
|
|
Đề tài
|
Xoay quanh vấn đề giáo dục, ứng xử giữa người với người, theo quan điểm đạo lý dân gian hoặc tư tưởng Nho giáo
|
Lấy từ cuộc sống thôn dã hoặc tích truyện có sẵn dựng thành những câu chuyện, tình huống hài hước, những nhân vật phản diện hiện thân cho những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội phong kiến.
Thiên về trào lộng, phê phán xã hội trê lập trường đạo đức của người bình dân. |
Nhân vật
|
Nhân vật phổ biến: kép, đào, hề, mụ, lão
Thường không kèm với danh xưng, vị trí xã hội |
Nhân vật phổ biến: kép, đào, mụ, lão
Nhân vật xuất hiện có xưng danh |
Câu 8. Phát biểu suy nghĩ của bạn về nhân vật Thị Mầu khi đọc Thị Mầu lên chùa (Quan Âm Thị Kính) hoặc nhân vật Thị Hến khi đọc Huyện Trìa Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lõm Thị Hến (Nghêu, Sò, Ốc, Hến).
Gợi ý trả lời:
Cảm nhận nhân vật Thị Mầu:
Hình tượng nhân vật Thị Mầu được xếp vào đào lẳng, có tính cách, suy nghĩ đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội phong kiến. Thị Mầu trong đoạn trích hiện lên với xuất thân tiểu thư con nhà giàu nhưng cốt cách lại táo bạo, suồng sã, lẳng lơ, sống phóng túng và ham mê sắc đẹp. Dù Kính Tâm là một người xuất gia lại chối từ, trốn tránh nhưng Thị Mầu vẫn một mực kiên quyết làm liều. Dẫu xây dựng Thị Mẫu với tính cách đáng phê phán của những cô gái không đoan chính trong xã hội nhưng ở Thị Mầu chúng ta vẫn tìm ra một ấn tượng rất đặc biệt khó phai mờ. Đó chính là sức mạnh trỗi dậy của tình yêu tự do, khao khát được sống theo cảm tính, bỏ đi mọi ràng giáo điều.
Cảm nhận nhân vật Thị Hến
Thị Hến là nhân vật trung tâm của những mâu thuẫn nảy sinh từ phía các nhân vật khác. Cũng như một phép thử, Thị Hến đã làm bộc lộ bộ mặt hèn nhát, háo sắc của Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu. Nhân vật này chính là nơi gửi gắm khát vọng đấu tranh với cái xấu của bọn có quyền, có chức, có danh trong xã hội. Ở Thị Hến, ta thấy nổi bật vẻ đẹp của người phụ nữ goá bụa quyết giữ gìn trinh tiết thờ chồng, đồng thời cũng là người thông minh, sắc sảo, lấy lợi thế cái đẹp của mình để trừng trị bọn ô trọc.
Câu 9. Nêu tác dụng của việc lồng ghép yếu tố miêu tả, biểu cảm trong hai văn bản Tranh Đông Hồ – nét tinh hoa của căn hoá dân gian Việt Nam và Chợ nổi – nét văn hoá sông nước miền Tây.
Gợi ý trả lời:
Khi lồng ghép yếu tố miêu tả, biểu cảm trong hai văn bản sẽ giúp tái hiện hình ảnh tranh Đông Hồ và chợ Nổi một cách sinh động với đường nét, hình khối, màu sắc, âm thanh…rõ rệt. Yếu tố miêu tả và biểu cảm còn đem đến cho người đọc cảm giác thích thú như chính mình khám phá vẻ đẹp nơi ấy. Thông qua yếu tố biểu cảm, người viết bộc lộ được sự trân trọng, yêu mến của mình đồng thời đưa ra đề nghị, lời kêu gọi giữ gìn, phát huy những giá trị ấy.
Câu 10: Việc sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong một văn bản thông tin có tác dụng như thế nào? Sử dụng bằng chứng từ các văn bản mà bạn đã đọc để làm rõ thêm ý kiến của mình.
Gợi ý trả lời:
Việc sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong một văn bản thông tin sẽ giúp thông tin trong văn bản được cụ thể hoá. Thông qua hình ảnh trực quan, người đọc dễ nhớ, dễ nắm bắt.
Bằng chứng: Khi viết về đàn ghi – ta phím lõm, người viết đã sử dụng hình ảnh so sánh về đàn ghi – ta phím lõm và đàn ghi ta thường để người đọc có thể nhận ra sự khác biệt về cấu tạo, nhận diện được ghi – ta phím lõm. Để giúp người đọc hình dung vị trí của đàn ghi ta trong dàn nhạc cải lương, người viết dùng hình ảnh sơ đồ nhạc cụ phổ biến trong dàn nhạc.
Câu 11. Xác định chủ thể trữ tình, cách ngắt nhịp, gieo vần trong văn bản dưới đây:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)
- Chủ thể trữ tình: “thân em”, “em” là cách xưng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến
- Cách ngắt nhịp:
Thân em/ vừa trắng/ lại vừa tròn
Bảy nổi/ ba chìm /với nước non
Rắn nát/ mặc dầu/ tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ/ tấm lòng son.
- Gieo vần: Vần chân chữ cuối của câu 1, 2, 4 tròn, non, son
Câu 12. Dựa vào yêu cầu đối với kiểu bài (Bài 2 và Bài 3), hãy chỉ ra điểm khác biệt trong cách mở bài, thân bài, kết bài giữa hai kiểu bài: nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học và nghị luận về một vấn đề xã hội.
Gợi ý trả lời
Nghị luận, phân tích đánh giá một tác phẩm văn học
|
Nghị luận về một vấn đề xã hội
|
|
Mở bài
|
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.
Nội dung khái quát và cảm nhận chung về vấn đề cần nghị luận
|
Nêu lên vấn đề xã hội cần nghị luận
Nhận định chung về vị trí, tầm quan trọng hoặc quan điểm của người viết về vấn đề
|
Thân bài
|
Đưa ra những luận điểm, dùng dẫn chứng, lĩ lẽ làm sáng tỏ từng luận điểm
Tổng hợp đánh giá nội dung ,nghệ thuật.Tình cảm, thái độ của người viết
|
Trình bày theo từng luận điểm, kèm theo lí lẽ, dẫn chứng.
Bày tỏ thái độ của người viết đối với vấn đề đó
|
Kết bài
|
Khẳng định lại vấn đề nghị luận, tình cảm, suy nghĩ của người viết
|
Khẳng định lại vấn đề cùng thái độ, lập trường của người viết
|
Câu 13. Nêu một số điểm khác nhau đáng lưu ý trong cách tìm ý, lập dàn ý cho hai kiểu bài viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể và của một bài thơ.
Nghị luận phân tích đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện kể | Nghị luận phân tích đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc nghệ thuật của thơ |
– Xác định chủ đề, phân tích, đánh giá giá trị, ý nghĩa của chủ đề
– Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như cốt truyện,tình huống, sự kiện, nhân vật, lời người kể chuyện, lời nhân vật… |
– Xác định chủ đề, phân tích, đánh giá giá trị, ý nghĩa của chủ đề
– Phân tích đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật hay sạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình, kết cấu, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, các biện pháp tu từ.. |
Câu 14. Lập dàn ý cho một trong hai đề dưới đây:
Đề a. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ mà theo bạn là có giá trị về chủ đề và đặc sắc về hình thức nghệ thuật
Đề b. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm.
Gợi ý làm bài
a. Dàn ý nghị luận bài thơ Viếng Lăng Bác (Viễn Phương)
Mở bài: Viễn Phương đã tạc vào nền thơ cá Việt Nam một áng thơ bất tử theo năm tháng bằng những cảm xúc chân thành, nồng thắm trong bài thơ Viếng Lăng Bác được ông viết năm 1976 nhân lần đầu tiên ra “thăm Bác” sau khi lăng Bác khánh thành và Nam Bắc về chung một nhà. Viếng Lăng Bác được in trong tập Như mây mùa xuân chính là tiếng lòng của nhà thơ âm ỉ bấy lâu nay được bộc bạch trong cảm xúc dâng trào.
Khổ 1: Mở đầu bài thơ là tâm sự của nhà thơ khi được nhìn thấy nơi yên nghỉ của Bác. Lời thơ mộc mạc chạm đến trái tim người đọc
“ Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
- “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” như một lời chào thành kính, một lời giới thiệu ngắn gọn về hành trình của một đứa con xa trở về thăm người cha kính yêu.
- Cách xưng hô “con”, “Bác” là lối xưng hô quen thuộc của người miền Nam thể hiện tình yêu thương, tấm lòng tôn kính thiêng liêng đối với Bác Hồ.
- Tác giả đã sử dụng từ “thăm” thay cho “viếng” để giảm đi nỗi mất mát, đau thương khi sự thật Bác không còn nữa và cũng là để. cho chúng ta biết được rằng hình ảnh Người trong lòng Viễn Phương cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam luôn hiện hữu.
- “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Nơi đâu trên khắp đất nước Việt Nam này là không thấy bóng dáng tre xanh. Tre từ lâu đã đi vào văn hoá dân gian, vào thơ ca hội hoạ và hơn thế nữa, tre còn là chứng nhân lịch sử. Tre đi vào đời sống sinh hoạt, tre đi vào tâm thức con người làng quê qua bao thế hệ. Tre hoá thân thành con người và đại diện cho đức tính tốt đẹp của con người. Hàng tre không bao giờ chịu khuất trước bom đạn cũng chính là tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam qua bao nhiêu chiến tranh vẫn không hề khuất phục trước sức mạnh của kẻ thù.
- từ cảm thán “ôi” và từ láy “xanh xanh” được đảo lên trước như nhấn mạnh màu sắc của cánh đồng, của làng quê.
- “bão táp mưa sa” vẫn đứng thẳng hàng. Phải chăng sự thẳng hàng mà nhà thơ muốn nói đến còn là tấm lòng kiên trinh của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ đối với Bác Hồ, với Cách Mạng và với đất nước. Tấm lòng thuỷ chung, thẳng ngay như tre mọc thẳng.
Khổ 2: Dù biết rằng Bác đã ra đi nhưng sự nghiệp và tâm hồn của người vẫn còn ở lại, vẫn rạng rỡ như ánh mặt trời của thiên nhiên.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”
- Mặt trời rực sáng đem đến sự sống cho con người, cho vạn vật, đem đến ánh sáng và chan hòa khắp mọi nơi.
- Từ hình ảnh tả thực về một mặt trời đi trên lăng, nhà thơ dùng nghệ thuật ẩn dụ để nói đến một mặt trời duy nhất đang tồn tại trong đôi mắt biết mấy thương yêu của nhà thơ. “Mặt trời trong lăng” không ai khác là vị lãnh tụ của chúng ta. Cách ví von này rất khéo vừa nói lên được tầm vóc của Bác Hồ trong thời đại và tình cảm to lớn của nhân dân dành riêng cho Bác. Bác và mặt trời đều mang đến sự sống, sự ấm áp. Bác là ánh sáng của Cách Mạng, của nhân dân Việt Nam. Bác đã đem cả cuộc đời mình hóa thành ngọn đuốc soi đường cho tương lai tổ quốc.
- điệp ngữ “ngày ngày” để diễn tả sự lặp lại không bao giờ thay đổi. Đó là quy luật là vòng tuần hoàn của thời gian, ngày này nối tiếp ngày khác, quá khứ nối tiếp hiện tại và liên tục ở sự không ngừng của tương lai.
- Hình ảnh “tràng hoa” chính là biện pháp ẩn dụ tượng trưng cho những điều tốt đẹp cũng là trái tim yêu thương của nhân dân dành cho Bác. Câu thơ tạo sự liên tưởng độc đáo. Từng dòng người vào viếng lăng Bác đều mang theo một trái tim ấm áp, tấm lòng thảo thơm. Mỗi trái tim là một bông hoa được kết với nhau thành một tràng hoa đầy sắc màu dâng lên cho vị lãnh tụ.
Khổ 3: Niềm yêu thương của Viễn Phương được nâng lên thành một tình cảm mãnh liệt khi cùng đoàn người vào trong lăng Bác.
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
- “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” là cách nói giảm nói tránh về sự ra đi của Bác cũng là để tả thực di hài của Người nằm đấy như đang trong một giấc ngủ sâu.
- Cũng giống như mặt trời, hình ảnh “vầng trăng” mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Trăng là cách sống cao đẹp, hiền hậu. Người với trăng là tri kỷ, trăng hiện hữu trong thơ Bác ánh trăng vẫn thuỷ chung bên cạnh canh giữ giấc ngủ bình yên của Người. Bác là người yêu trăng, trong thơ của Bác luôn tràn ngập ánh sáng lung linh. Vì thế mà nhà thơ không chỉ nói đến ánh sáng mà còn nói đến sự trường tồn của ảnh trăng muôn đời, ánh trăng yên vui, ánh trăng hoà bình toả sáng trên mọi nẻo đường đất nước.
- Mặc dù lý trí biết rằng Bác vẫn như “trời xanh” luôn luôn trường tồn cùng thời gian, trường tồn với non sông, gấm vóc, Thế nhưng làm sao có thể không đau lòng, không tiếc thương khi con người vĩ đại ấy đã ra đi mãi mãi. Sự ra đi ấy để lại bao xót xa, bao nhiêu cảm xúc khiến nhà thơ bật thành thanh âm “mà sao nghe nhói ở trong tim”.
- Chỉ bằng một từ “nhói”nhà thơ cho chúng ta thấu nỗi đau mất mát to lớn không gì có thể bù đắp được. Cái nhói của của dân tộc, của thời đại chẳng khác nào cú sốc tinh thần quá lớn.
- Hai câu thơ được xây dựng trên cơ sở tương phản đối lập. Vẫn biết rằng Người vẫn còn sống trong tim, trong tâm tưởng, Bác vẫn là trời xanh, là vầng trăng, mặt trời. Thế nhưng có một sự thật không thể nào khác được, có cố che đi, cố làm dịu bản thân mình thì cũng không thể lừa được cảm xúc chân thành.
Khổ 4: Cuộc gặp gỡ nào mà không có chia ly, cuộc viếng thăm thiêng liêng của Viễn Phương cũng thế. Sau những giây phút bên Bác với cảm xúc đong đầy, nhà thơ phải trở về miền Nam trong niềm luyến thương vô hạn.
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
- nhà thơ xúc động đến “tuôn trào nước mắt”. Cách bộc lộ cảm xúc trực tiếp này không chỉ là tấm lòng của nhà thơ mà còn là tấm lòng không nguôi thổn thức của đồng bào toàn quốc.
- Thế nên nhà thơ bày tỏ ước nguyện lớn lao của mình đó là được hoá thân, được góp đời mình thành những vật nhỏ bé ở cạnh bên lăng Bác. Đó là “con chim, đoá hoa, cây tre” những vật quen thuộc, bình dị nhưng ý nghĩa.
- Điệp ngữ “muốn làm” đặt ở đầu mỗi câu thơ nhấn mạnh niềm ao ước của Viễn Phương không chỉ xuất phát từ tình cảm cá nhân mà đó còn là khát vọng sống, khát vọng noi theo bước chân Người, nguyện đi trên con đường Người đã vạch ra.
- Nhà thơ muốn làm một chú chim cất tiếng hót say sưa ca ngợi quê hương, ca ngợi cuộc sống mới, cánh chim đưa tin vui mừng đến bên Người.
- Làm một đoá hoa toả hương, khoe sắc quanh lăng để tô điểm cho giấc ngủ yên bình.
- Hình ảnh cây tre được nhắc đến lần thứ hai bổ sung thêm trọn vẹn những đức tính của con người Việt Nam không chỉ kiên trung, anh dũng mà còn thẳng ngay trung hiếu. Tấm lòng trung hiếu của cả dân tộc là truyền thống ngàn đời, xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Thật xúc động khi nghe được những ước muốn khiêm nhường của nhà thơ dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc.
Bàn luận: Viếng Lăng Bác là bài thơ giàu cảm xúc, với thể thơ tám chữ, ngôn ngữ linh hoạt, nhiều hình tượng nghệ thuật độc đáo, không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong cách vận dụng ngôn từ mà còn thông qua được bộc lộ được cảm xúc của nhà thơ khi lần đầu viếng lăng Bác. Viễn Phương cùng với Chế Lan Viên, Tố Hữu, Minh Huệ…đã vẽ nên bức chân dung về một con người vĩ đại mang tên Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nỗi niềm chung toàn thể dân tộc Việt Nam nhớ về Người.
Kết bài: Bài thơ với những hình ảnh thơ giản dị, giàu sức khái quát, giọng thơ chân thành, nồng ấm như lời tâm tình của tác giả vừa nghiêm trang vừa da diết nỗi buồn. Bài thơ khiến cho người đọc cũng nghẹn ngào đến rơi nước mắt nhưng không vì thế mà bi lụy bởi vì thông điệp mà nhà thơ truyền đến là thái độ sống ân nghĩa, thuỷ chung, đừng bao giờ quên đi nỗi đau mất mát, quên đi thế hệ đã ngã xuống và đặc biệt là đừng bao giờ quên lãng những điều Bác Hồ đã căn dặn trước lúc ra đi.
b. Nghị luận về căn bệnh vô cảm hiện nay
Mở bài: Khi người ta đã chết dần tình thương mến, bao dung thì đồng nghĩa với việc mầm mống căn bệnh vô cảm đã ngự trị trên mảnh đất lẽ ra phải được vun đắp bằng phù sa của tình người. Thật xót xa khi xã hội vẫn còn chỗ đứng cho những kẻ mang trong mình bệnh vô cảm mà những kẻ ấy lại rơi vào thế hệ trẻ, thế hệ cần sống với tâm hồn rộng mở.
Giải thích vô cảm là gì: Vô cảm theo sự cắt nghĩa từ yếu tố Hán Việt thì chính là không có cảm xúc, không có tình cảm và cả cảm giác yêu thương, phẫn nộ, đồng cảm, hạnh phúc…đối với cuộc sống bên ngoài.
Nói một cách khác, vô cảm là thái độ sống thờ ơ, mặc kệ mọi thứ xung quanh chỉ biết đến bản thân mình. Vô cảm được xem là căn bệnh máu lạnh, căn bệnh của những kẻ chai lì cảm xúc, thiếu tình người và vô tâm đối với đồng loại của mình. Không chỉ là một bệnh lý thông thường mà nó là một hội chứng, một hiện tượng xã hội đáng lên án.
Biểu hiện của bệnh vô cảm:
- Thờ ơ trước những nỗi đau của người khác, không một chút lòng trắc ẩn với hoàn cảnh thương tâm.
- Không rung động trước vẻ đẹp đến từ thiên nhiên hoặc tình người, không bận tâm đến mặt trái của xã hội, đến những tệ nạn, cái xấu xung quanh, xem mọi chuyện bên ngoài chẳng can hệ đến mình
- Ngại hoặc không muốn nói lời cảm ơn, xin lỗi cho phải phép, không vỗ tay khi thưởng thức một tiết mục văn nghệ mà bao người đã kỳ công tạo dựng.
- Có không ít bạn trẻ vô cảm ngay trong cuộc sống chính mình. Các bạn ấy chẳng tha thiết trong việc học, thờ ơ với tương lai, mặc kệ mọi người nghĩ gì và mình thì đã sống thế nào ở hiện tại
Nguyên nhân:
Chủ quan:
- Con người thỏa mãn với vật chất và xem vật chất ở vị trí độc tôn cho cuộc đời họ, thế nên họ đánh mất dần sự thấu hiểu, rung động đối với thế giới xung quanh.
- Bạn trẻ được yêu chiều, được cha mẹ hướng đến lối sống đẳng cấp như một công chúa, hoàng tử càng cảm thấy mọi sự hy sinh của đấng sinh thành là lẽ hiển nhiên
- Không thể bỏ qua nguyên nhân đến từ lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ biết nhận mà không biết cho đi của một số người.
- Một số khác sống rụt rè, lúc nào cũng nhiều nỗi lo. Họ lo sợ bị lừa gạt, bị vạ lây, bị liên lụy, họ sợ phiền hà khi giúp đỡ ai đó.
Nguyên nhân khách quan:
- Nhiều gia đình chưa thật sự đúng với vai trò tế bào xã hội, người lớn chưa làm tấm gương tốt để dạy dỗ con, họ sống thực dụng, ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi hoặc chỉ chú tâm dạy cho mình thành người thành công, giàu có, học giỏi mà không quan tâm đến sự phát triển trong đời sống tình cảm, không lấy bài học văn hoá, đạo đức làm hàng đầu.
- Một số trường học chỉ tập trung giáo dục tri thức mà quên mất sự nghiệp “trồng người” chú trọng nhất vẫn là “tiên học lễ”.
- Thêm một nguyên nhân xuất phát từ thực tế đời sống đó là những sự thật đáng buồn có lắm kẻ lợi dụng lòng thương người, sự trắc ẩn của người đời mà trục lợi. Những kẻ xấu vờ khó khăn, vờ đáng thương để được thương hại, những kẻ giỏi đóng kịch qua mắt người đời. Có nhiều người vì tin tưởng đã cho đi chẳng những mất mát của cải mà còn bị vạ lây, liên luỵ. Khi bị mất niềm tin vào xã hội, vào lòng tốt được đền đáp thì con người cũng trở nên thu mình lại, sống khép kín, giam giữ tâm hồn vào chiếc lồng kính an toàn.
Hậu quả:
Bản thân:
- Từ sự thờ ơ, vô tâm dần tác động đến những đức tính khác mà con người vốn nên có như hiếu thảo, ân nghĩa thuỷ chung…Vô cảm sẽ gặm nhấm từng phần người để tâm hồn bạn trở nên rỗng tuếch.
- Vô cảm là căn nguyên dẫn đến những sai phạm về chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
Xã hội:
- Một xã hội có những kẻ vô cảm thì xã hội ấy dẫn mất đi tình người, tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia trong cuộc sống.
- Vô cảm đi ngược lại với lối sống văn minh của một đất nước trọng truyền thống đoàn kết, tương trợ, đùm bọc trong câu ca dao.
- Căn bệnh không chỉ tác động đến suy đồi đạo đức mà còn phá hỏng đời sống tinh thần của một tập thể, xã hội.
- Tai hại thay khi vô cảm còn chui luồn vào hầu khắp các cơ quan, các tổ chức chính trị, kinh tế, giáo dục, y học. Bệnh này tạo nên những kẻ nhũng nhiễu nhân dân, chỉ biết vơ vét, đục khoét mà lớn mạnh. …Thế mới thấy căn bệnh này còn là nguyên nhân dẫn đến sự rối loạn của xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Biện pháp khắc phục:
- Tạo dựng một môi trường sống tích cực, lạc quan, ở đó con người cần đề cao, tuyên dương những tấm gương tốt, người tốt việc tốt, cần chia sẻ, cổ vũ những hành động đạo đức để nêu gương sáng cho cộng động.
- Khơi gợi những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc thông qua các chương trình nhân ái, thực tế hướng đến mảnh đời bất hạnh.
- Pháp luật cần có sự nghiêm khắc với những hành động vô cảm đi ngược lại với quyền lợi nhân dân. Một khi cái ác bị xử lý nghiêm minh thì con người mới tin vào những gì công bằng, bác ái.
- Ông bà cha mẹ muốn con em mình học theo những điều phải thì bản thân nên là tấm gương sáng. Người lớn có trách nhiệm tạo dựng cho con cái một môi trường hạnh phúc, lành mạnh, lối sống sẻ chia, đoàn kết và lòng nhân ái.
- Bạn trẻ hãy mở lòng mình sống với mọi người, sống chan hoà với bạn bè, yêu thương gia đình, nghĩ đến những người thân và cả những mảnh đời bất hạnh ngoài kia. Cũng đừng nên thờ ơ với đời mình, buông xuôi phó mặc cho số phận. Nếu bạn sống vô tình, nhạt nhẽo thì bản thân sẽ chỉ là cái bóng tồn tại chứ chưa phải là sống.
Kết bài: Vô cảm là tâm bệnh, để sống một đời sống trọn vẹn thì chúng ta không chỉ giữ cho thể xác khỏe mạnh mà còn bảo vệ một tâm hồn trong trẻo, biết yêu thương, biết quý trọng cuộc sống và biết đấu tranh cho những điều chưa tốt.