BÀI 3: GIAO CẢM VỚI THIÊN NHIÊN
(THƠ)
VĂN BẢN 1: HƯƠNG SƠN PHONG CẢNH
(Chu Mạnh Trinh)
Trước khi đọc:
Câu hỏi : Hãy giới thiệu và chia sẻ cảm nhận về một cảnh đẹp của quê hương, đất nước mà bạn đã có dịp đến thăm hoặc biết qua sách vở.
Gợi ý trả lời: Cảm nhận về vẻ đẹp của chùa Thiên Mụ và sông Hương
Ai đã từng đến đất Thần Kinh để nghe âm vang của ngàn xưa vọng lại. Theo dấu chân của vị chúa nào đã đến đây mở cõi để thấy xứ Huế đẹp nét đẹp cổ kính, trầm tư bên dòng Hương giang lặng lờ mang theo âm nhạc cung đình và cả những cung Nam Ai, Nam Bình réo rắt. Xuôi dòng theo bờ bắc sông Hương, rời cố đô 5 km để đến ngôi chùa cổ kính Thiên Mụ nghe tiếng chuông chiều vọng lại giữa bốn bề bát ngát tiếng gà: “Bốn bề núi phủ, mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên”
Lối kiến trúc cổ kính của Thiên Mụ ẩn mình trong khuôn viên yên bình, nổi bật với tháp Phước Duyên đã tạo cho ngôi chùa này một linh hồn mô tê xưa cũ vừa mang vẻ đẹp thơ mộng vừa là sự kết tinh văn hoá, tín ngưỡng. Và cũng ở đoạn sông này, Hương giang như một cô gái thuỳ mị với điệu chảy rất nhẹ nhàng, khoác lên mình tấm áo được kết từ những tảng lục bình cứ bám chặt lấy nhau, quấn quýt không rời như một cuộc chia tay còn chùng chình, do dự của người đi, kẻ ở.
Đọc văn bản
Câu 1: Lưu ý tìm những từ ngữ diễn tả cảm xúc của chủ thể trữ tình khi đến Hương Sơn
Gợi ý trả lời: Từ ngữ diễn tả cảm xúc của chủ thể trữ tình khi đến Hương Sơn:
- Ao ước bấy lâu: diễn tả cảm xúc mong đợi, mơ ước được đến Hương Sơn một lần, nay đã thành hiện thực nên niềm vui ngập tràn trong lòng.
- Kìa: thể hiện sự ngạc nhiên xen lẫn xúc động, phấn khởi khi tận mắt nhìn thấy Hương Sơn
- Hỏi đây có phải: câu hỏi tu từ này bộc lộ cảm xúc ngỡ ngàng, mừng vui khi bắt gặp cảnh đẹp đệ nhất.
Câu 2: Bạn hình dung thế nào về phong cảnh Hương Sơn qua đoạn thơ này ?
Gợi ý trả lời: Phong cảnh Hương Sơn qua đoạn thơ nổi bật với vẻ đẹp thoát tục, như chốn bồng lai tiên cảnh được chạm khắc từ sự khéo léo của bàn tay con người và những ưu đãi của tạo hoá.
Câu 3: Chú ý số tiếng trong mỗi dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp và cách kết thúc bài thơ
Gợi ý trả lời:
- Số tiếng trong mỗi dòng theo thứ tự từ dòng 1 đến dòng 5: 7, 8, 7,8, 6
- Cách gieo vần:
+ Vần lưng: đây, tay
+ Vần chân: phật, đặt
- Cách ngắt nhịp: câu 1 và câu 4 nhịp 3/4. Câu 2 nhịp 3/3/2. Câu 4 nhịp 3/2/3. Câu 5 nhịp 2/2/2
- Cách kết thúc bài thơ: Bài thơ kết thúc bằng những cảm tưởng của nhà thơ trước vẻ đẹp mà tạo hoá sắp đặt cho Hương Sơn cùng với vẻ đẹp tín ngưỡng, đậm chất thiền của một cuộc sống thoát tục, thanh cao nơi cửa phật. Câu thơ cuối khép lại bài thơ với 5 thanh bằng tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, bay bổng cũng là cảm xúc chân thành của chủ thể trữ tình.
Sau khi đọc
Câu 1: Xác định bố cục của bài thơ
Gợi ý trả lời:
Bài thơ có 3 phần:
– Phần 1: bốn câu đầu: Giới thiệu khái quát cảnh Hương Sơn và cảm xúc của chủ thể trữ tình khi được đến đây.
– Phần 2: mười câu giữa: Cảm nhận về cảnh Hương Sơn kỳ vĩ, tráng lệ
– Phần 3: năm câu cuối: Cảm tưởng, tâm niệm của tác giả về cuộc đời, con người.
Câu 2 : Nêu một số từ ngữ để khái quát vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn được gợi tả qua các đoạn thơ.
Gợi ý trả lời:
- Đoạn 1 : Tiên cảnh bồng lai, đệ nhất cảnh đẹp trần gian, cảnh đẹp thoát tục
- Đoạn 2: Vẻ đẹp yên bình, không gian thư thái, chốn non nước hữu tình
- Đoạn 3: Vẻ đẹp kỳ vĩ, tạo hoá khéo sắp bày
- Đoạn 4: Nơi tĩnh tâm, cảm hoá lòng nhân bằng vẻ đẹp thánh thiện
Câu 3 : Chủ thể trữ tình của bài thơ là ai? Đó là chủ thể ẩn, chủ thể xuất hiện trực tiếp với một đại từ nhân xưng, hay chủ thể nhập vai vào một nhân vật trong bài thơ?
Gợi ý trả lời: Chủ thể trữ tình của bài thơ là chủ thể ẩn. Có thể hiểu chính nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc của mình trong từng hình ảnh, từ ngữ, nhịp điệu thơ. Nhà thơ dẫn dắt mạch thơ, khơi gợi mạch cảm xúc của người đọc bằng chính cảm xúc của mình.
Câu 4 : Phân tích diễn biến tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ
Gợi ý trả lời:
Bốn câu thơ đầu
- Ao ước bấy lâu: diễn tả cảm xúc mong đợi, mơ ước được đến Hương Sơn một lần, nay đã thành hiện thực nên niềm vui ngập tràn trong lòng.
- Kìa: thể hiện sự ngạc nhiên xen lẫn xúc động, phấn khởi khi tận mắt nhìn thấy Hương Sơn
- Hỏi đây có phải: câu hỏi tu từ này bộc lộ cảm xúc ngỡ ngàng, mừng vui khi bắt gặp cảnh đẹp đệ nhất.
Mười câu thơ giữa
- “Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”
Cảm xúc của chủ thể trữ tình trong không gian lắng đọng, chẳng xô bồ, hối hả, nghe âm thanh của tiếng chày bỗng thảng thốt nhận ra dòng dời ngoài kia lắm đổi thay, ngoảnh lại những gì đã qua như một giấc mộng dài. Đây chính là phút giây con người hoà mình vào thiên nhiên để tạm quên đi thế sự.
- “Nhác trông lên ai khéo vẽ hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”
Đại từ “ai” được dùng ở đây diễn tả sự kinh ngạc trước vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên đồng thời đó cũng là cảm xúc trân trọng, ghi nhớ công sức của con người đã tô điểm nơi này.
Năm câu thơ cuối:
“Cửa từ bi công đức biết là bao!
Càng trông phong cảnh càng yêu”
- “Biết là bao” câu cảm thán bộc lộ cảm xúc trực tiếp của nhà thơ khi từ xúc động trước thiên nhiên đẹp tươi đến kính cẩn trước sự từ bi, bác ái của cửa phật.
- “Càng trông, càng yêu” cấu trúc tăng tiến giúp chủ thể trữ tình nhấn mạnh cảm ngày một sâu đậm khi càng tìm hiểu Hương Sơn, càng trải lòng thì lại càng thêm yêu mến.
Câu 5 : Phát biểu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Phân tích hiệu quả xây dựng hình ảnh, sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ đối với việc thể hiện cảm hứng ấy.
Gợi ý trả lời:
- Cảm hứng chủ đạo: Bài thơ được sáng tác ngay sau khi nhà thơ tham gia trùng tu chùa Thiên Trù ở Hương Sơn. Đó chính là kết quả của sự rung động, cảm xúc chân thành xuất phát từ tâm hồn nhạy cảm của một con người có tài năng nghệ thuật và tình yêu mến thiên nhiên, niềm tự hào với cảnh đẹp đất nước mình.
- Những hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ được nhà thơ sử dụng:
+ Bầu trời cảnh bụt, chim cúng trái, cá nghe kinh, một tiếng chày kình, khác tang hải, đá ngũ sắc, lồng bóng nguyệt, mấy lối uốn thang mây..=> hình ảnh chắt lọc, tiêu biểu có sức gợi cảm, gợi hình, có đường nét, hình khối qua ngòi bút của người nghệ sĩ am hiểu điêu khắc, hội hoạ.
+ Biện phép liệt kê: Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Vọng, này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh..=> Bày ra trước mắt người đọc sự kỳ vĩ, rộng lớn của Hương Sơn.
+ Điệp từ : non non, nước nước, mây mây => Gợi tả vẻ đẹp thoát tục, hữu tình của cảnh vật Hương Sơn
+ Câu hỏi tư từ: Đệ nhất động hỏi là đây có phải? => cảm xúc ngỡ ngàng, thích thú khi tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp nơi này.
+ Đảo ngữ kết hợp từ láy: Thỏ thẻ rừng mai, lững lờ khe Yến => Vừa nhấn mạnh vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng của thiên nhiên vừa tạo cảm xúc thư thái của nhà thơ.
+ Phép nhân hóa: ‘Chim cúng trái, cá nghe kinh => Một vật nơi đây đều có linh hồn, cả chim ,cá cũng sống đời sống nội tâm sâu sắc, hướng thiện.
Câu 6 : Nhận xét về vai trò của vần và nhịp trong bài thơ.
Gợi ý trả lời: Bài thơ được viết theo thể hát nói, thể thơ dân tộc. Với thể loại này quy định về số tiếng, cách gieo vần, ngắt nhịp tương đối tự do
- Cách gieo vần: Bài thơ gieo cả vần lưng và vần chân, cách gieo linh hoạt, kết hợp đã tạo nên sự hài hoà trong mạch thơ, cả bài thơ gắn kết, dễ nhớ, dễ diễn xướng (hát nói)
- Nhịp điệu: Số chữ trong câu tự do nên cách ngắt nhịp cũng linh hoạt. Thường thấy ở câu 7 chữ là 3/4 hoặc 4/3 “Vẳng bên tai/ một tiếng chày kình”. Tuy nhiên vẫn có những sự thay đổi theo cảm xúc trở thành cách ngắt nhịp 1/2/2/2 “Kìa /non non/ nước nước/ mây mây”, hoặc 2/2/3 “Thỏ thẻ /rừng mai /chim cúng trai”
Câu 8 chữ ngắt nhịp đều 4/4 “Này suối Giải Oan/ này chùa Cửa Vọng”. Cũng có lúc thay đổi nhịp thành 3/2/3 “Khách tang hải/ giật mình/ trong giấc mộng”
- Sự thay đổi trong nhịp thơ tác động đến giọng điệu chung của bài thơ cũng thay đổi theo từng phần. Phần đầu giọng điệu thơ đầy háo hức, say mê khi đứng trước cảnh đẹp trần gian. Phần hai giọng thơ ngạc nhiên, thích thú, dồn dập khi được khám phá từng nét đẹp bày ra. Phần ba trở về giọng trầm lắng, chiêm nghiệm.
Câu 7 : Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn về một cảnh đẹp khác trên đất nước ta mà bạn có dịp đến tìm hiểu qua sách báo hoặc đến thăm.
Gợi ý trả lời: Cảnh đẹp sông nước Ninh Kiều, Cần Thơ
Xuôi theo dòng chảy sông Tiền, sông Hậu, hãy ghé miền đất Tây Đô thơ mộng nằm nghiêng mình đoạn giao nhau giữa sông Hậu và sông Cần Thơ, Bến Ninh Kiều như một cô giá Tây Nam bộ mặc chiếc áo bà ba tím đợi chờ lữ khách thập phương. Không phải đẹp ở nét đẹp kỳ vĩ, cổ kính, bến Ninh Kiều đẹp ở sự giao hoà giữa tình đất, tình người. Nơi đây với đặc thì sông nước hữu tình nên bến Ninh Kiều nổi tiếng là bến nước trong câu chuyện về một vị vua đi ngang qua nghe văng vẳng câu hò, tiếng hát rồi đặt tên gọi Cầm Thi giang. Những chuyến đò ngang, đò dọc kết nối hai bờ xưa, nghe rạt rào tiếng sóng gợi lên nỗi lòng bình yên trước nụ cười cô gái miền Tây. Đây cũng là nơi đặt bức tượng Bác Hồ cao 7,2 mét, với gương mặt Người được tạc vào lòng nhân dân Nam Bộ một tình yêu mến thiêng liêng. Những đêm trăng lên, gió ngoài sông thổi vào nhè nhẹ, cùng nắm tay người thân rảo bước dọc bến sông qua Cầu đi bộ, dừng chân ngắm cảnh bên kia sông Cần Thơ lấp lánh ánh đèn để thấy một vùng văn hoá đồng bằng sông Cửu Long thu lại ở góc trời này.