NÓI VÀ NGHE
GIỚI THIỆU, ĐÁNH GIÁ VỀ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT MỘT TRUYỆN KỂ
Chuẩn bị nói
- Xác định tác phẩm truyện cần nói
+ Xác định mục đích nói
+ Xác định đối tượng người nghe
+ Xác định không gian, thời gian nói
- Tìm ý và lập ý
Trình bày nói
- Dựa trên phần chuẩn bị nói đã lập ý để trình bày phần nói
- Tạo không khí, quan hệ giao tiếp: giới thiệu họ tên, ngôi kể, xưng hô, có lời giới thiệu, mở đầu, lời chào, kết thúc
- Diễn đạt tự nhiên, rõ rành, rành mạch, liên kết các phần nhất quán.
Bài nói chi tiết: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”
Kính chào thầy/ cô, cùng các bạn thân mến! Cũng như văn học viết, văn học dân gian ngoài mong muốn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng còn hướng đến tính giáo dục, đấu tranh phản ánh xã hội, cải tạo xã hội. Trong nhiệm vụ này, truyện ngụ ngôn Việt nam hoàn toàn làm được điều đó. Và hôm nay, để tiếp cận tác phẩm ngụ ngôn tiêu biểu “Thầy bói xem voi”, em xin chia sẻ đến thầy/cô cùng các bạn một số đánh giá về nội dung và nghệ thuật trong bài viết. Trong đó phần đầu tiên sẽ là nội dung truyện cùng những bài học, những thông điệp cuộc sống rút ra từ chủ đề truyện. Phần kế tiếp giới thiệu và đánh giá về vài nghệ thuật tiêu biểu của truyện. Cuối cùng là những cảm nghĩ của em khi tìm hiểu câu chuyện trong vai trò thế hệ nhận được những lời truyền dạy từ người xưa.
Trước hết để có cái nhìn tổng quan về truyện, em xin tóm tắt nội dung câu chuyện. Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi kể về năm ông thầy bói mù trong buổi nhàn rỗi, ngồi bàn tán chẳng ai biết hình thù con voi trông thế nào. Lúc ấy nghe nói có voi đi qua, năm ông thầy biếu tiền người quản tượng để được sờ voi. Ông sờ vòi, ông sờ tay, ông sờ chân, ông lại sờ đuôi. Mỗi người có cách nhận xét về hình dạng con voi khác nhau, không ai chịu ai, không ai nghe ai cuối cùng dẫn đến xô xát, đánh nhau.
Từ câu chuyện xoay quanh việc xem voi và phán voi của năm ông thầy bói, người xưa muốn nhắn nhủ với chúng ta bài học về cách nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề trong cuộc sống. Đời sống không bao giờ một chiều và tất cả sự vật, sự việc trên đời không thể cứ nhìn ở một góc độ mà cho đó là toàn diện cũng như hình dáng của cái đuôi không thể là hình dáng của con voi. Một hiện tượng đơn lẻ không nói lên được bản chất thực sự. Muốn đánh giá đúng vấn đề chúng ta cần có cái nhìn khách quan, nhiều chiều, phân tích nhiều yếu tố khác nhau để từ đó tổng hợp lại. Nếu các ông thầy chịu tổng hợp lại những bộ phận mà mỗi người sờ thấy để trở thành tổng thể con voi thì đã tránh được cái nhìn phiến diện. Không chỉ thế, câu chuyện còn đưa ra mối quan hệ giữa ý kiến cá nhân và tiếng nói của mọi người. Mỗi chúng ta cần giữ ý kiến của riêng mình, có suy nghĩ, có chính kiến nhưng không nên cố thủ trong suy nghĩ riêng, cố chấp cho mình là đúng mà không biết lắng nghe để tìm được sự hài hoà giữa bản thân và mọi người xung quanh. Trong một tập thể, chúng ta nên học cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến từ mọi người để xem xét, hoàn thiện ý kiến của mình. Việc xây dựng nhân vật năm ông thầy bói mù, người xưa còn muốn nhắc nhở chúng ta về thói mê tín dị đoan thông qua những nhân vật vẫn được một số người tôn sùng trong xã hội: thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý…Những người chỉ dựa vào dấu hiệu mơ hồ mà phán đoán sẽ chỉ làm cho xã hội thêm lạc hậu. Hành động xô xát, đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán ở cuối truyện còn cho thấy cách giải quyết xung đột không nên có và thường xuyên gặp phải ở những kẻ thiếu nghĩ suy, cố chấp, hiếu thắng. Bài học đưa ra từ hành động ấy là lời kêu gọi không nên giải quyết vấn đề bằng bạo lực chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, danh dự chứ không thể khiến vấn đề được sắp xếp ổn thoả.
Để chuyển tải được nội dung giáo dục, bài học cuộc sống từ truyện, tác giả dân gian đã dùng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, cách kể chuyện ngụ ngôn tự nhiên, dí dỏm và cách xây dựng nhân vật đầy ngụ ý phê phán. Trước hết xét về tình huống truyện. Năm ông thầy bói vì ế khách, rảnh rỗi nên sinh ra mong muốn được tăng thêm hiểu biết dựa trên việc sờ voi. Trong phần đầu truyện dù ngắn gọn vẫn thể hiện một cách khái quát hoàn cảnh câu chuyện và nguyên nhân dẫn đến hành động xem voi của các thầy đó là bản tính tò mò, cũng vì nhàn rỗi sinh ra những chuyện vô lý, nực cười. Xung đột truyện bắt đầu từ khi các thầy chỉ có thể cảm nhận ra hình dáng của con voi dựa trên xúc giác không toàn diện. Chỉ sờ một bộ phận mà nghĩ mình đã nắm hết được toàn thể. Cũng vì không thể có được tầm nhìn lại thêm tính sĩ luôn cho mình là hay là đúng nên chẳng chịu nghe ý kiến của ai, cứ cảm tính mà phán đoán để rồi kết thúc mâu thuẫn truyện bằng sự dàn xếp của bạo lực. Tình huống truyện có mở đầu, cao trào và kết thúc được xây dựng tự nhiên, phát triển theo thời gian và chi phối bởi hành động, suy nghĩ của nhân vật.
Một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi là ngôn ngữ kể chuyện hàm xúc, dí dỏm, giàu hình ảnh và tính biểu trưng. Do đặc điểm của thể loại ngắn gọn, truyền tải thông điệp nên từ ngữ phải vừa đảm bảo tính cô động vừa mang tính tạo hình. Không tập trung miêu tả, đánh giá, nhận định, câu chuyện diễn tiến theo tình tiết vì thế mà ngôn ngữ cũng là lối trần thuật vắn tắt. Tuy vậy, cách kể chuyện của dân gian không hề đơn điệu bởi tính tạo hình, tính biểu tượng của ngôn ngữ. Khi nói về cách phán của năm ông thầy bói, tác giả dân gian đã đưa vào đấy phép so sánh, liên tưởng và hàng loạt những từ láy tượng hình đậm đà tính quần chúng: “sun sun như con đĩa”, “sần sẫn như cái đòn càn”, “bè nè như cái quạt thóc”, “sừng sững như cái cột đình” “tun tủn như cái chổi sể cùn”. Đây là cách nói ví von, dí dỏm trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân, cũng là yếu tố tạo nên màu sắc, sự hấp dẫn cho câu chuyện.
Nhân vật trong truyện Thầy bói xem voi là nhân vật chức năng, được xây dựng đơn giản thông qua giới thiệu về nghề nghiệp, đặc điểm và hoàn cảnh. Tính cách, suy nghĩ của nhân vật cũng bị chi phối bởi chức năng mà nhân vật biểu thị. Ở đây, năm ông thầy bói mang ý nghĩa tượng trưng cho những người chỉ biết nhìn nhận, đánh giá sự vật, sự việc một cách phiến diện, không biết lắng nghe, luôn chủ quan, cảm tính. Khi tác giả dân gian mượn hình ảnh thầy bói mù cũng là để phê phán, đả kích thói mê tín dị đoan, những kẻ giả thần lộng quỷ trong xã hội.
Qua tìm hiểu những nét cơ bản về nội dung và nghệ thuật của truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi, em nhận ra mối quan hệ hữu cơ giữa hình thức nghệ thuật và chủ đề, nội dung câu chuyện, đồng thời cũng hiểu thêm nhiều bài học thông qua hình ảnh năm ông thầy bói phán về voi. Chỉ bằng một câu chuyện ngắn gọn lại có thể truyền đạt một nội dung lớn, có chiều sâu, thiết thực cho mọi thời đại, tác giả dân gian thật tinh tế, khéo léo. Để từ đó chúng ta có cái nhìn khách quan, thêm yêu mến thể loại truyện ngụ ngôn Việt Nam nói riêng và tác phẩm văn học dân gian nói chung.
Bài chia sẻ của em đến đây là kết thúc. Rất cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã theo dõi. Hy vọng nhận được sự đóng góp từ các ý kiến của thầy/ cô cũng các bạn để cho bài viết thêm hoàn chỉnh.