ĐỌC MỞ RỘNG THEO CHỦ ĐỀ
BUỔI HỌC CUỐI CÙNG
An – phông – xơ – Đô – đê
Hướng dẫn đọc
Câu 1. Tóm tắt câu chuyện trong văn bản trên.
Gợi ý trả lời:
Câu chuyện kể về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát qua lời kể của cậu học trò Phrăng. Sáng hôm ấy, Phrăng đến lớp muộn và ngạc nhiên khi thấy lớp học có vẻ khác lạ hơn mọi khi. Lúc nghe thầy nói đây là buổi học cuối cùng, câu đã rất bàng hoàng. Phrăng đã ân hận, hối tiếc khi trước đây mình ham chơi và bây giờ vẫn chưa thạo tiếng Pháp. Buổi học diễn ra trang nghiêm lạ thường khi có cả các cụ già trong làng đến dự. Thầy Ha – men đã cố gắng truyền dạy những điều về tiếng Pháp và tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ bằng thái độ trìu mến, kiên nhẫn. Kết thúc buổi học, thầy nghẹn ngào không nói nên lời, thầy cố viết thật to lên bảng: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM“.
Câu 2. Xác định chủ đề và thông điệp của văn bản. Theo bạn, nhan đề Buổi học cuối cùng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của văn bản?
Gợi ý trả lời:
- Chủ đề: Tình yêu tiếng nói dân tộc, tình yêu đối với tổ quốc
- Thông điệp: Mỗi con người đều có sự gắn bó máu thịt với ngôn ngữ dân tộc mình, quý trọng tiếng mẹ đẻ cũng là yêu đất nước, nắm giữ cho mình chìa khoá tự do. Hãy biết trân trọng thời gian hiện tại để học tập, làm việc vì chẳng ai có thể biết được ngày mai mình còn bao nhiêu thời gian nữa để hoàn thành.
- Nhan đề Buổi học cuối cùng đã nói lên được chủ đề chính và thông điệp mà tác giả muốn đề cập đến.
Câu 3. Câu chuyện về buổi học cuối cùng được kể qua điểm nhìn của ai? Việc sử dụng điểm nhìn ấy mang lại ưu thế gì cho việc kể lại câu chuyện?
Gợi ý trả lời:
- Câu chuyện về buổi học cuối cùng được kể qua điểm nhìn của nhân vật Phrăng.
- Điểm nhìn này tạo sự chân thật, sinh động khi nhân vật kể chuyện là nhân vật tham gia câu chuyện. Bằng những cảm nhận, sự thay đổi tâm trạng của Phrăng, một cậu bé vừa nhận ra bài học quan trọng đời mình, thông điệp sẽ đến với người đọc tự nhiên bằng con đường tình cảm.
Câu 4. Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng
Gợi ý trả lời:
– Thái độ đối với học sinh: Thầy ân cần giảng dạy, không quát mắng cũng không trách phạt trò nào, thầy dịu dàng, cử chỉ nhẹ nhàng kiên nhẫn, chuẩn bị bài giảng chu đáo.
– Những lời giảng của thầy về tiếng Pháp: thầy rất chú tâm trong việc truyền thụ kiến thức về ngôn ngữ dân tộc mình cho học trò. Với thầy, tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất. Thầy ca ngợi vai trò của tiếng nói mẹ đẻ với sự sống còn của dân tộc: “khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù”.
– Thầy chỉ ra hạn chế của bản thân và mọi người: Thầy đã từng vì thú vui câu cá mà cho học trò nghỉ học. Phụ huynh còn chưa tha thiết với việc cho con đi học. “Tất cả chúng ta ai cũng có phần đáng tự chê trách”.
– Hành động, cử chỉ lúc buổi học kết thúc: xúc động mạnh, người tái nhợt, nghẹn ngào, không nói được hết câu, nhưng đã dồn sức để viết lên bảng dòng chữ thật to: “Nước Pháp muôn năm”.
=> Thầy Ha – men là người thầy gắn bó với nghề, yêu nghề, ý thức sâu sắc về tiếng nói dân tộc và sâu sắc một tình yêu tổ quốc.
Câu 5. Kết thúc câu chuyện gợi cho bạn suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa ngôn ngữ dân tộc và lòng yêu quê hương, đất nước?
Gợi ý trả lời:
Lòng yêu quê hương, đất nước bắt nguồn từ tình yêu tiếng nói dân tộc. Tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ chính là biểu hiện quan trọng nhất của tình yêu quê hương, đất nước. Ai sinh ra, lớn lên mà chẳng thấm đẫm tiếng nói quê mình từ giọng điệu, nhịp bổng trầm qua lời ru của mẹ. Cũng từ tình yêu ngôn ngữ mà chúng ta mới biết quý trọng thế nào là tự do, tự cường khi chúng ta có đầy đủ bằng chứng rằng mình là một dân tộc có nền văn hoá lâu đời. Trải qua bao thời kỳ lịch sử, ông cha ta quyết tâm giữ gìn tiếng nói quê hương, kẻ thù có thể đồng hoá chúng ta trong nhiều phương diện nhưng một thế kỉ nô lệ không khiến chúng ta đánh mất tiếng nói của mình. Và đó chính là chiếc chìa khoá chốn lao tù. Ngày nay, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đem tiếng Việt đi khắp nơi thế giới là trách nhiệm của mỗi chúng ta, những con người biết yêu quê hương, sống gắn bó với quê hương, đất nước.